Mật Mã Tây Tạng 10 (Phần Cuối – Bộ 2 Quyển) – Sách Vinabook.com – Tiểu thuyết của Hà Mã – GIẢM 15%

Công nguyên năm 838, vị vua cuối cùng của dân tộc Thổ Phạn là Lãng Đạt Ma lên ngôi Tán Phổ, tuyên bố diệt Phật. Trong đợt tàn sát ấy, các tăng lữ đã mang một lượng lớn kinh điển và thánh vật đi chôn giấu tại một nơi bí mật, ở đó họ dựng lên một ngôi thần miếu, đặt tên là Bạc Ba La. Thời gian dần trôi, chiến tranh không dứt, ngôi thần miếu ẩn chứa biết bao báu vật Phật gia đã hoàn toàn biến mất trong lớp bụi lịch sử… Chuyến phiêu lưu trên đất Tây Tạng thực sự được mở ra tại một khán phòng trên đất Mỹ. Trác Mộc Cường Ba – người đàn ông sinh ra trên đất Tây Tạng, hiện đã là một thương nhân thành danh, giàu có với nghề nuôi dạy và kinh doanh chó ngao Tây Tạng. Nhưng, giữa bài phát biểu khai mạc cuộc thi chó ngao quốc tế do công ty mình tổ chức, Trác Mộc Cường Ba nhận được hai tấm ảnh bí ẩn khiến anh mất hết tự chủ, sẵn sàng vứt bỏ cuộc thi quay trở lại Trung Quốc. Hai tấm ảnh chụp một con chó ngao kỳ quái mà Trác Mộc Cường Ba nhất định tin rằng chính là Tử Kỳ Lân trong truyền thuyết nghìn năm mà đất Tây Tạng vẫn lưu truyền. Không thể chậm trễ hơn, Cường Ba tìm cách thuyết phục người thầy vốn là giáo sư uyên thâm về chó ngao đi cùng anh về quê nhà Tây Tạng, lần theo dấu vết mà tấm ảnh hé lộ để tìm cho được Tử Kỳ Lân trong truyền thuyết. Nhưng, Trác Mộc Cường Ba không ngờ rằng trong chuyến đi định mệnh này, anh còn phải gánh vác trách nhiệm tìm kiếm cho được bộ Tạng kinh quý hiếm ngàn năm vốn do người Qua Ba giữ gìn. Giữa muôn trùng núi non hùng vỹ, thiên nhiên hiểm trở, Cường Ba phải luôn tìm cách đối phó với những kẻ thù dấu mặt quyết săn đuổi hai thầy trò anh trong suốt chặng đường…

Bước lên tầng bình đài thứ ba, Shangri-la bao la của huyền thoại càng thêm mịt mờ sâu thẳm, bội phần hoang vu khắc nghiệt. Con đường đằng đẵng dẫn tới Bạc Ba La thần miếu của Trác Mộc Cường Ba và các đồng đội sinh tử giờ đây rời xa nơi chốn có con người cư trú, đi xuyên vào vùng sương mù dày đặc và gió tuyết ngập trời. Hiểm nguy chồng chất hiểm nguy, đoàn thám hiểm lại kịch chiến kinh hoàng với lũ quái thú, sói hoang nhưng sở hữu thứ trí tuệ lạ lùng. Và trên hết, họ tiếp tục phải đối đầu những kẻ thù hiểm ác nay đã trở nên áp đảo, chưa bao giờ ngừng đeo đuổi bám riết trên mỗi bước đường. Chia ly, tử biệt đớn đau rồi trơ trọi, trần trụi theo đúng nghĩa đen, Trác Mộc Cường Ba vẫn kiên cường đi tiếp chặng đường gian khổ tưởng như vượt quá cực hạn chịu đựng của con người, trải nghiệm thêm bao khám phá bất ngờ và kỳ bí… Tiếp nối những diễn biến bất ngờ và lôi cuốn ở tập 9, tập 10 bộ sách Mật mã Tây Tạng bao gồm hai phần được giới thiệu trong tháng 11 năm 2012 chắc chắn sẽ làm thỏa mãn sự chờ đợi, háo hức của các độc giả hâm mộ ngòi bút và tài năng kể chuyện của Hà Mã.

“Một khi máu tanh đã làm vấy bẩn bậc thang thánh miếu, nơi đó chỉ còn là tòa thành chết không người sống sót.” Bên trong Bức Tường Than Thở tỏa sương mù che chở Bạc La La thần miếu, Trác Mộc Cường Ba cùng mọi người sững sờ bước vào vườn địa đàng bị lãng quên, cảnh sắc tuyệt đẹp như mơ, nhưng hoang vu, kỳ dị, để rồi được tiếp nhận vào vương quốc bí ẩn và nghiêm mật của loài sói. Rồi những biến đổi kịch tính trên hành trình đã xáo trộn lực lượng của các phe, khiến những kẻ thù sinh tử giờ phải cùng nhau trải nghiệm muôn vàn nguy hiểm. Bộ kỳ thư đồ sộ Mật mã Tây Tạng đã bắt đầu khép lại, vén lên một tấm màn của sân khấu lịch sử hoành tráng thâm nghiêm, liên quan đến số phận tôn giáo trên miền đất huyền bí Tây Tạng, cùng những cuộc đấu tranh tang thương đẫm máu nhất. Là kẻ sớm bị định đoạt phải cuốn vào vòng xoáy của bi kịch nghìn năm, vượt qua vô số biến cố hãi hùng, thấu hiểu ý nghĩa của tình bạn, tình yêu, đối mặt với những âm mưu tàn độc liên tiếp vượt qua cực hạn chịu đựng của chính mình, Trác Mộc Cường Ba phút chốc đã giác ngộ ra đường đời là nỗ lực tranh đấu! Riêng con người can trường ấy đã có những dự định cho tương lai tiếp tục dấn bước – như là lời đáp án cho câu hỏi của cha già năm xưa: “Sự tồn tại là vì cái gì?”; “Con người tồn tại là vì cái gì?”; “Là một con người con sống là vì cái gì?”…

“… Ánh mắt Trác Mộc Cường Ba dừng lại, đăm đăm nhìn về phía xa, gã chợt không kìm được mà tự hỏi mình: “Đây là sự thật sao, không phải mình đang nằm mơ đấy chứ?”

Cỏ xanh biêng biếc, cao thì không quá gối, thấp thì không che lấp gót giày, kết thành tấm thảm, điểm xuyết những bông hoa trắng nhỏ li ti như hạt gạo. Một vùng thảo nguyên mênh mông trải đến tận chân trời. Cơn gió phất qua, gợn từng đợt sóng nhẹ lăn tăn chạy xa tít tắp, tựa hồ như từng nhánh cỏ, từng bông hoa đều đang vẫy tay với gã, reo lên mừng rỡ, hân hoan: “Trở về rồi… trở về rồi… trở về rồi…”

… Gió ở nơi này êm dịu như hơi thở tình nhân, khiến người ta thực tình không phân biệt nổi, đó là cơn gió thổi ùa vào mặt mình, hay chỉ là luồng không khí do cơ thể mình chuyển động gây ra. Mấy cây cột đá khổng lồ nghiêng nghiêng trên bãi cỏ, khiến không gian tĩnh lặng yên bình ấy có thêm mấy phần trang nghiêm. Mấy chú chim ngậm hoa bay đến, đậu trên cột đá, mắt láo liên nhìn khắp xung quanh, rồi lại theo nhau cất cánh tung bay nhào lộn. Trên không trung như có ai đó đang tấu lên giai điệu bản sonate Ánh Trăng. Gió hiu hiu, chim ca ríu rít, mặt đất hơi dập dềnh uốn lượn, phác lên những đường cong tuyệt đẹp như đường nét trên thân thể người thiếu nữ. Vườn Địa đàng trong truyền thuyết chắc hẳn cũng chỉ thế này thôi, đó là ấn tượng đầu tiên của Trác Mộc Cường Ba về cảnh tượng trước mắt…”

Kể từ khi ra mắt, Mật mã Tây Tạng không chỉ tạo nên một hiện tượng xuất bản lớn đối với Trung Quốc mà còn khiến hàng nghìn độc giả trở nên say mê thám hiểm. Sau khi được xuất bản, không chỉ các cửa hàng sách mà cả các cửa hàng bán dụng cụ thám hiểm cũng bày bán cuốn sách tại những vị trí trang trọng nhất. Mảnh đất Tây Tạng từ xưa vốn chứa đựng nhiều bí ẩn lịch sử cũng như huyền thoại vẫn là nơi gọi mời những ai có khát vọng khám phá. Cuốn sách của Hà Mã giống như một trận cuồng phong thổi bùng lên khao khát được băng mình vào một trong những chốn hùng vĩ nhưng cũng hiểm nguy nhất thế giới, để đích thân trải nghiệm những điều được Hã Mã diễn tả chi tiết với niềm say mê vùng đất anh đã hơn mười năm ẩn dật. Tác phẩm này đồng thời cũng nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà phê bình như một đại hùng thư của thời hiện đại, thậm chí gọi đó là “Sử thi Hà Mã” bởi lượng kiến thức khổng lồ về thiên nhiên, con người, văn hóa mà đặc biệt là phật giáo Tây Tạng mà Hà Mã đã đưa vào tác phẩm. Mật mã Tây Tạng cũng thể hiện được tài năng kể chuyện đặc biệt lôi cuốn của Hà Mã khi tác giả khéo léo đan cài hàng trăm chi tiết liên quan đến truyền thuyết, lịch sử, khoa học, những cuộc săn đuổi rợn người hay những âm mưu tinh vi thâm hậu vào hành trình tìm kiếm của Trác Mộc Cường Ba. Đó có lẽ là những nét chủ đạo làm nên sức hấp dẫn cho bộ kỳ thư về vùng đất thiêng dưới góc nhìn thám hiểm này.

***

Tác giả:

Dù là tác giả “hot” nhất tại Trung Quốc trong nhiều năm gần đây, nhưng tên tuổi thực và xuất thân cụ thể của Hà Mã vẫn là một bí ẩn đối với độc giả. Một trong số những thông tin ít ỏi mà người ta biết được về người tác giả này là: Hà Mã sinh ra ở Tứ Xuyên, đã từng sống 10 năm ở Tây Tạng. Anh là người thích thám hiểm, từng một mình vượt qua Khả Khả Tây Lý, rừng rậm nguyên thủy Xi Xuang Ba Na – là những khu vực hoang vu và hiểm nguy chết người tại Tây Tạng. Kiến thức, kinh nghiệm và những ký ức anh thu được từ những chuyến đi đó cùng với lòng say mê thám hiểm và khám phá văn hóa, một tài năng hư cấu xuất sắc đã giúp Hà Mã sáng tác nên bộ sách ăn khách Mật mã Tây Tạng.

Mời bạn đón đọc.

Mục lục bài viết

Báo chí giới thiệu

VnExpress

Lục Hương giao lưu về tập cuối ‘Mật mã Tây Tạng’

Cuốn ‘Mật mã Tây Tạng’ bản tiếng Việt sắp ra tập cuối. Dịch giả bộ sách có cuộc giao lưu về hành trình thám hiểm vùng đất này qua con chữ.

Ngày 10/11, tập 10 bộ truyện Mật mã Tây Tạng ra mắt độc giả. Tập 10, được chia làm 2 quyển, là tập cuối trong bộ sách được độc giả Việt Nam yêu thích.

Tập 10 nối dài phong cách phiêu lưu gay cấn của 9 tập trước, tình tiết thêm phần rắc rối song cách kể chuyện vẫn chân thật cuốn hút.

Với tiêu đề là Đại kết cục thần thánh, tập cuối này kể việc Trác Mộc Cường Ba và cả nhóm đánh lui bọn Merkin, thoát khỏi cuộc tấn công của đàn sói ở tầng thứ ba, gặp được Tử Kỳ Lân mà gã hằng mơ ước, vượt qua cửa Chúng Sinh và sông Phù Sinh, đến được Bạc Ba La. Khám phá muôn vàn câu đố và tuân theo vô số manh mối, họ đến được Vạn Phật các, trông thấy châu báu nhà Phật đã phủ dày bụi trần, càng lúc càng lại gần cốt lõi tinh thần của Phật giáo Tạng truyền. Trên đường đi, họ dần dần phá giải được những bí mật phức tạp, nhưng sự khủng khiếp của chúng cũng làm Trác Mộc Cường Ba suy sụp.

Dịch giả của bộ sách này là Lục Hương. Với Mật mã Tây Tạng, Lục Hương có sự gắn bó gần như duyên nghiệp. Anh là người đề xuất để bộ sách được xuất bản ở Việt Nam, và chuyên tâm chuyển tải những trang văn giản dị mà tràn đầy nội lực của tác giả Hà Mã sang tiếng Việt.

Cặm cụi suốt ba năm trời cùng những con chữ dày đặc, Lục Hương chiêm nghiệm trước thế giới bao la của Hà Mã để mang đến những bản dịch chuyển tải tinh thần Mật mã Tây Tạng.

Dịch giả Lục Hương tên thật và đầy đủ là Nguyễn Xuân Minh, sinh năm 1985 tại Hà Nội. Anh nổi tiếng trong cộng đồng mạng từ năm 19 tuổi qua những trang sách dịch mạnh mẽ và giàu tính biến hóa. Sau đó, anh vụt sáng trong làng xuất bản năm 20 tuổi bằng bộ sách 4 tập Tứ đại danh bộ Hội kinh sư. Từ đó đều đặn mỗi năm, Lục Hương lại đến với công chúng bằng các ấn phẩm dịch từ tiếng Anh hoặc Trung thuộc rất nhiều thể loại khác nhau như kiếm hiệp, kỳ ảo, đương đại…

Lục Hương cho rằng Mật mã Tây Tạng hấp dẫn vì tác giả đã chú ý sử dụng các thủ pháp lôi cuốn ngay từ những dòng đầu tiên với ngôn ngữ và cách hành văn rất giản dị, dễ thấm, dễ hiểu và tình cảm. Đồng thời bộ sách lại được các nhà phê bình, các nhà văn khen ngợi, vì đã khai thác được một đề tài mới: Tây Tạng.

“Do ảnh hưởng của sách lậu, Mật mã Tây Tạng tuy là bộ sách rất đắt khách, nhưng lượng tiêu thụ trong nước cũng không được cao. Có lần có độc giả từ Bắc Ninh sang, cầm theo 7 tập để tôi ký tặng, thì cả 7 tập đều là sách giả cả, anh ta nói ở quê nhà anh ta chỉ toàn sách này thôi. Hy vọng các cơ quan chức năng hỗ trợ cho các đơn vị làm sách trong việc kiểm soát sách giả”, dịch giả Lục Hương chia sẻ về tình hình phát hành bộ sách này.

Sau thời gian miệt mài cùng gần 3.000 trang sách Mật mã Tây Tạng, với cường độ lao động đáng nể, Lục Hương vừa bổ sung vào danh sách tác phẩm dịch của anh cuốn tiểu thuyết 1Q84 của nhà văn Nhật Murakami Haruki.

Năm 2009, công ty Nhã Nam đã thương thảo được quyền xuất bản bản tiếng Việt Mật mã Tây Tạng. Tháng 3/2010, tập đầu của series này chính thức xuất hiện trên các kệ sách tiếng Việt, lập tức chiếm giữ vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng bán chạy, trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn đọc sách.

Với độ dài 10 tập (1,2 triệu chữ), Mật mã Tây Tạng xoay quanh lịch sử bí ẩn hơn một ngàn năm của Tây Tạng. Cuốn sách được ví như cuộc hôn phối đậm chất Á đông của Bí mật ngôi mộ cổ và Mật mã Da Vinci, đặt ra nhiều thách thức với những tâm hồn ưa khám phá. Pho tiểu thuyết đồ sộ này còn được xem là dạng bách khoa thư về nhiều lĩnh vực: văn hóa Tạng, loài chó, xe cộ, quân sự, sinh vật, địa lý, thiên văn, lịch sử, tôn giáo, văn minh Maya, du lịch, y học…

(Báo Vnexpress.net giới thiệu ngày 07/11/2012)

Thoại Hà.

Xem thêm Thu gọn Báo Thể Thao & Văn Hoá

Mật mã Tây Tạng – cho những tâm hồn ưa khám phá

(TT&VH) – Với độ dài 10 tập (1,2 triệu chữ), Mật mã Tây Tạng xoay quanh lịch sử bí ẩn hơn một ngàn năm của Tây Tạng, là cuộc hôn phối đậm chất Á Đông của Bí mật ngôi mộ cổ và Mật mã Da Vinci, đặt ra nhiều thách thức với những tâm hồn ưa khám phá. Đây xứng đáng là một pho tiểu thuyết đồ sộ dạng bách khoa thư về nhiều lĩnh vực: văn hóa Tạng, loài chó, xe cộ, quân sự, sinh vật, địa lý, thiên văn, lịch sử, tôn giáo, văn minh Maya, du lịch, y học… mà lĩnh vực nào cũng được quan sát từ nhiều góc độ, mở rộng khẩu độ và khẩu vị tiếp nhận cho độc giả.

Mật mã Tây Tạng trải ra trước mắt chúng ta những điều còn ít người biết ấy. Tác phẩm mở đầu bằng một yếu tố quen thuộc nhưng chưa từng nguôi kích thích: yếu tố trinh thám. Thêm vào đó, cách tả tình, tả người đều sống động và tươi mới, Trác Mộc Cường Ba, giáo sư Phương Tân, Trương Lập, Đường Mẫn, Ba Tang… không nhân vật nào không tràn trề sinh lực, mỗi lần lật sách là mỗi lần bị cuốn vào thế giới của họ, mà gấp sách lại rồi, hình ảnh nhân vật vẫn bừng bừng nhựa sống trong tim ta.

Năm 2005, Nhà văn Hà Mã bắt tay sáng tác Mật mã Tây Tạng, sau khi nghiền ngẫm chừng 600 pho sách liên quan đến đề tài.

Mật mã Tây Tạng ra đời lập tức khua tỉnh hơn một trăm nhà xuất bản đang lờ đờ ngủ gật ở cả Trung Quốc Đại lục, và vùng lãnh thổ Hong Kong, Đài Loan. Chỉ qua một đêm, Hà Mã trở thành nhà văn lừng danh nhất về dòng truyện phiêu lưu. Các nhà sản xuất phim và trò chơi nhập vai cũng ngấp nghé dòm ngó.

Tháng 11/2012, Nhã Nam đã cho ra mắt tập 10 – tập cuối của bộ truyện. Ra mắt năm 2010, khép lại năm 2012, gần 3 năm trôi qua, cơn sốt Mật mã Tây Tạng chưa lúc nào hạ nhiệt.

(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu 11/11/2012)

Nguyễn Quỳnh Trang.

Xem thêm Thu gọn