Một nhà đầu tư Việt may mắn không mất nửa tỉ đồng khỏi sàn FTX
–
Thứ hai, 21/11/2022 09:34 (GMT+7)
Một tháng trước khi sàn giao dịch tiền điện tử FTX sụp đổ, anh P.Q.H đã nhận thấy nhiều dấu hiệu nghi ngờ và lập tức rút sạch 25.000 USD. Không may mắn như vậy, hơn 100.000 nhà đầu tư toàn cầu lại đang mắc kẹt tại FTX và đối mặt với khả năng mất trắng tài sản.
Hơn 100.000 nhà đầu tư toàn cầu đang bị mắc kẹt tại sàn FTX và đối mặt với khả năng mất trắng tài sản. Đồ họa: Đức Mạnh
Người may mắn, kẻ kẹt hàng
Là một nhà đầu tư tiền điện tử nhiều năm, anh P.Q.H (nhân vật đề nghị giấu tên) đổ lượng lớn tiền vào nhiều sàn giao dịch tiền số khác nhau. Trong đó, có hơn 25.000 USD tại sàn giao dịch FTX, tương đương hơn 575 triệu đồng.
Một tháng trước khi sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ tư thế giới này sụp đổ, anh đã nhận thấy nhiều dấu hiệu nghi ngờ và lập tức rút sạch vốn. Toàn bộ tiền điện tử được anh thu về ví cá nhân để bảo toàn tài sản.
Trao đổi với Lao Động, anh H kể lại: “FTX có dấu hiệu chậm trễ trong rút tiền. Chính những hội nhóm tôi tham gia cũng đã cảnh báo về vấn đề này tại thời điểm đó. Khác với các sàn giao dịch lớn khác, nếu có bảo trì sẽ luôn báo trước thời gian cụ thể còn FTX thì không. Thêm vào đó, FTX cũng mới chỉ thành lập được vài năm nên độ uy tín sẽ không thể bằng các sàn lớn như Binance. Chính vì thế, tôi đã rút tiền về sớm”.
Anh H cho biết, sau đà mất giá của Bitcoin, LUNA và giờ đây là sàn FTX, lượng thành viên trong các hội nhóm chat đã hao hụt đi trông thấy. Họ giờ đây chủ động cập nhật thông tin hơn là phụ thuộc vào các admin đăng bài như ngày xưa.
Không may mắn như anh H, anh L.T.A (nhân vật đề nghị giấu tên) ngụ tại TPHCM chọn FTX vì là sàn giao dịch lớn hàng đầu thế giới. Những tưởng không để đổ vỡ nhưng vài nghìn USD tại FTX giờ lại không biết cách nào để lấy lại. Các lệnh cứ ở trạng thái “được yêu cầu” mà không có thêm bất kỳ động tĩnh gì.
Anh P tiếc nuối: “Từ sáng 8.11 hầu như không thể thực hiện các lệnh rút tiền nữa. Sang hôm sau thì cả website và ứng dụng đều không thể đăng nhập. Tôi còn vài nghìn USD trên sàn hiện không thể rút về”.
Nhóm Telegram chính thức của FTX dành cho người Việt Nam có gần 10.000 thành viên đã ngừng hoạt động. Nhiều người kẹt tiền tại đây, không thể giao dịch. Không những trở thành chủ nợ bất đắc dĩ của một doanh nghiệp phá sản mà khả năng mất trắng tài sản cũng đang dần hiện hữu.
100.000 người trên toàn cầu thành chủ nợ bất đắc dĩ
Trong tài liệu xin phá sản gửi lên tòa án, FTX cho hay, công ty hiện có hơn 100.000 chủ nợ hợp pháp. Ngoài ra, danh sách mắc nợ có thể mở rộng tới hơn 1 triệu người. Những khách hàng có tài sản bị mắc kẹt trên FTX được xem là một chủ nợ của công ty.
Số nợ chính xác và lượng tài sản công ty này đang nắm giữ hiện vẫn chưa được công bố. Nhưng theo một số tài liệu rò rỉ được chia sẻ bởi The Block, FTX và Alameda Research (quỹ của FTX) đang thâm hụt khoảng 9 tỉ USD. The Wall Street Journal cho biết, không rõ bao lâu người dùng có thể lấy lại tiền hay họ có nhận được gì không.
Thậm chí, quỹ đầu tư Sequoia còn chịu chấp nhận mất trắng toàn bộ 213 triệu USD đã đổ vào FTX.
Phần lớn tài sản FTX nắm giữ ở dạng các token kém thanh khoản như FTT (token quản trị của FTX). Điều đáng nói, FTT đã “bốc hơi” tới 94% giá trị trong vòng 1 tháng qua. Ảnh chụp màn hình Coinmarketcap.com
Giám đốc điều hành mới của FTX – ông John Ray – cho biết, công ty sẽ nghiên cứu khả năng bán đi, tái cấp vốn hoặc các giao dịch chiến lược khác cho một số đơn vị.
Trong hồ sơ trình lên tòa án hôm 19.11, FTX đã yêu cầu được phép thanh toán các yêu cầu bồi thường 9,3 triệu USD cho các nhà cung cấp quan trọng sau khi có yêu cầu tạm thời và lên tới 17,5 triệu USD sau khi có yêu cầu cuối cùng.
Sàn giao dịch nói rằng, nếu họ không nhận được sự cứu trợ từ tòa án sẽ dẫn đến “ảnh hưởng ngay lập tức và không thể khắc phục được” cho các doanh nghiệp của công ty.
Tại Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát đi thông điệp: Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi không đúng với pháp luật hiện hành.