Mất giấy phép lái xe, được cấp lại như thế nào?
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa đưa ra đề xuất mất giấy phép lái xe phải thi lại. Nhưng theo quy định hiện hành, nếu bị mất bằng lái xe sẽ được cấp lại. Vậy thủ tục cấp lại Giấy phép lái xe thế nào?
Sáng 6/3, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể dự phiên giải trình tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất quy định “tất cả những người mất giấy phép lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3″.
Phát biểu nêu trên của Bộ trưởng Bộ GTVT đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này là không khả thi, gây phiền hà cho người dân.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.
Theo quy định hiện hành, nếu bị mất bằng lái xe sẽ được cấp lại. Vậy thủ tục cấp lại Giấy phép lái xe thế nào?
Hiện nay, thủ tục xin cấp lại giấy phép lái xe bị mất được quy định tại Khoản 2 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT. Theo quy định, người dân muốn cấp lại Giấy phép lái xe cần phải thực hiện theo 4 bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ xin cấp lại Giấy phép lái xe gồm những giấy tờ sau: đơn đề nghị cấp lại giấy phép lái xe theo mẫu quy định; hồ sơ gốc phù hợp với giấy phép lái xe (nếu có); giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định, trừ trường hợp cấp lại Giấy phép lái xe không thời hạn các hạng A1, A2, A3; bản sao giấy chứng minh, nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn.
Sau thời gian 2 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ, chụp ảnh và nộp lệ phí theo quy định, nếu không phát hiện giấy phép lái xe đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý; có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, thì được cấp lại giấy phép lái xe.
Người có Giấy phép lái xe bị mất, quá thời hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý, sau 02 tháng kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, phải dự sát hạch lại các nội dung: Quá hạn sử dụng từ 3 tháng đến dưới 1 năm, phải dự sát hạch lại lý thuyết; Quá hạn sử dụng từ 1 năm trở lên, phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.
Người lái xe chuẩn bị 1 bộ hồ sơ dự sát hạch lại, bao gồm:
– Bản sao CMND hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu còn thời hạn có ghi số CMND hoặc Thẻ căn cước công dân (đối với người Việt Nam); Hộ chiếu còn thời hạn (đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài);
– Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;
– Đơn đề nghị đổi (cấp lại) Giấy phép lái xe theo mẫu quy định có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận;
– Bản chính hồ sơ gốc của Giấy phép lái xe bị mất (nếu có).
Trường hợp người có giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng nhưng không còn hồ sơ gốc, có tên trong hồ sơ của cơ quan quản lý sát hạch, nếu có nhu cầu được lập lại hồ sơ gốc thì gửi hồ sơ trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đã cấp giấy phép lái xe).
Hồ sơ bao gồm: đơn đề nghị, bản sao giấy phép lái xe, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn.
Cơ quan cấp giấy phép lái xe kiểm tra, xác nhận và đóng dấu, ghi rõ: số, hạng giấy phép lái xe được cấp, ngày sát hạch (nếu có), tên cơ sở đào tạo (nếu có) vào góc trên bên phải đơn đề nghị và trả cho người lái xe tự bảo quản để thay hồ sơ gốc.
Ảnh minh họa
Bước 2: Nộp hồ sơ
Khi đến thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép lái xe tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi cấp giấy phép lái xe), người lái xe nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép lái xe bị mất tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ.
Tại đây, người lái xe chụp ảnh trực tiếp và xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên để đối chiếu.
Bước 3: Nộp lệ phí cấp lại giấy phép lái xe
Lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe bị mất được quy định cụ thể tại Thông tư 188/2016/TT-BTC như sau:
– Lệ phí cấp lại Giấy phép lái xe: 135.000 đồng/lần.
– Phí sát hạch lái xe:
+ Đối với thi sát hạch lái xe máy (hạng xe A1, A2, A3, A4): Sát hạch lý thuyết: 40.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành: 50.000 đồng/lần.
+ Đối với thi sát hạch lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F): Sát hạch lý thuyết: 90.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trong hình: 300.000 đồng/lần; Sát hạch thực hành trên đường giao thông công cộng: 60.000 đồng/lần.
Bước 4: Nhận giấy phép lái xe cấp lại
Theo thời hạn trên giấy hẹn, người xin cấp lại Giấy phép lái xe đến bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải để nhận Giấy phép lái xe được cấp lại.
Khoản 6 Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định, thời gian cấp giấy phép lái xe chậm nhất không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.
Ngày trúng tuyển ghi tại mặt sau giấy phép lái xe cấp lại được tính theo ngày trúng tuyển của giấy phép lái xe cũ. Thời gian cấp lại giấy phép lái xe thực hiện như đối với cấp mới.
Cơ quan cấp lại giấy phép lái xe cho các trường hợp bị mất phải gửi thông báo hủy giấy phép lái xe cũ tới các cơ quan liên quan.
Anh Tuấn (Tổng hợp)
Mục lục bài viết
Thi bằng lái xe ô tô sẽ ngày càng khó
Một số lỗi của các thí sinh khi sát hạch Giấy phép lái xe (GPLX) sẽ bị đánh trượt ngay lập tức, như: không đừng đèn đỏ, vi phạm quy tắc lái xe đường đèo, vi phạm tại các gác chắn đường sắt…