Mảnh ghép cuối cùng – Truyện ngắn của Vũ Thị Hạnh

Đám trẻ con mặt mũi đen nhem nhuốc, áo quần xộc xệch nấp bụi mây gai đổ xô đồng thanh “Cự sùi! Cự ma! Cự sùi! Cự ma!”. Lão quay lại lừ mắt thì chúng ù té lỉnh mất. Có dọa vài nghìn lần thì bọn nhóc tinh quái cũng chẳng sợ. Vì chúng quen thuộc những cục thịt to nhỏ biến dạng trên thân thể lão. Hàm răng cáu cượm, bờ môi dày thâm đét. Hai con mắt to trắng hễ nhướng lên là dù cứng bóng vía cũng nổi da gà. Đã vậy, lão lại làm nghề bốc mả. Suốt mùa đông chỉ làm bạn với xương người. Dân làng nói lão là hiện thân của những con ma quái dị nhập hồn về nên mới xấu xí thế. Lão còn nhớ lần đầu trực tiếp hành nghề. Hộp sọ khô với hai hố mắt trũng hoáy, xương sườn, xương chậu nâu vàng. Lão ngã bổ chửng chết khiếp lăn đùng ốm cả tuần trời. Nhưng rồi lão nghĩ anh em kiến giả nhất phận, bệnh tật lão đầy người, làm phúc ma quỷ nào dọa nạt. Cô Út bỏ ruộng đồng ngồi chễm chệ ở góc chợ đút chân gầm bàn, tay cầm bút hí hoáy ra điều nho nhã. Cuối ngày mặt mũi tím đen tím đỏ mỗi lúc nghe đài thông báo kết quả xổ số. Vợ chồng con cái nhiều khi chạy nã hàng tháng trời, trốn chui trốn lủi như cuốc gặp người. 

Minh họa: Văn nguyễn

Về đến cổng lão đưa mắt nhìn ngôi biệt thự bốn mái nằm sừng sững như con quái vật khổng lồ nuốt chửng ngôi nhà ọp ẹp của lão. Ngày động thổ đào móng, lão đứng trơ mắt nhìn đứt từng khúc ruột. Lão quay vào đốt một nắm hương to thắp lên bàn thờ mà hai hàng nước mắt rưng rưng chảy. Con Lu vàng nhao từ trong cửa nhe nanh vuốt cắn phập vào gót chân đám thợ. Lão giằng cổ nó cùm lại, nó đu mình muốn nhổ cái chắn song, chu mõm sủa ông ổng về phía cuốc xẻng nện thình thịch xuống lòng đất. Khi lão không thể chảy được nước mắt nữa, nó ấm ức cắn lách rách mãi.

Cô Út về một mình trong buổi chiều nhập nhoạng tối. Mắt mũi mòng đỏ rồi lấm lét nhìn xiên mảnh đất. Lão Cự vục gầu xuống giếng kéo ngàn cân nước không lên đến bờ. Nồi cơm cạn cháy cạnh mà lửa như thôi miên cao vút ngọn đỏ. Chiếc bát trên tay rơi vỡ choang xuống nền. Cô Út vội quỳ sụp van lạy cầu xin lão thương máu mủ ruột rà. Thằng cháu trai đang trong tay bọn đầu gấu. Nếu không hùn tiền trả nợ đề chúng sẽ chặt tay thằng nhỏ.

Đúng sự linh cảm! Lão đứng im rỗng rễnh từng phân đoạn trên người, mặc cô Út giật giật cánh tay như lôi từng khớp ngón. Bữa cơm thắt ruột, thìa đũa chạm nhau khô khốc.

Lão ngồi trong bóng tối. Mảnh ao sóng sánh đầy trăng, mắt lão ngấn nước, những nụ lục bình tím biếc ngả dưới trăng. Gió lạc vào vườn khiến hàng cau khua lá xào xạc. Gà đã vỗ cánh gáy canh ba. Trong buồng tiếng ngáy vẫn phả ra đều đều.

Trời vừa nứt mắt thì cô Út lục đục trở mình dậy đi ra đi vào. Lão đốt nhang khói nghi ngút quanh nhà. Xúc thóc trong bồ ra nơi đối diện bàn thờ, lão nghiêm nghị nhìn cô Út rồi chỉ tay:

– Xắn quần lên đầu gối rồi chắp tay quỳ ở đó đi. Bao giờ tôi chẻ tre đan xong chiếc rổ mới được đứng dậy.

Lão điềm nhiên lôi tre ra chẻ. Những sợi lạt lần lượt ra đời. Nắng nhỏ giọt chuyển dần chang chang lửa, lão kiên nhẫn ngồi trước sân.

Cô Út miễn cưỡng xắn quần đặt gối vào đám thóc vàng. Lát lát lại nhấp nhổm chừng muốn đứng dậy nhưng thấy lão án ngữ ở cửa đành nhắm mắt yên vị. Tiếng chuông điện thoại đổ oang oác. Lão miết con dao dọc sợi lạt gằn giọng:

– Thần linh báng bổ đứa nào không thật sự thành tâm.  

Tuần hương đầu đã cháy lụi từ lâu. Thiên địa hầm hập dội xuống thân thể ướt đẫm mồ hôi. Rổ đã cạp xong, cô Út chỉ chờ có vậy khẳng khái đứng lên cười hơ hớ như củi reo. Mê mẩn phủi những hạt cắn in vào da thịt để lại những lấm chấm đỏ.

– Mẹ con em đội ơn bác suốt đời. Em xin thề, sau lần này em cạch đến già. Nếu không giữ lời, trời chu đất diệt, đi tàu tàu đâm, đi xe xe nghiến tan xương nát thịt, chết thành cô hồn lang thang không nhà cửa.

 Bất giác lão ớn lạnh với những lời thề của cô Út. Sự chết chóc do phản lời nguyền đó thấy sượng và tanh tưởi. Thóc vương đầy nền nhà làm lão bần thần xót xa. Lão nóng vội cởi áo lao ra giếng gập mình khua nước dội ào ào. Những khối u tứa máu như người cầm dao rạch, nặn, hút nhân nhĩ bên trong.

Mùi vôi vữa mới cứ nực vào mũi lão Cự ngột ngạt. Xây xong, người ta cho xây một tường rào kiên cố, tách biệt khoảng đất ngắn và ngôi nhà của lão lại.

Hôm sau, chiếc xe chở hàng lùi dần vào cổng. Lão Cự ngơ ngác ngó ra, những tay bốc vác khỏe khoắn, lực lưỡng tay cuộn bắp, è cổ khuân đồ đạc vào nhà. Ngôi biệt thự mở rộng các cánh cửa đón nắng. Thấp thoáng bóng người đàn ông giơ tay chỉ đạo, lão dửng dưng như cuộc sống của lão chẳng cần quan tâm đến những chuyện không liên quan đến mình.  

Xẩm tối. Lão bưng niêu cơm ra chõng tre kịp ngồi xuống thì có bóng đen bước vào sân. Người đàn ông chừng năm mươi, da hồng hào, mặc quần áo rộng lụng thụng màu gụ, cặp kính lão trễ nải xuống cánh mũi, tay cầm chai rượu với bịch giấy báo gấp vuông vắn.

– Chào bác. Tôi vừa mới dọn về đây, sang xin uống với bác chén rượu gặp mặt. Tiện có ít bò khô lai rai.

– Cũng được! Mời anh ngồi. Tôi cũng chẳng có gì, cá rô canh nhạt, anh không chê thì ăn cùng tôi bữa cơm. Tôi sống một mình quen vậy rồi.

Lão Cự lấy chén, lặng lẽ rót rượu, vẻ mặt lão bất cần như giễu cợt cái thịnh tình của ông khách không mời mà đến. Trời tối hẳn, muỗi vo ve, tiếng dế ngoài vườn kêu ri ri. Khung cảnh mờ ảo, yếu nhợt dưới ánh điện vàng tỏa từ trong nhà ra sân lạnh lẽo.

– Anh uống đi.

– Bác cứ gọi tôi là Lầm. Kính bác trước!

Trước vẻ đạo mạo của ông Lầm, lão Cự ngửa cổ uống trước. Rượu vào đến đâu cơ thể lão nóng rật đến đó. Tim lão đập nhốn nháo.

Ông Lầm dốc cạn chén, mắt nhìn về phía bóng tối cuối vườn, giọng trầm ngâm:

– Tôi về đây có một mình thôi. Con gái đi du học bên Mỹ, nó bảo sẽ lấy một thằng Tây mũi lõ, mắt xanh. Con gái là con người ta, các cụ xưa thật uyên thâm, dạy không sai điều gì. Làng mình không biết còn trồng hòe phơi khô bán cho hiệu thuốc nam không bác nhỉ?

Lão Cự tròn mắt nhìn ông Lầm. Lão lạ khi ông nhắc đến hoa hòe làng lão.

– Sao ông biết hoa hòe?

– Tôi xa làng đã ngót hai mươi năm.

Lão Cự uống thêm một chén nghẹn ngào. Làng Vèn của lão bây giờ chỉ rặt ông bà già nai lưng ra trên đồng. Con trai, con gái mải mê lên thành phố kiếm tiền, ô sin, phụ nề, may, làm đầu rồi nhiều khi cả làm “đuôi” nữa miễn có tiền và sung sướng nhàn hạ. Ngày xưa vào mùa, nhà này cấy lại đổi công cho nhà kia. Tiếng cười, tiếng trao đổi í ới lan khắp xóm. Hàng hòe bao đời cao lêu đêu, vào mùa thu những chùm hoa chíu chít vặt xuống phơi khô làm thứ trà tĩnh tâm, giải nhiệt. Bây giờ hơi hiện đại bay vào từng ngõ hẻm, người ta uống rượu ngoại, coca, nước tăng lực, chứ chẳng thèm uống mấy thứ đồ dân dã nên hoa nở trắng đường làng. Các cụ răng móm mém nhai trầu nhìn tiếc của nhưng đành bó tay. Lưng còng, mắt mờ, cây cao vậy, vặt thế nào… Có người chặt hàng loạt để xây nhà cao tầng. Nhà này đua nhà kia, cứ hơn nhau một chóp nhà, hàng gạch là khoái, hả hê rồi. Cửa hàng cửa hiệu xanh đỏ mọc lên như nấm dại. Có lần lão đạp xe lên xã, cứ ngỡ mình lạc vào phố của thị thành Hà Nội, con đường gạch ghép dựng trơn truột biến mất từ bao giờ. Thay vào đó là bê tông thẳng tắp lự. Chiều chiều, sau ngọn cau chót vót, tiếng hát chọ chọe bắt chước tiếng nhạc cứ rầm rầm cất lên như thú vui tiêu khiển lúc nông nhàn.

Giọng ông Lầm ngập ngừng nhìn lão vẻ tin cậy rồi khẽ khàng nói tiếp:

 – Hồi ấy, làng đói nghèo quá, chịu không nổi, tôi bỏ lên Lào Cai đào vàng. Ở trong rừng rậm, nhớ nhà đến quay quắt mà không muốn về. Dự định kiếm chút vốn liếng làm ăn rồi về làng lập nghiệp nhưng vàng chẳng thấy đâu, chỉ thấy đất đá và lá cây rừng là nhiều, lại suốt ngày đối mặt với cảnh chém giết giành giật vẩy vàng bằng hạt cát. Chúng tôi giống con thú hơn con người, tóc tai mọc dài, ghẻ tróc đầy mình. Những cơn mưa rừng mới nghiệt ngã, nước ngấm qua da thịt, hơi lạnh từ mặt đất, từ vách núi, gió rừng thì tông tông buốt vào tận xương tủy. Những người tứ xứ bảo nhau về quê. Họ bỏ lều vách trống trơn, bỏ cả cái niềm tin tưởng thay đổi số phận bởi cái đói, cái rét dằng dặc đông kín như lòng núi. Cái bụng và ý chí lôi tôi ngược về xuôi nằm chờ ở bến cảng bốc vác thuê, màn trời chiếu đất. Ai mướn gì làm nấy, sau đó tôi theo nhóm thợ xây rồi nhận cai thầu. Năm tháng nhàu nhĩ sống lang bạt. Nghĩ lại bây giờ chỉ muốn ứa nước mắt.  

Lão Cự cười nhợt nhạt. Lão không ngờ mảnh đất của lão sang tên cho kẻ biết quay đầu về bờ. Có lẽ tổ tiên rộng lượng đại xá cho lão, dẫn dắt một kẻ tha hương về nhận mặt quê.

– Vậy còn bà nhà? Sao có mụn con thôi à?

– Bà nhà tôi mất lâu rồi. Con bé là con nhặt nuôi. Vợ tôi bị bệnh tim, lại mắc chứng vô sinh.

Lão Cự thấy người bừng bừng chếnh choáng. Hai kẻ cô độc ngồi uống rượu suông, ông Lầm tợp một ngụm kéo theo một tiếng thở dài, vẻ mặt váng vất nét buồn so. Lát sau, ông bỏ chén rượu, đốt thuốc hút tư lự:

– Tôi biết bác sống một mình ở đây và bác vẫn làm phúc cho thiên hạ, vậy bác cho tôi hỏi đời có kiếp sau không?

– Có chứ. Tôi vẫn tin vào luân hồi, nhân quả. 

 – Vậy thì tôi mắc nợ đất mẹ quá nhiều. Dựng ngôi nhà do chính bàn tay mình thiết kế, tôi vẫn không tin là mình có ngày trở lại. Dẫu muộn màng còn hơn mãi mãi là kẻ đào tẩu, đúng không bác? 

Lão Cự gật đầu trước nghĩa lý ông Lầm đưa ra. Cái vòng luân hồi đưa con người ta đến thế giới khác rồi lại trở lại với kiếp người, phận mỏng dày tùy phúc. Trong lúc lơ mơ say, lão thấy những đàn đom đóm xanh đỏ bay chập chờn phía giậu mây gai. Lão thấy lẻ loi… Chỉ có cái xác khô ngoài nghĩa địa đang chờ lão. Ông Lầm ngồi im mắt hoang vắng.

***

Lão Cự đứng thẫn thờ trên đê nhìn đồng bãi hoang vu. Hàng tre xanh với thân đốt dài uốn mình trước gió lao xao. Phía dưới những gốc rạ khô chỏng nằm vạ vật lên nhau. Luống đất vừa bị cuốc xới bốc hơi hăng nồng. Con nước từ lạch róc rách chảy vào, phút trước ướt chân, khi lão lên đến bờ đã mấp mé mặt ruộng.

Chiếc cuốc thẳng đuỗn trên vai lão đủng đỉnh trên con đường vào làng. Mắt lão sáng rực khi dõi thẳng vào cánh cửa gỗ khép hờ nhà cô Thơm. Bóng cô đổ dài xuống ao giơ hai tay quấn chặt mái tóc dài tròn lủng sau gáy. Chiếc áo nâu sồng thắt đáy lưng ong, hở ra mảng thịt trắng nhờ nhợ cứ ngẩng lên lại cúi xuống. Vầng ngực trong làn áo đập phập phồng. Tay cô té làn nước tưới lên đôi chân nõn nà mà mát lạnh đến tận chỗ lão đứng.

Chạm tuổi bốn mươi, cô Thơm vẫn đẹp cái duyên đằm thắm, mặn mà. Nhớ lúc trẻ, đôi má cô đỏ ửng như trái bồ quân, cặp mắt đen lóng lánh, da trắng ngần như bông bưởi, tóc dài chấm gót, dáng thướt tha thục nữ. Mỗi lần lướt qua cô, thoảng mùi bồ kết, hương nhu phảng phất trên tóc làm trái tim lão xốn xang. Cả làng chỉ biết cô Thơm mang thai sau khi đi tát nước vào một đêm trăng sáng. Cái bụng ì ạch vượt mặt cứ lớn dần như trái trên cây. Cô Thơm ru rú ở xó buồng không dám chường mặt cho láng xóm dị nghị. Bố con Thắm đến giờ vẫn như con số không tròn trĩnh.

– Bác Cự! Bác Cự ơi!

Lão quay lại, khuôn mặt cô Thơm đang rướn về phía lão gọi.

– Mời bác vào nhà, em có chút chuyện nhỏ nhờ bác.

Đã nhiều lần lão vào ngõ nhà cô Thơm nhưng ghi dấu nhất là khi con Thắm mười ba, lão gặp nó khóc mếu trên đường làng. Tấm áo trắng vạt trước, lưng sau lốm đốm mực xanh. Vài phút nữa, tiếng con Thắm rú riết xé toang khoảng trời bên nhà lão. Lão chạy sang, tiếng roi như tiếng sét loằng ngoằng trong không khí liên hồi giáng xuống, làm xác xơ cây non mới nhú. Lần đầu tiên lão thấy con Thắm nếm mùi đau đớn. Lão lao đến ôm chặt con Thắm mặc đòn roi ngả trên lưng mình. Cô Thơm giận đỏ mặt lườm như hờn trách không phải việc của lão, vứt phịch cái roi xuống đất, lừ đừ ra đống rơm ngồi thở. Tiếng con bé đang rũ lên nức nở lẫn tiếng rên khe khẽ phía đống rơm khiến lão thấy mắt mình mằn mặn.

Lão Cự ngồi trên cái phản lim bóng nhẵn nhìn quanh ba gian nhà cổ, cột lim sẫm đen sừng sững từ nền cho đến nóc. Hàng chữ “Thọ” trên hàng ngói lợp nâu đỏ, ánh lên sự vững chãi. Kệ ban thờ có di ảnh của các cụ thân sinh cô Thơm đã nhòe, cánh cửa sổ mở rộng thông ra vườn chuối đèo đẹt mấy buồng chuối mít xanh. 

Cô Thơm đon đả rót từ tích ra một cốc nước chè xanh hãm.

– Bác uống nước đi.

– Con Thắm cũng đại học năm thứ nhất rồi nhỉ?

– Vâng. Thời gian trôi nhanh quá. Chẳng mấy chốc đuổi mình đến tuổi già.

Cô Thơm ngượng ngùng khi nhắc đến từ “già” khi mặt cô có phần rạng rỡ, đôi mắt long lanh như người hồi xuân. Cái vẻ nhuận sắc không giấu đi đâu được.

– Chẳng là…Em định nhờ bác sang áo cho ông bố em.

– Cô định ngày nào?

– Em định ngày hai tư. Em đi “gọi dí”, người ta bảo ông sạch lắm rồi. Cũng không còn giận em nữa.     

– Sao lại giận? – Lão ngạc nhiên.

– Em chẳng giấu gì bác, vì bác là người nhân nghĩa. Ông cụ vẫn giận em chuyện con Thắm. Em cũng không muốn nhắc lại chuyện cũ. Ông là người gia trưởng, độc đoán, nhất nhất mọi việc lớn bé trong nhà phải theo sự chỉ đạo của ông. Em đã làm ông càng khắt khe với cuộc sống của chính mình. Lúc sinh con, mẹ em dấm dúi đưa cho nắm cơm tẻ và hai hột trứng luộc trong mảnh lá chuối dặn khi nào sinh xong thì ăn ngay cho lại sức. Rồi vội vã chạy bay biến dạng, để em một mình chiến đấu với cửa ải sinh tử. Đang quặn thắt trên bàn nhưng trong đầu em vẫn mường tượng ra cảnh cha lăm lăm chiếc roi đứng giữa thềm khi bước chân mẹ về đến. Cái tội dung túng gái lăng loàn là tội chết! Hai ngày sau em bồng con về đến cửa, thấy thấp thoáng trên cái cổ xương gầy của mẹ vết bầm tím mà chết từng khúc ruột. Ông ngoại không buồn nhòm mặt cháu một lần. Từ biệt cõi trần vẫn đau đáu “mày là đứa nghiệp chướng, nghiệp chướng đời tao”. Đôi mắt mở thao láo ngược lên trời, em cắn răng vuốt mắt cha…

Lão nhìn cô Thơm rưng rưng xúc động. Không gian chùng xuống như bóng tối bò lặng lẽ trong nhà. Thoáng trong đầu lão hiện lên khuôn mặt rắn đanh gân guốc, đôi mắt sâu hay búi tóc ló sau gáy. Ông Điền hay ngậm tẩu thuốc đi lại với cái lưng còng và bộ quần áo lụa cổ Tàu. Chẳng gì nhà ông Điền giàu nhất làng, trâu mộng, gà đàn, thóc bồ đầy chặt, dư dả ăn không hết trong khi mùa giáp hạt đến gõ cửa từng ngôi nhà trong làng Vèn. Cái đói cứ tỉ tê, xiêu vẹo đến từng con mương, vạt ruộng bắt ếch, nhái, sọi cờ, rau tập tàng cốt cho ấm bụng. Lão đã trải qua cái mùa cơm độn sắn còn nhà cô Thơm giết gà bằng cách bóp cho đến chết, không gây ra tiếng động để xóm làng không đến vay mượn. Và cô Thơm lại là con gái độc cưng. Xóm Thượng, làng Quỳnh đều có người ý dạm hỏi nhưng ông còn căn cơ xem đám nào vừa giàu, vừa phúc đức mới gả. Tự dưng cô Thơm ôm quả mìn nổ chậm nằm chờ ngày nổ thì hèn gì ông không hận…

Nắng đã đứng bóng, lão khật khừ đứng dậy nhận lời ra về. Cô Thơm tiễn lão ra đến cổng, mắt còn hoen ướt. Lão dựng cuốc nằm xuống võng đong đưa dưới gốc bòng xanh mát, thiếp đi trong giấc mộng màu hồng…

…Tiếng trẻ con khóc oe oe trong gian buồng, lão Cự bỏ đàn gà mới xuống ổ rửa tay chạy vào bế nựng con. Con bé bụ bẫm, trắng hồng, lão bế nó lên hít hà mùi sữa non trên người nó, cái môi hồng nhỏ chúm chím cười, cặp mắt đen nhánh giống mẹ.

Cô Thơm đi chợ về, tất tả bỏ chiếc thúng trên đầu, đón con, kéo bầu ngực trắng cho con bé bú. Tiếng chóp chép rít lên khi cái bụng đã khát sữa từ sớm. Lão âu yếm nhìn, cô Thơm cười nghiêng vành nón khiến lão miên man hạnh phúc…

***

Hai giờ sáng…

Cô Thơm khăn trắng chít ngang trán bắt đầu khóc dấm dứt. Con Thắm ôm mẹ đứng sát đỡ đôi chân đang muốn khuỵu xuống. Họ hàng đứng nép một bên, kẻ cứng rắn mắt ráo hoảnh, kẻ nhìn trước nhìn sau, cảm tưởng âm hồn bay lên, nghĩa địa như cùng đứng dậy xem cảnh bốc mả. 

Bật nắp quan tài, đám tử khí xanh đỏ như đom đóm nhảy nhót trong không trung. Giữa đêm gió lạnh căm căm, sương giăng mù trời đất, ánh đèn tỏa ra từ chiếc máy phát soi rõ từng khuôn mặt. Lão Cự rửa sạch xương bằng nước quế hồi, nhặt kỹ từng cái đốt tay, chiếc răng xỉn cho vào tiểu sành kẻo linh hồn đã siêu thoát về ám ảnh. Lạnh quá! Hai hàm răng lão va nhau đánh cầm cập. Bàn tay lão như mười cây gậy khua khoắng dưới nước tê cứng. Cô Thơm nước mắt vòng quanh hô người nhà đốt lửa. Khi lửa đỏ bập bùng thì là lúc lão nhìn đồng hồ, sắp tới giờ đẹp để chuyển hài cốt sang ngôi nhà mới. Khói hương đốt nghi ngút lan rộng trong đêm nghe tái tê lòng.

– Ai đấy?

Có tiếng nháo nhác hỏi nhau, cô Thơm quay người lại sững sờ. Trong ánh đèn vàng, mặt cô Thơm bỗng ánh bừng lên.

– Ông Lầm?

Lão Cự bần thần nhìn cả hai người. Lúc này, ông Lầm đã quỳ tạ trước hài cốt của ông cụ lầm rầm khấn vái:

– Xin thầy tha lỗi cho con. Con là kẻ bất hiếu, bất trung. Hôm nay, con về mong thầy mở lượng hải hà tha thứ, mong thầy dưới cửu tuyền được siêu thoát.

Không gian tĩnh lặng trầm đi, chỉ nghe tiếng gió u u vờn quanh đốm lửa nổ lách tách, bụi than thi thoảng cuộn bồng như pháo hoa. Họ hàng rì rầm chỉ chỏ, mẹ con cô Thơm bối rối nhìn kẻ đang chắp tay cao rồi ngả rạp đầu sát đất vái lạy. Hai nhịp, đến nhịp thứ ba thì bất ngờ cô Thơm ngồi xuống túm nhặt đất đá ném lổng chổng lên người ông Lầm, nửa khóc nửa gào:

– Cút! Cút ngay! Đểu giả! Tôi không mượn anh về đây tạ lỗi. Anh đã biến đi đâu để bố tôi suốt đời mang một nỗi hận, không bao giờ thanh thản? 

Một ông già chép miệng:

– Thì ra là cái thằng này.

– Mẹ ơi! 

Con Thắm nấc lên giữ chặt tay mẹ. Uẩn khúc của cô Thơm đang được hạ màn. Lão thầm hiểu ra vậy. Khi đoàn người rồng rắn đưa hài cốt qua phía dãy chung cư, hương nghi ngút đốm đỏ, vàng tiền bay lả tả…, ông Lầm vẫn quỳ sụp trước huyệt ván trơ trỏng. Sương lạnh phủ một lớp trắng trên chiếc mũ len đội đầu. Trông ông Lầm thảm hại giống kẻ bại trận, tơi tả trước gió, lửa và bị xua đuổi như thứ tà ma.

– Sao ông không đi theo đoàn? Quỳ ở đó làm gì nữa?

Thật lâu sau mới thấy ông Lầm lên tiếng:

– Nhân nào quả đấy. Tôi bị như vầy đáng lắm. 

Lão Cự ngồi xuống rụt củi còn lại vào đám than hồng, ông Lầm đăm đăm vào ánh lửa.

– Tất cả là do tôi. Ngày đó, tôi đã gặp bà Thơm trong những đợt liên hoan văn nghệ giao lưu các làng. Giọng hát của bà ấy ấm, âm vang, nhất là những điệu giao duyên, hát đối, liền anh liền chị. Tôi phụ trách nhóm làng Hồi, bà Thơm phụ trách làng Vèn. Lời qua tình lại rồi bén duyên, gặp không hề nói chỉ say trong mắt nhau.

Hội hè qua, tôi không chịu nổi cái nghèo lẩn quẩn bám vào góc bếp, tôi biết nếu ra đi tôi sẽ mất bà Thơm, nhưng đối mặt với tù túng, hạn hẹp tiền bạc thì lòng tôi sôi sục. Khi đi tát nước về tôi đã hẹn bà ấy ở lại. Hôm đó, trăng rất sáng, soi rõ những giọt sương đọng trên lá ngô. Tôi đã nắm chặt tay và bà ấy run sợ, cái sợ ngấn đỏ trong mắt. Bà ấy cương quyết giữ gìn, nhưng sức mạnh của tôi chiến thắng. Bà Thơm giận, khóc nguyền rủa tôi… Lần gặp nhau cuối cùng là lần đó. Bà ấy cứ chắc một niềm tin cha mẹ tôi sang dạm hỏi và không thể ngờ kế hoạch ra đi của tôi…

***

Hai tháng sau, ông Lầm gọi cửa nhà lão Cự rất sớm, khi lão rảnh tay qua mùa đông. Ông Lầm gầy sọp đi, cằm bạnh ra, râu ria mọc lởm chởm, nhãn đen trên mắt chậm chạp vẻ ủ dột. Có lẽ do ảnh hưởng tinh thần từ bữa bốc mộ ông cụ. Ông sang để đưa cho lão chùm chìa khóa ngôi nhà và dặn “nhờ bác trông nom giùm, hồi nào con Thắm về, bác đưa lại cho nó”. 

– Vậy còn ông?

– Tôi phải đi thôi. Cứ nghĩ của cải, tiền bạc sẽ mang đến hạnh phúc cho vợ con tôi, nhưng hoàn toàn chẳng có nghĩa lý gì. Tôi thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Bà Thơm không hề có ý mở lòng với tôi, con Thắm thì im lặng, sự im lặng nơi mắt nó giết chết mọi niềm tin trong tôi.

Ông Lầm lầm lũi đi trong cái nắng heo heo vàng giữa buổi. Ngôi nhà đóng cửa im lìm. Cánh cổng sắt với đầu nhọn chổng lên trời, roong roong tiếng khóa. Lão muốn nói với ông Lầm rằng khoan hãy đi và kiên nhẫn chờ đợi, nhưng môi lão cứng nhắc. Lão nhìn sang phía nhà cô Thơm. Lẽ nào, cô còn muốn thêm những ngày xa cách. Tại sao mảnh ghép cuối cùng lại không hoàn hảo?

Vũ Thị Hạnh

>> Tình phố núi” – Truyện ngắn của Bùi Thanh Minh
>> Ươn – Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Giấc mơ bay – Truyện ngắn của Nguyên Hương
>> Đợi tàu ngược – Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Người cũ – Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Radio 99.9 – Truyện ngắn của Phan Ý Yên
>> Đàn bà – Truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh
>> Ngày phép – Truyện ngắn của Võ Thu Hương
>> Đồng huyết” – Truyện ngắn của Nguyễn Thị Vân Anh