Meo, Meo… – Sao Khuê | Nhật Báo Calitoday
Thưa quý vị, chúng ta bước sang năm mới, năm Quý Mão mà chúng ta thường gọi là năm con mèo.
Tại sao năm con mèo 2023 lại là năm Quý Mão? Tại vì chu kỳ 12 năm của người châu Á mà ta gọi là 12 con giáp tức 12 “địa chi” gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Đi kèm với 12 địa chi có 10 thiên can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
Một năm âm lịch (năm ta) gọi đầy đủ “can, chi” thì năm tới là năm Quý Mão. Vì 12 địa chi (gọi tắt là 12 chi) được ghép với 10 thiên can (hay 10 can) nên phải qua một vòng sáu mươi năm mới quay lại năm có cùng địa chi và thiên can. Thí dụ năm 2022 là năm Nhâm Dần thì phải 60 năm nữa mới có năm Nhâm Dần. Chu kỳ sáu mươi năm gọi là Nguyên tức Lục Thập hoa giáp.
Có ba sự khác biệt về các con vật tượng trưng các con giáp giữa các nước châu Á. Với Việt Nam, Tí là chuột, Sửu là trâu, Dần là cọp, Mão là mèo, Thìn là rồng, Tỵ là rắn, Ngọ là ngựa, Mùi là dê, Thân là khỉ, Dậu là gà, Tuất là chó, Hợi là con heo. Với Nhật, Hàn quốc và Trung Quốc thì Sửu là con bò và Mão là con thỏ. Mùi với Nhật và Hàn không phải là con dê mà là con cừu. Nhật Bản có một câu chuyện giải thích tại sao Mão lại là thỏ thay vì mèo: con mèo bị con chuột lừa, không lên được thiên đình đúng ngày hẹn của Ngọc Hoàng Thượng Đế nên không được vào danh sách 12 con giáp.
Ngoài chuyện tán hươu tán vượn, Sao Khuê còn là đồ đệ của Lốc cốc tử. Nể quý vị Sao Khuê gieo một quẻ cho năm mới – mà chẳng cần gieo quẻ quý vị nhìn con mèo lười biếng thế kia thì đủ thấy năm 2023 chúng ta sẽ rất nhàn hạ, mà nhàn thì kinh tế không phát triển, chúng ta sẽ nghèo đi một nửa. Quý vị cũng chả cần nhìn đâu xa, chỉ cần ra chợ là thấy tiền của chúng ta mất giá phân nửa. Rau cỏ, thịt cá đều tăng mặc dù giá dầu đã hạ xuống và Sao Khuê bảo đảm là giá cả sẽ giữ nguyên chứ không mong gì giảm xuống đâu. Ah! Bà nào sanh con gái năm nay rất tốt. Con mèo con sẽ nhàn hạ cả đời đây nè.
Mèo có nhiều màu, đen tuyền gọi là mèo mun, mèo trắng, mèo xám.. Mèo hai màu gọi là mèo nhị thể. Nhiều người thích mèo tam thể tức là ba màu vàng đen và trắng. Có rất nhiều giống mèo trên thế giới; khoảng năm mươi giống khác nhau hay hơn nữa: mèo Xiêm, mèo Ba Tư, mèo Anh, mèo Ai Cập, mèo mướp, v.v.
Mèo là một trong những gia súc, được người nuôi, trừ mèo hoang không có ai nuôi hay mèo rừng là loại mèo sống trong rừng. Người nuôi mèo, giao cho mèo mỗi một nhiệm vụ là bắt chuột. Nhiều khi không bắt được chuột thì “con mèo mà trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột đi chợ đường xa, mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.”
Hừ để rồi coi, chuột dám trêu mèo ư… “Chị ơi, em có con mèo, nó hay nghịch ngợm leo trèo lắm cơ, hôm qua dưới gầm bàn thờ có con chuột nhắt nó vồ được ngay…”
Mèo vồ được con chuột thì nó có ăn ngay đâu cơ chứ. Nó tha con chuột ra góc nhà, lấy một chân đè trên con chuột rồi ngoảnh mặt đi, nhấc cái chân lên, con chuột còn đang ngỡ ngàng trước cửa tử hé mở, vội vàng chạy nhưng chạy chưa được mấy bước đã bị con mèo tinh quái thò chân ra khều lại. Rồi mèo lại nhấc chân, chuột lại chạy, mèo lại thò chân kéo lại, đè chuột xuống, rồi nhấc chân để cho chuột chạy, rồi lại khều chân ra mà bắt chuột vô… Cứ như vậy nó tái diễn vở kịch “mèo vờn chuột”. Cái vờn này làm cho con chuột căng thẳng, nếu không chết vì bị chân mèo đè thì cũng chết vì cơ thể chuột tiết ra quá nhiều kích thích tố…
Từ đó chuột thù mèo nên khi Thượng Đế ra lệnh cho đem nộp tranh vẽ những con vật đại biểu cho 12 năm thì chuột đã lẳng lặng xóa hình con mèo để họa sĩ vẽ lại thành con thỏ. Người Việt Nam đọc chữ “mão” có âm như chữ mẹo nên “tái sinh” cho mèo.
Có con chuột nọ, mới sinh được một tá chuột con, chẳng may bị người túm hết đem ngâm thùng rượu to đùng. Chuột mẹ buồn quá, đi lang thang, chẳng may gặp chú mèo. Dĩ nhiên chuột bị mèo vồ và giở trò. Lúc bị vờn, chuột bèn nghĩ ra một kế:
– Anh mèo ạ, tôi đang buồn lắm. Cả tá con của tôi bị chủ nhà ngâm rượu hết rồi. Họ bỏ vào thùng rượu… hu hu..
Mèo liếm mép:
– Thế họ giấu thùng rượu ở đâu?
Mèo cắn đuôi con chuột để nó dẫn đến chỗ giấu thùng rượu. Nhìn mười mấy con chuột non ngâm rượu thơm phức, mèo nhẩy phóc lên miệng thùng, khều cho cái khóa mở ra, hết sức bình sinh đùn được cái nắp qua một bên. Lợi dụng lúc mèo thò đầu xuống và dùng chân khều chuột con, chuột mẹ xô mèo té cái rầm vào thùng rượu. Mèo không ra được nên thùng rượu lại thêm mèo ngâm rượu. Uống hết thùng rượu – mà sao lần này lại ngon hơn những lần trước – chủ nhà mới thấy có con mèo trong đó. Ông ta bèn nghĩ ra chế tạo rượu con mèo, thường được các bà đẻ dùng.
– Í ẹ, ai mà dám uống.
– Thì quý bà nhìn kỹ đi, thấy chai rượu con mèo rõ ràng nhé, nổi tiếng là đàng khác. Rượu Dubonet mà Việt Nam thường gọi là rượu con mèo đó thôi. Này nhé, tài liệu của Google nè: “Vào năm 1846, tại Paris, thủ đô nước Pháp, ông Joseph Dubonnet chế tạo một loại rượu có quinine trích từ vỏ cây cinchona, một loại cây leo sần sùi, nhằm mục đích trị bệnh sốt rét cho binh lính của Pháp tại các vùng thuốc địa xa xôi, đặc biệt là các vùng nhiệt đới và vùng đầm lầy Bắc Phi.
Sản phẩm rượu con Mèo đen Dubonnet ra đời. Rượu con Mèo đen Dubonnet 75cl là một loại rượu Vermouth. Vermouth là tên những loại rượu vang mạnh với mùi hương thảo mộc từ rễ cây, vỏ cây, hạt, thảo dược, gia vị… Dubonnet cũng còn gọi là rượu mùi hoặc liqueur có vị chính gồm quinine, cà phê xanh, ca cao, quế, cúc La Mã, Colombo, vỏ cây cinchona, vỏ cam đắng và elderflower. Rượu con Mèo đen Dubonnet 75cl ngoài hương quyến rũ còn có vị đắng trứ danh từ chất quinine, một chất chống sốt rét và vị ngọt của loại nho hảo hạng làm nên sản phẩm. Màu đỏ đặc trưng của rượu được tạo nên từ nho Grenache noir, nho Carignan và Muscat, Grenache blanc và Macabeu. Ngoài ra còn có 96% rượu ngũ cốc nguyên chất được thêm vào để ngăn rượu lên men dấm và giữ hương liệu trái cây cùng các loại đường tự nhiên có trong rượu vang”. Chất quinine trong vỏ cây cinchona ngoài tính trị sốt rét còn giúp ngon miệng, trị chứng đầy hơi, trị trĩ, chuột rút, chứng sưng tĩnh mạch (varicose veins), làm mọc tóc.
Trời, Sao Khuê phải đi mua một chai về nhâm nhi ngày Tết cùng với Ice wine, đặc sản xứ lạnh của tui. Bây giờ có thêm Ice apple, rượu táo đông lạnh cũng ngon như rượu nho đông lạnh đấy ạ.
Bà này nói Sao Khuê nói dóc, làm gì có chuyện mèo và chuột con ngâm rượu. Sao Khuê không chắc là các đệ tử Lưu Linh ở Việt Nam có ngâm mèo, chuột không nhưng có thấy họ ngâm đủ thứ – cắc kè, rắn… kinh thấy mồ. Mà bộ bà tưởng có mèo ngâm rượu thiệt à, mèo ta thì không nhưng mèo rừng thì có đấy nhé. Họ gọi là tiểu hổ, uống trị đau nhức! Và mèng đéc ơi họ ngâm cả chuột bao tử kia kìa – chuột non chưa ra đời đó. Khiếp chưa!
Còn con chuột mà Sao Khuê nói ở đây là con chuột heo, con hamster mà Sao Khuê được nếm ở Peru. Ngày đầu, nhà hàng giới thiệu một đĩa “heo quay” ngon, giòn tan như heo sữa nên hôm sau Sao Khuê gọi nguyên con – giá 35 US hồi năm 2012. Chừng họ mang ra, eo ôi nguyên con chuột to đùng! Dù vàng rụm, thơm phưng phức nhưng cả nhà không ai dám ăn chỉ chụp hình thôi. Dọc đường gió bụi, Sao Khuê thấy chúng chạy rong ngoài đồng và người ta treo bán lủ khủ trên lề đường đi…
Trở lại chuyện con miu. Chuột thù mèo mà cọp cũng ghét mèo.Trong một cuộc so tài leo cây, cọp thua mèo nên phải gọi mèo là cô. Cọp thề rằng “Cô lô cô lốc, tao mà bắt được cô, tao ăn cả cứt.” Mèo ngán đứa cháu to xác này nên mỗi khi đại tiện xong phải đem giấu, bởi vậy mới có câu “giấu như mèo dấu cứt”.
Việt Nam mình có rất nhiều ca dao tục ngữ về mèo.
Mèo có dáng đi yểu điệu khoan thai, lông êm mượt nên bồ nhí của chồng được gọi là mèo – mèo hai cẳng. Sao Khuê thử bàn xem nhe:
Ăn như mèo là ăn ít, ăn uể oải, cảnh vẻ… vì đã no bụng quà vặt rồi.
Mèo mù vớ cá rán chỉ mấy em không đẹp là vớ được anh bồ già đầu, dại gái lại giàu.
Mèo già hóa cáo chỉ… mấy mụ tú bà.
Mỡ để miệng mèo chỉ thấy ông đại gia truớc gái đẹp.
Như mèo thấy mỡ tả cảnh mấy cô cẳng dài gặp mấy ông đại gia.
Rửa mặt như mèo tả mấy cô mèo chậm phấn vì sợ nhạt má hồng.
“Meo meo meo rửa mặt như mèo, xấu xấu lắm mà được mẹ yêu, khăn mặt đâu mà ngồi liếm mép, đau mắt rồi lại khóc meo meo…”
Vì “mèo” không chịu đi làm, thường theo bám mấy ông đại gia nên mới có câu “mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi, vợ anh đẹp lắm đuổi ruồi không bay”. Hai “cô mèo” cũng ghét nhau và đánh ghen nhưng chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Ghét nhau như chó với mèo Mèo không những bị chuột thù lại còn bị chó ghét. Dù bé nhỏ hơn nhưng ít khi mèo chịu thua anh chó nhờ tài chạy nhanh và leo giỏi. Trong khi anh chó thật thà lo giữ nhà giữ cửa thì mèo thường hay giả vờ giả vịt. Khi thấy chủ về, mèo thường quấn quít bên chân nhưng đến lúc chủ gọi đến thì lại tảng lờ, y như bài bản “xa-gần” của mấy em mèo hai cẳng dùng để mê hoặc đại gia.
Vì tính khinh khỉnh, khi gần khi xa của mèo và phải lén lút khi ăn vụng tình nên nhiều người không thích mèo, không yêu mèo như chó, nên có câu “mèo đến nhà thì khó chó đến nhà thì sang” nhưng đôi lúc “không có chó thì bắt mèo ăn cứt” và dặn nhau chó treo mèo đậy.
Trong tranh mộc bản Đông Hồ, “đám cưới chuột” hay “vinh quy” của chuột có cảnh con mèo nhận hối lộ mới cho chuột đi qua.
Việt Nam có nhiều ca dao tục ngữ về mèo thì trên thế giới cũng có nhiều chuyện viết về mèo. Một trong những truyện nổi tiếng đó là “Con Mèo Trời” (The Cat Who Went to Heaven- tác giả là Elizabeth Coatsworth). Chuyện kể rằng có một họa sĩ Nhật rất nghèo sống với một bà lão giúp việc. Một hôm bà lão mang về một con mèo trong khi cả nhà đã chẳng có gì ăn làm chàng giận lắm. Rồi họa sĩ được nhà chùa đặt một bức tranh vẽ Đức Phật và những con vật để trình lên Thượng Đế khiến chàng tin rằng con mèo đã mang đến vận may cho chàng. Ngày ngày con mèo ngồi bên cạnh chàng, ngắm chàng vẽ và nó cũng muốn được đưa vào bức họa tuyệt vời này. Chàng hoạ sĩ biết rằng chàng không nên vẽ con mèo vì theo chuyện cũ, loài mèo giả dối, kênh kiệu, khinh khỉnh nên không được Phật độ. Họa sĩ trải qua cuộc tranh đấu nội tâm – vẽ hay không vẽ con mèo. Cuối cùng con mèo cũng được xuất hiện trong tranh và khi nhìn bức tranh, nhà chùa đã không nhận mà còn la rầy người họa sĩ, nhưng người hoạ sĩ bằng lòng vì chàng đã sống hết mình vì nghệ thuật.
Chú mèo thần tài (Maneki Neko) trong một chuyện truyền thuyết nổi tiếng của Nhật đã cứu mạng hai vị Samurai nên được xuất hiện trong nhiều tranh dân gian Nhật như là ông thần tài.
Đảo Aoshjima của Nhật, cứ 15 người dân thì có 100 con mèo. Chắc đảo này nhiều chuột lắm!
Văn hào Shakespeare trong vở kịch “Romeo và Juliet” đã đưa tích con mèo có 9 mạng vào kịch. Biệt danh của Tybalt, “con mèo lông xù” bị Mercutio thách đấu: “Con mèo 9 mạng kia, có phải mi có chín mạng, mau đến đây quyết đấu, để ta lấy một mạng của mi, còn tám mạng ta sẽ để đó tính sau”. Mercutio bị giết chết. Sau đó Romeo giết chết Tybalt trả thù cho bạn rồi bị hoàng tử đày vào hầm (A cat has 9 lives. For 3 he plays, for 3 he strays and for the last he stays.)
Một phim về mèo nổi tiếng là ¨La Chatte sur un toit brûlant¨ với người đẹp Elizabeth Taylor, Paul Newman thực hiện bởi Richard Brooks từ 1959. Mèo gào trên nóc nhà cháy thì kinh khủng lắm. Erust Blofeld, kẻ thù không đội trời chung của James Bond luôn luôn có một con mèo trắng Ba Tư bên mình khi đối diện với Bond. “Chú mèo đi hia” (Chat botté) là tác phẩm do Charles Perrault sáng tác. Chú mèo này rất khôn ngoan, mánh lới đã mang lại cho chủ một gia tài và một nàng công chúa làm vợ.
Người Ai Cập cổ đại đã ướp xác vô số con mèo, thậm chí còn có nghĩa trang gia súc đầu tiên trên thế giới, gần 2.000 năm tuổi, phần lớn là những con mèo đeo vòng cổ bằng sắt và cườm đặc biệt. Người Ai Cập nhận thấy mèo có hai tính khí đáng mơ ước – một mặt chúng có thể bảo vệ, trung thành và nuôi dưỡng, nhưng mặt khác chúng có thể ngoan cường, độc lập và quyết liệt. Phần lớn người Ai Cập cổ đại cho rằng các vị thần và người cai trị của họ có những phẩm chất giống mèo. Theo nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotus, người Ai Cập sẽ cạo lông mày để tang cho một con mèo của nhà vừa mới chết.
Mèo Ai Cập (hay mèo Sphynx, mèo không lông, mèo nhân sư) mà giá bán ở Việt Nam bây giờ trên 4 triệu là kết quả từ đột biến gen tự nhiên từ mèo mẹ ở Canada. Chú mèo Canada này vốn dĩ bình thường với bộ lông đen trắng nhưng sinh ra mèo con không lông, có vẻ ngoài kỳ lạ. Người ta đặt tên cho chú mèo con này là Prune. Thời gian sau, họ tiếp tục cho Prune giao phối với mèo mẹ (loạn luân thật) và tạo ra thêm nhiều chú mèo con khác cùng đặc điểm không lông như vậy. Tên gọi Sphynx được các nhà lai tạo đặt cho chúng, bởi vẻ ngoài loài mèo này nhìn giống với tượng điêu khắc ở Ai Cập (Great Sphynx of Giza).
Năm 2005, mèo không lông Ai Cập – mèo Sphynx- được công nhận trên thế giới là một giống mèo riêng biệt, với vẻ ngoài kì lạ nhất.
So với con chó khôn ngoan thì con mèo là một con vật tinh ma, quỷ quái, nhất là trong chuyện ăn vụng. Sau 1975 ông hàng xóm nhà Sao Khuê nuôi một con mèo xám, mắt thì xanh lè mà mặt thì kên kên, chuyên môn ăn vụng. Tủ lạnh không còn dùng được nên thức ăn phải để ở bên ngoài, trong nồi, dù có chặn bằng những vật nặng, nó cũng đẩy ra và sực hết. Sao Khuê kiếm một cái trạn. Trời! Nó cũng mở được cái móc gài trạn bằng cách leo lên đầu trạn, khều cái móc ra, chui vào mà ăn. Bị đánh và bị mắng nó bèn trả thù bằng cách mỗi ngày chui vào căn gác làm cho một bãi, chua như cứt mèo. Bao nhiêu tháng ngày dài là cuộc chiến tranh giữa mèo và Sao Khuê. Cái lưới để chặn đường vào của nó, nó cũng moi ra rồi chui vào căn gác để tiếp tục làm một bãi. Sau cùng Sao Khuê đành chịu thua, lờ nó đi thì nó mới để cho yên.
Nhà bạn Sao Khuê cũng có nuôi một con mèo. Nó có hai con mèo con. Bàn thờ thì ở trên cao nhưng nếu có đĩa thịt gà là nó leo lên ă. Ăn xong còn dùng chân gạt thịt xuống cho mèo con ăn. Có quắc mắt nhìn nó thì nó lại cũng giương mắt ra nhìn lại, chả biết sợ là cái gì.
Có những con mèo tinh quái thì có những con mèo rất dễ thương. Bà ngoại của Sao Khuê khi xưa thường nuôi mèo tam thể. Chúng nó rất ngoan, cứ thấy mình là lăn vào lòng ngồi yên cho mình vuốt ve. Cứ gọi meo meo là nó chạy đến liền không cảnh vẻ làm cao.
Ta hãy nhìn dáng nó đi ra chiều tư lự
Khinh khỉnh trông đời bằng nửa con ngươi
Nó tìm nơi ấm cúng, cao ráo để nằm ngơi
Bộ phè phỡn như một ngài trưởng giả
Nó ăn khảnh, phong lưu nhàn nhã
Bữa thường, không thịt cá dửng dừng dưng
Trông mặt mà bắt hình dung
Trong gia súc, nó xem chừng cao thượng nhất
Nó chẳng chui luồn, khuất tất một ai
Ai vuốt ve, nó cũng vuốt ve chơi
Ai trở mặt nó tức thời trở mặt. (Tú Mỡ)
Chuột con dạo chơi, thấy cô mèo tam thể, đẹp, cao sang, hiền lành nên muốn đến làm quen. Nó về nhà nói với mẹ thì mẹ chuột cảnh cáo:
Chết! Con ạ, đừng trông ngoài mã
Bộ hiền lành chính gã miêu nhi
Xưa nay độc ác gian phi
Cùng nòi nhà chuột nó thì hại luôn.
Jean de la Fontaine viết nhiều truyện ngụ ngôn, trong đó có truyện “Con Cáo Và Con Mèo”, trong đó hai con vật rủ nhau đi hành hương. Trên đường đến Thánh địa, cáo khoe mình có túi khôn với cả trăm mưu kế. Mèo nói mèo chỉ có mỗi một mưu. Quý vị biết đó là mưu gì không nào? Đúng rồi: tẩu vi thượng sách, nhưng tẩu thế nào? Trốn, chạy… không à? Thế thì leo. Đúng rồi! Quý vị biết cọp còn leo thua mèo cơ mà:
Con mẻo con meo, ai dạy mày trèo, mày chẳng dạy tao leo?
Chuyện con mèo ở nhà mẹ Sao Khuê mới ly kỳ. Con mèo này màu xám không đẹp, không xấu nhưng chắc nó có duyên nên nhiều anh mèo đến rủ rê, vì vậy mà nó cứ mang bụng bầu hoài. Mỗi lần đẻ thì nó lại khều khều cô em gái nhờ đỡ đẻ. Sau khi đẻ xong nó cắn ngay chỗ cuốn rốn mèo con rồi để “nhau” lại cho cô đỡ thay vì ăn liền như những con mèo khác. Em Sao Khuê không biết làm gì nên lại cũng đem chôn. Theo người ta nói thì nhau mèo có thể được dùng để trị bệnh suyễn. Mèo mang thai 2 tháng 10 ngày thì sanh. Lần đó nó đẻ được hai con mèo con. Khoảng vài ngày sau thì một trong hai con bị dìm xuống rãnh cống ở trong vườn. Chuyện thật lạ vì mèo con rất bé, chưa thể nào bỏ ra khỏi thang gác. Mèo con chỉ mở mắt và biết nghe sau 5 đến 7 ngày. Như vậy là nó bị một con mèo đực tha đi rồi dìm xuống rãnh để cảnh cáo mèo mẹ. Con mèo còn lại được mèo mẹ chăm sóc canh chừng rất cẩn thận. Một ngày cả nhà đang ngồi ăn cơm thì thấy mèo con lăn lông lốc từ trên gác xuống cầu thang đúng lúc mèo mẹ đi đâu về. Mèo mẹ xách cổ con mèo con, lấy tay tát cho mèo con hai cái rồi tha mèo con để lại trên gác. Cả nhà nhìn hoạt cảnh này vừa ngạc nhiên vừa buồn cười.
Mèo cái hay lên nóc nhà… gào nên ở Việt Nam, chúng ta ít chứng kiến cảnh mèo tình tự nhưng một con mèo cái có thể sinh 100 mèo con trong đời, 2 đến 3 lứa một năm, có khi đến 8 con một lứa. Tuổi thọ của mèo là 15-20 năm. So với người ở các giai đoạn phát triển thì khi mèo 3 tuổi, bằng bạn 21 tuổi. Mèo 8 tuổi, bằng chúng mình 40. Mèo 14 tuổi là đã “thất thập cổ lai hy”. Rơi xuống từ độ cao 10 mét, đa số mèo chẳng làm sao cả, tuy có hơi ê ẩm một chút. Người ta đã quay phim chậm để thấy được cách mèo rơi.
Nhà bác học Newton không chỉ phát minh ra định luật vạn vật hấp dẫn mà còn phát minh ra “cửa mèo” (cat door). Để tránh tình trạng phải đứng dậy mở cửa cho mèo lúc nàng ta đi chơi về khuya khi ông đang làm việc, ông bèn cho khoét một ô nhỏ trên cánh cửa, đủ lớn để mèo chui vào, mèo ta chui vào được nhưng lại không ra được vì cửa tự động đóng lại khi mèo đã vào. Thời chúng ta, những ô cửa đó thiết kế để chó hay mèo có thể vào hay ra gọi là “cat door”.
Mèo còn cảm nhận rất nhạy các chấn động, nó có thể biết trước động đất. Các thú y cho rằng mèo có thể hấp thụ những tia năng lượng xấu nên người ta khuyên nên ngủ với mèo (nhất là các ông). À, người ta nói rằng mèo cũng tùy con mà thuận tay trái hay tay phải. Mèo đực thường thuận tay trái.
Quý vị có thấy người Mèo chưa? Đó là người dân tộc thiểu số sinh sống rải rác ở cao nguyên Bắc Việt: Hà Giang Tuyên Quang, Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An và Trung quốc (nguòi Miêu). Người Mèo còn gọi là người Mông hay H’Mông.
Không như loài người có nhiều ngôn ngữ khác nhau, tất cả các con mèo trên thế giới đều nói cùng thứ tiếng và người ta chỉ nghe thấy chúng kêu meo meo.
Meow ngắn: ngôn ngữ của mèo thể hiện lời chào.
Meow liên tục: chào hỏi một cách vui mừng.
Kêu meow âm vực thấp: yêu cầu nước hoặc thức ăn cho mèo.
Meoww (kèm gru) kéo dài: một nhu cầu cho một cái gì đó.
Meoww (kèm gru) ở khoảng thấp: khiếu nại hoặc không hài lòng.
Miao (kèm gru) ở khoảng cao: ngôn ngữ của mèo đích thị là sự giận dữ, đau hoặc bị sợ hãi.
Nhấp nháy môi – răng liên tục, nhanh: phấn khích, thất vọng.
Nhỏ nhẹ (kết hợp giữa meow và rừ rừ với âm được bẻ cong): lời chào thân thiện, thường được sử dụng khi mèo mẹ gọi con.
Rừ rừ: lời mời tiếp xúc gần hoặc sự chú ý.
Khè, khạc: một dấu hiệu, ngôn ngữ của mèo cho thấy sự xâm lược nghiêm trọng.
Đố quý vị biết “meo meo”nghĩa là gì?
Xin mời quý vị nghe câu chuyện Tú Xuất và cô bán hàng: Mèo Biết Nói.
Một hôm Tú Xuất đi ngang quán ăn. Mùi thơm thoảng ra khiến Tú Xuất cồn cào cả ruột nên dù không có tiền cũng đánh bạo vào quán no say. Ăn xong Tú Xuất đang tính cách để không trả tiền thì thấy con mèo quấn quýt dưới chân gặm xương.
Tú Xuất nảy ra một ý. Ông bế lấy con mèo và nói rằng:
– Cô chủ ơi! Con mèo của cô là một con mèo rất quý. Nó có thể hiểu và biết nói tiếng người.
– Làm gì có chuyện đó trên đời.
– Cô không tin ư? Nếu vậy thì tôi và cô đánh cá, nếu tôi nói nó hiểu và nó nói được thì bữa ăn này tôi không phải trả tiền.
Cô chủ bằng lòng.
Trước mặt nhiều người, Tú Xuất bế con mèo lên, nhìn vào nó và hỏi:
– Này mèo! Cái của cô mày tròn hay méo?
Vừa nói Tú Xuất vừa véo con mèo cái rõ đau khiến nó kêu lên:
– Méo
Như thể chưa rõ, Tú Xuất lại hỏi:
– Có thật không? Tao hỏi lại: cái của cô chủ mày tròn hay méo?
Nói rồi Tú Xuất véo hai cái liền khiến con mèo đau quá và kêu lên
– Méo! Méo!
Mọi người cười ầm lên. Tú Xuất quay sang cô chủ:
– Đúng không cô chủ? Con mèo nói có đúng không? Rõ ràng đây là một con mèo quý nha, nó hiểu và biết nói tiếng người.
Nói xong, ông thả con mèo xuống và bước đi khiến cho cô chủ ngượng chín cả người…
Con mèo đầu tiên được “cloning” đầu tiên vào 22 tháng 12 năm 2001 tại College Station, Texas A&M University College of Veterinary Medicine & Biomedical Scienece(CVM), tên là CC. Sau 18 năm nuôi bởi Dr. Duane Kraemer, vừa mới từ trần tháng 12 năm 2022, thọ 18 tuổi – ngang với 70-80 tuổi ở người – vì suy thận. Quý vị nhìn coi, nó xinh ghê chứ. CC là viết tắt của Copy Cat rất được chủ thương yêu. Sao Khuê tự hỏi không biết ông bác sĩ này có làm một copy thứ hai từ con mèo CC này không.
Có một bà nọ đã bỏ ra 25 ngàn đô la để “cloning” con mèo của mình vì bà quá nhớ thương con mèo cũ đến mất ăn mất ngủ. Quý vị biết rồi, “cloning” là cách nhân bản, nôm na là tạo ra một sinh vật mới, không bằng cách cho mang bầu bình thường mà dùng một mẫu ADN hay một cell nucleus – tế bào chủ- để tạo một sinh vật mới y chang sinh vật cũ. Trừ trứng trong buồng trứng của phụ nữ và tinh trùng đàn ông, tất cả các tế bào đều có thể “cloning”. Con vật có vú đầu tiên được “cloning” ra mắt thế giới là một con cừu, quý vị nhớ không, con cừu Dolly. Nhưng… nhưng trước khi “cloning” sinh vật yêu thích, quý vị nên nhớ rằng hình dáng thì rất giống nhau nhưng tính chất thì chưa chắc đâu nhé, có thể cái copy này không yêu thương chủ như quý vị mong muốn đâu.
Felicette là con mèo hoang ở Pháp. Nhờ khỏe mạnh điềm tĩnh, Felicette đã vượt qua 13 đối thủ, trở thành con mèo đầu tiên lên không gian, trở về an toàn nhưng sau đó phải hiến tặng não bộ cho các khoa học gia để nghiên cứu. Ủa sao giống hồi 1975 ở miền Nam thế. Người dân miền Nam phải làm giấy tự nguyện hiến dâng tài sản.
Quý vị thấy mèo làm trò chưa? Con mèo diễn giỏi nhất thế giới tên là Digda, biết làm nhiều trò, biết vào bàn cầu, biết giật nước và thích trượt ván, nó bơi không thua anh chó chút nào. Ở đâu ấy à? Nó sống bên Úc, quý vị hỏi Google là ra. Không hỏi à?
Lêu lêu lêu cứ lười như mèo. Cứ lười lắm không được người yêu. Đọc nhiều rồi còn kêu nhức mắt. Chúc an vui cái năm con mèo…
Sao Khuê
Ghi chú: tài liệu và hình ảnh trên mạng.
Nguồn: http://cogaivn.jigsy.com/baimoi