Một số vấn đề lý luận về Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa

Trong quá trình đổi mới đất nước, để hoà nhập vào xu thế phát triển chung của toàn nhân loại mà không bị hoà tan, để văn hoá thực sự trở thành “nền tảng tinh thần của toàn xã hội”, “vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ” trước hết cần phải có cơ sở lý luận vững chắc cho các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hoá.

1. Khái niệm bảo tồn di sản văn hóa

Có nhiều khái niệm, định nghĩa về thuật ngữ “bảo tồn” và bảo tồn di sản văn hóa.

Bảo tồn di sản (heritage preservation) được hiểu như là các nỗ lực nhằm bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó.

Bảo tồn là bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của sự vật hiện tượng theo dạng thức vốn có của nó. Bảo tồn là giữ lại, không để mất đi, không để bị thay đổi, biến hóa hay biến thái.

          Đối tượng bảo tồn (tức là các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) cần thỏa mãn hai điều kiện:

Một là, nó phải được coi là tinh hoa, là một giá trị đích thực được thừa nhận minh bạch, không có gì phải hồ nghi hay bàn cãi.

Hai là, nó phải hàm chứa khả năng, chí ít là tiềm năng, đứng vững lâu dài với thời gian, là cái giá trị của nhiều thời (tức là có giá trị lâu dài) trước những biến đổi tất yếu về đời sống vật chất và tinh thần của con người, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra cực kỳ sôi động.

2. Các quan điểm bảo tồn

Có nhiều quan điểm khác nhau bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá. Nhưng trên thế giới vẫn tựu trung 2 quan điểm như sau: Bảo tồn nguyên vẹn và bảo tồn trên cơ sở kế thừa.

2.1. Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn

Bảo tồn nguyên vẹn còn được hiểu là bảo tồn trong dạng tĩnh. Đối với di sản văn hóa vật thể, bảo tồn nguyên vẹn là vận dụng thành quả khoa học kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại đảm bảo giữ nguyên trạng hiện vật như vốn có về kích thước, vị trí, chất liệu, đường nét, màu sắc, kiểu dáng. Khi cần phục nguyên, cần sử dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật như: đồ họa kỹ thuật vi tính công nghệ 3D theo không gian ba chiều, chụp ảnh, băng hình video, xác định trọng lượng, thành phần chất liệu của di sản văn hóa vật thể. Sau khi bảo tồn nguyên vẹn, phải so sánh đối chiếu số liệu với nguyên mẫu đã được lưu giữ chi tiết để không làm biến dạng.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn nguyên vẹn là điều tra sưu tầm, thu thập các dạng thức văn hóa phi vật thể như nó hiện có theo quy trình khoa học nghiêm túc chặt chẽ, giữ chúng trong sách vở, các ghi chép, mô tả bằng băng hình (video), băng tiếng (audio), ảnh… Tất cả các hiện tượng văn hóa phi vật thể này có thể lưu giữ trong các kho lưu trữ, các viện bảo tàng.

Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn được nhiều nhà nghiên cứu áp dụng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Từ giữa tháng 4/2017, một nhóm chuyên gia Ấn Độ và nhà nghiên cứu Việt Nam thực hiện đợt cao điểm khai quật và trùng tu tháp K, tháp H trong vùng lõi quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trong quá trình khai quật, nhóm chuyên gia đã phát hiện một con đường cổ dẫn vào tháp. Theo quan sát, tuyến đường cổ vừa mới phát lộ từ phía sau tháp K rộng khoảng 10m, nằm giữa 2 bờ tường dẫn song song với nhau. Bờ tường dẫn mỗi bên rộng 0,6m, móng tường dẫn nằm sâu cách mặt đất khoảng 1m, được xây bằng gạch gạch nung và phụ gia kết dính đặc biệt, nhiều đoạn tường dẫn còn khá nguyên vẹn.

Để bảo tồn di sản quý giá này, thay vì chỉ thực hiện trùng tu tháp K, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam thống nhất phương án cùng lúc thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa trùng tu chống đổ ngã cho tháp K, vừa trùng tu, bảo tồn đoạn đầu của con đường và hai tường dẫn khoảng 50m. Việc trùng tu được thực hiện trên quan điểm bảo tồn nguyên vẹn nhất các giá trị cổ xưa của di sản, do vậy tất cả mọi thứ từ vật liệu, kiến trúc của di tích đến những phát hiện mới trong quá trình khai quật đều được các chuyên gia đánh dấu và bảo quản cẩn thận.

Với quan điểm bảo tồn nguyên vẹn, các di sản văn hóa sẽ được bảo vệ trong môi trường khép kín, tránh mọi tác động từ môi trường bên ngoài. Khuynh hướng này đã mang lại một số kết quả đáng kể, giúp lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, đối với các di sản văn hóa phi vật thể, luôn gắn bó với đời sống con người và môi trường xã hội do đó nó luôn biến đổi để phù hợp với đời sống. Nếu bảo tồn nguyên vẹn sẽ bộc lộ hạn chế đó là hiện tượng “đóng băng”, “khô cứng” các di sản văn hóa.

2.2. Quan điểm bảo tồn kế thừa

Bảo tồn trên cơ sở kế thừa còn được gọi là bảo tồn trong dạng động. Bảo tồn động, tức là bảo tồn các hiện tượng văn hóa trên cơ sở kế thừa. Các di sản văn hóa vật thể sẽ được bảo tồn trên tinh thần giữ gìn những nét cơ bản của di tích, cố gắng phục chế lại nguyên trạng bằng nhiều kỹ thuật công nghệ hiện đại.

Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn động là bảo tồn các hiện tượng văn hóa đó ngay chính trong đời sống cộng đồng. Bởi lẽ, cộng đồng không những là môi trường sản sinh ra các hiện tượng văn hóa phi vật thể mà còn là nơi tốt nhất để giữ gìn, bảo vệ, làm giàu và phát huy chúng trong đời sống xã hội. Cần phải phục hồi các giá trị một cách khách quan, sáng suốt, tin cậy, khoa học chứ không thể chủ quan, tùy tiện. Tất cả những giá trị phải được kiểm chứng qua nhiều phương pháp nghiên cứu có tính chất chuyên môn cao, có giá trị thực chứng thuyết phục thông qua các dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản các dấu tích di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ thuật Đờn ca Tài tử (ĐCTT) Nam Bộ hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ Nhạc lễ, Nhã nhạc Cung đình Huế và văn học dân gian. ĐCTT là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, mang dấu ấn thời mở cõi đất phương Nam và theo thời gian, nghệ thuật ĐCTT phát triển vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa mang tính dân gian, tài tử. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng nghệ thuật ĐCTT vẫn khẳng định giá trị của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, có ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Bộ

Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, hiện nay, tính nguyên bản, vốn gốc của đờn ca tài tử mang đậm giá trị văn hóa đặc trưng của người dân Nam bộ đang bị xem nhẹ và có nhiều thay đổi. Thêm vào đó, việc truyền nghề đờn ca tài tử chưa có chiến lược sâu rộng, lượng người tham gia còn ít và thiếu chuyên môn. Đa phần người chơi nhạc tài tử biết chơi thông qua việc học lóm hoặc là được truyền dạy trong gia đình, chưa được đào tạo bày bản, chính vì vậy lực lượng soạn giả cũng như nghệ nhân ở lĩnh vực này yếu về chất lượng, thiếu về số lượng.

Chúng ta cần xác định loại hình Đờn ca tài tử Nam Bộ là sản phẩm văn hóa phi vật thể, trong thực tế các tư liệu đối với loại hình này rất hiếm, vì vậy công tác sưu tầm và nghiên cứu rất cần thiết, nhằm hệ thống, biên soạn thành những tài liệu chính thống, nhằm bảo tồn, lưu truyền và làm cho loại hình này tiếp tục phát triển. Để công tác nghiên cứu, sưu tầm đạt kết quả tốt, nên tiến hành các bước nghiệp vụ như điều tra xã hội học về nhu cầu của quần chúng nhân dân đối với loại hình nghệ thuật này, hệ thống hóa từng cụm chuyên đề, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học chuyên đề về Đờn ca tài tử Nam Bộ; sau khi sưu tầm sẽ phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân cư Nam Bộ.

Cả hai quan điểm nói trên đều có những điểm thuận lợi và khó khăn riêng. Nếu bảo tồn nguyên vẹn giúp các thế hệ sau dễ dàng trong việc truy nguyên các giá trị gốc của di sản thì điểm khó khăn nằm ở chỗ cần có phương pháp để xác định cụ thể yếu tố nguyên gốc và yếu tố phái sinh để từ đó quyết định yếu tố nào cần được giữ gìn nguyên vẹn. Bên cạnh đó, bảo tồn kế thừa đề cao việc lựa chọn những giá trị phù hợp với thời đại để phát huy. Tuy nhiên, việc xác định giá trị nào phù hợp và giá trị nào chưa phù hợp còn nhiều tranh cãi, dễ dẫn đến trường hợp loại bỏ những giá trị chưa có sự hiểu biết và nghiên cứu thấu đáo. Theo đó, để thoát khỏi sự tranh cãi nên bảo tồn y nguyên thế nào, nên kế thừa cái gì từ quá khứ mà đặt trọng tâm vào việc làm thế nào để di sản sống và phát huy được tác dụng trong đời sống đương đại.

Như vậy, trong đời sống hiện nay, đối với di sản văn hóa thì vấn đề bảo tồn nguyên vẹn hay bảo tồn kế thừa đều không quan trọng bằng việc xác định việc bảo tồn di sản đó để làm gì và mang lại lợi ích cho ai, cho chính quyền, cộng đồng địa phương hay cho du khách.

Phạm Phương Thùy – Giảng viên Khoa Quản lý VH, NT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Chí Bền (chủ biên, 2010), Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể ở Thăng Long, Nxb Hà Nội.

2. Lê Thị Minh Lý (2008), Biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể – Di sản văn hóa – Bảo tồn và phát triển, Nxb Tổng hợp TPHCM.

3. Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị Quốc gia

4. Võ Quang Trọng (chủ biên, 2010), Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể ở Thăng Long, Nxb Hà Nội.