Mặt trái của phát triển du lịch – Bài 2: Phai mờ bản sắc

Du lịch phát triển đã tạo ra sinh kế mới góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân bản địa. Một bộ phận dân cư trở nên khá giả hơn, được tiếp cận với nhiều tiện ích của cuộc sống. Nhưng đi cùng với đó là những xáo trộn và tác động mạnh mẽ vào lối sống và bản sắc văn hóa cộng đồng.

Không ít người dân quê lần đầu đến Hội An phàn nàn về thái độ hờ hững của nhân viên tại các nhà hàng, quán ăn trong phố cổ. Dường như tâm lý “trọng tây hơn ta” đã xuất hiện nơi đây. Có nhiều quan điểm khác nhau để lý giải vấn đề này như ý thức một bộ phận khách Việt còn kém hay việc đón khách tây thường mang lại doanh thu cao hơn… Tuy nhiên, không thể phủ nhận lối sống thuần hậu, hiếu khách vốn có của người dân phố cổ đang dần thay đổi, nhất là ở một bộ phận dân cư là những người kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, du lịch phát triển cũng làm phát sinh những “tệ nạn” như bắt chẹt, cò mồi, cạnh tranh về giá, tính thực dụng trong một bộ phận người dân ngày càng nhiều hơn.

Du lịch làm hồi sinh các giá trị văn hóa miền núi nhưng cũng làm phát sinh tính thực dụng trong một bộ phận người dân. Ảnh: T.V.L Du lịch làm hồi sinh các giá trị văn hóa miền núi nhưng cũng làm phát sinh tính thực dụng trong một bộ phận người dân. Ảnh: T.V.L

Thay đổi lối sống

Theo ông Tống Quốc Hưng, Phó Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An, đây là thực tế thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở Hội An dù chính quyền thành phố luôn tuyên truyền nhắc nhở, kiểm tra và kiên quyết xử lý khi nhận được phản ảnh của du khách từ đường dây nóng. Ông Hưng cho rằng, bên cạnh yếu tố lợi ích kinh doanh, một trong những nguyên nhân chính là sự thay đổi chủ sở hữu trong các ngôi nhà cổ dẫn đến sự pha tạp văn hóa bản địa do ý thức, tập quán vùng miền nơi khác áp đặt vào làm cho lối sống phố cổ bị biến đổi, ảnh hưởng đến giá trị văn hóa phi vật thể trong mỗi ngôi nhà. “Trước đây người dân phố cổ có thói quen dậy sớm, bây giờ họ mở cửa muộn hơn theo thời gian khách tham quan, còn những hàng quán phục vụ dân sinh đã dần mất đi để nhường không gian cho các hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch” – ông Hưng nói. Ngoài ra, du lịch Hội An phát triển cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho đội quân cò mồi từ nơi khác đến hoạt động, ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Hội An trong mắt du khách.

Các công trình nghiên cứu đã chứng minh, trong giai đoạn đầu khi những du khách đầu tiên xuất hiện, họ thường được đón tiếp rất nồng nhiệt với lòng hiếu khách cao nhất. Dần dà cùng với sự gia tăng số lượng du khách, thái độ trên cũng thay đổi, thậm chí coi thường và bất cần. Đặc biệt, quá trình phát triển du lịch cũng đã sản sinh ra các đặc thù văn hóa trong hành vi ứng xử của những con người tham gia hoạt động du lịch, thể hiện qua thái độ hành xử, giao tiếp với khách cũng như doanh nghiệp và hướng dẫn viên… Đã có không ít phản ánh từ các công ty du lịch và du khách về thái độ của đội ngũ kiểm soát vé và bảo vệ tại khu phố cổ từ khi Hội An siết chặt vé tham quan, dù chỉ là một bộ phận nhỏ và thành phố cũng cam kết chấn chỉnh nhưng qua đó cũng cảnh báo về những thay đổi đang diễn ra nơi đây.

“Khi thấy khách đến tham quan nhiều, người dân sẽ tưởng là văn hóa của họ ghê gớm lắm nên thường tỏ thái độ tiêu cực và “vòi vĩnh” với suy nghĩ là họ cần ta chứ ta không cần họ. Tôi có thể nói thẳng, tiêu cực đang xuất hiện ở những nơi du khách tới là câu chuyện tiền”.
(ông Nguyễn Tri Hùng –  nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc miền núi Quảng Nam)

Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, mặt trái của phát triển du lịch tác động đến lối sống văn hóa tuy là vấn đề không mới nhưng khó có thể giải quyết ổn thỏa. Trong đó, quá trình hoạt động du lịch đã làm thương mại hóa mối quan hệ giữa người dân địa phương và du khách, nhất là cạnh tranh về giá cả; mua bán trao đổi khó kiểm soát. “Phát triển du lịch bền vững là coi trọng bảo tồn trong phát triển du lịch chứ không thể chạy theo du lịch ồ ạt; phải tạo ra mặt bằng giá cả, nếp sống văn minh trong thương mại cũng như mối quan hệ giữa người mua và người bán ” – ông Hài nói.   

Nhạt nhòa văn hóa miền núi

Thực tế cho thấy, một trong những ý nghĩa tích cực của du lịch là giúp mở rộng giá trị sản phẩm văn hóa. Nếu không có du lịch, các giá trị văn hóa, lịch sử của Hội An hay Mỹ Sơn không thể được thế giới biết đến. Đặc biệt, thông qua các hoạt động du lịch sẽ giúp bảo tồn, duy trì những giá trị văn hóa tốt hơn. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của du lịch đến văn hóa là không tránh khỏi. Trước tiên là hiện tượng thương mại hóa các giá trị văn hóa bản địa, tính thực dụng xuất hiện làm biến dạng bản sắc văn hóa truyền thống thể hiện trong ngôn ngữ, trang phục, tập quán, kiến trúc, phương thức canh tác, cách thức tổ chức sinh hoạt cộng đồng… Tại một số địa phương miền núi, sự thay đổi đã bắt đầu thể hiện ở cách thức ăn mặt, trang điểm; tính hiếu khách, hồn nhiên của đồng bào cũng ít nhiều mất đi.

Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch – dịch vụ Hoa Hồng (Hội An), người chuyên tổ chức các tour du lịch đưa khách đến các làng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn nhận, hiện nay những giá trị văn hóa truyền thống miền núi đã mất đi rất nhiều trong đời sống hằng ngày và chỉ còn xuất hiện mỗi dịp lễ hội nên việc phục hồi là cấp thiết. “Theo tôi hiện nay du lịch miền núi Quảng Nam mới chỉ ở dạng sơ khai nên những tác động tiêu cực chưa phải nhiều, nhưng về lâu dài khi du lịch nở rộ, những tác động tiêu cực chắc chắn không tránh khỏi” – ông Dũng cảnh báo. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tri Hùng – nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc miền núi Quảng Nam, điều lo ngại nhất khi du lịch phát triển là sự ngộ nhận về giá trị văn hóa của đồng bào, làm nảy sinh tiêu cực trong ứng xử với khách, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến chủ nghĩa thực dụng xuất hiện thay thế cho lòng mến khách. “Khi thấy khách đến tham quan nhiều, người dân sẽ tưởng là văn hóa của họ ghê gớm lắm nên thường tỏ thái độ tiêu cực và “vòi vĩnh” với suy nghĩ là họ cần ta chứ ta không cần họ. Tôi có thể nói thẳng, tiêu cực đang xuất hiện ở những nơi du khách tới là câu chuyện tiền” – ông Hùng thẳng thắn.

Tác động của du lịch tới văn hóa và xã hội là không tránh khỏi
Trong bộ công cụ hướng dẫn giảm nghèo thông qua du lịch của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã đề cập, sự tác động của du lịch tới văn hóa và xã hội là không tránh khỏi. Trong đó, tác động tích cực được thể hiện rõ ở các mặt như nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng tiếp cận các tiện ích về thông tin, truyền thông; xây dựng năng lực và giáo dục; trao quyền; đẩy mạnh các thiết chế cộng đồng; công bằng giới; tăng giá trị văn hóa; cải thiện bảo tồn và khôi phục các điểm di sản văn hóa; bán sản phẩm thủ công địa phương, tăng niềm tự hào và niềm tin cho người dân địa phương… Tuy nhiên, tác động tiêu cực cũng không phải ít, thể hiện ở việc mất tài nguyên; xói mòn giá trị văn hóa, xã hội địa phương; tội phạm, mại dâm và bóc lột trẻ em; gây thù ghét của người dân địa phương khi không được hưởng thụ du lịch và tiện nghi cũng như khi thấy chênh lệch về sự giàu có của khách du lịch…

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của du lịch và tăng cường tác động tích cực thì sự tham gia của địa phương là sợi chỉ xuyên suốt. Điều đó thể hiện qua việc hoạch định, đánh giá tác động và giám sát, cam kết của các bên liên quan, nhất là cộng tác, tôn trọng và phân phối lợi ích công bằng cho người dân địa phương và khuyến khích đa dạng văn hóa xã hội. Điều này cũng đã được cụ thể hóa qua các chương trình, dự án mà ILO cũng như nhiều tổ chức phi chính phủ khác đã và đang triển khai tại Quảng Nam thời gian qua nhằm tạo sinh kế, thay đổi cuộc sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng. Đây cũng chính là chiến lược chủ đạo của du lịch Quảng Nam xây dựng trong những năm đến.

THÂN VĨNH LỘC