Mâm ngũ quả ‘cầu dừa đủ xài’, ý nghĩa trái cây trên bàn thờ ngày Tết
Ngày Tết về, người Việt xưa thường dùng những sản vật cây trái do chính mình tạo ra sắp xếp thành mâm ngũ quả dâng lên ông bà tổ tiên, trời đất.
Theo các chuyên gia văn hóa, Người Việt chuộng con số 5 vì 5 là yếu tố cấu thành nên vũ trụ, ngũ hành. Số 5 cũng thể hiện ước muốn ngũ phúc lâm môn của người Việt gồm: phú, quý, thọ, khang, ninh (tức là giàu có – sang trọng – sống lâu – khỏe mạnh – bình yên).
Bên cạnh đó, việc bày mâm ngũ quả cũng xuất phát từ thuyết ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Dù vậy, mỗi miền lại có một quan niệm khác nhau về mâm ngũ quả.
Mục lục bài viết
Mâm ngũ quả 3 miền khác nhau
TS Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Đạo đức, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, người miền Nam thường chọn những loại trái cây tròn trịa như bưởi da xanh, dưa hấu bày lên bàn thờ ngày Tết.
Đây đều là những loại trái cây được trồng nhiều ở miền Tây, khi chọn trái cây cúng Tết, ai cũng mong rằng trái dưa hấu ấy ruột phải đỏ au, mọng nước vì tin tưởng rằng lựa đúng như vậy thì năm ấy gia chủ sẽ làm ăn phát tài. Tương tự, trái bưởi da xanh cũng phải ruột hồng, nhiều nước để gia chủ có năm mới hồng phát.
Do cách phát âm mà cách lựa trái cây bày mâm ngũ quả của người miền Nam cũng rất thú vị, ám chỉ cho ước nguyện về đời sống hưng thịnh. Ví dụ: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, thơm (dứa), sung… với nghĩa: “Cầu vừa đủ xài thơm” hay “cầu vừa đủ xài sung”.
Mâm ngũ quả của người miền Nam thường không có chuối vì theo cách phát âm giọng miền Nam, đọc như “chúi” thể hiện sự không may mắn. Một số gia đình miền Nam cũng không cúng cam vì sợ câu “quýt làm cam chịu” hay không cúng lê vì tránh “lê lết”.
Trong khi đó, mâm ngũ quả của người miền Bắc lại thường có chuối vì nải chuối có tượng hình như bàn tay Phật, bao bọc, che chở con người qua vạn sự bình an. Ngoài ra, mâm ngũ quả miền Bắc còn có bưởi, cam, quýt màu vàng, hoặc đào, lê màu trắng.
Thông thường, các gia đình miền Bắc hay bày mâm ngũ quả có nải chuối đặt ở dưới cùng, đỡ lấy tất cả các loại quả còn lại. Chính giữa có thể đặt quả bưởi hay phật thủ vàng; các loại đào, quýt hay ớt thì đặt xen kẽ vào các trái chuối để thêm điểm nhấn.
Người miền Trung thì không quá câu nệ hình thức mâm ngũ quả vì vùng đất này quanh năm vốn đã phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước nên thường có gì cúng đó, chủ yếu thể hiện lòng thành kính.
Tùy từng điều kiện mà mâm ngũ quả trên bàn thờ của người miền Trung khác nhau, có thể có chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài,… ở Huế thì có thể có thêm chuối cau.
Tuy nhiên, ngày nay vì cuộc sống có điều kiện tốt hơn, nhiều người quê ở vùng này, đến vùng khác sống nên mâm ngũ quả ở các vùng miền cũng có phần “giao thời”. Nhiều gia đình không quá câu nệ, mà có gì cúng nấy, miễn sao đẹp mắt, thậm chí không cúng 5 loại quả nhưng người ta vẫn quen gọi trái cây trên bàn thờ ngày Tết là “mâm ngũ quả”.
Bày mâm ngũ quả ngày Tết
Dù ngày nay đã không quá bị lệ thuộc vào tục xưa, nhưng phần đông các gia đình thường chọn số loại quả lẻ khi bày biện trái cây cúng. Có thể là 3 – 5 – 7 hoặc 9, tùy mỗi nhà. Nhiều người quan niệm, mâm ngũ quả là để thể hiện lòng hiếu thảo đến ông bà tổ tiên nên tùy tấm lòng, không phải bắt buộc là 5 loại trái cây.
Trong khi đó, một số gia đình thì chọn các loại quả có đủ màu sắc theo ngũ hành để đúng với quan niệm về thuyết ngũ hành – yếu tố tạo nên sự sống trong vũ trụ. Ví dụ: ứng với hành Kim – màu trắng là quả dưa lê trắng hay quả lê; hành Mộc – màu xanh lá: quả dưa hấu, chuối xanh, xoài xanh, đu đủ xanh, sung, dừa; hành Thủy – màu đen: nho đen, vú sữa hay trái cây có màu tối; hành Hỏa – màu đỏ: táo đỏ, hồng, dừa lửa, thanh long; hành Thổ – màu vàng: cam vàng, quýt vàng, dưa hấu vàng, xoài chín, phật thủ.
Mỗi loại trái cây được chọn để bày biện vào mâm ngũ quả đặt lên ban thờ ngày Tết thường được lau rửa sạch bụi, cần chú ý nên lau thật khô, tránh đọng nước dễ làm trái cây nhanh héo, hư hỏng. Sau đó, cẩn thận sắp xếp thật đẹp mắt.
Mỗi loại được chọn cũng mang những ý nghĩa khác nhau như: bưởi tượng trưng cho sự phúc lộc, viên mãn; dưa hấu tượng trưng cho mọi điều tốt đẹp, trung thực; đu đủ tượng trưng sự đủ đầy; phật thủ tượng trưng là bàn tay Phật che chở cho con người; xoài có ý tiêu xài không thiếu thốn; sung có ý nghĩa gắn với sự sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc; thanh long có ý nghĩa rồng mây gặp hội hay quả táo (màu đỏ) có ý nghĩa phú quý….