Món ăn ngày Tết gợi nhớ chúng ta kỷ niệm, ý nghĩa gì?
Những món ăn ngày Tết miền bắc gợi nhớ chúng ta kỷ niệm, ý nghĩa gì? – Vietmart đời sống
Cầu kỳ, tinh tế, tỉ mỉ, những món ăn ngày Tết miền bắc được hình thành trong quá trình văn hoá lịch sử lâu đời, có ý nghĩa truyền thống rất lớn hướng về gia đình và dân tộc. Nhân dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu gần kề, hãy cùng Vietmart nhắc nhau về dịp Tết xưa các bạn nhé!
“Đầu bảng” không gì khác đó chính là Bánh Chưng
Theo quan niệm từ thời xa xưa, chiếc bánh chưng của người Việt có hình vuông, tượng trưng cho Đất, là một thứ bánh do hoàng tử Lang Liêu đời vua Hùng thứ 6 làm ra với ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn với thiên nhiên và các thế hệ đi trước, bên cạnh bánh giầy tròn tượng trưng cho Trời. Nhắc đến Tết là nhắc đến bánh chưng, loại bánh có lịch sử lâu đời nhất trong nền văn hóa ẩm thực của người Việt thể hiện sự tinh tuý từ thiên nhiên. Để có chiếc bánh chưng đẹp mắt cần có đôi bàn tay khéo léo và sự tỉ mỉ để nặn ra những chiếc bánh vuông vức, khi thế hệ ông bà chúng ta không hay sử dụng khuôn gỗ như ngày nay. Bánh được gói từ gạo nếp với đậu xanh, thịt lợn và một chút hạt tiêu, luộc trong khoảng 14 tiếng.
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Với một năm mong muốn hạnh phúc, ấm no, đó là những thứ đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết ấm cúng. Cùng với các món thịt, bánh chưng, dưa hành vẫn cứ là truyền thống, là kỷ niệm đẹp chung cho bao thế hệ người Việt Nam. Tuy thế hệ trẻ chúng ta không còn được trải nghiệm hình ảnh câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, nhưng với bánh chưng đã đủ thấm đẫm hương vị Tết cổ truyền. Trong câu chuyện gia đình quây quần ngày Tết, những gì đẹp nhất ngày Tết xưa qua lời ông bà, cha mẹ kể lại cùng hương vị bánh chưng càng làm cho không khí Tết đầm ấm hơn.
Thịt gà luộc – Cầu gì được nấy, phúc đức đủ đầy
Là loại món ăn từng có ở mọi nhà nông thôn, có thể nói là “của nhà trồng được”. Với ý nghĩa no ấm, đủ đầy, thuận lợi, may mắn, gà luộc là món không thể thiếu ở các mâm cúng gia tiên. Ngoài ra gà còn là con vật cất lên tiếng gáy xua màn đêm và gọi ánh nắng mặt trời. Là một trong 12 con Giáp, gà biểu trưng cho sự cương trực, mạnh mẽ. Mâm cúng đêm giao thừa luôn có một con gà trống với ý nghĩa gọi nắng luôn về nhà quanh năm, xua tan màn đêm cho cuộc sống nhà nông đủ đầy.
Chỉ sau bánh chưng, gà luộc là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Gà luộc rắc lá chanh thái nhỏ và chấm gia vị chanh ớt tạo nên vị ngon rất khó quên. Thịt gà nuôi nhà thường rất chắc và ngọt, chắc chắn sẽ khơi dậy cảm xúc trong những mâm cỗ quây quần ngày Tết. Thịt gà luộc da vàng ươm là bên cạnh bánh chưng xanh, hoa đào đỏ là những sắc màu không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền.
Xôi gấc – Sức khoẻ, sung túc, chỉn chu, cầu kỳ
Cũng là một món ăn màu đỏ tươi tự nhiên tượng trưng cho sự hạnh phúc, may mắn ngày Tết, xôi gấc được coi là một trọng những món ăn cho sức khoẻ, sự sung túc, đủ đầy. Người Việt chúng ta có rất nhiều loại xôi nhưng chỉ xôi gấc được hiện diện trong mâm cỗ sum họp.
Xôi gấc được chế biến và nấu một cách rất công phu, bắt đầu từ công đoạn lựa gấc sao cho có màu đỏ đậm nhất, thơm ngon nhất, sau đó đến việc đồ xôi, đơm xôi đặt lên bàn thờ như thế nào… tất cả đều được ông bà cha mẹ chúng ta đặt hết sự chỉn chu, cầu kỳ và tâm huyết vào đó.
Để dẻo và thơm, phần gạo nếp làm xôi gấc được vo thật sạch, ngâm cùng nước dừa và để qua đêm. Gấc được nạo lấy hết phần ruột đỏ và cùi vàng trộn đều với gạo nếp đã để ráo nước. Tiếp đến là nấu cùng nước cốt dừa, canh nước sao cho khi xôi đã chín dẻo nhưng không bị ướt, thêm lá dứa đã rửa sạch để tạo mùi thơm nồng. Cuối cùng là cho thêm đường, đảo đều tay. Tưởng chừng đơn giản nhưng món xôi gấc lại chứa bao tâm huyết và sự cầu kỳ, bởi đó nên xôi gấc xứng đáng có mặt trong mâm cỗ món ăn ngày Tết miền bắc ấm cúng.
Gợi nhớ hình ảnh xưa, mùi xôi gấc nóng hổi thơm nồng từ căn bếp nhỏ khiến ngày Tết ấm cúng hơn cho những người con xa xứ trở về, và rồi chẳng muốn rời đi.
Thịt nấu đông – Trong trẻo vạn niên, tình duyên tốt đẹp
Là món ăn chỉ có ở vùng Bắc Bộ, trong tiết trời se lạnh của thời điểm giao mùa, một miếng thịt đông ăn kèm một miếng dưa hành gợi nên vị ngon như một đặc sản của riêng ngày Tết miền bắc. Hương vị và hình ảnh sum vầy gia đình ngày Tết sẽ chẳng bao giờ trọn vẹn nếu thiếu thịt đông. Màu sắc tượng trưng cho sự trong trẻo, an lành, bên cạnh ý nghĩa tình cảm gia đình, các món ăn hoà quện vào nhau như chúc cho những ai đang yêu có một tình yêu thắm đượm gắn kết.
Thịt đông thường được làm từ chân giò, tai lợn hoặc thịt gà, ăn một miếng đầu tiên thấy ngay mềm mịn và sần sật, có vị béo ngậy và vô cùng kích thích vị giác.
Giò chả – Phúc lộc đầy nhà
Thật ngạc nhiên, món ăn quen thuộc thường ngày lại cực kỳ đặc biệt trong mâm cỗ Tết: Giò chả. Khác biệt lớn nhất đó chính là cách trình bày giò chả trong mâm cỗ. Cùng với các món ăn trên mâm cỗ cúng gia tiên, mùi nhang thơm phảng phất, giò chả mang tới “phúc lộc đầy nhà” và một tinh thần phấn chấn đón năm mới sang. Giò bò, giò lụa, giò xào là 3 món giò quen thuộc nhất với mọi nhà.
Theo quan niệm dân gian, giò chả là món ăn tượng trưng cho sự phú quý, sang trọng, cho phúc lộc đến nhà. Vì vậy, không biết từ bao giờ, món ăn này đã được chọn để khởi đầu cho một năm mới. Giò chả thường được ăn kèm với dưa hành, chấm nước mắm, chắc chắn đây sẽ là món ăn được nhiều người mong chờ trong những ngày Tết.
VIETMART – SIÊU THỊ THỰC PHẨM VIỆT TẠI NHẬT – CHỢ VIỆT NAM TẠI NHẬT BẢN
Hotline: 080-3844-7999
Địa chỉ: 〒544-0001 大阪府大阪市生野区新今里 3-3-1
Website: vietmartjp.com
Tổng hợp chương trình ưu đãi: Xem tại đây