Lưu gữi Văn Hóa Đông Sơn trên Sứ Việt – Sứ Chu Đậu Hải Dương
Văn hóa Đông Sơn là một trong những nền văn hóa có sức ảnh hưởng lớn nhất trong vùng nam Đông Á và Đông Nam Á trong thời kỳ đồ đồng, bên cạnh đó trống đồng Đông Sơn cũng là một trong những hiện vật nổi tiếng và quan trọng nhất của văn hóa Đông Á và Đông Nam Á trong khoảng hơn 2 thiên niên kỷ gần đây. Sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng rộng lớn của văn hoá trống đồng, đã góp phần tạo nên những cuộc tranh luận khá sôi nổi về nguồn gốc của trống đồng trong giới học thuật quốc tế.
Trong bối cảnh đó, ở thời điểm nửa sau của thế kỷ trước, đã diễn ra tranh luận về nguồn gốc trống đồng của các học giả Việt Nam và Trung Hoa. Cuộc tranh luận gây ra bầu không khí khá gay gắt của các học giả hai nước, tuy nhiên chúng tôi cho rằng các nhà nghiên cứu Việt Nam và Trung Quốc chưa tiếp cận vấn đề một cách toàn cảnh, cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu hai nước có yếu tố chủ nghĩa quốc gia, dân tộc, chưa nhìn nhận vấn đề dưới thực tế lịch sử trong thời kỳ trống đồng xuất hiện và phát triển.
Cuộc tranh luận về nguồn gốc của trống đồng không thực sự cần thiết, vì nhìn nhận một cách tổng quan, chúng ta có thể nhận thấy trống đồng là hiện vật thuộc sở hữu chung của cộng đồng tộc Việt hay Bách Việt được ghi nhận trong lịch sử Trung Hoa, các cư dân có nguồn gốc tộc Việt đều là chủ nhân của văn hóa Đông Sơn, sự hiện diện trống đồng và văn hóa Đông Sơn trên đúng địa bàn sinh sống trong khắp vùng phía nam sông Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam là cơ sở cho chúng ta thấy được điều đó.
Về vấn đề văn hóa Đông Sơn cũng như vậy, văn hóa Đông Sơn cũng là nền văn hóa chung của cộng đồng tộc Việt, thuộc sở hữu chung của cộng đồng tộc Việt, qua việc khảo cứu kỹ lưỡng các tài liệu khảo cổ, chúng ta sẽ thấy rằng đặc trưng văn hóa này xuất hiện trong hầu hết các địa bàn có các cư dân tộc Việt sinh sống. Tuy nhiên về vấn đề nguồn gốc và trung tâm của văn hóa Đông Sơn trong thời kỳ tồn tại của nó, cũng như trung tâm của văn hóa trống đồng, là những vấn đề có thể xác định thông qua các tài liệu nghiên cứu khoa học, hiện tại cũng đã có một số nghiên cứu cho chúng ta thấy được trung tâm của văn hóa trống đồng và văn hóa Đông Sơn là ở đâu.
Chúng tôi không kỳ vọng rằng bài viết của mình sẽ giải quyết được một cách dứt khoát vấn đề nguồn gốc của trống đồng và văn hóa Đông Sơn, nhưng qua việc tiếp cận các bằng chứng khoa học khách quan, chúng ta sẽ có đủ cơ sở kết luận và tiến gần nhất tới sự thật về nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn và nguồn gốc của trống đồng, từ đó có cái nhìn tổng quan nhất về một vấn đề rất quan trọng trong không gian về nguồn gốc người Việt này.
Văn hóa Đông Sơn là một thuật ngữ bao hàm sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn trong khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á, bên cạnh đó, văn hóa Đông Sơn cũng được hiểu trong một phạm vi nhỏ hơn là nền văn hóa với các hiện vật văn hóa thời kỳ đồ đồng được tìm thấy tại vùng miền Bắc Việt Nam. Thuật ngữ văn hóa Đông Sơn đã được các nhà nghiên cứu đầu ngành xác định, không gian văn hóa Đông Sơn không chỉ bó hẹp trong vùng miền Bắc Việt Nam, mà còn bao trùm những vùng có các cổ vật mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn.
Heine Geldern xác định về phạm vi của văn hóa Đông Sơn như sau:“Tôi đề nghị hiểu dưới thuật ngữ văn hóa Đông Sơn tất cả các văn hóa thời đại đồng thau đã biết ở Vân Nam, Đông Dương và Indonesia, dầu biết rằng những nghiên cứu tương lai có thể cho chúng ta nhận ra giữa những nhóm văn hóa đó những nhóm địa phương khác biệt, những trật tự và niên đại khác nhau.” (Heine Geldern 1937: 186)
Giáo sư Phạm Huy Thông (1990:272), người đứng đầu Viện Khảo cổ học Việt Nam trong những năm 1967 – 1988, đã đề xuất quan điểm cho rằng văn hóa Đông Sơn có phạm vi phân bố bao gồm vùng nam Đông Á và miền Bắc Việt Nam: “với vùng trung du sông Hồng là trung tâm, phía Nam tới tận xứ Quảng, phía Bắc không xa hồ Động Đình gồm Vân Nam và Lưỡng Quảng của Trung Hoa”. [1]
Về sở hữu của vùng văn hóa Đông Sơn lớn trong vùng nam Đông Á và Đông Á, về cơ bản có thể xác định rằng văn hóa Đông Sơn thuộc về sở hữu chung của cộng đồng tộc Việt, mỗi vùng sẽ có những dân tộc hậu duệ còn tồn tại tới ngày nay, họ chính là những chủ nhân của các di chỉ Đông Sơn tại các vùng đó. Nhưng về nguồn gốc và trung tâm của văn hóa Đông Sơn, chúng ta cần phải tìm hiểu sâu hơn thông qua các nghiên cứu khoa học về khảo cổ, nhân chủng và di truyền.
Về nguồn gốc, thì văn hóa Đông Sơn tại Việt Nam và tiền thân của nó là văn hóa Phùng Nguyên được xác định là có nguồn gốc từ vùng nam Đông Á di cư về Việt Nam vào khoảng 4000 năm và 2700 năm trước theo các nghiên cứu di truyền [2][3], đây không phải là các văn hóa có nguồn gốc bản địa như đề xuất của các nhà nghiên cứu Việt Nam.
Những đặc trưng về hoa văn, cổ vật của văn hóa Đông Sơn có thể tìm về nguồn gốc từ một văn hóa khác trong vùng miền Bắc Việt Nam trong cuối thời kỳ đá mới, đó là văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đông Sơn được kế thừa qua các giai đoạn từ văn hóa Phùng Nguyên trên rất nhiều loại hình cổ vật, các hoa văn Đông Sơn cũng kế thừa trực tiếp từ văn hóa này, hầu hết các hoa văn trên trống đồng đều có thể tìm nguồn gốc trong văn hóa Phùng Nguyên.
(Nguồn: Lược Sử Tộc Việt Nam)
Tags: trống đồng Đông Sơn