Miếng trầu ngày Tết

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi dân tộc đều có cách đón Tết độc đáo của riêng mình. Trong đó, ăn trầu đã trở thành phong tục truyền thống, nét văn hóa của đồng bào vùng cao Quảng Ngãi.

TIN LIÊN QUAN

  • Triển lãm “Văn hóa trầu cau Việt Nam”

Miếng trầu là đầu câu chuyện

 

Những ngày cuối năm, từ miền xuôi lên miền ngược, người người đi mua sắm, nhà nhà trang trí đón Tết. Tất cả vì một cái Tết sung túc, đủ đầy. Đối với người dân miền sơn cước Quảng Ngãi, ngày Tết có thể không có bánh trái, mâm cao cỗ đầy, nhưng không thể không có miếng trầu mời khách. Không có trầu cau, đồng nghĩa với việc không có Tết, bởi với họ “miếng trầu là đầu câu chuyện”.  

Chị em dân tộc Ca Dong (Sơn Tây) mời trầu trong ngày Tết.  ẢNH: AN NHIÊN

Chị em dân tộc Ca Dong (Sơn Tây) mời trầu trong ngày Tết. ẢNH: AN NHIÊN

Từ miếng trầu, họ kể cho nhau nghe chuyện làm ăn, giúp nhau thu hoạch mì, keo; người khó khăn ít giúp đỡ người khó khăn nhiều. Rồi chuyện con cái học hành, có đứa thi đậu vào trường này, trường kia… Những câu chuyện tuy rất dung dị, đời thường, nhưng nó thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của đồng bào miền núi.

Từ miếng trầu, họ kể cho nhau nghe chuyện làm ăn, giúp nhau thu hoạch mì, keo; người khó khăn ít giúp đỡ người khó khăn nhiều. Rồi chuyện con cái học hành, có đứa thi đậu vào trường này, trường kia… Những câu chuyện tuy rất dung dị, đời thường, nhưng nó thể hiện sự quan tâm, sẻ chia của đồng bào miền núi.

 

Sinh ra và lớn lên ở vùng cao Sơn Tây hơn nửa đời người, chưa bao giờ bà Đinh Thị Lun, thôn Tan Via, xã Sơn Dung quên phong tục ăn trầu, cũng như chuẩn bị chu đáo mâm trầu cau ngày Tết. “Cau thì nhà trồng được, nên trước Tết, tôi thường xuống chợ chọn mua những lá trầu to, xanh mướt, đủ dùng trong 3 ngày Tết. Giờ nhà cũng có tủ lạnh để bảo quản rồi, nên cũng không sợ bị hư. Khách đến chơi nhà ngày Tết, mình không dọn trầu cau là họ nghĩ rằng chủ nhà không quý khách, nên cái gì có thể thiếu, chứ trầu cau phải ưu tiên số 1”, bà Lun chia sẻ.

 

Không chỉ có đồng bào vùng cao Sơn Tây mới có phong tục ăn trầu ngày Tết, mà ở các huyện miền núi của Quảng Ngãi đều có thói quen ăn trầu mỗi ngày. Thế nhưng, để có trầu cau mời khách trong ba ngày Tết, mỗi nhà phải chuẩn bị sẵn lượng trầu cau vừa đủ. Mâm trầu ngày Tết cũng được bày biện đẹp hơn, chu đáo hơn.

“Đồng bào Ca Dong ở xứ ngàn cau Sơn Tây không rõ phong tục ăn trầu và tục mời trầu ngày Tết có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng, hết thế hệ này đến thế hệ khác, đồng bào nơi đây vẫn tiếp nối truyền thống ấy và coi đó là nét đẹp riêng của dân tộc mình”.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Tây ĐINH THỊ KIM CHUNG

Gìn giữ nét văn hóa

 

Tục lệ ăn trầu đã trở thành nếp sinh hoạt đặc trưng lâu đời của người dân vùng cao Quảng Ngãi. Hầu như gia đình nào cũng phải có sẵn trong nhà một bình vôi, buồng cau và ít lá trầu xanh. Khi lên rẫy, người dân miền sơn cước đều không quên mang theo bên mình túi trầu, bởi chỉ vài miếng cau tươi là họ có thể làm việc cả buổi không biết mệt.

 

Nối tiếp truyền thống của dân tộc mình, những thế hệ trẻ sau này cũng học cách ăn trầu và mời trầu khi có khách đến chúc Tết. Chị Đinh Thị Thái (1992), ở xã Sơn Dung (Sơn Tây), cho hay: “Trước đây, tôi không biết ăn trầu có ý nghĩa gì, chỉ ăn cho vui theo người lớn. Nhưng, khi biết được nét văn hóa ăn trầu ngày Tết của dân tộc mình, tôi thấy rất vui, nên những ngày Tết, bạn bè đến chơi, món đầu tiên tôi mời chính là trầu cau”.

 

Với đồng bào vùng cao Quảng Ngãi, trầu cau không đơn thuần chỉ là một thói quen, tập tục, mà còn là yếu tố tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống. Lá trầu cay cay, cau xanh chan chát, vôi trắng đắng nồng, ba thứ đó kết hợp với nhau nhai trong miệng, tạo ra màu đỏ thắm, biểu hiện cho sự sum vầy và may mắn, đậm đà tình nghĩa sắt son của người dân.

 

AN NHIÊN