Một số giải pháp phát triển du lịch Việt Nam

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và đạt được thành tựu quan trọng. Với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, sự đa dạng về sắc thái văn hóa, sự phát triển của các làng nghề truyền thống và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là cơ hội thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa trong những năm tiếp theo. Bài viết này tác giả nêu ra một số hạn chế và đề xuất các giải pháp để góp phần giúp du lịch Việt Nam có được những thành tựu tốt đẹp hơn nữa.

Từ khóa: du lịch, du lịch Việt Nam, giải pháp, phát triển du lịch.

1. Đặt vấn đề

Du lịch hiện nay được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn, bởi nó mang lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở vật chất, hạ tầng, thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa. Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 là đón 10-10,5 triệu lượt khách quốc tế; 47-48 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 17-18 tỷ USD. Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu từ du lịch các năm 2015, 2017, 2018, 2019 lần lượt là 30.444,1; 36.111,8; 40.371,2 và 44.669,9 tỷ đồng. Với những nỗ lực không ngừng, trong 2 năm 2019 và 2020, Việt Nam đã dành chiến thắng ở hạng mục “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards ) bình chọn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng do nhu cầu vui chơi, du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè. Trong đó, du lịch nội địa tiếp tục đóng vai trò chủ lực thúc đẩy doanh thu gia tăng. Cụ thể, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 430,9 nghìn tỷ đồng, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng của năm 2022 ước đạt 18,2 nghìn tỷ đồng, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm trước, do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa. Một số trọng điểm du lịch trong nước ghi nhận mức tăng doanh thu dịch vụ lữ hành cao, đó là: Đà Nẵng tăng 634,7%; Hà Nội tăng 386,3%; Hải Phòng tăng 277%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 151,9%; Quảng Ninh tăng 90,3%. Đặc biệt, Cần Thơ là địa phương ghi nhận cả doanh thu dịch vụ lữ hành, dịch vụ lưu trú tăng cao nhất với mức tăng lần lượt 766,8% và 122,5%.[5]. Với đà tăng trưởng như vậy, trong những năm tới, du lịch Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển.

2. Một số lợi thế của du lịch Việt Nam

Thứ nhất, lợi thế về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan, danh lam thắng cảnh tạo cho Việt Nam một nét đặc sắc riêng. Sự đa dạng về địa hình, địa chất, hệ sinh thái của Việt Nam có cả ở ngoài vùng biển, vùng đồng bằng, vùng núi, trung du, lợi thế này có khả năng hấp dẫn được nhiều khách du lịch đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới. Đáng chú ý, thời gian qua, nhiều điểm du lịch mới được mở ra đã thu hút đông đảo du khách tham quan. Các điểm du lịch ở các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc như Hà Giang đã tạo dựng được thương hiệu là điểm đến mới quyến rũ qua việc tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch; Yên Bái với lễ hội “Mùa vàng Mù Căng Chải”, tâm điểm là sự kiện “Bay trên Mùa vàng”; vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với hang Sơn Đoòng tạo sức hút lớn đối với du khách quốc tế và quan tâm của khách nội địa; Các điểm du lịch biển ở vùng Duyên hải Bắc Bộ, miền Trung, Nam Trung Bộ, Phú Quốc, Côn Đảo có nhiều đổi mới về quản lý và cung cấp dịch vụ, tạo sức hấp dẫn mới đối với khách du lịch trong nước và quốc tế…; vườn quốc gia Cúc Phương, rừng quốc gia U Minh, Phong Nha – Kẻ Bàng, khu danh thắng Tràng An, vịnh Hạ Long, các đảo Cô Tô, Phú Quốc, Côn Đảo, các vườn quốc gia và công viên địa chất và hàng nghìn ki-lô-mét bờ biển với rất nhiều bãi biển đẹp, tạo ra một lợi thế không nhỏ cho phát triển các loại hình du lịch tham quan thắng cảnh tại Việt Nam.

Thứ hai, truyền thống văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam, các lễ hội, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, là một lợi thế tuyệt vời để phát triển du lịch theo sở thích của những du khách muốn tìm hiểu về truyền thống văn hóa Việt Nam. Loại hình du lịch này còn góp phần giúp cho hình ảnh của Việt Nam nhanh chóng đến với thế giới. Theo thống kê năm 2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số di tích quốc gia đã được xếp hạng là 3.447, trong đó, di tích lịch sử là 1.603, di tích kiến trúc nghệ thuật là 1.594, di tích khảo cổ là 99, di tích danh lam thắng cảnh là 151; và hàng nghìn di sản phi vật thể. Việt Nam hiện có 14 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Ca Trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc; Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ; Hát Xoan; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật Xòe Thái. Như vậy, tham quan các di tích lịch sử và thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật phong phú đa dạng của Việt Nam cũng là một trong nhưng lợi thế để thu hút khách nước ngoài và trong nước, góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển.

Thứ ba, các làng nghề đặc trưng về thủ công mỹ nghệ và một số nghề truyền thống khác cũng là những điểm đến du lịch có khả năng thu hút khách tham quan, mang lại những giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương nói riêng và cho nền kinh tế Việt Nam nói chung. Việt Nam có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, như gốm Bát Tràng, làng khảm trai Chuyên Mỹ (thành phố Hà Nội), gốm Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh), gốm Thổ Hà (tỉnh Bắc Giang), làng cói Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), làng đá mỹ nghệ Non Nước (thành phố Đà Nẵng), làng gốm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận), làng dệt vải Bảy Hiền,… Một số ngành nghề khác như nghề nuôi ong (Hòa Bình), trồng cây kiểng (Hưng Yên), nghề làm kẹo dừa (Bến Tre) là điểm đến tham quan du lịch yêu thích của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Tham quan làng nghề, một mặt giúp giới thiệu sản phẩm cho các làng nghề, mặt khác có thể bán sản phẩm trực tiếp cho du khách yêu thích các món đồ đặc trưng mang về làm kỷ niệm, hơn nữa có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mang lại những nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Thứ tư, ngoài những lợi thế kể trên, nguồn lực con người cũng rất quan trọng cho phát triển du lịch Việt Nam. Năm 2021, quy mô dân số cả nước đạt khoảng 98,5 triệu người; lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,6 triệu người. Lực lượng lao động to lớn là một trong những lợi thế không hề nhỏ để phát triển kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Trong đó, bên cạnh đội ngũ trí thức, các nhà quản lý, các hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, công phu. Đội ngũ nghệ nhân dân gian trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, làm nghề truyền thống… Tất cả đều tích cực tham gia quảng bá và giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc sắc với những sắc thái riêng của từng loại hình du lịch tại Việt Nam, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, phát triển các ngành Du lịch, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc… Người dân Việt Nam thân thiện mến khách cũng sẽ là những lợi thế giúp cho ngành Du lịch tiếp tục phát triển.

3. Hạn chế và khó khăn

Thứ nhất, công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch. Kinh phí Nhà nước đầu tư còn hạn chế, chưa tạo được hiệu ứng kích cầu. Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng tiếp cận điểm đến còn thiếu đồng bộ. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh, nhưng nhìn chung tầm cỡ quy mô, tính chất tiện nghi và phong cách sản phẩm du lịch nhỏ lẻ, vận hành chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành được hệ thống các khu du lịch quốc gia với thương hiệu nổi bật.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn hạn chế trước sự cạnh tranh gay gắt của du lịch trong khu vực và thế giới. Công tác quản lý môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại nhiều điểm du lịch còn yếu kém và chưa được coi trọng. Năng lực quản lý còn hạn chế làm cho tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn còn xảy ra; taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch đôi khi vẫn diễn ra ở một số địa phương, nhất là vào mùa cao điểm…

 Thứ ba, các loại hình và sản phẩm du lịch còn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách trong và ngoài nước. Các loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, nhu cầu về phục hồi sức khỏe và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh còn chưa được khai thác triệt để. Thêm vào đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để quảng bá và bán sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm của khách du lịch đối với các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến du lịch như công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) giúp khách hàng trải nghiệm các điểm đến trước chuyến du lịch vẫn còn chưa được áp dụng nhiều. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI), robot, các dịch vụ không chạm cũng chưa được sử dụng triệt để trong việc quản lý và phục vụ du khách. Các cơ quan quản lý du lịch cũng chưa tận dụng được các ưu thế của công nghệ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý du lịch, tạo ra các ứng dụng di động về du lịch an toàn và tiện lợi trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Thứ tư, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ đáp nhu cầu phát triển đa dạng các loại hình du lịch hiện nay. Việc tuyển dụng, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để bảo đảm đủ số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Chưa thực sự chú trọng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho người lao động, bảo đảm sự chuyên môn hóa và thành thục trong các kỹ năng phục vụ của người lao động. Việc ứng dụng công nghệ và tự động hóa trong việc cung cấp các dịch vụ và phục vụ khách du lịch, đặc biệt ở các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch cần nhiều lao động chưa được triển khai nhiều. Chưa có chính sách và chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho người lao động trong ngành Du lịch để họ yên tâm công tác, đặc biệt là lao động chất lượng cao, đảm nhiệm các công việc đặc thù trong ngành.

Thứ năm, tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá cũng chưa được nâng cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm. Công tác hợp tác quốc tế về du lịch còn chưa chủ động, mở rộng và chuyên nghiệp.

4. Những giải pháp để ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh hơn

Các cấp, các bộ, ngành cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ cho việc phát triển các ngành Du lịch. Phát huy và khai thác một cách hiệu quả các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, địa lý, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, truyền thống… Khai thác có hiệu quả nguồn lực bao gồm nguồn lực vật chất và phi vật chất để phát triển du lịch xanh, du lịch sáng tạo. Tăng cường nguồn lực tài chính cho phát triển các ngành Du lịch, bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái và các địa điểm tham quan, giữ gìn và phát triển các ngành, nghề truyền thống, các làng nghề, các nét đặc sắc về văn hóa của Việt Nam như âm nhạc dân gian, thủ công mỹ nghệ… Tăng ngân sách nhà nước cho lĩnh vực du lịch, đồng thời, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, từ các doanh nghiệp và cá nhân thông qua các cơ chế ưu đãi về đầu tư, vốn, thuế, lãi suất, hợp tác công – tư,… đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Bảo vệ và giữ gìn các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa của dân tộc, các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian… Kiểm kê, khảo sát, đánh giá hệ thống di sản văn hóa; tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ trong bảo vệ và giữ gìn các di sản; tôn tạo, trùng tu một cách khoa học những di sản văn hóa vật thể xuống cấp; hoàn thiện hệ thống các bảo tàng, nhà trưng bày; sưu tầm, bảo tồn, tạo không gian cho di sản văn hóa phi vật thể có thể tồn tại sống động trong đời sống; xây dựng cơ chế đặc thù để bảo vệ những di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; đẩy mạnh công tác giáo dục di sản cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm thu hút du khách tham quan và yêu thích loại hình du lịch này.

Hoàn thiện thể chế, rà soát, quy hoạch tổng thể. Có kế hoạch khai thác, sử dụng, dự trữ, tái tạo các lợi thế của du lịch Việt Nam. Phát triển kết cấu hạ tầng và liên kết vùng, miền, phục vụ cho việc liên kết các địa điểm tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi một cách hợp lý. Phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng, địa phương, mỗi điểm đến cần mang dấu ấn đặc sắc riêng để thỏa mãn nhu cầu của du khách, tránh tình trạng để các điểm du lịch manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy mô, thiếu chuyên nghiệp.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, qua đó trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển ngành Du lịch, trao đổi kinh nghiệm trong việc tạo lập các chuyến du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng, liên kết được du lịch trong nước và quốc tế sao cho thuận lợi nhất với chi phí tiết kiệm nhất.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Du lịch bằng cách đào tạo trong nước và ngoài nước. Phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao có quy mô, cơ cấu hợp lý, phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Phát triển lực lượng hướng dẫn viên du lịch, có trình độ, kỹ năng, có sức cạnh tranh quốc tế. Có chế độ lương thưởng hợp lý để những người làm công tác du lịch gắn bó với nghề. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh, cả khu vực công và khu vực tư, cả về chuyên môn, ngoại ngữ lẫn kỹ năng quản trị trong thế giới luôn biến đổi.

5. Kết luận

Phát triển ngành Du lịch hiện nay không chỉ có Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, vì nó mang lại những lợi lích to lớn cho tăng trưởng kinh tế, giao lưu văn hóa, bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp và tăng cường công tác đối ngoại. Với những lợi thế và những con người Việt Nam mến khách, cùng sự quan tâm của các bộ, ngành, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong tương lai, góp phần đưa Việt Nam phát triển ngày càng vững mạnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Ngọc Hà (2022). Nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/826476/nguon-luc-cho-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-o-viet-nam.aspx.
  2. Nguyễn Lâm Tùng (2017). Một số giải pháp phát triển ngành Du lịch Việt Nam. Tạp chí Tài chính, truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/mot-so-giai-phap-phat-trien-nganh-du-lich-viet-nam.html.
  3. Tổng cục Thống kê (2020). Niên giám thống kê năm 2020. NXB. Thống kê, Hà Nội, tr. 651.
  4. Bộ Chính trị (2017). Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  6. Tổng cục Du lịch (2016). Tình hình hoạt động của ngành Du lịch năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2017, Báo cáo.
  7. Tổng cục Thống kê (2016). Tình hình kinh tế – xã hội năm 2017.
  8. T. Linh (2022). Quý III/2022, du lịch Việt Nam tiếp đà hồi phục tích cực. Báo Nhân dân, Truy cập tại: https://nhandan.vn/quy-iii2022-du-lich-viet-nam-tiep-da-phuc-hoi-tich-cuc-post717412.html.

Solutions for the development of Vietnam’s tourism sector

Nguyen Thi Huyen

Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

Over the years, Vietnam’s tourism has grown rapidly and gained important achievements. Along the country’s geographical location, rich natural resources, cultural diversity, the development of traditional craft villages and high-quality tourism human resource will be growth engines for Vietnam’s tourism industry in the coming years. This paper points out some limitations and proposes solutions to help Vietnam’s tourism gain more brilliant achievements.

Keywords: tourism, Vietnam’s tourism, solutions, tourism development.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12  năm 2022]