Một số kỹ năng cơ bản để giao tiếp thành công

TÓM TẮT:

Giao tiếp là một hoạt động cơ bản, một nhu cầu không thể thiếu của con người. Để tồn tại và phát triển, hàng ngày, hàng giờ, con người luôn thực hiện việc giao tiếp với cộng đồng, với thế giới xung quanh. Xã hội càng phát triển, con người càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của kĩ năng giao tiếp. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, có nhiều người rất lúng túng khi thực hành các kỹ năng và giao tiếp không thành công. Vì thế, bài viết sẽ đi sâu phân tích về tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp, các kỹ năng cơ bản, cần thiết để giao tiếp đạt hiệu quả.

Từ khóa: giao tiếp, kỹ năng giao tiếp, tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giao tiếp cơ bản.

1. Đặt vấn đề

Từ khi sinh ra, tạo hóa đã ban cho con người khả năng biết quan sát, lắng nghe và biểu đạt các ý tưởng hay cảm xúc của mình bằng nhiều cách (ngôn ngữ hay cử chỉ điệu bộ…). Đây chính là cơ sở để hình thành nên hoạt động giao tiếp. Giao tiếp là bản năng của con người, nhưng muốn giao tiếp có hiệu quả cần phải có quá trình rèn luyện và phải có kỹ năng.

Không ai sinh ra đã sở hữu kỹ năng giao tiếp hoàn hảo. Thực tế cho thấy trong cuộc sống có nhiều người rất hoạt ngôn, có khả năng thuyết phục, diễn giải lôi cuốn người khác. Tuy nhiên, khả năng nói lưu loát của họ chỉ một phần là do bẩm sinh, thiên phú, còn phần nhiều là do rèn luyện mà có. Ngay cả những người chúng ta gặp trong cuộc sống thường ngày – những người mà ta hay gọi là “ dẻo mỏ” hoặc thấy “nói chuyện có duyên”… thì  nếu để ý, bạn sẽ thấy họ tập nói chuyện hằng ngày, đúc rút kinh nghiệm và dần sở hữu kỹ năng giao tiếp thành thạo, nhuần nhuyễn hơn người khác. Như vậy, giao tiếp đòi hỏi người tham gia phải có những kỹ năng cơ bản, phải thực hành thường xuyên mới có thể giao tiếp hiệu quả và thành công.

2. Vai trò và tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp

Khi giao tiếp, ngôn ngữ nói và viết là hai kênh giao tiếp được sử dụng nhiều nhất để truyền tải thông tin đến người nghe. Việc sử dụng hai kênh giao tiếp này rất đơn giản, nhưng để trở thành người “nghệ sĩ” nói và viết thì không dễ dàng.

Khi giao tiếp trực tiếp, ngôn ngữ nói là công cụ đắc lực để truyền tải thông tin. Kỹ năng giao tiếp sẽ giúp chúng ta cải thiện ngôn ngữ nói, để vừa thu hút sự quan tâm từ phía người nghe, vừa đạt được mục đích nói một cách thành công nhất. Nếu có kỹ năng giao tiếp, chúng ta có thể thuyết phục người khác ủng hộ quan điểm của mình và để lại ấn tượng tốt đẹp. Chúng ta sẽ biết nắm bắt được tâm lý của người nghe; sử dụng tốt giọng điệu và ngữ điệu của giọng nói; tư duy và trình bày các luận điểm, luận cứ một cách mạch lạc,… Kỹ năng giao tiếp giúp chúng ta tinh tế hơn trong khi nói, tránh trường hợp “lỡ lời” và dễ gây hiểu lầm.

Bên cạnh việc cải thiện ngôn ngữ nói, kỹ năng giao tiếp cũng giúp chúng ta thay đổi tích cực trong ngôn ngữ viết. Kỹ năng giao tiếp có thể giúp chúng ta thể hiện ý nghĩ của mình một cách hiệu quả bằng văn bản. Trong thời đại kỹ thuật số, chúng ta vẫn thường giao tiếp với người khác thông qua tin nhắn, e-mail, các dòng trạng thái trên facebook,… Khi có kỹ năng giao tiếp, ta sẽ biết viết một e-mail có cấu trúc mạch lạc, hình thức trọn vẹn, nội dung ngắn gọn, đầy đủ. Chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến các nghĩa hàm ẩn của câu chữ, tránh được “tính đa trị” (nhiều ý nghĩa) của ngôn ngữ để có thông điệp chính xác, hiệu quả.

Học giả người Mỹ – Kinixti đã từng nói: “Sự thành công của một người chỉ có 15% là dựa vào kỹ thuật chuyên ngành, còn 85% là dựa vào những quan hệ giao tiếp và tài năng xử thế của người đó”. Có thể thấy, giao tiếp là kỹ năng cần thiết mỗi người cần phải rèn luyện để tồn tại và phát triển bản thân. Khi có khả năng giao tiếp tốt, từng cá nhân sẽ chủ động hơn trong cuộc trò chuyện và giúp người đối diện cảm thấy được quan tâm, tôn trọng. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi người sẽ có thêm nhiều mối quan hệ mới, vị thế của họ trong mắt người khác cũng vì thế tăng lên. Giao tiếp thành công mang lại kết quả tốt trong cuộc sống, trong công việc và cơ hội thăng tiến với mỗi cá nhân cũng rộng mở hơn.

3. Một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp

Giao tiếp là hoạt động cơ bản và quan trọng đối với mỗi con người. Để có được khả năng giao tiếp tốt, chúng ta phải trải qua quá trình rèn luyện và thường bắt đầu với các kỹ năng giao tiếp cơ bản sau đây.

3.1. Kỹ năng chào hỏi

Lời chào là nghi thức xã giao đầu tiên, là phép lịch sự tối thiểu của mỗi cá nhân khi bắt đầu một cuộc giao tiếp. Kỹ năng chào hỏi đóng vai trò rất quan trọng để xác lập và duy trì tốt các mối quan hệ xã hội giữa con người với nhau.

Chào hỏi là kỹ năng đời thường, nhưng đôi khi chúng ta không để ý hoặc chưa có sự hiểu biết thấu đáo. Kỹ năng chào hỏi giúp chúng ta tự tin và để lại ấn tượng tốt cho người đối thoại.

Người được ưu tiên trong giao tiếp bao giờ cũng được người khác chào trước (người ít tuổi chào người nhiều tuổi, nhân viên chào thủ trưởng, người phục vụ chào khách). Cách xưng hô khi chào cần phải chuẩn mực, phù hợp với vai giao tiếp. Người chào cần có thái độ vui vẻ, niềm nở, có hành vi, cử chỉ nghiêm chỉnh khi chào: không vừa ăn uống vừa chào hoặc vừa đi vừa chào. Nên đứng thẳng người hay hơi cúi đầu khi chào và nhìn vào mắt người được chào.

Hình thức chào hỏi trong giao tiếp của người Việt rất linh hoạt. Ta có thể sử dụng lời chào trực tiếp (Vd: Cháu chào bác, em chào cô ạ), hoặc chào gián tiếp thông qua câu hỏi (Vd: Bác đi đâu đấy?, Em khỏe không?) hay lời mời, lời khen,…  Lời chào cũng có khi thể hiện qua cử chỉ, điệu bộ (gật đầu, vẫy tay,…) hay ánh mắt, nụ cười. Tuy nhiên, đối với người có vai giao tiếp cao hơn, khi chào họ, chúng ta bắt buộc phải sử dụng hình thức ngôn ngữ theo cách chủ động nhất. Chẳng hạn, không thể chào cấp trên hoặc người lớn tuổi hơn mình bằng cách “gật đầu”, mà phải có lời chào lễ phép kèm theo “cúi đầu” nhẹ nhàng,…

3.2. Kỹ năng lắng nghe

Theo Paul Rankin, trong tổng số thời gian giao tiếp người ta thường dành 45% thời gian cho việc nghe, 55% thời gian còn lại dành cho việc nói, đọc và viết [Vũ Huy Từ – Chủ biên (2009), Kĩ năng giao tiếp đàm phán trong kinh doanh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tr 79].

Để rèn luyện kỹ năng lắng nghe tốt, trước hết, chúng ta hãy học cách kiên nhẫn lắng nghe. Đây là điều khó khăn vì không phải câu chuyện nào cũng phù hợp với sở thích, hứng thú và khiến ta chú tâm. Việc chúng ta sao lãng với câu chuyện hoặc chỉ trả lời chiếu lệ dễ khiến người nói cảm thấy mất hứng thú. Ngoài ra, trước một sự việc, mỗi người đều có những ý kiến riêng, quan điểm riêng, có khi đúng, có khi sai. Ý kiến của chúng ta nhiều khi trái ngược với người nói. Khi đó, để nghe hiệu quả, chúng ta cần kiên nhẫn nghe cho hết lời hết ý người nói, không sốt ruột, không nôn nóng ngắt lời. Hãy đánh giá ý kiến của người khác một cách khách quan, không nên đả kích hay chê bai họ.

Khi chúng ta chú ý lắng nghe, người nói sẽ vui vẻ, hào hứng, vì cảm thấy mình được tôn trọng. Vì thế, khi nói chuyện, chúng ta nên thể hiện cho người nói biết rằng mình đang lắng nghe họ. Hãy tập trung sự chú ý vào người nói, duy trì sự tiếp xúc bằng mắt với họ. Hãy tương tác, khuyến khích với họ bằng các cử chỉ như gật đầu, mỉm cười, nhíu mày, hay những tiếng đệm vâng, vậy, à, ừ,… Hãy ghi chép những thông tin quan trọng, cần thiết. Khi nghe xong nên trao đổi, phản hồi hoặc tóm tắt nội dung đã nghe được để đảm bảo tính chính xác của thông tin.

Kỹ năng lắng nghe là chìa khóa để giao tiếp thành công. Nó không chỉ giúp bạn có được nhiều thông tin giá trị, mà còn giúp bạn quản lý cảm xúc tốt, cải thiện mối quan hệ với những người xung quanh và đạt được thành công trong giao tiếp.

3.3. Kỹ năng diễn đạt

Giao tiếp là sự tương tác. Muốn giao tiếp tốt, ngoài rèn luyện kỹ năng lắng nghe, cần chú trọng rèn luyện kỹ năng diễn đạt để nói lên quan điểm, ý nghĩ, tâm tư tình cảm của mình một đầy đủ, chính xác, mạch lạc và thuyết phục.

Đầu tiên, là việc lựa chọn từ ngữ. Từ ngữ cần chính xác về âm thanh và hình thức cấu tạo để đảm bảo yêu cầu đúng chính âm, chính tả khi giao tiếp. Nên đặc biệt chú ý đến những cặp phụ âm đầu dễ lẫn như l/n,s/x,ch/tr,r/d/gi. Từ ngữ phải đúng về nghĩa biểu đạt và nghĩa biểu cảm. Nghĩa là từ phải gọi tên đúng sự vật hiện tượng, biểu đạt đúng thái độ, tình cảm của người nói với sự việc được nói đến hoặc với người nghe. Tránh sự nhầm lẫn giữa những từ gần âm, gần nghĩa (vd:bàng quang/bàng quan, phong thanh/phong phanh,…) hay những từ đồng nghĩa nhưng khác nhau về sắc thái biểu cảm (vd: ăn/xơi/đớp/hốc…). Nên sử dụng những lớp từ phổ thông, dễ hiểu; những từ ngữ lịch sự, thanh nhã như: vui lòng, làm ơn, có thể, rất tiếc, tôi tin rằng,…; những từ ngữ biểu cảm, có hình ảnh, màu sắc và đôi chút hài hước để tạo cảm giác hứng thú, hấp dẫn. Nên tránh dùng từ địa phương, tiếng lóng hay lạm dụng thuật ngữ khi giao tiếp.

Về cách diễn đạt, nên  rõ ràng, chính xác, đúng trọng tâm, tránh nói lan man gây mất thời gian và khó chịu cho người nghe.

Bên cạnh đó, để quá trình giao tiếp đạt hiệu quả, ta phải nắm được mục tiêu giao tiếp, hiểu được tâm lý của đối tượng để có cách nói thích hợp. Khi diễn đạt thông tin, hãy trình bày suy nghĩ cảm xúc và ý tưởng của mình một cách thân thiện, cởi mở và tâm huyết. Chính ngôn ngữ không lời sẽ tạo ra những hiệu ứng đặc biệt khi truyền thông. Theo giáo sư tâm lý học Albert Mehrabian, trong giao tiếp, yếu tố phi ngôn ngữ chiếm 55%, giọng điệu khi nói chiếm 38% và chỉ có 7% liên quan đến ngôn từ. Điều này chứng tỏ, kỹ năng diễn đạt, trong đó việc rèn luyện giọng nói, cử chỉ, thái độ,… khi thể hiện thông điệp rất quan trọng.

3.4. Kỹ năng đặt câu hỏi

Kỹ năng đặt câu hỏi là một trong những bí mật giúp chúng ta thành công trong giao tiếp, trong công việc. Ngoài ra, nếu biết cách đặt câu hỏi tốt, ta có thể khuyến khích người đối diện cùng suy nghĩ, cùng tham gia. Hỏi đúng sẽ khiến giao tiếp hiệu quảvà trao đổi thông tin chính xác.

Muốn khai thác thông tin có hiệu quả, chúng ta phải thực hiện nó một cách có bài bản. Hãy làm cho việc cung cấp thông tin trở thành niềm vui đối với người cung cấp tin cho bạn. Muốn vậy, chúng ta nên tỏ ra quan tâm, thích thú và biết ơn với những gì họ đã cung cấp. Hãy áp dụng thuật lắng nghe để khích lệ, tạo hứng thú khiến họ có cảm hứng để chia sẻ.

Trong giao tiếp, tùy từng ngữ cảnh, cách thức đặt câu hỏi, loại câu hỏi cũng được vận dụng khác nhau. Theo cách đặt câu hỏi, có thể phân chia thành câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Câu hỏi đóng là câu hỏi giúp người khác nắm được nội dung theo định hướng của chúng ta, và câu trả lời thường là có hoặc không, hoặc là chọn trong các phương án a, b, c,… mà chúng ta đưa ra. Câu hỏi đóng giúp chúng ta giải quyết vấn đề nhanh chóng khi có rất ít thời gian. Còn câu hỏi mở là câu hỏi thường dùng cho việc bắt đầu một chủ đề mới, giúp cho cả người nghe và người nói cùng tư duy. Câu hỏi này thường được dùng khi chúng ta cần biết quan điểm hay ý kiến của đối tác về một vấn đề nào đó. Như vậy, để nhận được các câu trả lời diễn giải, mở rộng vấn đề, ta nên rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi mở. Khi đặt các câu hỏi bắt đầu bằng “tại sao”, “ai”, “cái gì” – câu hỏi có xu hướng gợi mở trong giao tiếp, chúng ta sẽ có cơ hội để thu nhận tất cả những thông tin mà mình cần.

Về kỹ thuật đặt câu hỏi, chúng ta nên lấy những câu hỏi bắt buộc phải hỏi làm trọng tâm, sau đó là những câu cần hỏi, nếu còn thời gian mới đến các câu nên hỏi –  những câu mang tính chất tìm hiểu thêm. Hãy tập hỏi những câu hỏi ngắn gọn, cụ thể vào vấn đề, tốt nhất mỗi một vấn đề là một câu hỏi. Từ ngữ dùng để hỏi nên nhẹ nhàng, lịch sự, không mang tính áp đặt (vd: theo tôi nghĩ, tôi cho rằng, có thể,…). Hãy tập cho mình sự chủ động dẫn dắt vấn đề trong các cuộc đối thoại. Một điều quan trọng nữa là bạn đừng ngắt lời khi đối tác đang hồi đáp câu hỏi, hãy kiên trì lắng nghe, thể hiện thái độ tôn trọng người nói như chính bạn đang nói vậy.

3.5. Kỹ năng quan sát

Như nội dung trên đã đề cập, ngôn ngữ không lời rất quan trọng trong việc truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Chỉ có 7% lượng thông tin được chuyển tải bằng ngôn ngữ còn lại 93% là do các các yếu tố cận ngôn và ngoại ngôn. Ngoài ra, ngôn từ có khả năng giúp người ta lừa dối. Người ta hoàn toàn có thể nghĩ một đằng, nói một nẻo kiểu “Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Vì thế, muốn tiếp nhận thông tin đầy đủ và chân xác, người nghe không chỉ nghe bằng tai, mà còn phải biết “nghe bằng mắt” – tức là phải có kỹ năng quan sát đối tượng. Không chỉ cần thiết trong truyền thông, kỹ năng quan sát còn giúp chúng ta nhận thức đối tượng giao tiếp. Việc trả lời được những câu hỏi: Họ là ai? Họ là người như thế nào? Thái độ, cảm xúc của họ khi giao tiếp ra sao? sẽ giúp chúng ta có cơ sở để quyết định có xác lập hay duy trì quan hệ hay không. Đồng thời biết cách lựa chọn nội dung, cách thức hay ngôn ngữ giao tiếp phù hợp, hiệu quả. Cổ nhân có câu: “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Càng hiểu về đối tượng sâu sắc bao nhiêu,  khả năng giao tiếp thành công càng cao bấy nhiêu.

Để rèn luyện kỹ năng quan sát, chúng ta cần chú ý qua các biểu hiện sau:

 Nét mặt: Biểu hiện trên mặt do hệ thống cơ mặt điều khiển. Nó thường tương ứng với tâm trạng thực bên trong con người. Vì thế, quan sát nét mặt của đối tượng giúp ta có thể thấu hiểu cảm xúc của họ. Chẳng hạn: nét mặt khi vui: miệng cười, gò má nhô cao, đuôi mắt nhăn, lúm đồng tiền nổi rõ; Khi buồn: trán nhăn, lông mày phía trong nhô cao, miệng trễ xuống; Khi sợ hãi: lông mày nhô lên sát vào nhau, mắt mở to, mi mắt căng, môi kéo giật ra sau,… Nét mặt còn cho ta biết ít nhiều về cá tính con người. Người vô tư, lạc quan, yêu đời, nét mặt thường vui vẻ; người vất vả, phải lo nghĩ nhiều vẻ mặt thường căng thẳng, trầm tư,…

Ánh mắt: Mắt chính là “cửa sổ của tâm hồn”, nên ánh mắt là biểu hiện dễ quan sát nhất để ta nhận biết cảm xúc của đối phương. Người đang hạnh phúc, vui sướng thì ánh mắt long lanh, hơi khép lại, mơ màng. Người đang tức giận có ánh mắt nghiêm, nhìn thẳng, hơi nheo, lạnh lùng hoặc hằn học. Người đang bối rối, ánh mắt hơi nghiêng về một hướng, hai đầu lông mày hơi nhíu lại. Bên cạnh đó, ánh mắt cũng có thể cho ta biết thái độ, ý nghĩ hay mong muốn của người đối thoại.

Dáng điệu và cử chỉ: Quan sát dáng điệu giúp ta phán đoán về cốt cách con người. Người có dáng đứng ngay ngắn, vững chãi “như cây thông” có dáng đi khoan thai, đĩnh đạc, đầu ngẩng cao, ngực hơi ưỡn về phía trước… là người tự tin, đàng hoàng, phóng khoáng. Người khi ngồi “đầu gối quá tai”, khi đi thì đầu cúi xuống, dò dẫm từng bước một là người hay nghi ngại, thiếu tự tin. Theo Thái Trí Dũng, tư thế có liên quan mật thiết với vai trò, vị trí xã hội của cá nhân. Thường thường, một cách vô thức nó bộc lộ cương vị xã hội mà cá nhân đang đảm nhận. (Ví dụ, tư thế ngồi thoải mái, đầu hơi ngả ra phía sau là tư thế của bề trên, của lãnh đạo. Tư thế ngồi hơi cúi đầu về phía trước tựa hồ lắng nghe là tư thế của cấp dưới). Tư thế có vai trò biểu cảm, có thể nhìn thấy qua tư thế trạng thái tinh thần thoải mái hay căng thẳng. Những tư thế để “mở” tay và chân tựa như tạo điều kiện để tiếp cận, gần gũi cho người đối thoại, phản ánh một thái độ cởi mở, hòa hợp.[Thái Trí Dũng (2003), Kỹ năng giao tiếp và thương lượng trong kinh doanh, Nxb Thống kê, TP. Hồ Chí Minh, tr 39].

3.6. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc

Cảm xúc là nền tảng để mỗi người hiểu được chính mình và là một “chất keo”để gắn kết mọi người với nhau. Tuy nhiên, những áp lực trong đời sống và công việc, những mâu thuẫn luôn tiềm ẩn, phát sinh trong các mối quan hệ khiến chúng ta không tránh khỏi cảm giác căng thẳng, bức xúc hay giận dữ. Nếu kiểm soát được cảm xúc của mình, chúng ta có thể suy nghĩ sáng suốt, đồng cảm và giao tiếp hiệu quả với người khác. Nhưng nếu không làm chủ được cảm xúc, những lời nói hay hành động thể hiện sự cố chấp, tức giận,… của chúng ta có thể sẽ phá vỡ các mối quan hệ. Hậu quả của việc không giữ được bình tĩnh và mất lý trí do nông nổi nhất thời có khi rất nghiêm trọng. Cách chúng ta có thể vượt qua được chính là kỹ năng kiểm soát cảm xúccủa mình trong giao tiếp.

Kiểm soát cảm xúc là cách chúng ta làm chủ cảm xúc của bản thân trong mọi tình huống, hoàn cảnh giao tiếp. Để rèn luyện kỹ năng này, chúng ta có thể thực hiện theo một số gợi ý sau đây:

Thứ nhất, khi cảm thấy bức xúc đang tăng lên, bạn hãy dừng cuộc đối thoại lại, nhắm mắt, hít thở sâu trong vòng 10 giây để lấy lại bình tĩnh. Có thể tạm thời không đối diện với người khiến mình bức xúc hay giận dữ để tránh sự tác động tiêu cực từ hành vi, thái độ… của họ. Một cốc nước lạnh cũng là gợi ý hay giúp bạn “hạ hỏa” và cân bằng cảm xúc.

Thứ hai, dành thời gian để suy nghĩ, cân nhắc về những điều mình sẽ nói. Đừng lập tức “xả” hết những gì bạn đang nghĩ trong đầu. Những lời lẽ “mang tính sát thương cao” được nói ra trong lúc nóng giận sẽ không giải quyết được mâu thuẫn mà chỉ khiến xung đột leo thang. Muốn cải thiện tình hình, muốn duy trì quan hệ, hãy “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”.

Thứ ba, thay vì lập tức “dằn mặt” kẻ khiến mình bực tức, hãy cởi mở, chia sẻ với người khác. Nói chuyện, tâm sự với bạn bè sẽ giúp sự tức giận giảm đi nhanh chóng và có thể họ sẽ cho chúng ta những lời khuyên hữu ích.

Thứ tư, là khả năng điều chỉnh cảm xúc của mình bằng trí tuệ. Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, thông qua những suy nghĩ chín chắn trước một tình huống sẽ giúp bạn điều chỉnh và quản lý cảm xúc một cách có hiệu quả. Trước một việc gì đó, hãy luôn nhìn người khác bằng thái độ tích cực và nhân ái, bạn sẽ tránh được những cảm xúc tiêu cực nảy sinh và điều khiển hành vi của mình. Hãy cố gắng tìm những điểm tốt, những điều đáng để học tập của người đối diện để có thêm nhiều kinh nghiệm cho cuộc sống của mình.

4. Kết luận

Trên đây là một số kỹ năng cơ bản, cần có để giao tiếp hiệu quả. Kỹ năng chào hỏi giúp ta xác lập và cải thiện mối quan hệ với những người xung quanh. Kỹ năng quan sát giúp ta định hướng cuộc giao tiếp. Kỹ năng nói, kỹ năng nghe, kỹ năng kiểm soát cảm xúc giúp ta điều khiển và điều chỉnh quá trình giao tiếp theo mục đích đã đề ra. Kỹ năng giao tiếp không tự nhiên mà có, nhưng đúng như Brian Tracy – Chủ tịch Công ty Brian Tracy đã khẳng định: “Giao tiếp là một kỹ năng bạn có thể học. Nó cũng giống như đi xe đạp hay tập đánh máy. Nếu bạn sẵn sàng nhọc công vì nó, bạn có thể nhanh chóng cải thiện chất lượng của mọi phần trong cuộc sống của mình”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Allan – Pease (1998), Thuật xét người qua điệu bộ, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí MInh.
  2. Andrew Carnegie (2004), Nghệ thuật ứng xử, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
  3. Thái Trí Dũng (2003), Kỹ năng giao tiếp và thương lượng trong kinh doanh, Nxb Thống kê, TP. Hồ Chí Minh.
  4. Mai Hữu Khuê – Chủ biên (1997), Kỹ năng giao tiếp trong hành chính, Nxb Lao động, Hà Nội.
  5. Thu Nhi – Biên dịch (2003), Nghệ thuật lắng nghe để giải quyết xung đột, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
  6. Vũ Huy Từ – Chủ biên (2009), Kĩ năng giao tiếp đàm phán trong kinh doanh, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
  7. https://www.tudiendanhngon.vn

SOME BASIC COMMUNICATION SKILLS

FOR LIFE AND WORKPLACE SUCCESS

• VU THI NGA

Department of Basic Sciences, Trade Union University

ABSTRACT:

Communication is a basic activity and an indispensable need of human. To survive and develop, people always communicate with others. The more our society develops, the more people realize the importance of communication skills. However, many people have poor communication skills. This paper analyzes in depth the importance of communication skills and introduces basic and necessary communication skills to effectively communicate with others.

Keywords: communication, communication skills, the importance of communication skills, basic communication skills.

[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2021]