Mất tiền, đi tù vì chửi người khác trên Facebook
Hành vi chửi bới, lăng mạ người khác trên mạng xã hội có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng. Trong trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, đối tượng vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự và bị phạt tù…
<![endif]–>
Với hơn 2 tỷ người dùng, Facebook hiện là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới. Ở Việt Nam, số người sử dụng Facebook cũng ở mức rất cao. Theo số liệu được Facebook công bố mới đây, Việt Nam hiện có khoảng 64 triệu người dùng Facebook, nằm trong Top 10 quốc gia có số người dùng Facebook lớn nhất thế giới.
Không thể phủ nhận những lợi ích mà Facebook mang lại. Trước hết, Facebook là phương tiện truyền thông kết nối con người ở khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, Facebook còn là kênh chia sẻ và cung cấp thông tin hữu ích, là môi trường kinh doanh đem lại lợi nhuận cao cho nhiều người, nhiều doanh nghiệp… Mang lại nhiều hiệu quả, thế nhưng sự tồn tại của Facebook cũng mang đến nhiều hệ lụy không đáng có.
64 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam tương đương với 64 triệu cách quản lý và sử dụng Facebook khác nhau. Trong số đó, không ít người cho rằng Facebook là trang thông tin cá nhân, là “ngôi nhà riêng” thuộc sở hữu của cá nhân, do đó, mỗi cá nhân có quyền làm bất cứ điều gì trên Facebook của mình. Viết gì, bình luận gì, chia sẻ gì, thậm chí là mắng chửi trên Facebook cũng là quyền của họ, không ai được can thiệp. Còn nhớ những phát ngôn “đá xoáy” đồng nghiệp trên Facebook của người nổi tiếng khiến cư dân mạng bàn tán. Hay câu chuyện của cô người mẫu công khai dùng những lời lẽ tục tĩu, mắng chửi một “đàn chị” khi livestream khiến nhiều người bàng hoàng. Rồi những vụ án mạng, giết người chỉ từ vài câu chửi nhau trên mạng xã hội…
Hình ảnh minh họa
Lợi dụng Facebook để trút giận, trả thù, chửi bới, lăng mạ người khác không những làm ảnh hưởng đến văn minh, văn hóa mạng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, chửi bới người khác trên Facebook có thể bị phạt tiền, nặng hơn là bị xử lý hình sự.
Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện có quy định rất rõ về các mức phạt đối với những vi phạm về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp. Trong đó, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng với hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trong khi đó, Điều 66 cũng tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính với những vi phạm về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin có nêu: Phạt tiền từ 10 -20 triệu đồng với hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác…
Hành vi nói xấu, bôi nhọ, lăng mạ người khác trên mạng xã hội còn có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999 với mức phạt tù thấp nhất là 03 tháng tù giam và cao nhất là 03 năm tù. Hoặc theo Điều 122 Tội vu khống với mức phạt cao nhất là 07 năm tù.
Facebook giống như là một xã hội thu nhỏ. Bên trong “xã hội” đó tồn tại những quy tắc nhất định mà mỗi “cư dân” sống trong đó đều phải tuân thủ. Việc chửi bới, xúc phạm, lăng mạ người khác trên Facebook dù là trực tiếp hay gián tiếp cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, hãy là những người dùng Facebook văn minh, đồng thời, để hạn chế xảy ra những tranh chấp, mâu thuẫn không đáng có trên mạng xã hội này, mỗi người dùng cần phải bình tĩnh tiếp nhận và chọn lọc thông tin, bảo vệ mình trước những thông tin sai lệch…
Để tìm hiểu thêm về các quy định liên quan, bạn đọc tham khảo:
Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện
Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 của Quốc hội