Masan là tập đoàn tiêu dùng dẫn đầu giá trị vốn hóa
Masan vươn lên thành tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, vốn hóa xấp xỉ 179.000 tỷ đồng tính đến ngày 15/2.
Sở hữu hệ sinh thái tiêu dùng, bán lẻ có sức cộng hưởng lớn, cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan được VCSC và HSBC dự phòng giá mục tiêu lần lượt 186.000 đồng và 200.000 đồng, cao hơn 23% – 32% thị giá hiện tại. Trước đó, Bank of America (BofA) đã đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu MSN, giá mục tiêu là 198.000 đồng.
Nhiều giá trị cộng hưởng
Năm 2021, tập đoàn tăng trưởng cả về doanh thu, lợi nhuận, đổi mới mô hình kinh doanh và mở rộng hệ thống bán lẻ. Cụ thể, tập đoàn đạt 88.629 tỷ đồng, tăng 14,8% so với 77.218 tỷ hồi năm 2020. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ nền tảng tiêu dùng, bán lẻ The CrownX (TCX), với doanh thu thuần hơn 58.000 tỷ.
Hiện Masan quy tụ nền tảng sản xuất FMCG (Masan Consumer Holdings, Masan MEATLife), phân phối trực tiếp tận tay người dùng bởi hệ thống bán lẻ WinCommerce (WCM) – đứng đầu cả nước về số điểm bán, mở rộng sang lĩnh vực F&B và viễn thông thông qua cổ phần kiểm soát tại Phúc Long, Mobicast.
Việc có mặt ở nhiều lĩnh vực đem lại cho tập đoàn này cơ sở khách hàng lớn: 98% gia đình Việt có ít nhất một sản phẩm của Masan, 9 triệu khách trung thành tại WCM, gần 5 triệu người dùng có thu nhập khá giả từ Techcombank. Bên cạnh đó là đối tượng người trẻ, có phong cách sống hiện đại từ Phúc Long lẫn khả năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng từ các đối tác off-to-online chiến lược, trong đó có Lazada.
Năm 2021, doanh thu từ các mảng phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm thức ăn chăn nuôi, chế biến vật liệu công nghiệp công nghệ cao của MHT) góp 68% vào tổng doanh thu của Masan và dự kiến tăng lên 85% trong năm 2022.
“Lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh chính ước tính sẽ trong khoảng 5.000-7.000 tỷ đồng, tăng trưởng 32-84% so với mức 3.800 tỷ đồng hồi 2021”, đại diện tập đoàn cho hay.
Cửa hàng WinMart+ theo mô hình mini-mall. Ảnh: Masan
Tăng tốc chiến lược Point of Life
Nối tiếp thành công bước đầu của kiosk Phúc Long tại loạt cửa hàng WinMart+, Masan đã tăng tốc chiến lược Point of Life (PoL) bằng cách thí điểm mini-mall, mô hình phục vụ đa dạng sản phẩm và dịch vụ thiết yếu (gồm nhu yếu phẩm, dược phẩm, tài chính, giải trí, viễn thông… chiếm 60-80% chi tiêu của người Việt) trên một hệ sinh thái, tích hợp từ offline đến online.
Với các cửa hàng thí điểm mang lại kết quả khả quan, ban lãnh đạo Tập đoàn tin mô hình mini-mall sẽ thu hút khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng doanh số và giảm doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Trong năm 2021, năm cửa hàng thí điểm mini-mall đã tăng 30% lưu lượng khách so với trước đó. Mini-mall còn giúp mỗi điểm bán giảm 44% mức doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng mỗi ngày.
Kỳ vọng về TCX còn đến từ khả năng cộng hưởng ở nhiều mảng, gồm mua sắm hàng tiêu dùng, dược phẩm, F&B (Phúc Long), tài chính (đối tác là ngân hàng Techcombank) và viễn thông (nhà mạng Reddi).
Năm 2022, công ty đặt mục tiêu mở 2.000 cửa hàng mini-mall theo năm hình thức, dựa trên phân tích đặc trưng ở từng thành phố, ngoại ô, nông thôn… với các cửa hàng mới mở lẫn hiện có của WCM.
Năm 2022, tập đoàn đặt mục tiêu mở 2.000 cửa hàng WinMart+ theo mô hình mini-mall. Ảnh: Masan
Chủ tịch Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Mục tiêu sắp tới là chuyển đổi The CrownX thành nền tảng tiêu dùng, công nghệ hàng đầu. Trong năm 2022, Masan sẽ số hóa nền tảng từ sản xuất, hậu cần đến phân phối để phục vụ 100 triệu người Việt. Bước đi này không chỉ tối ưu 10% chi phí hoạt động mà còn vận dụng hiệu quả công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và machine learning (máy học) nhằm nâng cao hiểu biết về khách hàng, phục vụ các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất”.
HSBC Global Research gọi sự chuyển đổi của Masan là “hành trình đại gia bán lẻ trở thành siêu ứng dụng”. Sự tích hợp này có thể giúp cải thiện doanh số bán hàng trên mỗi mét vuông, từ đó thúc đẩy lợi nhuận tương lai.
Điển hình ở mảng viễn thông, tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn. Sau khi sở hữu mạng di động Reddi, tập đoàn đã thí điểm các gói dữ liệu tại một số siêu thị và siêu thị mini WinMart+. Dự kiến, dịch vụ mạng này sẽ mở rộng toàn quốc trong năm 2022, với mục tiêu đạt từ 500.000 đến 1.000.000 thuê bao.
“Reddi là mảnh ghép chính để chúng tôi xây dựng chương trình khách hàng thân thiết, chính sách thu hút người dùng mới dựa trên hợp tác thương hiệu. Reddi mang đến các gói dữ liệu thiết yếu miễn phí nhờ ưu đãi hoàn tiền khi mua sắm trên toàn hệ sinh thái Masan”, đại diện tập đoàn này nói thêm.
Ngoài ra, nhà mạng này có thể mở rộng sang lĩnh vực thanh toán, hướng đến đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng trong bối cảnh mobile money vừa được cấp phép hoạt động. Theo HSBC, nếu đạt 1% thị phần mobile tại Việt Nam vào năm 2025, mức đóng góp doanh thu của Reddi cho tập đoàn sẽ chiếm 1%. Ngoài khả năng tăng trưởng người dùng, các thỏa thuận hợp tác mới trong mảng
Masan sở hữu nhiều thương hiệu FMCG được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Masan
Tháng 1, Masan đã mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%. Từ khi nhận được khoản đầu tư này, hãng thức uống hòa chung với chiến lược PoL. VCSC tin rằng cuộc bắt tay trên mang lại giá trị tích lũy cho Masan vì Phúc Long là thương hiệu có tiếng, có dư địa tăng trưởng lớn và khả năng hợp lực mạnh với hệ sinh thái tiêu dùng của tập đoàn, nhất là WCM.
Vạn Phát