Một số giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian tới

Một số giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian tới

  • 07/07/2022
  • 474

Cỡ chữ:

Giảm (A-)

Mặc định (A)

Tăng (A+)

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển con người và xã hội loài người, là nhân tố đóng vai trò cơ sở và định hướng cho sự phát triển bền vững của xã hội. 

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của văn hóa và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, phát huy sức mạnh văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Tháng 2 năm 1943, Đảng ta ban hành “Đề cương văn hóa Việt Nam”. Đây là bản Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng ta, đặt nền tảng lý luận cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại như ngày nay. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 của Đảng xác định một trong sáu đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”. Ngày 16/7/1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VIII) đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết đã bổ sung, phát triển, làm sâu sắc, phong phú hơn kho tàng lý luận văn hóa, đường lối văn hóa của Đảng và mở đường cho thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. 

Xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc là chủ trương lớn của Đảng, phù hợp với văn hóa tinh thần dân tộc Việt Nam. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các nghị quyết, chỉ thị về văn hóa như: Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/8/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Kết luận số 51-KL/TW, ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 76-KT/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển Văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hoạt động Văn học – Nghệ thuật trong tình hình mới; Quyết định số 5022/QĐ-UBND, ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025… luôn được cấp ủy các cấp quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Hàng năm, các địa phương đều xây dựng các mục tiêu, giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội gắn liền với mục tiêu và giải pháp về phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam nói chung và con người Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng phát triển toàn diện, hướng đến Chân – Thiện – Mỹ. 

 

Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021

Trại Phú Hải – huyện Côn Đảo 

 

Nhà Lớn Long Sơn – Tp. Vũng Tàu

Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về văn hóa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được nhiều kết quả thiết thực trong xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian qua, có thể kể đến như: Phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang có những bước chuyển biến tích cực, toàn diện. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến. Các hủ tục lạc hậu từng bước được hạn chế, đẩy lùi và xóa bỏ. Việc xây dựng và thực hiện các quy chế, quy ước văn hóa cộng đồng, văn hóa công sở dần đi vào chiều sâu. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao. Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93%, tỷ lệ thôn, ấp, khu phố đạt 98%, 100% thôn, ấp, khu phố đều có quy ước cộng đồng nên ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư ngày càng đạt hiệu quả cao. Việc thực hiện xây dựng xã văn hóa nông thôn, phường văn minh đô thị cũng được triển khai thực hiện theo hướng dẫn của trung ương. Xã văn hóa nông thôn mới (44/47) xã, đạt 93,6%; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (29/35) đạt tỷ lệ 82,9%. Xuất hiện nhiều mô hình văn hóa tự quản ở cộng đồng như: Ngày thứ bảy vì cộng đồng; Tổ dân phố không rác; Tổ dân phố không tệ nạn ma túy, mại dâm… Hệ thống các thiết chế văn hóa ngày càng được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa của cộng đồng và bảo tồn văn hóa các dân tộc. Phong trào xã hội hóa thiết chế văn hóa được các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh, thu hút các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân vào đầu tư, xây dựng. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được chú trọng. Hiện toàn tỉnh có 49 di tích lịch sử-văn hóa đã được công nhận và xếp hạng. Trong đó, có 01 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt (Nhà tù Côn Đảo), 29 di tích đã được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia, 19 di tích được công nhận, xếp hạng cấp tỉnh và một số bảo tàng, bộ sưu tập, trưng bày có giá trị lớn khác…  

   

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên thì thực tiễn xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chú trọng đúng mức vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, xem văn hóa chỉ là một hoạt động của ngành văn hóa, dẫn đến lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, việc cụ thể hóa, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ; Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, có lúc, có nơi bị xem nhẹ; Cơ chế chính sách còn bất cập, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải; Một số thiết chế văn hóa chưa sử dụng có hiệu quả; Việc thu hẹp khoảng cách hưởng thụ về văn hóa giữa các vùng, miền, đặc biệt những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm; Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp…

Để tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hiệu quả trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của mỗi con người, của đất nước; Nâng cao hiểu biết và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, hướng dẫn nhân dân về nếp sống văn hóa, văn minh; chống các hủ tục, mê tín dị đoan, lạc hậu… từ đó có những quyết tâm chính trị và những nỗ lực hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn để từng bước hiện thực hóa những giá trị văn hóa Việt Nam mới vừa đảm bảo tính tiên tiến, vừa mang đậm bản sắc dân tộc. 

Hai là, củng cố, tăng cường mạng lưới văn hóa cơ sở. Làm tốt công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch văn hóa; chủ động trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển cán bộ làm công tác văn hóa, xây dựng đội ngũ kế thừa (bao gồm đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và đội ngũ văn nghệ sĩ) đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Ba là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, coi trọng xây dựng luật pháp, hoàn thiện thể chế phát triển văn hóa phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; bổ sung, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách mang tính đặc thù của văn hóa, nghệ thuật, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.

Bốn là, đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sự nghiệp văn hóa. Xây dựng chính sách đãi ngộ thích hợp cho cán bộ văn hóa các cấp. Có chính sách thu hút người có trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa, sinh viên về công tác tại địa phương. Chú trọng các chính sách khen thưởng, biểu dương, tôn vinh những cán bộ làm công tác văn hóa…

Năm là, bảo tồn, phát huy và phát triển những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị, du lịch. Ưu tiên các nguồn lực để xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm, nhất là công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu trên địa bàn nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

Thế Vinh

Thư viện tỉnh BR-VT