Mua AirPods Pro hay Sony WF1000XM3: Đây là cẩm nang để chọn tai nghe chống ồn đúng theo nhu cầu của bạn
Những ngày vừa qua, cộng đồng công nghệ lại một phen “hú hồn” khi AirPods Pro ra mắt với hàng loạt thay đổi ấn tượng. Kèm theo với đó cũng là mức giá cao hơn, thậm chí về tới Việt Nam còn độn lên hơn 7 triệu, trong khi giá gốc thì chưa đến 6 triệu.
Ở tầm giá này, AirPods Pro gặp phải rất nhiều đối thủ với công nghệ, tính năng tương tự, trong đó có cặp WF1000XM3 từ Sony. Qua những bài đánh giá, so sánh về 2 mẫu tai nghe này từ đủ các nguồn trong và ngoài nước, có lẽ bạn cũng đã “hòm hòm” về chất lượng của cả hai, cái nào tốt hơn ở đâu, thua kém chỗ nào. Có thể nói, hai mẫu tai nghe thực sự là “kì phùng địch thủ” khiến nhiều người phải phân vân không biết nên chọn mua sao cho hợp lý nhất.
“Kì phùng địch thủ” AirPods Pro và Sony WF1000XM3.
Chính vì thế, mời bạn đọc bộ “cẩm nang” này, được WeBuy soạn ra sau một thời gian dùng thử cả hai mẫu tai nghe và tìm xem, đâu là mẫu tai nghe phù hợp nhất theo nhu cầu của chính mình nhé.
Mục lục bài viết
Khả năng chống ồn, chế độ “xuyên âm”
Trước tiên, cần phải nhắc lại về chất lượng của hai tính năng “ăn tiền” nhất. Cũng như trong các bài review khác, WeBuy nhận thấy khả năng chống ồn của AirPods Pro vẫn thua kém một bậc so với sản phẩm của Sony.
Khi bật chống ồn, AirPods vẫn để lọt qua một phần âm trầm của xe cộ, tiếng động cơ, thậm chí còn cho cảm giác như đang bị ù tai nếu không bật nhạc. Cảm giác này y hệt như trên các đời tai nghe chống ồn cũ của Sony từ vài năm trước. Trong khi đó, cặp tai WF1000XM3 thì cắt được gần như hết sạch các âm trầm từ xe cộ ngoài đường, cho cảm giác yên tĩnh rất tự nhiên, không bị ù tai.
AirPods Pro chống ồn khá ổn đấy, nhưng Sony mới là “ông vua”.
Chế độ xuyên âm của hai tai nghe cũng có kha khá khác biệt. Dù đều là thu âm thanh ở ngoài vào và phát lại qua màng loa nhưng sản phẩm của Apple thì thể hiện các dải âm tự nhiên hơn, đồng đều từ âm trầm đến âm cao; còn Sony thì lại tập trung phát những dải cao hơn, ý là để người dùng nghe được giọng nói, tiếng còi xe hay cảnh báo dễ hơn, nhưng dùng bình thường sẽ thấy hơi khó chịu nếu ở nơi ồn ào.
Tuy nhiên, WF1000XM3 lại ăn điểm ở khoản có phần mềm tinh chỉnh độ lớn âm thanh nền tới 20 mức khác nhau. Thậm chí, Sony còn tích hợp công nghệ nhận diện môi trường xung quanh và tự động bật/tắt chống ồn/nghe âm thanh nền theo đó. Ví dụ, khi bạn đang ngồi một chỗ thì tai nghe sẽ tự bật chống ồn, chuyển sang đi bộ ngoài đường thì sẽ bật nghe âm thanh nền và khi ngồi trên xe hơi, tàu hay máy bay thì lại bật chống ồn lên lại, rất thông minh.
Bạn nên chọn: Sony WF1000XM3
Chất lượng âm thanh
Hầu hết tai nghe mà Apple bán ra (không phải của Beats) chưa bao giờ được đánh giá cao về chất lượng âm thanh, và AirPods Pro cũng vậy, nhất là khi so với WF1000XM3. Chất âm của AirPods Pro nghe rất “bình thường”, không có gì nổi trội, còn của Sony thì cho cảm giác tròn trịa, cân bằng hơn, nhìn chung là dễ làm hài lòng những đôi tai khó tính hơn.
Dĩ nhiên, cặp tai nghe của Sony ăn điểm trọn vẹn phần chất lượng âm thanh.
Tuy nhiên, đó là với những đôi tai khó tính, chứ với hầu hết người dùng bình thường thì AirPods Pro không hề tệ, hơn nữa còn đem lại thứ chất âm vốn đã trở nên quen thuộc từ những dòng tai AirPods thế hệ cũ.
Ngoài ra, sản phẩm của Sony còn được đánh giá cao về khả năng tùy biến âm thanh. Trong ứng dụng Sony Connect, bạn sẽ được tùy chỉnh Equalizer tùy ý, muốn tăng giảm bass, làm âm cao bớt chói hay làm giọng hát của ca sĩ rõ ràng hơn tùy ý. Với AirPods Pro, bạn chỉ có thể chạy trình đánh giá chất lượng âm thanh tự động có trong menu cài đặt. Chiếc tai nghe sẽ tự “hiểu” và điều chỉnh chất âm cho “đúng chuẩn Apple”, nhưng bạn thấy hay dở ra sao thì… mặc kệ.
Bạn nên chọn: Sony WF1000XM3
Để có cái nhìn rõ ràng hơn về chất lượng âm thanh của AirPods Pro so với WF1000XM3, mời bạn đọc xem bài viết này.
Thiết kế, độ tiện dụng
Khoản này thực ra còn tùy theo thẩm mỹ của từng người. Có thể bạn không thích kiểu thiết kế “dị” của AirPods Pro, nhưng phải công nhận là kích thước và trọng lượng nhỏ gọn của nó đều vượt trội hơn Sony.
Bạn có thể thoải mái đút hộp sạc AirPods Pro trong túi quần, đeo trên tai không sợ rơi rớt vì nó vừa nhỏ vừa nhẹ hơn. Hộp sạc của Sony thì có thể tích và trọng lượng khoảng gấp rưỡi, tai nghe đeo lên không dễ chịu bằng, dễ rơi hơn vì phần housing dư ra ngoài quá nhiều.
AirPods Pro gọn gàng, nhẹ nhàng hơn hẳn WF1000XM3.
Ngoài ra, AirPods Pro còn ăn điểm vì có thiết kế chống văng nước, mồ hôi chuẩn IPX4, trong khi WF1000XM3 thì không có bất cứ chuẩn chống nước nào.
Bạn nên chọn: Apple AirPods Pro
Thời lượng pin
Khi đã sạc đầy, AirPods Pro sử dụng được khoảng 4 giờ khi bật chống ồn/xuyên âm, còn WF1000XM3 thì là 6 giờ. Nếu tắt hai tính năng này thì mỗi tai nghe dùng được thêm khoảng 1 – 1,5 tiếng nữa thì cần sạc lại. Tuy nhiên, cặp tai của Sony ăn điểm vì tổng thời gian sử dụng tính cả hộp sạc có thể lên tới hơn 30 giờ, còn của AirPods Pro thì dừng ở mức 24 giờ.
Cả hai mẫu tai nghe đều hỗ trợ sạc nhanh, AirPods Pro sạc 5 phút nghe được ~60 phút, còn WF1000XM3 sạc 10 phút, nghe được 90 phút.
Cả hai đều cho thời lượng pin rất tốt, nhưng Sony thì nhỉnh hơn một chút.
Sự khác biệt trông có vẻ không nhiều, nhưng thời lượng pin của WF1000XM3 có thể cứu cánh tốt trong những chuyến đi đường dài khi mà bạn phải ngồi trên xe hơi, máy bay tới hàng tiếng đồng hồ.
Bạn nên chọn: Sony WF1000XM3
Chơi game
Điểm yếu lớn nhất của các loại tai nghe True Wireless không-phải-AirPods có lẽ phải kể đến độ trễ âm thanh. So với thế hệ trước, WF1000XM3 đã được cải thiện hoàn toàn về vấn đề này với các công nghệ mới, nhưng so với AirPods Pro thì vẫn thua một bậc.
Khi chơi game, âm thanh phát qua AirPods Pro chỉ bị chậm hơn hình ảnh một chút xíu, không đáng kể, nhưng với sản phẩm của Sony thì bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt. Nếu thực sự muốn có trải nghiệm game tốt thì bạn nên mua AirPods Pro hơn là WF1000XM3.
Sony đã chữa hết bệnh delay, nhưng AirPods Pro thì còn “chống chỉ định” delay từ đầu luôn.
Còn lại, với nhu cầu xem phim thì bạn không phải lo vì các nền tảng smartphone và PC hiện nay đều có thể tự động bù trừ độ trễ âm thanh để không gặp tình trạng hình chạy trước tiếng theo sau.
Bạn nên chọn: Apple AirPods Pro
Gọi thoại, chat video
Dù gọi là tai nghe nhưng tất nhiên, những sản phẩm này đều phải đáp ứng được cả nhu cầu gọi điện thoại, chat video qua micro nữa.
AirPods Pro, cũng như hai đời AirPods trước, thể hiện rất tốt ở khoản này. Chất lượng giọng nói có thể chưa hoàn hảo nhưng rất rõ ràng, lọc tiếng ồn cực kì tốt. Trong khi đó, không hiểu sao mà sản phẩm của Sony thì ngược lại hoàn toàn.
Chất lượng micro của Sony tệ đến mức bất ngờ.
Nếu bạn gọi điện trong môi trường yên tĩnh thì không vấn đề gì, nhưng khi đang ở nơi ồn ào như ở ngoài đường thì micro của WF1000XM3 lại thu vào nhiều tiếng ồn hơn, thỉnh thoảng còn át hết cả giọng nói, rất khó nghe. Không rõ đây có phải vấn đề phần mềm không, và đã có nhiều người dùng gặp tình trạng tương tự từ lâu mà Sony vẫn chưa đưa ra giải pháp thỏa đáng.
Bạn nên chọn: Apple AirPods Pro
Tập thể thao
Nhìn chung, cả hai tai nghe này đều không phải sinh ra cho những người đam mê thể thao, nhưng nếu đánh giá tổng quát thì AirPods Pro vẫn là lựa chọn tốt hơn vì hai lý do: Khó rơi khi vận động và có chống nước.
Tất nhiên, WF1000XM3 không phải dạng “đụng cái rơi ngay”, nhưng với trọng lượng và kích thước lớn hơn nhiều lần, việc đeo nó lên tai để tập thể thao rất rủi ro, có thể rơi trúng vũng nước hay bồn rửa tay và thế là… đi ngay 5 triệu rưỡi.
Ít ra AirPods Pro cũng đạt chuẩn chống nước cơ bản nhất, chứ cặp tai của Sony thì lỡ gặp mưa to hay bị văng nước lên cũng có nguy cơ hỏng luôn.
Nếu thực sự muốn dùng tai nghe phục vụ cho nhu cầu tập thể thao, bạn có thể chuyển qua mua cặp Sony SP900. Đây là phiên bản khác của WF1000XM3, vẫn giữ nguyên các tính năng mà lại có thêm chống nước IP68, có thể đeo để bơi lặn dưới biển thoải mái, bộ nhớ trong 4GB để lưu nhạc và thiết kế ôm sát vành tai chắc chắn hơn.
Bạn nên chọn: Apple AirPods Pro, hoặc tốt nhất là tìm các loại tai nghe chuyên thể thao khác
Khả năng tương thích với smartphone
Phần này đơn giản thôi, cặp tai của Sony có thể dùng tốt cho cả smartphone Android và iOS, ứng dụng điều khiển Sony Connect cũng hoạt động y hệt nhau trên cả hai nền tảng, không có tính năng nào bị khóa cả. Trong khi đó, AirPods Pro thì sẽ bị giới hạn chức năng khi kết nối với bất kì thiết bị nào không nằm trong hệ sinh thái Apple.
Nếu dùng iPhone, bạn có thể chọn cả 2, nhưng nếu dùng Android thì tốt nhất nên mua WF1000XM3 cho chắc ăn.
Cụ thể, bạn chỉ có thể điều khiển nhạc, nhận cuộc gọi, chuyển giữa 1 trong 2 chế độ xuyên âm/chống ồn chứ không thể tắt chúng đi và trợ lý ảo cũng bị khóa. Điều này khá là kì lạ, nhưng có lẽ Apple cố tình làm vậy để lôi kéo những ai lỡ mê AirPods Pro rồi thì “tiện tay” mua luôn iPhone dùng cho đúng đôi đúng cặp.
Bạn nên chọn: Sony WF1000XM3, hoặc AirPods nếu đã có iPhone
Mức giá
Hiện tại, AirPods Pro vẫn có mức giá loanh quanh mức 7 triệu, thậm chí cao hơn. Trong khi đó, WF1000XM3 thì giá gốc là 5.49 triệu, có nơi đã giảm xuống dưới 5 triệu đồng. Nếu thực sự muốn tiết kiệm thì cặp tai của Sony là lựa chọn rất đáng tiền.
Bạn nên chọn: Sony WF1000XM3
Một số điều cần lưu ý khác
– AirPods Pro theo dõi được pin của hộp sạc dễ dàng khi dùng với iPhone, nhưng WF1000XM3 thì dù kết nối với máy nào cũng phải “đoán mò” bằng cách xem cách đèn LED nháy trên hộp sạc, rất khó hiểu và không có sẵn hướng dẫn trong hộp sản phẩm.
– AirPods Pro có sạc không dây, nhưng tính năng này WeBuy đánh giá là thừa thãi vì sạc chậm, dễ nóng và làm chai pin hộp sạc.
– AirPods Pro có thêm 2 bộ nút cao su, thiết kế độc quyền Apple, khi mất/hỏng thì khó mua và khá đắt. WF1000XM3 được tặng kèm thêm 6 bộ nút tai trong hộp, có cả loại mút bọt biển chất lượng tốt. Nếu dùng hết có thể mua thêm dễ dàng với giá rẻ hơn.
– Nút bấm trên cuống tai AirPods Pro chỉ có thể chuyển giữa chế độ xuyên âm và chống ồn. Nếu muốn tắt cả hai đi, bạn buộc phải dùng với một chiếc iPhone chạy sẵn phiên bản iOS mới nhất.
– Cách điều khiển bằng nút cảm ứng của WF1000XM3 quen thuộc, dễ dùng hơn. AirPods Pro mỗi lần bấm vào cuống là phát tiếng sột soạt trong tai và phải dùng đến hai ngón tay.
– Cả hai tai nghe, nếu bật chống ồn/xuyên âm khi đi xe máy hoặc ngồi trước quạt, đều bị dính tiếng gió thổi khá lớn. Cặp của Sony bị nặng hơn thấy rõ, nhưng tốt nhất bạn nên tắt hẳn hai chế độ này khi đi xe máy ngoài đường. Chỉ nên bật chống ồn khi đang ngồi trên xe hơi/tàu/máy bay để đảm bảo an toàn.
– Sony WF1000XM3 chống ồn tốt hơn, nhưng đeo AirPods Pro để ngủ trưa ở văn phòng thì dễ chịu hơn vì ít bị cấn khi đè tai lên tay/gối.
– Nếu dùng smartphone Android, bạn sẽ phải chịu khó mất đi kha khá tính năng khi dùng với AirPods Pro.
Trên đây là bài so sánh hai cặp tai nghe chống ồn đang hot nhất trên thị trường theo từng nhu cầu. Đọc xong rồi bạn đã quyết định được chưa, hãy trả lời bằng khảo sát bên dưới nhé.
Thăm dò ý kiến
Bạn sẽ mua Apple AirPods Pro hay Sony WF1000XM3?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Apple AirPods Pro
Sony WF1000XM3