MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 27.100 đồng/cp

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động xây lắp của PC1 đạt 3.367 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước và đạt 57% kế hoạch cả năm. Sản lượng thực hiện đạt 4.166 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ và đạt 63% kế hoạch năm. Công ty giải thích do các dự án năng lượng tái tạo cùng kỳ năm trước thực hiện rất lớn để được hưởng giá điện ưu đãi trước 31/10/2021. Bên cạnh đó Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt, các dự án điện chuyển tiếp chưa có giá điện mới nên tiến độ đầu tư chậm. Doanh thu cả năm 2022 dự kiến đạt 5,048 tỷ đồng, bằng 75% của năm 2021 và đạt 86% kế hoạch đặt ra.

MBS khuyến nghị mua cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu 27.100 đồng/cp

Giá trị hợp đồng ký mới đến hết tháng 10.2022 đạt 8.047 tỷ đồng, cùng với giá trị hợp đồng chuyển tiếp từ 2021, giá trị backlog chuyển sang năm 2023 là khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới công ty tiếp tục tìm kiếm các dự án đầu tư mới trong và ngoài nước, mở rộng các linh vực và sản phẩm mới (dự báo công suất, OCC, BESS, hệ thống thi công cáp ngầm biển…).

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp đạt 558 tỷ đồng doanh thu, tăng 77% so với cùng kỳ và đạt 64% kế hoạch cả năm. Dự kiến doanh thu cả năm đạt 850 tỷ đồng, tăng 31% so với 2021 và hoàn thành 97%. Giá trị hợp đồng mới cả năm dự kiến đạt 687 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch cả năm, công ty tiếp tục phát triển tìm kiếm các hợp đồng tại các thị trường mới đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào…

Nguồn: BCTC của PC1 TTNC MBS tổng hợp Nguồn: BCTC của PC1 TTNC MBS tổng hợp

Sản xuất điện là động lực đóng góp vào tăng trưởng kết quả kinh doanh trong năm 2022

Sản lượng điện trong quý 3 đạt 317 triệu kwh, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 831 triệu kwh, tăng mạnh 122% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng thủy điện đạt 564 triệu kwh, tăng 51% và hoàn thành 96% kế hoạch cả năm. Sản lượng điện gió đạt 267 triệu kwh trong khi cùng kỳ năm trước chưa có. Trong quý 3, sản lượng điện gió chỉ đạt 49 triệu kwh so với mức 218 triệu của 6 tháng đầu năm, theo trao đổi từ công ty, quý 3 là thấp điểm của điện gió và công ty cũng thực hiện bảo dưỡng định kỳ các tuabin gió trong kỳ. Tổng sản lượng điện cả năm vẫn vượt kế hoạch 1.047 triệu kwh do sản lượng thủy điện tốt.

Doanh thu bán điện trong quý 3 đạt 192 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ nhưng giảm 31% so với quý 2 do sản lượng điện gió đạt thấp khi công ty thực hiện bảo trì các tuabin gió. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu sản xuất điện đạt 1.244 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận gộp sản xuất điện quý 3 đạt 129 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 678 tỷ đồng, tăng 154%, biên lợi nhuận gộp đạt 54,5% so với mức 53,2% cùng kỳ 2021.

Chi phí tài chính cho các dự án điện trong kỳ tăng mạnh một phần do biến động tỷ giá trong kỳ, riêng trong quý 3, chi phí biến động tỷ giá là 101 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng là 179 tỷ, công ty đang có dự nợ dài hạn giá trị 173 triệu USD cho 3 nhà máy điện gió.

Triển vọng từ dự án PCC1 Vĩnh Hưng và PCC1 Thăng Long

Hai dự án thấp tầng là Định Công và Yên Thường tại Hà Nội đã không kịp thực hiện đầu tư và kinh doanh trong năm 2022, sẽ được chuyển tiếp sang 2023. Đây là 2 dự án có quy mô doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến là khoảng 300 tỷ đồng.

Các dự án có quy mô lớn hơn là dự án PCC1 Vĩnh Hưng và PCC1 Thăng Long tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý để có thể thực hiện đầu tư trong năm 2023 và dự kiến sẽ mang lại kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2024-2025.

Trong chiến lược phát triển lĩnh vực bất động sản, công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư dự án bất động sản với các dự án có quy mô lớn hơn, diện tích từ 1-50ha, giá trị đầu tư từ 1.000-10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2025.

Trong năm 2022, công ty đã gia tăng đầu tư lên 1.110 tỷ đồng để sở hữu 30,08% vốn điều lệ của Cổ phần của Công ty PC Western Pacific (WP). Công ty WP là doanh nghiệp phát triển bất động sản Khu công nghiệp và Logistic, hiện tại công ty đang thực hiện các dự án đầu tư Khu Công nghiệp tại Bắc Ninh và Hà Nam. Dự án Khu công nghiệp Yên Phong 2A hiện đang được đầu tư cơ sở hạ tầng, tổng giá trị đầu tư dự kiến khoảng 1.700 tỷ đồng, sẽ được thực hiện đồng bộ và dự kiến đi vào kinh doanh từ giữa năm 2023. Hiện nay đã có các nhà đầu tư quan tâm thuê đất với giá cho thuê từ 130 usd/m2/kỳ cho thuê.

Trong tháng 7/2022 quyết định mua lại 100% vốn tại Nomura Asia Investment (Vietnam) Pte.Ltd (NAIV), công ty sở hữu 70% vốn công ty Công nghiệp Nomura Hải Phòng. Đến tháng đầu tháng 11, công ty đã hoàn thành các thủ tục bàn giao và sở hữu công ty. Dự kiến sẽ đóng góp trên 600 tỷ doanh thu mỗi năm từ các dịch vụ quản lý, cung cấp điện nước và xử lý nước thải.

Lĩnh vực khoáng sản hứa hẹn tiềm năng to lớn

Dự án đầu tư Với việc gia tăng sở hữu tại Công ty CP khoáng sản Tấn Phát lên 57,3%, công ty sẽ tham gia vào lĩnh vực khai thác khoáng sản với dự án khai thác và chế biến Nickel- Đồng tại xã Quang Trung/Hà trì, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Hiệu quả dự án được xác định ở mức IRR 18%, với giả thiết giá Ni ở mức 18.000-19.000 usd/tấn. Hiện nay giá Ni đạt mức 25.000-28.000 usd/tấn sau khi đã tăng mạnh lên 40.000-45.000 usd/tấn trong tháng 3/2022. Sau khi hoàn thành xây dựng, chạy thử và hiệu chỉnh, dự kiến nhà máy sẽ có sản phẩm thương mại từ giữa năm 2023.

Sản phẩm của nhà máy là tinh quặng Nickel – Đồng, với hàm lượng Ni trong khoảng từ 3,5%-7,5% theo nhu cầu của thị trường, đáp ứng linh hoạt nhu cầu đối với từng nhóm khách hàng. Giá trị đầu tư vào dự án đến tháng 9/2022 đạt 1.359 tỷ đồng, hoàn thành 81% kế hoạch. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành và chạy thử trong quý 4/2022 và sẽ có sản phẩm thương mại từ đầu năm 2023.

Giá Nickel đã tăng 25% trong năm 2021 lên mức 21.000 usd/tấn, cao nhất trong 7 năm qua và đặc biệt có thời điểm tăng mạnh lên mức 48,000 usd/tấn khi xung đột Nga- Ucraine nổ ra. Hiện tại giá Nickel đang được giao dịch ở mức từ 24.500-26.000 usd/tấn. Cơ cấu sử dụng Nickel trên thế giới hiện nay là khoảng 70% được dùng để sản xuất thép không gỉ, 17% được dùng để làm “siêu hợp kim” và 7% được dùng trong công nghiệp mạ, còn lại được ứng dụng trong các lĩnh vực khác, như: pin sạc (4%), chất xúc tác và các hóa chất khác, đúc tiền, sản phẩm đúc và đồng bảng kim loại.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất thép không gỉ đang tăng trưởng, tiêu thụ niken dự kiến sẽ tăng đều đặn trong giai đoạn sắp tới (từ 2.4 triệu tấn vào năm 2019 lên 2,8 triệu tấn vào năm 2025) với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khoảng 2.2% một năm. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng Nickel trong lĩnh vực sản xuất xe điện cũng tăng trưởng mạnh trong 10 năm gần đây, do Nickel được dung để sán xuất điện cực Pin xe điện. Dự báo của Roskill cho thấy tỷ lệ sử dụng Nickel cho sản xuất Pin xe điện sẽ tăng từ 4% năm 2019 lên mức 20% trong tổng 3,69 triệu tấn vào năm 2030.

Lợi nhuận kinh quý 3 suy giảm mạnh

Doanh thu quý 3 đạt 3.006 tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ 2021. Doanh thu sản xuất điện và sản xuất công nghiệp lần lượt tăng 146% và 59%, ngược lại, doanh thu lĩnh vực xây lắp và bất động sản tiếp tục giảm 13% và 30%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu đạt 5,995 tỷ đồng, bằng 78% cùng kỳ năm trước và hoàn thành 54.5% kế hoạch cả năm. Doanh thu xây lắp đạt 3,367 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch và bằng 60% cùng kỳ, doanh thu sản xuất điện đạt 1,244 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch và tăng mạnh 148% cùng kỳ 2021.

Nguồn: BCTC của PC1 TTNC MBS tổng hợp Nguồn: BCTC của PC1 TTNC MBS tổng hợp

Lợi nhuận gộp quý 3 đạt 396 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận gộp đạt 1,091 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ 2021, trong đó lợi nhuận gộp lĩnh vực sản xuất điện đạt 678 tỷ đồng, tăng mạnh 154% và chiếm 62% tổng lợi nhuận gộp của công ty.

Lợi nhuận trước thuế quý 3 đạt 47 tỷ đồng, giảm mạnh 75% do doanh thu giảm và đặc biệt chi phí tài chính tăng mạnh 219%. Lũy kế 9 tháng 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng, giảm mạnh 56% so với cùng kỳ 2021. Trong kỳ 9 tháng, chi phí tài chính tăng mạnh 173% lên mức 601 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 411 tỷ đồng, tăng 88%.

Khoản vay nợ 170 triệu USD cho đầu tư 3 nhà máy điện gió bị ảnh hưởng nặng bởi biến động tỷ giá, lũy kế 9 tháng chi phí tỉ giá là 179 tỷ đồng, mặc dù vậy, đây là chi phí hạch toán và chưa thực hiện nên không ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động của công ty. Mặt khác, đồng USD tăng giá cũng làm cho doanh thu bán điện hàng năm của công ty tăng lên bởi giá bán điện tính bằng đồng USD và việc vay vốn bằng đồng USD với lãi suất rất hấp dẫn với 5,2% trong suốt 15 năm là một lợi thế lớn và làm tăng hiệu quả kinh doanh của công ty.

Tình hình tài chính cơ bản ổn định

Đến cuối tháng 9/2022 tổng tài sản đạt 21.277 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Tài sản dài hạn đạt 13.048 tỷ đồng, chiếm 61%, tài sản ngắn hạn đạt 8,229 tỷ đồng, chiếm 39%. Phân chia theo lĩnh vực kinh doanh, tài sản lĩnh vực sản xuất điện đạt 10.265 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng tài sản với 48.2%. Trong năm qua, tài sản sản xuất điện đã tăng 116% từ 4.852 tỷ lên 10,476 tỷ đồng.

Bên nguồn vốn, nợ phải trả tăng 19% lên 14.725 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nguồn, Vốn chủ sở hữu tăng 4% lên mức 6.552 tỷ đồng và chiếm 31% tổng nguồn vốn. Vay nợ ngắn và dài hạn tổ chức tín dụng và trái phiếu đạt 11.438 tỷ đồng, trong đó vay nợ ngắn hạn đạt 3.190 tỷ đồng (+14%), vay nợ dài hạn đạt 7.070 tỷ đồng và 1.178 tỷ đồng trái phiếu phát hành trong năm 2022 có thời hạn 5 năm. Công ty đạt được gói vay ưu đãi lãi suất cho dự án đầu tư năng lượng sạch xanh giá trị 170 triệu usd từ các tổ chức tài chính quốc tế tại 3 dự án điện gió, thời hạn vay là 15 năm, lãi suất cố định từ 4m65%-5m02% và Libor 3 tháng thả nổi cộng biên độ.

Triển vọng kinh doanh PC1 năm 2023 sẽ sáng sủa hơn

Kế hoạch doanh thu cả năm 2022 của PC1 là 11.003 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 675 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, PC1 đã thực hiện được 5,995 tỷ đồng doanh thu và 252 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt đạt 54,5% và 38,4% kế hoạch. Lợi nhuận giảm do chi phí tài chính tăng mạnh từ lãi vay và đặc biệt bị ảnh hưởng của tỷ giá.

Hoạt động sản xuất điện có kết quả kinh doanh vượt trội với doanh thu đạt 1.244 tỷ đồng, tăng mạnh 148%, trong khi đó, hoạt động xây lắp là lĩnh vực mang lại doanh thu lớn nhất vẫn gặp khó khăn do các dự án mới chậm triển khai, doanh thu đạt 3.367 tỷ đồng, bằng 60% cùng kỳ và đạt 57% kế hoạch cả năm. Lĩnh vực bất động sản cũng không đạt được kế hoạch khi các dự án vẫn chưa được cấp phép thực hiện.

Nguồn: PC1, TTNC MBS tổng hợp và dự báo Nguồn: PC1, TTNC MBS tổng hợp và dự báo

Dự báo doanh thu năm 2022 đạt mức 8.950 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 418 tỷ đồng, lần lượt bằng 91% và 47% của năm 2021. Nếu bỏ qua doanh thu tài chính 2021 và ảnh hưởng tỷ giá, lợi nhuận kinh doanh cốt lõi năm 2022 của công ty vẫn có sự tăng trưởng 21%.

Triển vọng kinh doanh của công ty năm 2023 cơ bản sẽ sáng sủa hơn bởi: 1) hoạt động xây lắp điện dự kiến sẽ sối động trở lại nhờ Quy hoạch điện 8 sớm được phê duyệt, có giá điện mới cho các dự án năng lượng tái tạo; 2) Các dự án bất động sản chuyển tiếp được phê duyệt thực hiện từ cuối 2022; 3) Nhà máy khai thác và chế biến quặng Nickel đi vào hoạt động thương mại từ đầu năm 2023.

Dự báo doanh thu năm 2023 đạt khoảng 11.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 810 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 93% so với 2022.

Kết hợp các Phương pháp định giá từng phần các lĩnh vực hoạt động khác nhau của công ty, chúng tôi xác định giá trị cổ phiếu ở mức 27.100 đồng/cp, khả năng tăng giá so với hiện tại là 58,4%.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.