Món ăn mà mâm cỗ ngày Tết khó có thể thiếu được: Vừa cân bằng khẩu vị lại giúp mâm cơm gia đình thêm ý nghĩa
Năm nào cũng vậy, mâm cỗ ngày Tết của các gia đình Việt được mọi người chuẩn bị rất tươm tất. Dù bận rộn đến đâu thì bữa cơm tất niên đều có đầy đủ các món ăn truyền thống, mang ý nghĩa đặc trưng của Tết. Bởi vậy mà Tết cổ truyền người ta không hỏi nhau ăn món gì vì ai cũng biết mâm cỗ ngày Tết sao có thể thiếu bánh chưng xanh, khoanh giò, thịt gà luộc hay các loại canh nóng thơm ngon.
Bên cạnh các món nếp, chiên, xào,… khiến nhiều người e dè trong mâm cỗ Tết thì chính những món canh ấy không chỉ làm cân bằng khẩu vị mà còn giúp mâm cơm gia đình thêm trọn vẹn hơn. Và trong đó, các món canh thường xuyên hiện nhiều nhất trên mâm cơm Tết chính là canh măng, canh bóng thả và canh khổ qua. Mỗi món canh này đều mang ý nghĩa đặc trưng vô cùng thú vị, đặc sắc.
Ảnh: @Thuhuongvu
Mục lục bài viết
Canh măng
Thật thiếu sót nếu như không có canh măng trên mâm cỗ cúng vào những ngày đầu năm mới. Đây là món không thể thiếu trên mâm cơm truyền thống xưa, nhất là ở miền Bắc, với ý nghĩa là món ăn gợi sự ấm áp trong những ngày đầu xuân sum vầy. Ở nước ta, măng cũng là một loại nguyên liệu dễ tìm, được sử dụng rộng rãi. Do đó, không quá khó khăn khi tìm nguyên liệu nấu món canh măng vào dịp Tết.
Cách chế biến cũng không quá khó, quá cầu kỳ nhưng đó lại là điểm đặc biệt của món canh này. Tuy chỉ là một món ăn vô cùng dân dã và đơn giản vậy mà vẫn tồn tại suốt bao mùa xuân, mùa Tết.
Ảnh: @Mến Nguyễn, @Xuân Hìn
Canh măng khô thường được nấu với miến, nhiều gia đình thêm chân giò, mọc, hoặc tận dụng giò cho món canh thêm đậm đà hơn. Sự xuất hiện của bát canh măng như lấy lại sự cân bằng cho bữa cơm ngày Tết. Với những ai đã thưởng thức món ăn này cho dù không phải là ngày xuân cũng cảm thấy rạo rực như đang ở trong không khí ấm áp của những ngày Tết sum vầy.
Canh bóng thả
Ngoài món canh măng khô thì canh bóng thả cũng là một món truyền thống luôn xuất hiện trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Món canh có cái tên hơi kỳ lạ, có thể gọi là canh bóng hoặc canh bóng thả. Sở dĩ nó có tên gọi như vậy vì “ngôi sao” của món ăn là bóng làm từ bì lợn (da heo) được nướng cho nở phồng, trông giống những chiếc bong bóng thả nổi trên bát canh. Canh bóng thả với nguyên liệu phong phú và đặc biệt là hương vị ngọt hòa quyện của các nguyên liệu có ý nghĩa gửi gắm nguyện ước một năm vạn sự ấm êm, tưng bừng khởi sắc.
Canh bóng thả hội tụ nhiều nguyên liệu khác nhau, gồm đủ thứ trứng cút rán, giò sống, mọc, tôm, mấy loại nấm tươi, su su, cà rốt… Nhưng đó là sự kết hợp hài hòa khiến người ta cảm thấy dễ chịu; vừa có tác dụng chống ngấy, vừa làm ấm bụng giữa tiết trời lạnh giá của ngày Tết miền Bắc. Giữa những món ăn ngày Tết nhiều dầu mỡ, canh bóng lại có tính nhẹ nhàng, thanh đạm hơn hẳn. Chính hương vị thanh mát, ngọt thơm cùng sự tỉ mỉ, tinh tế, món ăn này đã chinh phục được cả vị giác lẫn thị giác của những người “sành ăn” đất Bắc.
Canh khổ qua nhồi thịt
Canh khổ qua nhồi thịt là một trong các loại canh ăn ngày Tết không thể không có trong mâm cỗ của người miền Nam. Đối với mọi người, canh khổ qua mang một ý nghĩa sâu sắc. Đúng như cái tên gọi ” Khổ qua” của nó, với hy vọng mọi khó khăn, vất vả trong năm cũ đi qua và đón một năm mới an lành, hạnh phúc, tràn đầy niềm vui.
Đây cũng là một món ăn khá quen thuộc trong đời sống hàng ngày, thế nhưng cứ đến dịp Tết món canh khổ qua ấy lại trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
Dù vậy, khổ qua cũng là món nhiều người ăn không quen sẽ thấy e dè vì mang đến hương vị đắng đắng. Thế nhưng đó lại là một món giải nhiệt, mát và bổ nhất là trong những ngày Tết ăn uống nhiều dầu mỡ, đồ nếp nóng như thế này.