Một số biểu hiện cụ thể trong xây dựng gia đình văn hóa
Ai cũng thấy rõ, gia đình là tế bào, nền tảng của xã hội. Gia đình có bền vững, làm ăn phát đạt thì đất nước mới phồn vinh, hạnh phúc. Gia đình văn hóa, nói cụ thể hơn là một gia đình có nhiều nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, là gia đình thể hiện rõ những nhân tố tích cực trong quan niệm của ông cha ta từ ngàn năm, đồng thời, tiếp thụ có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới trong thời đại kinh tế tri thức, khi mà khoa học – kỹ thuật phát triển như vũ bão, nhưng cũng có không ít mặt trái.
Ðể đánh giá một gia đình văn hóa, theo chúng tôi, cần quan tâm các mối quan hệ chủ yếu như sau:
Quan hệ với cộng đồng, đất nước : Mọi thành viên trong gia đình đều là những công dân gương mẫu. Có tinh thần yêu nước, anh dũng trong đấu tranh chống ngoại xâm, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn. Tích cực tham gia xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng, không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu. Nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, hoàn thành nghĩa vụ công dân, tham gia tự giác, tích cực các phong trào xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ những đối tượng gặp khó khăn, bất hạnh… Là cán bộ, công nhân viên không ai mắc sai phạm quan liêu, cửa quyền, tham ô lãng phí. Là nhà sản xuất kinh doanh không sai phạm về các vụ gian lận buôn lậu hàng rởm. Là thanh niên, học sinh luôn đạt trò giỏi con ngoan không mắc các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, đua xe, trấn lột, v.v.
Với tổ tiên, ông bà : Luôn nhận thức sâu sắc là tất cả những gì mình đang có hiện nay từ cơ thể, tâm hồn, tài sản, danh lợi… phần lớn đều do người trước sinh thành, để lại, tạo nên cho. Từ đó có lòng tri ân sâu sắc, hết lòng đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà chu đáo, không làm gì tổn hại đến thanh danh gia đình, xây dựng gia đình ngày càng ấm no, hòa thuận, hạnh phúc.
Quan hệ giữa vợ chồng : Vợ chồng là hai trụ cột cơ bản trong mỗi nhà, có trách nhiệm cùng nhau gánh vác xây dựng và phát triển gia đình, giáo dục con cái, phát huy truyền thống dòng họ, thủy chung đến đầu bạc răng long. Không thể chấp nhận tình trạng hiện nay tỷ lệ ly thân, ly hôn giữa các cặp vợ chồng trẻ có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Quan hệ giữa bố mẹ và con cái : Con cái phải được coi là “gia tài” quý nhất của các bậc cha mẹ. Dù quyền cao chức trọng, dù giàu có về của cải bao nhiêu, nhưng con cái hư hỏng, thì vẫn là chưa hoàn thành nghĩa vụ của người làm cha mẹ, vẫn bị người đời chê trách. Giữ cho con cái không bị tác động xấu của xã hội là điều không dễ. Dù bận rộn bao nhiêu cũng phải dành thời gian chăm sóc, giáo dục con cái. Không nên quá nuông chiều, nhưng cũng không nên chỉ dùng đe dọa roi vọt, phải giáo dục bằng sự khuyên bảo, giảng giải nhẹ nhàng, kiên trì, nhất là bằng hành động gương mẫu của bố mẹ.
Ngoài các đức tính cơ bản như: hiếu đễ, cần kiệm liêm chính, còn cần giáo dục con cái những đức tính trong thời hiện đại, như tính độc lập, tự chủ không ỷ lại, không cậy thế cậy quyền, không tự ti, không bảo thủ, luôn khao khát trí thức, dám nghĩ dám làm, dám mơ ước, sáng tạo, không tự cao tự mãn, quyết chí vươn lên sau thất bại, biết làm việc khoa học, chân thành, khiêm tốn.
Quan hệ với láng giềng : Không làm điều gì ảnh hưởng xấu đến sự an vui của láng giềng, nhiều khi chỉ là những việc bình thường: không bật đài quá to, hát karaoke ầm ĩ trong giờ nghỉ ngủ, không để khói lò than xông vào nhà người bên cạnh, không lấn chiếm dù vài tấc đất… Thường xuyên chào hỏi, viếng thăm, giúp đỡ xóm giềng lúc tối lửa tắt đèn. Mỗi gia đình có người láng giềng tốt là một kho của báu.
Thái độ đối với môi trường : Giữ gìn vệ sinh quanh nhà không vứt rác bừa bãi, tham gia tổng vệ sinh định kỳ trong khu phố. Không chặt cây phá rừng, săn bắn động vật quý hiếm. Trong sản xuất không làm ô nhiễm không khí, đất nước chung quanh. Tham gia giữ cân bằng sinh thái giữa Người – Trời – Ðất (tam tài) là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người, nếu muốn hành tinh này còn tồn tại lâu dài.
Quan hệ giữa vật chất và tinh thần : Con người không chỉ sống bằng vật chất đơn thuần, bên cạnh đời sống vật chất còn có cả đời sống tinh thần rất phong phú, cao đẹp
Tóm lại, với các mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít nhau, tác động qua lại lẫn nhau, khái niệm gia đình văn hóa rất phong phú, cao đẹp. Gia đình văn hóa là mục tiêu phấn đấu lâu dài, tùy điều kiện, thời gian, có thể biến đổi, cải biến, nhân lên những mặt tốt và khắc phục những mặt hạn chế, lạc hậu.
Ðiều đó đòi hỏi mỗi người, mỗi gia đình phải thường xuyên chăm lo xây dựng, mỗi người sống giàu lòng khoan dung, nhân ái, vị tha. Phát triển kinh tế luôn đi đôi với xây dựng nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình và xã hội, hai mặt đó được xem như đôi cánh giúp nhân dân ta, đất nước ta đi lên trong thời kỳ mới.