Một số giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường
Bà Trần Lưu Hoa – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội khẳng định văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách, giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả triển khai xây dựng văn hóa học đường ngành Giáo dục Hà Nội đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện quy tắc ứng xử trong môi trường học đường, trong đó quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử, thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử…
Cô trò cùng thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa. (Ảnh minh họa)
Ngoài những giải pháp chung, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng “Nhà trường văn hóa -Nhà giáo mẫu mực – Học sinh thanh lịch”; giảng dạy tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh.
Trong năm học 2022-2023, một trong những giải pháp mới của ngành Giáo dục Hà Nội là triển khai phong trào quận giúp huyện, trường giúp trường nhằm nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, giảm dần sự chênh lệch giữa các địa bàn, góp phần tăng hiệu quả xây dựng văn hóa học đường.
Các trường học tại Hà Nội được hướng dẫn cụ thể về xây dựng văn hóa học đường. (Ảnh minh họa)
Trong khi đó ông Nguyễn Minh Triết – Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho rằng trong thời gian tới, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và ngành Giáo dục cần triển khai một số nội dung, cụ thể như sau:
Thứ nhất, các cấp bộ đoàn, hội, đội phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để triển khai nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong việc triển khai các nội dung gắn với việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hoá trong học đường.
Thứ hai, tiếp tục phối hợp để gia tăng số lượng, tần suất tổ chức các cuộc thi, chương trình, diễn đàn cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới.
Đoàn Thanh niên cần phát huy vai trò hơn nữa trong xây dựng văn hóa học đường. (Ảnh minh họa)
Thứ ba, trong công tác phối hợp, cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý về vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hoá ứng xử trong học đường; các cấp bộ Đoàn, Hội và ngành giáo dục cần tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng văn hoá học đường, xác định công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho học sinh là nhiệm vụ cơ bản, hàng đầu.
Thứ tư, cần quan tâm, tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ các thầy cô giáo về vấn đề giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, tình yêu quê hương, đất nước, văn hoá trong học đường.
Thứ năm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan toả ý nghĩa của diễn đàn; chú trọng sự vào cuộc của ban giám hiệu các trường trên cả nước trong việc quan tâm đến công tác tổ chức các hoạt động, sân chơi cho học sinh, sinh viên; đẩy mạnh công tác xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên phụ trách Đoàn, Hội, Đội; cần có sự tổng kết, đánh giá thường niên về những kết quả trong công tác phối hợp giữa 2 đơn vị về nội dung xây dựng văn hoá học đường.
Hoàng Thanh