Mâm cỗ Tết của người Hà Nội có những món gì? – Foodeli
Mâm cỗ Tết của người Hà Nội là điển hình của một mâm cỗ truyền thống miền Bắc. Đối với người dân Việt Nam, Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Đó là thời điểm người người nhà nhà dâng những sản vật ngon nhất, quý nhất lên tổ tiên. Cùng Foodeli đi tìm hiểu về một mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội nhé.
Mục lục bài viết
1. Đặc trưng của một mâm cỗ Tết miền Bắc
Mâm cỗ Tết miền Bắc là tấm lòng của những người con, người cháu dâng lên tổ tiên vào dịp Tết, để mong được phù hộ một năm may mắn, bội thu. Một mâm cỗ Tết miền Bắc, đặc biệt là mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội có hình thức tinh tế và cầu kỳ, tỉ mẩn trong cách chế biến. Điều này do quan niệm xưa của người Hà Nội rằng, cỗ Tết càng cầu kỳ, thì càng chứng tỏ lòng thành kính với thánh thần và tổ tiên.
Mâm cỗ Tết của người Hà Nội phong phú về cả màu sắc và số lượng món ăn: món xào, món luộc, canh… Quy tắc bày biện mâm cỗ truyền thống là bốn bát bốn đĩa, tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Bốn bát gồm: bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, bát canh bóng thả nấm, bát miến, bát chim hầm. Bốn đĩa gồm: đĩa xôi gấc, đĩa giò/ đĩa thịt nấu đông, đĩa nem rán, đĩa thịt gà luộc. Tổng thể một mâm cơm trông hài hòa như một bức tranh sắc màu.
Mâm cỗ truyền thống của người Hà Nội có 4 bát, 4 đĩa
2. Những món ngon Hà Nội vào ngày Tết
Bánh chưng là biểu tượng của Đất, tượng trưng cho ước muốn một năm đủ đầy, ấm no, hạnh phúc. Bánh chưng làm từ gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn gói trong lá dong. Bánh chưng thường được ăn kèm cùng dưa hành muối chua cho đỡ ngấy. Vì vậy trên mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội, không thể thiếu một đĩa dưa hành muối chua.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh
Đối với người Tràng An, mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu một đĩa xôi. Ngày Tết, nhiều nhà cầu kỳ đóng xôi vào khuôn, làm món ăn thêm phần trịnh trọng. Màu đỏ của đĩa xôi gấc tượng trưng cho sự may mắn. Cũng có những nhà đồ xôi đỗ xanh thay cho xôi gấc.
Mâm cỗ ngày Tết của người Hà Nội không thể thiếu đĩa xôi gấc
Một món ăn khác không thể thiếu trên mâm cỗ Tết miền Bắc là thịt gà luộc. Gà được luộc cả con, chặt thành miếng đều tay, vàng ươm, xếp lên đĩa. Bên trên rắc thêm lá chanh thái sợi mỏng dính. Gà luộc ăn kèm muối tiêu chanh ớt, đã trở thành một hương vị rất đặc trưng của ngày Tết miền Bắc.
Mâm cỗ Tết phải có gà luộc
Giò vốn là món ăn thường ngày, nhưng món giò ngày Tết được lựa chọn công phu, cẩn thận hơn rất nhiều. Một miếng giò ngon có màu sắc tươi tắn, chắc tay, đậm mùi thịt, dễ cắt. Người Hà Nội hay dùng giò lụa, giò thủ hoặc chả quế.
Giò lụa, chả quế trên mâm cỗ Tết
Bên cạnh các món ăn truyền thống, mâm cỗ tết của người Hà Nội còn có món nem rán. Nem làm từ nhân thịt lợn băm nhỏ, trộn với miến, nấm, mộc nhĩ, cuộn trong bánh đa nem rán giòn. Khi ăn chấm cùng nước mắm chua ngọt, dưa góp và rau sống. Nem là món ăn dễ làm, hương vị thơm ngon hợp khẩu vị cả người lớn và trẻ nhỏ.
Mâm cỗ Tết có đĩa nem rán
Mâm cỗ Tết miền Bắc cũng không thể thiếu món canh. Ngày Tết, các gia đình thường nấu canh bóng và canh măng. Thậm chí, gia đình nào cầu kỳ sẽ nấu đủ cả 4 món canh gồm: canh bóng, canh măng hầm chân giò, canh miến, chim hầm.
3. Tạm kết
Một mâm cỗ Tết của người Hà Nội chuẩn chỉnh phải đủ đầy các món, đủ đầy ý nghĩa đặc trưng. Người chuẩn bị mâm cỗ cần rất cẩn thẩn từ khâu chọn nguyên liệu, nấu nướng để món ăn vừa ngon, vừa đẹp, lại vừa đảm bảo sức khỏe. Như vậy mâm cỗ Tết mới hài hòa và mang đầy đủ ý nghĩa truyền thống.
Ngày nay, mâm cỗ Tết của người Hà Nội có thể có nhiều thay đổi phụ thuộc vào khẩu vị hoặc điều kiện của từng gia đình. Tuy nhiên, đó vẫn là bữa cơm hội ngộ dịp vui sum vầy đầu năm của mọi nhà. Ngày Tết, Foodeli xin kính chúc bạn đọc gần xa một cái Tết ấm no, an lành cùng gia đình bên mâm cỗ nóng hổi nhé.
Liên hệ:
Fanpage: Foodeli Việt Nam
Website: Foodeli
Hotline: 0902273096