MÔ HÌNH XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP – Công ty TNHH Tư vấn Quản lý OD Click

MÔ HÌNH XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

1. Tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp

Hiện nay, văn hóa doanh nghiệp luôn tồn tại trong mỗi tổ chức, nó có thể là cách bài trí văn phòng, trang phục, cơ chế hoạt động của tổ chức, các quy định, lễ nghi, ứng xử công ty. Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp mang bản chất văn hóa doanh nghiệp “mạnh” thì ít doanh nghiệp nào có. Một nền văn hóa doanh nghiệp “mạnh” là sự thấu hiểu và cam kết chặt chẽ với các giá trị cốt lõi, kiểm soát hành vi cao, đồng thuận cao và ổn định. Thực chất, văn hóa doanh nghiệp rất quan trọng. Chúng tạo nên sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tạo dấu ấn kinh doanh để phân biệt với các doanh nghiệp khác. Một doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp “mạnh” sẽ tạo cho mình sự ngưỡng mộ từ khách hàng, thị trường, đối thủ và phát triển bền vững. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đạt được những yếu tố trên là ít doanh nghiệp có được.

Văn hóa doanh nghiệp hay còn gọi là văn hóa tổ chức là tồn tại tự nhiên. Sau xây dựng văn hóa doanh nghiệp là đến bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp “mạnh” tạo nên hiệu quả kinh doanh và sự ngưỡng mộ khách hàng. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng tương tự như việc trồng cây bonsai. Nó là cả một quá trình mà xuất phát điểm là việc chọn giống tốt. Giống tốt thì cây mới được đà, có lực để phát triển. Việc tuyển dụng trong doanh nghiệp cũng vậy, chất lượng đầu vào của quá trình tuyển dụng rất quan trọng. Đó là tiền đề của những nhân tài gắn bó với công ty sau này.

Thứ hai đó là việc nuôi rễ, nó cũng giống như việc hội nhập, định hướng cho nhân viên. Việc này rất quan trọng, nhân viên làm việc có định hướng rõ ràng giúp cho họ có thể hiểu được văn hóa công ty, nắm vững chiến lược của công ty và có những động lực phát huy hết khả năng của mình.

Thứ ba đó là việc tưới nước. Nếu như nước là nguồn sống của cây, không có nước cây sẽ héo dần và chết đi thì vai trò đào tạo, truyền thông nội bộ cũng vậy. Trong doanh nghiệp, đào tạo, truyền thông nội bộ sẽ giúp cung cấp cho nhân viên nguồn dinh dưỡng để hòa nhập với tổ chức.

Thứ tư là sự quang hợp, ánh sáng cũng rất cần cho cây phát triển, cũng giống như trong doanh nghiệp, lãnh đạo luôn là tấm gương để nhân viên noi theo, tạo động lực cho nhân viên. Yếu tố thành công của xây dựng văn hóa chính là bản thân người lãnh đạo hiểu rõ doanh nghiệp, hiểu rõ định hướng và đóng vai trò chủ động, không những nuôi dưỡng văn hóa trong tổ chức mà còn tuyển dụng những người phù hợp với văn hóa để văn hóa doanh nghiệp không bị pha loãng.

Thứ năm là nuôi ngọn, ngọn cây tươi tốt càng ngày càng vươn cao cũng giống như cán bộ quản lý trong tổ chức. Việc quy hoạch, phát triển đội ngũ quản lý trong tổ chức cũng là điều cần thiết để hướng đến sự phát triển của tổ chức.

Thứ sáu là uốn tỉa, khi cây phát triển thì việc uốn tỉa, tạo hình cho cây là điều cần thiết, cắt bỏ những cành lá không cần thiết và uốn thành hình đẹp như mong muốn cũng giống như việc bố trí sản xuất, đánh giá, sa thải, hay thay thế nhân viên. Sự thừa thãi, rườm rà trong doanh nghiệp là điều tối kị nhất, nó làm cho doanh nghiệp không phát triển được.

Cuối cùng là chăm sóc, định hình thế cây – là yếu tố tạo nên đặc trưng của cây bonsai. Doanh nghiệp cũng vậy, định hình văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi của mỗi tổ chức.

Chính vì thế, văn hóa doanh nghiệp phải thể hiện được đặc trưng riêng, thể hiện qua những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, cách ứng xử, tư duy và hành động của các thành viên. Từ đó, OD CLICK rút ra định nghĩa văn hóa doanh nghiệp như sau:  “Văn hóa doanh nghiệp là tập hợp các giá trị chuẩn mực và niềm tin, được tích lũy trong quá trình doanh nghiệp tương tác với môi trường bên ngoài và hội nhập môi trường bên trong, các giá trị và chuẩn mực này đã được tích lũy qua thời gian và được truyền đạt cho những thành viên mới như cách thức đúng đắn để thực hiện công việc”.

2. Mô hình phát triển văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của công ty, nó phát triển song song với quá trình hình thành doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có chức năng là tạo dựng sự gắn kết nội bộ, hướng đến sự hòa nhập và giúp doanh nghiệp thích ứng thay đổi môi trường, tạo nên sức mạnh bên trong tập thể, bên trong mỗi cá nhân. Vì vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp với tổ chức là điều cần thiết. OD CLICK xây dựng mô hình phát triển văn hóa doanh nghiệp như sau:

Hình 1: Mô hình phát triển văn hóa doanh nghiệp

 

3. Cấu trúc của văn hóa doanh nghiệp

Thực chất, văn hóa doanh nghiệp không phải là những gì quá mơ hồ, quá trừu tượng, nó có thể đo lường được bằng các công cụ, mô hình đánh giá. Chúng ta có thể điểm qua một số mô hình được sử dụng phổ biến:

3.1 Mô hình 3 cấp độ văn hóa của Edgar Schein

Mô hình của E.Schein tập trung vào 3 cấp độ văn hóa đi từ hữu hình đến vô hình được mô tả theo 3 cấp độ. Theo Schein, văn hóa doanh nghiệp là tập hợp các giá trị, chuẩn mực và niềm tin căn bản được tích lũy trong quá trình doanh nghiệp tương tác với bên ngoài và hòa nhập với môi trường bên trong, các giá trị chuẩn mực này đã được xác lập qua thời gian. E. Schein đã đưa ra cấu trúc văn hóa doanh nghiệp có thể được mô hình hóa thành 3 nhóm cấp độ: Cấu trúc hữu hình; Các giá trị công bố; Các quan niệm ngầm định. Mô hình văn hóa tổ chức của E.Schein cung cấp các điểm tham chiếu để tạo ra sự thay đổi văn hóa, giúp khảo sát đánh giá văn hóa doanh nghiệp mang tính logic, tư duy. Cách đánh giá theo mô hình E. Schein này khá đơn giản và rất dễ thực hiện, phù hơp với doanh nghiệp có ít thời gian và ngân sách dành cho việc tìm hiểu văn hóa của doanh nghiệp mình.

Hình 2: Ba mô hình cấu trúc văn hóa doanh nghiệp

3.2 Mô hình cấu trúc văn hóa doanh nghiệp của Hofstede và Mankov (2010)

Quản lý các tổ chức quốc tế liên quan đến sự hiểu biết các nền văn hóa quốc gia và tổ chức. Đây là mô hình được đánh giá cao về sự phân chia, phù hợp với tư duy tổng hợp văn hóa doanh nghiệp và tư duy dân tộc. Chúng là một công cụ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan, hiểu được sự khác biệt về văn hóa và là một cơ sở để phân loại văn hóa quốc gia, hữu ích trong việc giúp nhận thức những khác biệt của nhiều nền văn hóa khi công ty bắt đầu vươn ra quốc tế. Đồng thời xác định cái chúng ta kỳ vọng và làm cách nào để hành xử tương ứng với những sự đa dạng văn hóa này.

3.3 Mô hình cấu trúc văn hóa theo OD CLICK

Bốn nhiệm vụ quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp mà OD CLICK hướng tới là Sứ mệnh, Tầm nhìn, Giá trị cốt lõi và Không gian văn hóa. Văn hóa doanh nghiệp đảm bảo xây dựng con người văn hóa thông qua quản trị nhân lực: từ tuyển chọn, hội nhập tới phát triển. Theo đó mô hình này giúp chúng ta có cái nhìn trực quan đối với mỗi doanh nghiệp.

 

4. Đánh giá văn hóa doanh nghiệp

4.1. Tại sao cần phải đánh giá văn hóa doanh nghiệp

Nhiều người cho rằng văn hóa doanh nghiệp là một tài sản của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp giúp giảm xung đột, điều phối và kiểm soát, tạo động lực làm việc, tạo lợi thế cạnh tranh. Đánh giá văn hóa doanh nghiệp giúp rà soát được sự tương thích của văn hóa doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

Đánh giá văn hóa doanh nghiệp cũng giúp các nhà quản lý, lãnh đạo nắm được nền tảng thông tin quan trọng để đưa ra những giải quyết kịp thời mang đến lợi ích cả trong lẫn ngoài, tăng hiệu quả kinh doanh.

Nắm được nhu cầu, mối quan hệ của văn hóa doanh nghiệp từ 3 yếu tố cấu thành tam giác văn hóa đó là giá trị cá nhân, văn hóa định hướng và văn hóa thực tế. Giúp nhà quản trị có thể thu hẹp khoảng cách, hiểu và biết được những mảng tối sáng của văn hóa doanh nghiệp của từng nhóm văn hóa khác nhau và đưa ra chính sách nhằm giảm thiểu sự xung đột có thể xảy ra.

Đánh giá văn hóa doanh nghiệp theo mô hình đánh giá giúp đo được một vấn đề trừu tượng và định tính, giảm bớt sự cảm tính trong đánh giá, nhận xét và tăng sức mạnh quản lý của tổ chức.

4.2. Mô hình đánh giá

4.2.1 Mô hình đánh giá OCAI

Mô hình OCAI (Organisational Culture Assessment Instrument) là mô hình đánh giá đang được sử dụng phổ biến trên thế giới. Năm 2011, Quinn và Cameron đã xây dựng bộ công cụ chẩn đoán văn hóa doanh nghiệp OCAI. Bộ công cụ này đánh giá 6 yếu tố định hình văn hóa là: Đặc tính nổi bật của văn hóa doanh nghiệp, phong cách lãnh đạo, đặc điểm nhân viên, chất keo gắn kết tổ chức, chiến lược phát triển và tiêu chuẩn xác định thành công. Người trả lời các câu hỏi của OCAI phải chia 100 điểm trên tổng số 4 tiểu mục phù hợp với từng đại diện cho bốn loại văn hóa: Loại phong cách A cho thấy một nền văn hóa gia đình, loại phong cách B cho thấy một nền văn hóa sáng tạo, loại phong cách C cho thấy một nền văn hóa thị trường, loại phong cách D cho thấy một nền văn hóa cấp bậc. Từ kết quả phân tích, nhà lãnh đạo có thể nhận biết được văn hóa doanh nghiệp đang là loại hình nào, xác định được sự pha trộn bốn loại hình văn hóa đang thống trị trong một tổ chức, từ đó điều chỉnh phù hợp để phát triển bền vững.

Hình 3: Hai mô hình đánh giá văn hóa doanh nghiệp

4.2.2 Mô hình đánh giá văn hóa doanh nghiệp Denison

Có thể nói văn hóa doanh nghiệp là một vấn đề khó nắm bắt, vô hình và khó có thể cân đo đong đếm. Mô hình đánh giá văn hóa doanh nghiệp Denison 1990 với 4 nhóm yếu tố chính giúp phản ánh rõ nét văn hóa doanh nghiệp bao gồm: Sứ mệnh, tính nhất quán, sự tham gia và khả năng thích ứng. Tương ứng với bốn nhóm yếu tố là 12 giá trị cơ bản, từ đó xây dựng mẫu phiếu điều tra với 60 câu hỏi nhằm khảo sát ý kiến của các thành viên trong công ty về văn hóa doanh nghiệp, ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến hiệu quả hoạt động của công ty đồng thời đánh giá được thực trạng văn hóa doanh nghiệp tại công ty đó.

Đây là một trong những mô hình hữu ích trong việc xác định các yếu tố của văn hoá doanh nghiệp. Sử dụng mô hình của Denison chúng ta xác định được các chiều của văn hoá doanh nghiệp và sức ảnh hưởng của chúng đến tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong tổ chức. Mô hình này cũng chỉ ra rằng văn hoá doanh nghiệp cần phải thể hiện được hai tính chất đó là ổn định trong tầm nhìn, giá trị, sứ mệnh và linh hoạt trong cấu trúc, hoạt động. Văn hoá doanh nghiệp cần phải tập trung vào cả sự thích ứng với môi trường bên ngoài là thích ứng với khách hàng, thị trường, đối thủ cạnh tranh, cũng như sự kết hợp trong nội bộ, làm nhân viên hài lòng. 

 

5. KẾT LUẬN

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và cần thiết đối với quản trị doanh nghiệp. Nó là một quá trình tổng thể chứ không phải là việc đưa ra một giá trị đơn lẻ rời rạc, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các thành viên, đồng thời là những quyết định đúng đắn từ ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thành lập dưới 10 năm chỉ cần bám theo mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên để phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp thành lập trên 10 năm thì văn hóa doanh nghiệp đã được định hình nên cần đánh giá, nâng cao và phát triển văn hóa doanh nghiệp để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Với những nhận định và mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên, OD CLICK với sứ mệnh khơi dậy tiềm năng, giá trị, sức sáng tạo của các nhà lãnh đạo và tổ chức, vì sự phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn đồng hành với các doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp mạnh và bền vững, thành công.

 

Nguồn tham khảo:

https://odclick.com/chuyen-san/phan-tich-nganh/danh-gia-van-hoa-doanh-nghiep-trong-doanh-nghiep-nho-va-vua-viet-nam/

https://odclick.com/chuyen-san/phan-tich-nganh/danh-gia-van-hoa-doanh-nghiep-trong-doanh-nghiep-nho-va-vua-viet-nam/

https://odclick.com/chuyen-san/cong-cu/khao-sat-van-hoa-doanh-nghiep-bang-mo-hinh-denison/

https://odclick.com/chuyen-san/tu-duy-va-cong-cu/van-hoa-doanh-nghiep/quan-tri-van-hoa-doanh-nghiep/