Một số kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng

Một số kết quả xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Thứ tư – 28/08/2019 21:44

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, tạo sự chuyển biến, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết đáp ứng với tình hình thực tế của địa phương. Nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Cao Bằng đã cụ thể hóa Nghị quyết thành Chương trình hành động của tỉnh và ban hành quyết định, kế hoạch, chỉ thị để triển khai thực hiện Nghị quyết.

Yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch ngày càng được chú trọng trong cả nước

Yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch ngày càng được chú trọng trong cả nước

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, các cấp ủy Đảng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Tăng cường hiệu quả các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân góp phần thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sông văn hóa”; đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy di tích văn hóa, đặc biệt là giá trị văn hóa đặc sắc của các Di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao và du lịch (VHTT&DL); đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa; tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa (Tổng vốn đầu tư cho văn hóa từ nguồn ngân sách nhà nước Trung ương cấp về Bộ VHTT&DL giai đoạn 2014 – 2019 là 5.735,442 tỷ đồng và qua báo cáo của 55/63 tỉnh, thành phố thì tỷ lệ chi cho các hoạt động VHTT&DL đạt 1,72% tổng chi ngân sách nhà nước cấp về các tỉnh).

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, các cấp có thẩm quyền đã ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống, như: Đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2030; Đề án Tuyển chọn, đào tạo tài năng trong lĩnh vực thể thao thành tích cao đến 2035; Triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đồng thời lồng ghép với việc thực hiện các chương trình, đề án quốc gia như: “Chương trình sức khỏe Việt Nam”, “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, … trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng kể trong tĩnh vực chăm sóc sức khỏe như: cải thiện chiều cao (chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay là 164cm ở nam và 153cm ở nữ), tuổi thọ được nâng lên và đã có nhiều giải pháp hiệu quả đối với các dịch bệnh.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với chủ đề “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình” và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Sau 18 năm thực hiện, đã có trên 1,2 triệu gương người tốt, việc tốt; hơn 20.060.544/23.085.070 gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 75.720/106.355 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố được công nhận văn hoá; 64.968/91.232 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.

Các địa phương đã có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả thiết chế văn hóa ở cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực đáp ứng nhu cầu của đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của nhân dân. Toàn quốc hiện có 40 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao.

Việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế luôn được quan tâm quán triệt, tổ chức thực hiện trong các tổ chức sơ sở đảng cơ quan, đoàn thể và coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020: “Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội”.

Thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, Việt Nam đã chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa. Đến nay, Việt Nam có 27 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh (gồm 08 di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 11 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 01 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và 07 di sản tư liệu). Nhiều di tích đã được quản lý và phát huy giá trị có hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Theo số liệu năm 2018, nhiều di tích có nguồn thu lớn như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) 1.184 tỷ đồng; Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) 665,8 tỷ đồng; Quần thể di tích Cố đô Huế 375 tỷ đồng; Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng 231 tỷ đồng; Khu phố cổ Hội An 266 tỷ đồng…

Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ đột phá, bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10 ngàn người. Định kỳ tổ chức gặp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số này.

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống được quan tâm đầu tư phát triển theo chiều sâu. Giai đoạn 2014 – 2018, đã chỉ đạo tổ chức 20 liên hoan, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và 08 liên hoan, cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.
Hầu hết các tỉnh đều ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong đó tập trung chỉ đạo phát triển 05 ngành công nghiệp văn hóa: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo và du lịch văn hóa. Qua đó, nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội được nâng cao; nhận thức của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa được coi là một chiến lược kinh doanh và thể hiện tính trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch ngày càng được chú trọng.

Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đến nay Việt Nam đã đàm phán, hoàn thiện thủ tục ký kết 55 điều ước thỏa thuận quốc tế về văn hóa với các quốc gia, tổ chức quốc tế. Hàng trăm sự kiện về văn hóa – nghệ thuật và du lịch đã được tổ chức ở nước ngoài với chất lượng chuyên môn cao. Nhiều sự kiện đã trở thành thương hiệu lớn thu hút sự quan tâm của bạn bè, giới chuyên môn, khách du lịch quốc tế; tạo điều kiện để cộng đông người Việt Nam ở nước ngoài được tiếp cận các thông tin, sản phẩm văn hóa – du lịch đặc sắc, lành mạnh từ trong nước, trở thành một kênh thông tin hiệu quả, góp phần vào thành công chung của các hoạt động hướng đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW tồn tại một số hạn chế như: công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số địa phương chưa thường xuyên; nhận thức về xây dựng và phát triển văn hóa, con người của một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sâu sắc; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với Đảng; tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mặt trái của kinh tế thị trường dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực, lối sống thực dụng, văn hóa ngoại lai thiếu lành mạnh thâm nhập làm xói mòn, phai nhạt giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về văn hóa và đạo đức xã hội, góp phần giảm tệ nạn xã hội, các cấp, các ngành cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp  trọng tâm như: Nâng cao nhận thức về ví trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững; đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người; Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo vai trò kiến tạo phát triển văn hóa, xây dựng con người, tăng cường hiệu quả của các hệ thống thiết chế văn hóa; Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế; Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người, ưu tiên nguồn lực cho vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách xã hội, đối tượng chịu thiệt thòi, cho một số loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại cần bảo tồn, phát triển; …/.

HN