‘Mỏ vàng’ của các ứng dụng gọi đồ ăn
Thị trường F&B Việt Nam đang sở hữu nhiều dư địa phát triển cho các ứng dụng đặt đồ ăn. Theo một báo cáo, có khoảng 46% cơ sở kinh doanh chưa tham gia kênh bán hàng trực tuyến.
Theo báo cáo thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) tại Việt Nam do iPOS thực hiện, quy mô thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam vào năm 2022 đạt 29.900 tỷ đồng. Con số này cao gấp 3 lần so với năm 2019, tức thời điểm Covid-19 chưa xuất hiện.
Kết quả nghiên cứu ngành thương mại điện tử trong lĩnh vực F&B cũng ghi nhận khoảng 12,23 triệu người đã đặt đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến. Tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng hàng năm đạt 17.5%, tương đương 1,8 triệu người.
Báo cáo của hãng nghiên cứu Momentum Works mới đây cũng công bố tổng giá trị chi tiêu (GMV) mà người Việt dành cho dịch vụ giao đồ ăn năm vừa qua đạt 1,1 tỷ USD. Việt Nam cũng là một trong số ít thị trường chứng kiến tăng trưởng trong khi hầu hết quốc gia còn lại thu hẹp quy mô sau đại dịch.
Dự báo trong thời gian tới, giao đồ ăn tiếp tục chiếm phần đáng kể trong tổng doanh số bán hàng của hộ kinh doanh bất chấp hoạt động ăn uống tại chỗ phục hồi trở lại.
QUY MÔ THỊ TRƯỜNG GIAO ĐỒ ĂN TẠI VIỆT NAM Nguồn: iPOS; VIRAC; Techinasia NhãnNăm 2016Năm 2017Năm 2018Năm 2019Năm 2020Năm 2021Năm 2022 Quy mô tỷ đồng 9303090604010050138902223029970
Mục lục bài viết
Miếng bánh hấp dẫn cho các ứng dụng
Đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng/quán cà phê và tiếp tục xu hướng tăng dần đều với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) giai đoạn 2016-2022 khoảng 2%.
Qua quá trình khảo sát hơn 2.800 cơ sở kinh doanh F&B trên toàn quốc, chỉ 1.516 đơn vị tham gia bán hàng trực tuyến, chiếm 53,5%. Ở chiều ngược lại, vẫn còn 46,5% cơ sở không tham gia kênh bán hàng này.
Hiện GrabFood và ShopeeFood là hai ứng dụng bán hàng trực tuyến được ưa chuộng nhất khi có lần lượt 29% và 27,8% cơ sở kinh doanh lựa chọn. Kế sau đó là các ứng dụng gọi đồ ăn phổ biến khác như Baemin (18,4%), GoFood (10,5%), Loship (7,7%), beFood (4,4%).
Các kênh bán hàng khác như hotline hay website vẫn được sử dụng thường xuyên, có tỷ lệ lần lượt đạt 25,4% và 14,6%. Mặt khác, kênh mạng xã hội chỉ có 2,9% cơ sở quan tâm và sử dụng.
CÁC KÊNH BÁN HÀNG TRỰC TUYẾN CỦA ĐƠN VỊ KINH DOANH F&B Nguồn: iPOS NhãnKhông tham giaGrabFoodShopeeFoodHotlineBaeminWebsiteGojekLoshipbeFoodMạng xã hộiAhaMoveKhác Tỷ % 46.52927.825.418.414.610.57.74.42.92.80.8
Trước sự phát triển của công nghệ và cú hích từ đại dịch, các doanh nghiệp F&B dần quan tâm hơn đến chuyển đổi số. Khoảng 2.356 cơ sở, chiếm 82,8%, cho biết có tham gia chuyển đổi số trong kinh doanh.
Nếu áp dụng tỷ lệ khảo sát của iPOS trên quy mô toàn thị trường, Việt Nam có thể có hơn 157.000 nhà hàng/quán cà phê chưa tham gia bán hàng trực tuyến.
Đối với các ứng dụng giao đồ ăn, đây được xem như “mỏ vàng” trong cuộc chiến mở rộng thị phần và gia tăng sự hiện hữu. Việc chiếm lấy nguồn tài nguyên này cũng giúp các ứng dụng thu lời lớn thông qua hệ thống phí hoa hồng với đối tác.
Ngoài một số khoản phụ thu như phí nền tảng, phí đăng ký gian hàng, mức chiết khấu được ứng dụng thu từ đối tác nhà hàng trên mỗi đơn hàng được người tiêu dùng đặt dao động 15-25%. Khoản chiết khấu trên mỗi cuốc xe giao đồ ăn cũng là nguồn thu lớn cho các ứng dụng.
Đơn cử như Grab, ông lớn trong mảng gọi đồ ăn tại Đông Nam Á, lũy kế 3 quý đầu năm 2022, mảng giao hàng, bao gồm giao đồ ăn, của hãng thu về 396 triệu USD, chiếm 42,5% tổng doanh thu. GMV của phân khúc kinh doanh này đạt 7,3 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng GMV toàn dịch vụ.
Trong báo cáo tài chính quý III/2022, Grab cho biết mảng giao hàng lần đầu tiên chuyển biến tích cực, thậm chí sớm hơn 3/4 so với dự báo trước đây. Dịch vụ giao đồ ăn cũng có thu nhập hệ số EBITDA (trước thuế, khấu hao và lãi vay) đã điều chỉnh dương sớm hơn hai quý.
KẾT QUẢ KINH DOANH MẢNG GIAO HÀNG CỦA GRAB Nguồn: BCTC DN; Tổng hợp NhãnQuý I/2021IIIIIIVQuý I/2022IIIII Doanh thu triệu USD 534549191134171 Lợi nhuận EBITDA
-4-20-22-84-56-349
Ứng dụng vẫn sống nhờ khuyến mãi
Trên thực tế, xu hướng sử dụng ứng dụng công nghệ cho hoạt động ăn uống là một trong nhiều nỗi lo của doanh nghiệp kinh doanh F&B trong thời kỳ bình thường mới. Bên cạnh vấn đề về vốn, nhân sự hay vận hành, sự thay đổi hành vi của khách hàng luôn tác động lớn đến doanh thu của doanh nghiệp.
Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, 53,5% cơ sở F&B lo ngại khách hàng sẽ chi tiêu ít hơn trong giai đoạn mới, 48,7% lo ngại khách hàng thay đổi thói quen tiêu dùng và 22,4% lo ngại khách hàng ưu tiên đặt hàng trực tuyến hơn trải nghiệm tại chỗ.
Tín hiệu này cho thấy các nhà hàng, quán ăn đã nhận diện thói quen đặt đồ ăn trực tuyến của người dùng. Để tạo thêm nguồn thu, nhà hàng, quán ăn cũng phải tính tới phương án mở rộng kênh bán hàng online. Không chỉ tạo thêm dòng tiền, việc hợp tác với các ứng dụng đồng thời là giải pháp xây dựng thương hiệu.
LÝ DO NGƯỜI DÙNG ĐẶT ĐỒ ĂN TRỰC TUYẾN Nguồn: iPOS NhãnVị trí gầnHợp khẩu vịCó mã giảm giáLượt đánh giáMiễn phí giao hàngBình luận của khách đặt trước đóQuán có mức giá/combo đạt khuyến mãiQuán có combo Tỷ lệ % 64.75348.547.14436.43419.2
Vài năm trở lại đây, thị trường ứng dụng giao đồ ăn dần ổn định sau khi trải qua giai đoạn khởi sự đầy biến động. Đến nay, sân chơi này chủ yếu thuộc về các ứng dụng do doanh nghiệp ngoại đứng sau như ShopeeFood (Sea Limited), GrabFood (Grab), Baemin (Woowa Brothers), GoFood (Gojek) và một số thương hiệu nội địa như beFood (be) hay Loship.
Dẫu vậy, thị phần giao đồ ăn giữa các ứng dụng đều có sự chênh lệch lớn.
Qua khảo sát người dùng, iPOS cho biết ShopeeFood đang dẫn đầu thị phần người sử dụng với tỷ lệ 58%, theo sau đó là GrabFood (48%), Baemin (36%), Gojek (24%). Trong khi đó Loship và beFood có đồng tỷ lệ 7%. Đáng chú ý, chỉ có 13% đáp viên không dùng bất cứ ứng dụng giao đồ ăn nào.
Tuy nhiên, thói quen sử dụng ứng dụng của người dùng vẫn được “nuôi dưỡng” bằng các mã giảm giá. Khoảng 48,5% người được hỏi quyết định đặt đồ ăn trên ứng dụng do có mã giảm giá trong khi 65,3% cân nhắc lựa chọn ứng dụng thông qua chính sách khuyến mãi.
Người dùng cũng ưu tiên các hàng quán có vị trí gần, món ăn/đồ uống hợp khẩu vị và dựa trên đánh giá trước đó. Ngoài ra, một số yếu tố khác như quán có miễn phí giao hàng cũng được 44% đáp viên quan tâm.
Bán online chỉ là cánh tay nối dài
Dù kinh tế năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn, đa số người tiêu dùng muốn dành nhiều chi tiêu cho ẩm thực. Đây là cơ hội, tiềm năng cho cả doanh nghiệp kinh doanh F&B lẫn ứng dụng gọi đồ ăn.
Cụ thể, 46,27% người tiêu dùng dự kiến giữ nguyên và 30,89% tăng mức chi tiêu cho đồ ăn, thức uống. Phần còn lại có ý định giảm mức tiêu xài.
Song, ông Đỗ Duy Thanh – Giám đốc F&B tại Horeca Business School – cho rằng xu hướng bán hàng online sẽ phát triển nhưng chỉ trong ngắn hạn. Các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến đã qua thời đốt tiền và sẽ tăng chi phí chiết khấu cao trong thời gian tới để bù đắp cho ngân sách đầu tư ban đầu. Thuật toán hiển thị trên các ứng dụng đồng thời khó khăn hơn để dành chỗ cho các hình thức quảng cáo hay các nhà hàng có chất lượng.
Vì vậy, bán hàng online chỉ phù hợp để khai thác thời gian thấp điểm, là cánh tay nối dài chứ không còn là hướng đi an toàn cho mô hình kinh doanh thuần trực tuyến, thuần ứng dụng giao đồ ăn
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc F&B tại Horeca Business School
Theo iPOS, xu thế bán hàng online dự kiến tiếp tục lan tỏa sang các thành phố đô thị loại 1, loại 2 những năm tới theo đà mở rộng của hệ thống hạ tầng app gọi món, giao vận, thanh toán. Vấn đề nhức nhối hiện nay giữa cửa hàng với các nền tảng đặt món online vẫn liên quan đến chi phí hoa hồng trên mỗi đơn hàng, vốn tương đối cao theo cơ cấu chi phí của ngành.
Bên cạnh đó, việc các thương hiệu đều muốn xuất hiện trên app và lao vào những cuộc đua giảm giá để giành đơn hàng khiến lợi nhuận bị bào mòn và phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách của mỗi nền tảng. Vậy nên nhiều thương hiệu đang cân đối ở tỷ lệ tối ưu 80% lượng đơn online đến từ các app, nhưng 20% còn lại đến từ hệ thống tự vận hành qua hotline, inbox và tự giao vận qua đơn vị giao hàng.
“Trong tương lai tỷ lệ này có thể tăng lên 7/3 hoặc thậm chí 6/4, nhưng điều quan trọng là trong bất cứ hoàn cảnh nào, chủ thương hiệu luôn có phương án phòng thủ một khi việc hợp tác với các ứng dụng trở nên ‘cơm không lành, canh không ngọt’”, iPOS nhận định.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế