Mâm cỗ Tết của miền Trung có những món ăn gì đặc biệt mà ai cũng phải trầm trồ

Tết Nguyên Đán là ngày lễ vô cùng quan trọng đối với người dân Việt Nam. Dù ở bất kì đâu, công việc bận bịu ra sao thì vào ngày này, mỗi người con đất Việt đều sẽ tạm dừng mọi thứ để chuẩn bị một mâm cơm tươm tất dâng lên tổ tiên. Đồng thời để tận hưởng, thưởng thức hương vị Tết cổ truyền đã được lưu giữ qua bao đời.

Ở mỗi một nơi, một vùng miền thì mâm cỗ Tết lại có những nét đặc trưng và ý nghĩa riêng gắn liền với cuộc sống, con người nơi đó. Và có lẽ đa số mọi người đều hình dung trên mâm cỗ Tết thường có bánh chưng/bánh tét, thịt gà, giò chả, nem rán. Thế nhưng bên cạnh những món đó, mâm cỗ Tết miền Trung còn có thêm những món rất… lạ.

1. Thịt heo ngâm mắm

Sau bánh tét thì mâm cỗ miền Trung còn có món thịt heo ngâm nước mắm. Đây là món ăn có thể lưu giữ được rất lâu, thường không thể thiếu trên mâm cơm những ngày Tết của người dân mảnh đất nắng gió này. Món ăn tốn khá nhiều thời gian để cho ra thành phẩm nên người dân sẽ làm chuẩn bị trước cho thịt heo ngấm đậm gia vị.

Mâm cỗ Tết của miền Trung có những món ăn gì đặc biệt mà ai cũng phải trầm trồ - Ảnh 1

Loại thịt sử dụng là thịt ba chỉ hoặc thịt chân giò, buộc lại thành những đòn như bánh tét đem đi luộc chín tới. Sau đó cho thịt luộc vào trong hũ thủy tinh, đổ hỗn hợp nước mắm, giấm và đường vào cho ngập thịt. Thêm vài củ hành nướng sơ qua vào cho thơm, để 3 ngày là ăn được. Vị mặn của món thịt heo kết hợp với dưa món, hay cùng bánh tráng thì càng hấp dẫn hơn.

2. Tôm chua

Khi tới du lịch ở mảnh đất miền Trung, món ăn đặc sản mà khiến du khách mê mệt chính là món tôm chua. Vì là món đặc sản nên không có lý do gì mà món ăn này lại vắng mặt trên mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung cả. Các nguyên liệu để làm ra tôm chua đếm không xuể như củ riềng, tỏi, ớt, vị chua từ khế, vị chát từ quả vả cùng các loại rau thơm,… Tất cả tạo nên hương vị vừa ngọt bùi lại có chút chua cay.

Mâm cỗ Tết của miền Trung có những món ăn gì đặc biệt mà ai cũng phải trầm trồ - Ảnh 2

3. Giò bò

Như “luật bất thành văn”, trên mâm cơm Tết mỗi miền đều sẽ có ít nhất 1 món giò chả. Nếu như ở miền Bắc có giò thủ, ở miền Nam phổ biến giò lụa thì ở miền Trung chính là giò bò. Những khoanh giò bò nâu đỏ, xen lẫn là những hạt tiêu sọ đen.

Mâm cỗ Tết của miền Trung có những món ăn gì đặc biệt mà ai cũng phải trầm trồ - Ảnh 3

Giò bò có mùi thơm đặc trưng của tất tần tật các vị mặn, ngọt, giòn, dai hòa quyện với mùi tiêu cay nồng để lại dư vị không thể nào quên nếu đã từng được nếm thử. Món ăn này có thể ăn kèm với hành tươi, rau thơm hoặc ăn cùng với bánh mì đều rất ngon.

4. Bánh tổ

Trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung không thể thiếu các loại bánh đặc trưng của từng vùng như bánh tổ (Quảng Nam), bánh in (Bình Định, Quảng Ngãi), bánh phu thê (Huế),… Một trong số đó phải kể đến bánh tổ, một món bánh khá đặc biệt khi là sự kết hợp tinh tế của gạo nếp, đường đen và mè.

Bánh tổ thường được làm nhiều một lúc để sử dụng dần, và nó chỉ xuất hiện vào những ngày cận kề Tết. Chỉ với những nguyên liệu đơn giản nhưng món bánh này trở nên vô cùng hấp dẫn qua bàn tay khéo léo của người dân miền Trung. Khi ăn có người thích cắt ra từng miếng, có người lại nướng trên bếp than cho mềm hoặc chiên cùng với dầu cho ngon.

Mâm cỗ Tết của miền Trung có những món ăn gì đặc biệt mà ai cũng phải trầm trồ - Ảnh 4

Tết đang đến rất gần rồi! Gia đình nào cũng đều tất bật chuẩn bị những mâm cỗ đầy đủ và tươm tất, trước hết là để cúng ông bà, tổ tiên, sau đó là để thưởng thức. Nhưng dù có bao nhiêu món, dù khác nhau ở mỗi vùng miền nhưng tất cả đều mang một ý nghĩa chúng là để đoàn viên với gia đình.