Mẫu Hàn Sơn – Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Thủy Cung Thánh Mẫu – Oản nghệ thuật
Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ hay còn có các danh xưng như: thủy cung Thánh Mẫu, Mẫu Thoải, Xích Lân Long Nữ Công chúa. Trong Tam Tòa Thánh Mẫu, Mẫu Thoải Phủ ngồi bên phía tay trái Mẫu Liễu Hạnh mặc xiêm y trắng. Chữ Thoải là đọc chệch từ chữ Thủy nghĩa là nước. Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ cai quản miền sông nước với hiện thân của ngài là màu trắng.
1.Thần tích Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn
Có 3 truyền thuyết về Mẫu Đệ Tam và sự tích 4 lần Mẫu hiển linh giúp nước :
Truyền thuyết từ vùng Thái Bình: Từ thủa hồng hoang, thời mở mang đất nước, vua Kinh Dương Vương đi chu du khắp nơi. Rồi một ngày kia, nhà vua gặp một người con gái nhan sắc tuyệt trần và đã lấy nàng làm vợ. Nàng chính là con gái út của Long Vương. Sau này bà đã sinh ra vua Lạc Long Quân. Vì nàng là con gái Long Vương nên được làm nhiệm vụ cai quản vùng sông biển, ao hồ.
Truyền thuyết tại vùng Nghệ An: cho biết thêm Mẫu Thoải và vua Kinh Dương Vương đã gặp nhau bên bờ sông Lam ngày nay, ngày xưa gọi là sông Thanh Long.
Truyền thuyết tại Tuyên Quang( đền Dùm): Mẫu Đệ Tam vốn là con gái Vua Thủy Tề, ở chốn Long Cung. Bà kết duyên cùng Kính Xuyên (là con Vua Đất). Khi Kính Xuyên đi vắng, bà ở nhà khâu vá, chẳng may kim đâm vào tay chảy máu, lấy tấm vải lụa trắng để thấm máu. Thảo Mai, tiểu thiếp của Kinh Xuyên, vốn đã sinh lòng đố kị từ lâu, nhân cơ hội đó giấu tấm lụa đi, đến khi Kính Xuyên về, Thảo Mai lấy ra rồi vu oan cho bà ở nhà đã cắt máu thề nguyền để tư thông cùng kẻ khác. Kính Xuyên không nghe lời thanh minh, ghen tuông mù quáng, một mực bắt đóng cũi bỏ bà lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Ở nơi rừng núi, bà được muôn loài quý mến, dâng hoa quả nước uống cho bà. Đến một ngày kia thì bà gặp được Liễu Nghị, vốn là thư sinh quê đất Thanh Miện nhờ tập ấm cha mẹ để lại nên đèn sách chuyên cần. Hôm đó trên đường đi thi thì chẳng may bị lạc vào nơi bà bị đày ải. Thấy bà vậy, Liễu Nghị đến hỏi han, sau khi biết rõ sự tình, Liễu Nghị nhận giúp đỡ bà. Bà đã viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn Long Cung để vua cha thấu hết sự tình rồi sẽ định liệu sau. Theo lời bà, Liễu Nghị ra đến sông Ngân Hán, là mái Long Giai ngoài biển Đông, thấy có cây ngô đồng, Liễu Nghị rút cây kim thoa, gõ vào cây ba lần. Tức thì gió giật mưa sa, biển động ầm ầm, giữa dòng thấy hiện lên đôi bạch xà, Liễu Nghị bèn trình bày mọi việc, đôi bạch xà vâng lệnh đưa Liễu Nghị xuống Thủy Cung. Tại đây, Liễu Nghị trao cho Vua Thủy Tề bức thư và kể hết mọi chuyện. Vua cha tức giận, sai người đi bắt Kính Xuyên và Thảo Mai, còn truyền cho Trưởng Tử Xích Lân lên đón bà về. Sau đó bà được rước về Thoải Phủ, kết duyên cùng Liễu Nghị, người được giao cho chức Quốc Tế Thủy Quan. Theo truyền thuyết này, có lẽ dân gian vẫn nói người con gái gian giảo là “thảo mai” chắc là xuất xứ từ sự gian giảo của nàng Thảo Mai trong câu chuyện này.
Sự tích bốn lần Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ hiển linh giúp nước:
Lần thứ 1: Mẫu hiển linh giúp vua Lý Thái Tổ
Tương truyền vùng Đồng Bằng Bắc Bộ thường xuyên có lũ lụt. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, ông bắt đầu công việc trị thủy. Công việc kéo dài đến tận thời vua Lý Thái Tông mới căn bản xong. Các đoạn đê được nối liền vào với nhau và có quy mô rộng lớn như ngày nay. Trong suốt quá trình xây dựng hệ thống đê, lũ lụt vẫn thường xuyên xảy ra gây khó khăn cho nhân dân. Mẫu Thoải đã phái các thủy thần, tướng lĩnh của mình đến các làng ven Thăng Long để âm phù giúp dân đắp đê chống lụt. Thần tích này còn được ghi tại các làng Nhật Chiêu, Quảng Bá, Tây Hồ, Yên Phụ,…
Lần thứ 2: Mẫu hiển linh giúp Trần Hưng Đạo
Quân Nguyên xâm lăng đất nước, vua Trần Nhân Tông khi ấy triệu Hưng Đạo Vương phong làm Đại Nguyên Soái cất quân đi dẹp giặc. Lúc ấy khi đi ngang qua sông Xâm Miện (khu đền Dầm) thì mặt trời vừa lặn. Ông cho quân lính cắm trại dừng chân bên bãi sông còn mình thì ở lại trên thuyền.
Đêm đến, trong cơn mơ, ông thấy một người con gái áo trắng, mang đai ngọc lưu ly cưỡi rồng vàng đến trước mặt ông và nói rằng: “Thiếp là con gái Long Vương là Thủy Tinh Ngọc Dung công chúa, được lệnh đến giúp ngài diệt giặc. Ngài hãy đem quân đuổi giặc, thiếp nguyện âm phù trợ giúp.” Tỉnh dậy ông biết là mộng báo có người phù trợ bèn xua quân đại chiến với giặc. Hai bên giao tranh ác liệt thì gió bấc thổi lên, nước sông cuồn cuộn, sóng nổi ngập trời làm cho chiến thuyền của giặc bị nhấn chìm tả tơi.
Thắng trận trở về, ông tâu vua báo công và nêu rõ việc Ngọc Dung báo mộng. Vua sai sứ giải về Xâm Miện vào miếu (nay là đền Dầm) bái tạ và ban sắc phong:
“Hoàng Long tĩnh mạch, đoan trang
Anh linh Thục Diệu phu nhân Trung Đẳng Thần.”
Lần thứ 3: Mẫu hiển linh giúp vua Lê Thánh Tông
Tích này liên quan đến ngôi đền Hàn Sơn nổi tiếng tại Thanh Hóa. Tích xảy ra trong quá trình vua Lê đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khi thuyền đi qua sông Lèn thì gặp một trận cuồng phong. Vua bèn lập đàn tràng để xin các vị thần phù trợ. Mẫu Thoải hay tin đã phái một nữ tướng đến trị. Ngay lập tức sông yên, gió lặng. Sau khi thắng trận trở về, nhà vua nhớ công ơn, phong tặng cho Mẫu làm Thủy Phủ Thần Nữ tại đền Hàn Sơn. Từ đó, ngôi đền trở thành một trong những đền thờ Mẫu Thoải nổi tiếng nhất vùng.
Lần thứ 4: Mẫu hiển linh giúp vua Lê Thần Tông
Đời vua Lê Thần Tông, mẫu Thoải hiển linh phù âm giúp dân chống lụt xua đuổi thủy quái khi nhân dân gặp nạn nước sông Hồng dâng cao bất thường tràn vào cả Yên Phụ. Nhà vua phải đích thân hành lễ Nam Giao (Lễ tế cáo trời đất) để cầu các vị thần linh phù trợ.
2.Dấu hiệu nhận biết khi Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn về ngự đồng.
Trong hầu đồng cổ truyền không bao giờ có tung khăn tam tòa thánh Mẫu, bởi vị ngài đứng đầu trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Việc mở khăn ngài được coi là bất kính. Khi hầu đồng thỉnh Mẫu Đệ Tam các cụ chỉ hầu tráng bóng. Mẫu Đệ Tam chỉ về ra tay dấu và làm lễ tấu hương. Riêng mẫu Đệ tam, ngài có dùng hương khai quang.
3.Ý nghĩa của việc đi lễ Đền Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn
Như mọi người đã biết, ông cha ta từ ngàn xưa cho đến tận ngày hôm nay thì truyền thống ” Uống nước nhớ nguồn ” là một nhân phẩm cao quý của người dân Việt Nam . Việc đi lễ đền Mẫu Hàn Sơn đối với khách hành hương thập phương, như một sự tưởng nhớ sâu sắc đến công lao của Mẫu Hàn Sơn đã có công trạng to lớn bảo vệ và gầy dựng An Nam Đại Việt cho đến ngày hôm nay. Và chúng ta nên gìn giữ truyền thống văn hoá đi lễ đó như một sự biết ơn vô bờ bến cho thế hệ hôm nay và lưu truyền cho các đời sau.
Đối với những người con của Tứ Phủ, thì việc bái yết cửa Mẫu lại càng vô cùng có ý nghĩa . Đi lễ các cung các sở như một thói quen đã in sâu vào tiềm thức của những người “sinh dương thế mà số hệ thiên cung”. Về với cửa Mẫu cũng như đi về với gia đình vốn có trong tiềm thức của người “Căn Số “. Mọi người sẽ cảm giác như mình được chạm đến gốc rễ nguồn cội vốn có của mình. Đối với những người căn cao số nặng thì việc chiêm bái cửa cha cửa mẹ để “cha biết mặt mẹ biết tên ” giống như một cách thể hiện sự khao khát được tiên cung tiên thánh đề tâm xếp nếp để mở tâm mở đạo, tinh tấn sáng suốt trên con đường tu đạo của mình . Các bạn dù có là bất cứ ai, nhưng nếu đều mang trên mình dòng máu Lạc Hồng thì đừng bao giờ quên những Thánh Nhân cũng đã từng hy sinh hạnh phúc,hy sinh thân mình để có được một đất nước Việt Nam hùng cường với bề dầy lịch sử 4000 năm của chúng ta như ngày hôm nay nhé!
4.Kinh nghiệm đi lễ đền Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn:
Địa chỉ và phương tiện đi lại đến đền Mẫu Hàn Sơn:
Đền Hàn Sơn (hay còn gọi là Đền Mẫu Đệ tam hoặc là Đệ tam thoải phủ), Đền Ba Bông (Hay còn gọi là Đền Cô Bơ hoặc là Cô Ba thoải phủ) là những di tích lịch sử Văn hóa thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa được xây dựng cách đây trên 500 năm, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, di tích Đền Hàn và Đền Ba Bông đã có những giai đoạn bị phá bỏ hoàn toàn, mà theo đó Lễ rước kiệu, Lễ rước bóng Cô Bơ nơi “Quốc mẫu dân cầu” cũng bị mai một lãng quên. Tuy vậy, mảnh đất “Anh linh” vua ban đã được nhân dân và khách thập phương nhiều lần tôn tạo, trùng tu, sửa đổi. Cùng với thời gian, nhân dân thập phương, các thanh đồng bản hội vẫn nô nức viếng thăm, hương khói cầu nguyện phước lành cho cuộc đời bình an, mùa màng tươi tốt, có thể nói đây là nơi “Quốc mẫu dân cầu” có một không hai (Những nơi khác thờ Mẫu thoải, thờ Cô Ba chỉ là phối thờ hoặc chỉ là thờ vọng mà thôi). Cả hai đền này đã được Nhà nước cấp bằng Di tích cấp tỉnh năm 1992.
Đi lễ Đền Hàn Sơn quý khách có thể di chuyển bằng phương tiện xe máy hoặc ô tô. Địa chỉ đền Hàn Sơn tại Hà Sơn, Hà Trung, Thanh Hoá.
Ngày Tiệc Mẫu Đệ Tam vào ngày bao nhiêu ?
Ngày tiệc Mẫu Thoải là ngày 10 tháng 6 âm lịch, thường được tổ chức long trọng nhất là ở Đền Mẫu Thác Hàn Sơn.
5.Kinh nghiệm chọn đồ lễ khi đi lễ đền Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn.
Quý du khách có thể tùy tâm thành lễ, nhưng cơ bản một mâm lễ bao gồm hoa tươi, quả, bánh trái và văn sớ, những thứ này quý khách hoàn toàn có tự chuẩn bị sắm sửa từ nhà. Nếu không tiện mang từ nhà đi, quý khách có thể mua ở các sạp hạng phía cổng các di tích, tuy nhiên mức giá có phần cao hơn một chút. Ngoài các đồ lễ trên, tùy từng du khách có thể chuẩn bị thêm xôi, giò , gà luộc, một số du khách sẽ chuẩn bị thêm một chút tiền lẻ, tiền dầu nhang … bổ sung cho mâm lễ thêm tố hảo. Tất nhiên căn bản vẫn tùy tâm và tùy từng khả năng của du khách, tất cả đều trên lòng thành tâm của du khách Phật Mẫu sẽ chứng tâm cho lòng thành của quý khách.
Tuy nhiên Quý khách lưu ý, chuẩn bị sớ đủ ba lá đại diện cho Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngoài ra nếu đi đến các đền phủ khác thì tùy từng thánh bản đền thờ phụng mà quý khách có thể viết các lá sớ riêng để thỉnh tới từng cửa thánh.
Ngoài ra quý khách có thể chọn những sản phẩm oản của Oản Nghệ Thuật Đức Hiếu với rất nhiều mẫu mã và các thiết kế độc nhất.
Đặc biệt đến với Oản Nghệ Thuật Đức Hiếu bạn có thể đặt thiết kế riêng cho đồ lễ dâng cúng Mẫu Hàn Sơn. Liên hệ ngay HotLine: 0966.6826.01
6.Đi lễ đền Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn Cầu Xin Gì ?
Đền thờ vốn là chốn linh thiêng, là nơi thờ tụng vì vậy bạn nhất định phải ăn mặc lịch sự, kín đáo. Khi đi lễ đền chúng ta nên cầu xin Mẫu Hàn Sơn phù hộ cho quốc thái dân an, gia đạo bình an khỏe mạnh, tâm hồn luôn sáng và thiện lành, con cái thông minh học giỏi, gia đình hưng vượng an lạc, công việc hanh thông và thiện duyên… tiếp đến là nguyện hồi hướng công đức cho người đã khuất và các chúng sinh ở thế giới bên kia được siêu thoát.
7.Một số đền phủ khác có thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn trên toàn quốc
-
Đền Mẫu Thoải Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa, nơi bến Đò Lèn. Đền Hàn Sơn là ngôi đền thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Thanh. Năm 1992, đền đã được Nhà Nước công nhận và xếp hạng.
-
Đền Mẫu Thoải ở thị xã Lạng Sơn, gần sông Kì Cùng
-
Đền Dầm ở thôn Xâm Dương, xã Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. Là ngôi đền nổi tiếng thờ Mẫu Thoải Phủ gắn liền với tích Mẫu về báo mộng phù trợ Hưng Đạo Đại Vương đánh thắng giặc ngoại xâm, được vua ban sắc phong tôn quý.
-
Ngoài ra còn một số ngôi đền khác: Đền Cửa Sông, Đền Bà Áo Trắng, Đền Cái Lân, Đền Mẫu Thoải Lạng Sơn
8.Văn khấn Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn
Con nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Cọn lậy 9 phương trời, 10 phương chư Phật, chư Phật 10 phương
Con lậy :
Tam Vị Vua Cha
Tam Toà Thánh Mẫu
Đức Ông Trần Triều
Lục Bộ Nhà Trần
Hội Đồng Thánh Chúa
Tứ Phủ Vương Quan
Tứ Phủ Chầu Bà
Tứ Phủ Ông Hoàng
Tứ Phủ Thánh Cô
Tứ Phủ Thánh Cậu
Các quan Hạ Ban
Ngày hôm nay là ngày …. tháng…. năm , tín chủ họ ….. lễ mỏng lòng thành dâng lên …..
Chúng con mang miệng đến tâu mang đầu đến vọng cúi xin Mẫu phù hộ cho quốc thái dân an mưa thuận gió hoà, bách gia trăm họ được bách bệnh tiêu tán vạn bệnh tiêu trừ. Con xin cho các tướng lĩnh chết trận nhiều đời nhiều kiếp qua các triều đại và các vong linh anh hùng liệt sỹ trên mọi miền đất nước sớm được siêu thoát. Con xin cho tất cả lính ghế tứ phủ được mở tâm mở đạo, giác ngộ, đi đúng đường đời đường đạo để tu tâm, tích đức, hoằng dương đạo pháp. Con xin cho cửu huyền thất tổ ba bề bốn bên dòng họ ….. (nội ngoại hai bên), xin cho các bà cô ông mãnh, các chân linh mất mộ, chết bé và các ún tiểu thai nhi giọt máu đào dòng họ…. sớm được siêu thoát.
Tín chủ họ ….. xin Mẫu gia hộ cho gia đình chúng con được bình an vô sự, nước chảy một dòng thuyền về một bến, trong ấm ngoài êm trên bền dưới chặt, cho con xin có các ún tiểu nhà con được thông minh lanh lợi, hay ăn chóng lớn học hành giỏi giang.
( xin gì kêu thêm…)
Sám hối Mẫu, chúng con tuổi còn trẻ đầu còn xanh, ăn chưa sạch bạch chưa thông, có sơ mơ lầm lỗi chưa thông tỏ điều gì xin Mẫu mở tâm mở đạo, đưa đường dẫn lối để chúng con biết đường mà lội biết lối mà lần tu thân tích đức, đi đúng đường đời đường đạo không sa ngã vào ma tà quỷ đạo. Con xin Mẫu chứng tâm chứng lễ cho con.
Con Nam Mô A Di Đà Phật ( 3 lần).
9.Danh sách các đền thờ Tứ Phủ gần đền Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn
– Đền Đức Thánh Cả: Số 3 Đường Đức Thánh Cả, P. Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa, Thanh Hoá.
– Đền Sòng Sơn: P. Bắc Sơn, Bỉm Sơn, Thanh Hoá
– Đền Cô Bơ Bông: Đê tả sông Lèn, Hà Sơn, Hà Trung, Thanh Hoá
– Đền Cô Tám Đồi Chè: Đê tả sông Lèn, Châu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá
– Đền thờ An Dương Vương: Quảng Châu, Sầm Sơn, Thanh Hoá
– Đền Mẫu Phong Mục Hàn Sơn: Châu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá
– Đền Độc Cước: P. Trường Sơn, Sầm Sơn, Thanh Hoá.
10.Số điện thoại thủ nhang các đền thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn
– Đền Mẫu Hàn Phong Mục: 01629.478.865
– Đền Hàn Sơn:0237.3742.002
11.Các tuyến xe khách xuất phát từ Hà Nội đi qua đền Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Mẫu Hàn Sơn
Từ Hà Nội không có tuyến xe đi thẳng đến đền Mẫu Hàn Sơn. Các bạn có thể ra bến xe Nước Ngầm để bắt các xe về huyện Hà Trung- Thanh Hóa và bắt thêm xe ôm để đi vào đền lễ Thánh nhé!