Màn hình Full HD đã quá đủ dùng, đâu cần đến 2K hay 4K?

Cuối năm 2013, vivo XPlay 3S ra mắt đánh dấu chiếc điện thoại đầu tiên có màn hình QuadHD (2560 x 1440 pixel) ra đời. Hai năm sau, Sony Xperia Z5 Premium trình làng và cũng trở thành chiếc điện thoại đầu tiên có màn hình độ phân giải lên tới 4K (3840 x 2160 pixel). Vậy nhưng, đã gần một thập kỷ trôi qua, hầu hết điện thoại ra mắt lại đều chỉ có màn hình Full HD hoặc Full HD+, rất ít trong số đó có Quad HD, và số mẫu máy có màn hình 4K chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại sao vậy? Phải chăng, các hãng không còn mặn mà với màn hình độ phân giải cao?

Sự khác biệt giữa màn hình Full HD và Quad HD là không nhiều

Trang Android Authority đã thực hiện một cuộc thử nghiệm, trong đó những tình nguyện viên sẽ được trải nghiệm liên tục những chiếc điện thoại với màn hình Full HD và Quad HD, mỗi chiếc trong vòng 90 giây. Sau đó, họ sẽ phải cho biết chính xác độ phân giải của từng chiếc điện thoại. Kết quả cho thấy, có tới một nửa số người khảo sát đã không thể phân biệt được đâu là chiếc điện thoại có tấm nền Full HD, đâu là Quad HD.

Theo Apple, người dùng sẽ khó nhận ra điểm rỗ trên một màn hình điện thoại có mật độ điểm ảnh trên 320ppi. Đó là lý do vì sao rất nhiều dòng iPhone tiêu chuẩn đều có mật độ điểm ảnh ở xung quanh con số trên. Trên iPhone XR hay 11, mặc dù màn hình chỉ có mật độ điểm ảnh là 326ppi nhưng khi sử dụng ở điều kiện thông thường, màn hình này rất khó có thể tìm ra điểm pixel.

Thực tế cũng chỉ ra rằng, với khoảng cách thông thường từ 30-40 cm, hầu hết mọi người đều không thể nhận ra sự khác biệt giữa màn hình Full HD và Quad HD. Còn giữa màn hình HD và Full HD, con người có thể dễ dàng nhận ra sự chênh lệch này. Nguyên nhân được lý giải, là do màn hình HD trên điện thoại thường có mật độ điểm ảnh rất thấp (dưới 280ppi), do đó ta có thể quan sát rõ các điểm ảnh bằng mắt thường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tấm nền màn hình chỉ cần có mật độ điểm ảnh đạt 400ppi đã có thể được coi là sắc nét. Và, hầu hết tấm nền Full HD trên điện thoại đều có thể đạt, thậm chí vượt qua con số trên. Và có lẽ ứng dụng được coi là đáng chú ý nhất của những chiếc màn hình điện thoại độ phân giải cao, đó chính là VR.

Màn hình độ phân giải cao khiến máy hoạt động vất vả hơn

Theo lý thuyết, một màn hình với độ phân giải cao hơn, đồng nghĩa với việc tầm nền phải trang bị nhiều bóng đèn phát sáng hơn, do đó khiến máy hao pin hơn. Thử nghiệm của Android Authority cũng chỉ ra rằng, trung bình tấm nền Quad HD có mức tiêu thụ pin cao hơn 20% so với Full HD. Con số này có thể dao động tùy theo bản chất tấm nền và các tiêu chuẩn được hãng bổ sung, nhưng xét cho cùng, đây vẫn là chênh lệch tương đối lớn. Chắc chắn, chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm sử dụng hàng ngày của người dùng, khi mà điện thoại của bạn sẽ hết pin nhanh hơn thường lệ. Lấy ví dụ, Sony Xperia 1 III, trang bị tấm nền 4K nhưng thời gian sử dụng pin trung bình chỉ đạt được khoảng 3 đến 4 tiếng. Rõ ràng với nhu cầu sử dụng điện thoại ngày càng cao của người tiêu dùng, con số đó là quá khiêm tốn.

Việc sử dụng ứng dụng với độ phân giải quá cao cũng sẽ tác động đến hiệu năng xử lý tổng thể của máy. Nhiều bóng đèn phát sáng hơn, đồng nghĩa với CPU và GPU sẽ phải hoạt động vất vả hơn để kết xuất màu sắc cho các đủ lượng bóng đèn trên. Để kiểm chứng, bạn có thể chỉnh độ phân giải trên một video YouTube lên 2K hoặc 4K trên những chiếc điện thoại có cấu hình yếu. Sức mạnh khiêm tốn của chúng sẽ khó mà đáp ứng nhu cầu cao đến vậy, điều này khiến máy gặp tình trạng giật lag, không tải được những khung hình tiếp theo. Đó cũng là lý do vì sao hầu hết các Gaming Phone đều chỉ có màn hình Full HD, chứ không phải 2K hay 4K, vì đơn giản, họ muốn tập trung tối đa sức mạnh con chip vào phần hiệu năng.

Và trên hết, có những yếu tố khác đáng quan tâm hơn

Và thay vì phải chạy đua độ phân giải màn hình, các hãng hoàn toàn có thể tập trung cải thiện một số tính năng khác nhằm nâng cao trải nghiệm thị giác của người dùng. Theo đó, một số yếu tố mà các hãng có thể nâng cấp, ví dụ như:

  • Tấm nền và độ sáng: Tấm nền LCD (bao gồm TFT, TN và IPS) cho độ sáng thấp, màu đen không sâu, cũng như màu sắc không tươi bằng so với màn OLED. Các hãng hiện tại cũng đang dần phổ cập tấm nền này trên các mẫu điện thoại giá rẻ, như Redmi Note 11.

  • Tần số quét màn hình: Màn hình 90, 120 hay 144Hz đem lại trải nghiệm vuốt chạm khác hoàn toàn so với 60Hz tiêu chuẩn trên nhiều mẫu điện thoại hiện nay. Nhược điểm của chúng là hao pin hơn do phải kết xuất nhiều khung hình hơn, nhưng các hãng có thể giải quyết bằng cách trang bị tấm nền LTPO với khả năng tự động điều chỉnh tần số quét, đảm bảo thời lượng pin tốt trong khi trải nghiệm vẫn mượt mà, nhanh chóng.
  • Khả năng cân chỉnh màu sắc: Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng màn hình. Khi các tấm nền cao cấp nhất trình làng và trang bị trên flagship, sự khác biệt giữa các hãng lúc này đến từ việc cân chỉnh màu sắc. Việc một màn hình được hiệu chỉnh không đúng cách có thể dẫn đến việc tấm nền ám xanh hoặc vàng. Điều này gây ra sự sai lệch màu sắc, đặc biệt là với những nội dung HDR.

Nhiều chiếc điện thoại đã hỗ trợ cân chỉnh màu sắc thủ công

Tạm kết

Có thể thấy, trong khi các công nghệ màn hình điện thoại ngày càng đạt được những bước tiến lớn, thì độ phân giải lại không có quá nhiều thay đổi. Có lẽ, những màn hình độ phân giải cao sẽ phù hợp hơn với những chiếc màn hình máy tính di động, TV hay máy chiếu lớn, vốn có diện tích màn hình rất lớn và không yêu cầu độ sắc nét quá cao. Và ngày chúng ta được chứng kiến những chiếc điện thoại với màn hình Quad HD, 4K hay thậm chí 8K trở nên phổ biến, có lẽ sẽ còn rất xa.