Một thứ dị tật văn hóa
Câu chuyện Hà Nội “tuyên chiến” với nạn nói tục, chửi bậy, những hành vi thiếu văn hóa tiếp tục làm nóng nhiều diễn đàn, thu hút ý kiến của nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu xã hội học, những người yêu Hà Nội… Dư luận quan tâm bởi đây là “cuộc chiến” chưa có tiền lệ với một dị tật văn hóa đang ngày càng “di căn” trong xã hội. Nói tục, chửi bậy không phải là “căn bệnh” của người Việt Nam trong kỷ nguyên internet mà đã có từ rất lâu trong xã hội loài người, hiện hữu ở khắp các quốc gia từ Đông sang Tây.
Thế nhưng, nói tục, chửi bậy đến mức buộc các nhà quản lý phải “tuyên chiến”, rõ ràng là vấn đề đang hết sức nghiêm trọng. Thói xấu này được hình thành từ đâu, được “nuôi sống” trong môi trường như thế nào, để rồi trở thành nguy cơ đối với xã hội?
Ảnh minh họa
Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Văn Hành chủ biên, “chửi thề là văng tục, xem như thói quen khi mở miệng”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Nói tục bắt nguồn từ nhu cầu, còn việc đánh giá phải căn cứ vào góc độ văn hóa và cách thức giao tiếp. Là đối tượng nghiên cứu của giới ngôn ngữ học, văn hóa dân gian…, nhưng chưa có tài liệu nào cho biết thời điểm hình thành những câu nói tục tĩu, hay chửi thề trong đời sống nhân loại.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chửi bậy trong dân gian Việt Nam đã trở thành một thứ “nghệ thuật”, nhưng theo giới Nho gia, đó không phải là hành vi của bậc chính nhân quân tử: “Những tiếng “mắng cha chửi mẹ” cùng những lời tục tĩu, người nghe đến nhơ cả lỗ tai mà tự người nói lại lấy làm khoái, cho đến dạy câu mắng, học bài chửi, đọc ra có cung, có điệu… Đến lúc diễn ra cái bộ dạng mắng chửi, tiếng như mõ rao, chân như múa hát, lên tay, xuống ngón, mặt như sơn đổ, tóc như tơ vò, nước miếng như bọt giải, tay cầm đất lia, chân đi cà xiểng không khác gì người điên… Những thói xấu đó thật là ba phần giống người bảy phần giống ma quỷ…”.
Sách xưa cũng chép việc nhà Lê quy định rất nhiều hình phạt về tội đánh nhau, chửi nhau, áp từ hàng quan tam phẩm xuống đến dân thường, phạt nhẹ thì bị đánh bằng roi, cho nộp tiền, phạt nặng có thể bị tù đày, thậm chí bị xử tử…
Từ xa xưa trong tâm thức cộng đồng, người Việt đã xem việc chửi rủa, nhục mạ người khác là hành vi của ma quỷ, phải lên án, tẩy trừ. Còn như việc sử dụng ngôn từ tục tĩu chửi mắng quân thù của Lê Giác hay biểu đạt tâm trạng ẩn ức qua những áng văn chương của Nguyễn Du là hành động mang tính cá nhân trong một bối cảnh đặc biệt. Do vậy, nếu ai đó có ý định “vác” những câu chuyện lịch sử, văn chương ra bao biện cho lối ứng xử thiếu văn hóa trong đời sống thường nhật thì đó chỉ là một cách ngụy biện. Câu chuyện nêu trên cũng cho thấy: Tuyên chiến với một “căn bệnh kinh niên” đã kéo dài hàng trăm, thậm chí cả nghìn năm trong đời sống xã hội không như đối phó với một cú “sốc” văn hóa.
Trở lại với câu chuyện hiện tại, không chỉ fanpage (trang dành cho người hâm mộ) “Hội những người chửi tục tứ tung nhưng tôn sùng thánh thiện” đăng tải những lời tục tĩu thu hút sự chia sẻ của cộng đồng Facebook, các fanpage khác như “Hội những người chửi tục có văn hóa”, “Nói tục chửi bậy thì đã sao” cũng thu hút hàng chục nghìn lượt like (thích). Thậm chí, trang tinnhandep.com còn có một loạt bài tổng hợp những câu chửi hay nhất. Đây thật sự là một cú “sốc” với nhiều người. Khi nạn nói tục, chửi thề, sử dụng tiếng lóng một cách thiếu văn hóa không chỉ ở miệng người trẻ, trong môi trường giao tiếp thông thường mà đã lan truyền qua mạng xã hội như một thứ “mã độc” thì không thể xem đây là chuyện bình thường. Từ đó, có thể đặt ra nhiều câu hỏi: Phải chăng nói tục chửi thề đã được thừa nhận như một thói quen trong giao tiếp, ứng xử? Các biện pháp hành chính có giải quyết được dị tật văn hóa này?… Hay xa hơn, có phải văn hóa Hà Nội đang bị phá vỡ?
Những ngôn từ tục tĩu từ chợ búa, phố phường ùa vào công sở, trường học… hiện hữu khắp mọi nơi với một nghìn lẻ một lý do. Rất đáng suy nghĩ là ngày càng nhiều người trẻ nói bậy, chửi thề. Thậm chí, họ văng tục như một phản ứng tự nhiên, như câu cửa miệng mà không cần biết ngôn từ ấy mang ý nghĩa gì. Thứ ngôn ngữ bẩn thỉu, tục tằn như thể đang trở thành trào lưu, lan nhanh trên nhiều trang mạng xã hội và nguy hiểm hơn, nó được nhiều người trẻ xem là thứ trang sức để… tạo lập cá tính. Thật hay ảo, môi trường nào cũng vậy, chửi bậy lắm quen mồm, nói tục nhiều “ăn” vào tính cách. Những lo ngại về lời ăn, tiếng nói, văn hóa ứng xử của người Hà Nội đang mai một không phải là không có căn cứ.
Một nhà văn nói rằng: Những ai ở Hà Nội lâu lâu một chút đều hiểu người ta chỉ nói tục với những người tục tĩu. Còn người ta nói chuyện bình thường với những người bình thường. Không có lý gì phải nói chuyện tục tĩu với một người bình thường cả… Một người trong giới nghệ thuật trở lại đất văn hiến ngàn đời sau nhiều năm đưa ra nhận xét: Hà Nội giờ khác xưa nhiều, khác nhiều nhất trong đó là sự bạo dạn hơn, bỗ bã quá mức hơn của người sống ở vùng đất đó. Có người nhận xét – dù chưa hẳn là đúng nhưng vẫn thấy có lý ở mức độ nào đó: Ở Hà Nội giờ có hai lối văn hóa ứng xử rõ rệt, một là những người luôn sẵn sàng trực chiến đánh nhau, chửi nhau, hai là những người Hà Nội cũ với lối sống xởi lởi, nhiệt tình tiếp đón và chuẩn mực; nhóm người thứ hai luôn sống văn hóa và luôn tâm niệm chả dây vào nhóm người thứ nhất làm gì!…
Trong một môi trường lành mạnh và đậm chất nhân văn, không lý do gì để mỗi con người tự biến mình thành kẻ thô lỗ, tục tằn. Môi trường sống tác động rất lớn đến hành vi, tính cách con người. Việc những con người “luôn sống văn hóa” trở nên vô cảm với những hành vi phản văn hóa, rất đáng phải suy nghĩ. Phải chăng cái sự chẳng muốn “dây” ấy là một trong nhiều nguyên nhân khiến người ta im lặng trước những thói hư, tật xấu? Khi mỗi cá nhân không ý thức được những phát ngôn dung tục tác động thế nào đến đời sống cộng đồng, khi những người tử tế không tỏ thái độ bức xúc, không lên án những hành vi có thể hoặc sẽ làm vấy bẩn thuần phong, mỹ tục thì những “bún mắng, cháo chửi” vẫn còn đất sống. Và hơn thế, tệ nạn nói tục, chửi bậy sẽ lây lan, hủy hoại những nét đẹp truyền thống trong văn hóa ứng xử, cũng như sự trong sáng của tiếng Việt… Đáng quan ngại hơn, đây là những dấu hiệu cho thấy sự xuống cấp, sự tha hóa của văn minh xã hội.
“Tuyên chiến” với tệ nạn đã ngàn năm ăn sâu trong đời sống xã hội cũng có nghĩa là chấp nhận đối mặt với một vấn đề vô cùng nan giải. Thay đổi một cung cách ứng xử, một thói quen ngôn ngữ, một nếp tư duy không như việc cắt bỏ u nhọt trên cơ thể: Đau đớn nhưng mau lành. Càng không thể sử dụng “giải pháp mạnh” để giải quyết trong ngày một, ngày hai. Thay vì việc xử phạt hành chính – rất khó phát huy hiệu quả trong thực tế, nên chú trọng vào các biện pháp giáo dục. Ngạn ngữ có câu: Người ta sẽ trở nên tốt hoặc sẽ không ra gì, tùy theo nền giáo dục được hấp thụ. Những người làm cha, làm mẹ, làm thầy không chỉ chuyên tâm uốn nắn lời ăn tiếng nói của con em mình mà quan trọng hơn, họ phải thật sự là tấm gương về sự lịch thiệp, là mẫu mực trong văn hóa ứng xử. “Mưa dầm thấm lâu”, cái đẹp nảy nở sẽ lấn át, đẩy lùi cái xấu. Một vấn đề nữa là xã hội cần có thái độ mạnh mẽ hơn đối với những hành vi nói tục, nói bậy, viết tục, viết bậy. Nếu giữ im lặng hoặc vô cảm với thói hư tật xấu cũng có nghĩa là đồng lõa với thói hư tật xấu. Nói như thế không có nghĩa là không cần có thiết chế văn hóa để hạn chế tình trạng này. Vấn đề là thiết chế đó như thế nào, có khả thi hay không lại là chuyện khác…
Hà Nội đẹp từ sự bặt thiệp của mỗi con người. Việc Hà Nội “tuyên chiến” với nạn nói tục chửi bậy, những hành vi thiếu văn hóa… chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của những người yêu Hà Nội.