Mọi Điều Bạn Cần Biết Khi Du Lịch Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi – Klook Blog
Chu du miền Trung Việt Nam, sẽ là thiếu sót lớn nếu bỏ qua Lý Sơn – hòn đảo xanh kiêm “vương quốc tỏi” của tỉnh Quảng Ngãi. Đọc hết bài viết này để bỏ túi kinh nghiệm du lịch Lý Sơn, Quảng Ngãi hữu ích nhé.
Mục lục bài viết
Đảo Lý Sơn ở đâu?
Cách đất liền 15 hải lý về hướng Đông Bắc, Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi – được biết đến với tàn tích núi lửa năm miệng có tuổi đời trên dưới 30 triệu năm. Không chỉ kiến tạo nên cảnh quan kỳ thú, những miệng núi lửa đã ngưng hoạt động còn đóng vai trò “thuỷ mạch” – ôm ấp nguồn nước ngầm quan trọng cho người dân địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để sinh vật nhỏ sinh trưởng và nuôi dưỡng đất đai phía Nam đảo bằng đất bazan màu mỡ.
Sở hữu đặc tính thổ nhưỡng độc đáo cùng vị trí đắc địa, cảnh sắc thiên nhiên trên Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi nên thơ đến đến rung động lòng người. Được yêu thích nhất chính là Hòn Mù Cù, Đảo Bé (hay Cù Lao Bờ Bãi) và Đảo Lớn (còn có tên Cù Lao Ré hoặc Đảo Lý Sơn).
Hướng dẫn cách đi đến Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi từ Đà Nẵng
Di chuyển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi
1. Bằng xe khách
Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, bạn có thể đi đến Quảng Ngãi bằng xe khách với chi phí dao động tầm 100.000đ – 400.000đ. Có rất nhiều hãng xe uy tín khai thác tuyến đường này, ví dụ như Phương Trang, Mai Linh, Sơn Tùng, Cúc Tùng, Tánh Hạnh, Lộc Thuỷ… Thời gian di chuyển khoảng 3 – 4 tiếng.
2. Bằng xe máy hoặc ô tô riêng
Từ
trung tâm thành phố Đà Nẵng
, bạn đi đến cầu Nguyễn Tri Phương – theo đường Võ Chí Công rồi Phạm Hùng để rẽ vào đường tránh Đông của Quốc Lộ 1A; sau đó, đi thẳng để đến Quảng Ngãi. Khoảng cách giữa hai địa điểm này là 145km, thời gian đi mất hơn 2 tiếng. Sau khi đến Quảng Ngãi, bạn cần tiếp tục đi tầm 20km nữa thì mới đến cảng Sa Kỳ, bắt đầu hành trình du lịch Đảo Lý Sơn.
#teamKlook có thể chọn
thuê xe máy ở Đà Nẵng
để thử thách khả năng cầm lái hoặc trải nghiệm du lịch thảnh thơi bằng cách thuê xe ô tô kèm tài xế riêng.
Di chuyển từ Quảng Ngãi đến Đảo Lý Sơn bằng tàu cao tốc
#teamKlook hãy đặt trước vé tàu cao tốc đi Đảo Lý Sơn qua số điện thoại (055).3626431, để tránh tình trạng “cháy hàng” mùa cao điểm. Bạn chỉ việc cung cấp thông tin theo chỉ dẫn của nhân viên là được.
Tàu cao tốc đi Đảo Lý Sơn từ Quảng Ngãi có hai khung giờ hoạt động chính:
-
Chặng đi (cảng Sa Kỳ => Lý Sơn) : 7h30 và 8h00 | Giá: 105.000đ/vé
-
Chặng về (Lý Sơn => cảng Sa Kỳ) : 13h00 và 13h30 | Giá: 110.000đ/vé
Nên đi du lịch Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi vào mùa nào?
Ngoại trừ giai đoạn cao điểm mưa bão (thường rơi vào quý tư), bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng là dịp lý tưởng để du ngoạn huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Nếu yêu thích bơi lội, lặn biển ngắm san hô hay chiêm ngưỡng thiên nhiên thơ mộng, #teamKlook nên đi Lý Sơn tự túc từ tháng 6 đến tháng 9. Đầu tháng 12 là cơ hội thoả mãn chiếc dạ dày háu đói của tín đồ ẩm thực; bạn có thể thoả thích thưởng thức hải sản tươi sống cùng tỏi Lý Sơn béo tròn vừa mới thu hoạch.
Còn chần chờ gì mà chưa đặt ngay
tour du lịch Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi từ Đà Nẵn
g của Klook? Đang có ưu đãi độc quyền 10%, bạn đừng bỏ qua cơ hội vi vu giá rẻ nhé!
Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi có gì chơi?
1. Đảo Bé
Từ Cù Lao Ré (hay Đảo Lớn), bạn đi tàu khoảng 15 phút là đến được Đảo Bé. Hòn đảo có tổng diện tích vỏn vẹn 1km2 này được du khách quốc tế ví von như “Maldives Việt Nam”, gây thương nhớ bằng hàng dừa cao vút chạy dài trên bờ cát trắng mịn.
Tại Đảo Bé, rất dễ dàng tìm thấy núi đá phủ rêu phong dáng hình kỳ lạ hay bãi đá tự nhiên nằm rải rác trên mặt nước biển xanh lam. Hơn 100 hộ cư dân ở đây sinh sống chủ yếu bằng nghề nông hoặc đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản. Nhờ vậy, #teamKlook có thể thưởng thức bữa cơm “nhà làm” từ hải sản tươi sống khi đi du lịch Đảo Bé.
Vài lưu ý khi du lịch Đảo Bé, Lý Sơn
-
Các chuyến tàu đi Đảo Bé từ Đảo Lớn khởi hành từ 8h00. Chuyến cuối cùng cho lượt về là vào 14h30. Giá vé khoảng 30.000đ – 60.000đ/người.
-
Giá nước ngọt để tắm sau khi bơi lội hoặc lặn ngắm san hô là 20.000đ/thùng 10 lít.
-
Trên Đảo Bé, du khách dễ dàng di chuyển bằng xe máy, xe ba gác hay xe điện với chi phí từ 10.000đ/người.
2. Hòn Mù Cu
Cách cầu cảng Lý Sơn khoảng 3km về phía Đông là Hòn Mù Cu – toạ độ check-in mới toanh được “nhận diện” bằng ngọn hải đăng cũ và dải đá núi lửa đen trải dài. Ở Hòn Mù Cu không có người dân sinh sống nên khá thiếu thốn dịch vụ du lịch. Phần lấn du khách đến đây là để ngắm cảnh, chụp ảnh hay đơn giản tìm kiếm chốn nghỉ chân tĩnh lặng sau chuỗi ngày làm việc vất vả. Có dịp đi du lịch Đảo Lý Sơn tự túc, bạn nên ghé thăm Hòn Mù Cu vào khoảng 4h30 hoặc 18h00. Bình minh và hoàng hôn là khoảnh khắc Hòn Mù Cu khoác lên người “chiếc áo đỏ cam” lộng lẫy; không gian hoang sơ cũng vì thế mà thêm phần cuốn hút.
3. Núi Thới Lới
Với chiều cao ấn tượng 149 mét, Núi Lới Thới cho phép du khách thu trọn vào tầm mắt toàn cảnh Đảo Lý Sơn. #teamKlook phải thật cẩn thận kẻo đắm chìm vào nét rũ trầm mặc của hồ nước ở đây – nơi từng là một miệng núi lửa tuôn trào mắc ma vào gần 3 triệu năm về trước. Hồ nước trên Núi Lới Thới còn là bể nước ngọt “siêu to, khổng lồ”, đáp ứng nhu cầu sử dụng của cư dân Đảo Bé và Đảo Lớn, nên được người dân địa phương ưu ái đặt biệt danh “sự sống diệu kỳ giữa cái chết”. Đừng ngần ngại mà hãy làm vài “pô” ảnh bên Cột Cờ Lý Sơn nổi tiếng nhé!
4. Chùa Hang Lý Sơn
Sau khi “thả hồn” theo cảnh sắc hữu tình của Đảo Lý Sơn, từ đỉnh Núi Thới Lới, #teamKlook đi bộ khoảng vài chục bước là đến được Chùa Hang. Trên đường đi, bạn ắt hẳn sẽ rất thích thú khi nhìn ngắm thiên nhiên hài hoà xung quanh eo núi, thôn xóm ấm cúng nằm cạnh cánh đồng tỏi tươi tốt.
Ngôi chùa cổ gần 400 năm tuổi này còn có tên gọi khác là Thiên Khổng Thạch Tự, toạ lạc trong một hang đá lớn ở phía Bắc Núi Thới Lới nên có nhiệt độ quanh năm mát mẻ. Không gian trong chùa được miêu tả như “tiên giới thu nhỏ” – vừa rộng vừa cao – với tượng Phật Bà Quan Âm lớn cùng hồ sen nở rộ. Các bệ thờ bên trong Chùa Hang được tạo nên từ nhũ đá thiên nhiên kết hợp với nghệ thuật điêu khắc tỉ mỉ có từ thời đại Chăm Pa. Bạn cũng đừng quên khám phá “Thiên Lộ” và “Quỷ Lộ” – hai lối đi hẹp ngược hướng dài hun hút cực kỳ ấn tượng ở Chùa Hang Lý Sơn nhé.
5. Núi Giếng Tiền
Chẳng bề thế uy nghiêm như Núi Thới Lới, phần lớn địa hình Núi Giếng Tiền là đất đỏ bazan màu mỡ, loại thổ nhưỡng quý giá làm nên vị nồng thơm đặc trưng cho tỏi Lý Sơn. Từ thời vua Minh Mạng, người dân địa phương đã có tập tục mang đất tinh khiết trên Núi Giếng Tiền về rải lên những ngôi mộ gió, nhằm thể hiện lòng thành đối với Đội Kiêm Quản Bắc Hải đã cống hiến cả thanh xuân và tính mạng để bảo vệ bờ cõi nước nhà. Vẻ đẹp “điêu tàn đến mê hoặc” giúp Núi Giếng Tiền trở thành địa điểm chụp ảnh ấn tượng được nhiều cặp đôi và nhóm bạn bè yêu thích.
6. Chùa Đục Lý Sơn
Toạ lạc trong hang động ở phía Đông sườn Núi Giếng Tiền chính là Chùa Đục (hay Đỉnh Liêm Tự) – một trong những quần thể tâm linh đáng chú ý nhất tỉnh Quảng Ngãi, gắn liền với những truyền thuyết về Quán Thế Âm Bồ Tát vùng Bắc Hải. Chùa Đục bao gồm 3 hang động có diện tích lớn nhỏ khác nhau, chủ yếu thờ tự Phật Tổ Như Lai, Địa Tạng Bồ Tát, Phật Nằm, Tam Thế Phật…; nổi bật nhất vẫn là tượng Phật Quan Thế Âm ngự trên đài hoa sen cao 25 mét, vây quanh bởi hình ảnh Tứ Long Nghịch Thuỷ, tay cầm Bình Cam Lồ và hướng ánh nhìn về đại dương mênh mông. Khá đông Phật tử đến Chùa Đục chỉ để nghỉ chân ở khu vực sân vườn rộng rãi, không khí trong trẻo, mang đến cảm giác an yên đến lạ thường.
7. Thạch Cổng Tò Vò
Cách Chùa Đục khoảng 100 mét chính là Cổng Tò Vò (hay Thạch Cổng Tò Vò) – cái tên thân thương đối với người đam mê “sống ảo”. Gây ấn tượng bởi chiều cao 2.5 mét cùng kiến trúc đậm phong vị Châu Âu, không ít du khách tỏ ra bất ngờ khi biết rằng Cổng Tò Vò hoàn toàn là sản phẩm hàng triệu năm tuổi của mẹ thiên nhiên. Sạc đầy pin cho camera và thoả sức “chụp choẹt” thôi!
Điểm danh đặc sản Lý Sơn nổi tiếng #teamKlook nhất định phải thử
1. Cua huỳnh đế
Nếu là “fan cứng” của hải sản, bạn ắt hẳn không còn lạ lẫm gì với “đặc sản tiến vua” – cua huỳnh đế. Sở hữu nguồn cung cấp thuỷ hải sản dồi dào, cua huỳnh đế được bán ở Đảo Lý Sơn với mức giá khá “mềm”, chỉ 850.000đ/kg (dành cho cua sống) và từ 600.000đ/kg (dành cho chua “ngất”). Cách chế biến cua huỳnh đế thì muôn hình vạn trạng nhưng tuyệt vời nhất vẫn là hấp nước dừa hay luộc rồi chấm muối tiêu chanh. Thêm một cốc bia mát lạnh nữa là “đúng bài”!
2. Cá tà ma
Tà ma là một loại cá biển có ngoại hình tương tự cá rô phi miền Tây nhưng kích cỡ lớn và… tinh khôn hơn. Ở Đảo Lý Sơn, cá tà ma là món ngon phổ biến trong lẩu, canh chua, canh hẹ hay cháo. Lẩu lá giang cá tà ma được giới sành điệu ẩm thực nhận xét là “cực phẩm trong cực thẩm” – vị chua và chan chát của lá giang kết hợp cùng thịt cá dai mềm, đậm đà hương biển. Quả thực thơm ngon đến độ khó lòng diễn tả qua ngôn từ.
3. Tỏi Lý Sơn
Mệnh danh “vương quốc tỏi”, sẽ là thiếu sót vô cùng lớn nếu tỏi Lý Sơn lại vắng mặt trong danh sách này. Được nuôi dưỡng bởi đất đỏ bazan từ núi lửa, tỏi Lý Sơn có mùi thơm nồng và vị hăng cay đặc trưng hơn tỏi thông thường. Bên cạnh ưu điểm ngon miệng, tỏi Lý Sơn còn mang đến nhiều lợi ích diệu kỳ cho sức khoẻ như ổn định huyết áp, giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa ung thư và tăng cường khả năng miễn dịch. Bạn có thể mua tỏi Lý Sơn với giá khoảng 90.000đ đến 100.000đ/kg.
4. Chả cá đỏ củ Lý Sơn
Đi du lịch Đảo Lý Sơn tự túc, bạn ít nhất phải “bỏ bụng” được dăm ba món đặc sản đến từ đại dương. Chả cá đỏ củ Lý Sơn được làm từ loại cá biển cùng tên – kích thước tuy nhỏ nhưng lại sở hữu thịt dai, ngọt và lớp da màu hồng đỏ bắt mắt. Người ta thường dùng chả cá đỏ củ Lý Sơn để nấu canh, nhúng lẩu; đơn giản hơn thì có hấp hành hoặc chiên vàng chấm xốt tỏi ớt cũng xứng tầm mỹ vị.
Du lịch Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, #teamKlook sẽ nhận ra rằng ngay tại đất nước Việt Nam thân thương vẫn còn rất nhiều “hòn ngọc ẩn mình” đang chờ bạn đến chiêm ngưỡng. Đây là địa điểm chu du tuyệt vời mà bạn có thể kết hợp trong chuyến
du lịch Đà Nẵng tự túc
sắp tới đấy.
Bạn sẽ đi du lịch Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi cùng “người ấy” chứ?
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH: