Múa Lân ngày Tết ở Nam Bộ | Văn hóa | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
Múa Lân ngày Tết ở Nam Bộ
Múa Lân ngày Tết là một phong tục dân gian độc đáo được người dân Nam Bộ trao truyền, giữ gìn hàng trăm năm qua, nhất là ở các địa phương có đông người Hoa sinh sống như Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu…
Múa Lân ngày Tết là một phong tục độc đáo, được người dân Nam Bộ trao truyền, giữ gìn qua nhiều thế hệ, nhất là ở các địa phương có đông người Hoa sinh sống như Thành phố Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu…
Theo Nghệ nhân nhân dân Lưu Kiếm Xương, Chủ tịch Liên đoàn Lân sư rồng TP.HCM, Trưởng đoàn Lân sư rồng Nhơn Nghĩa Đường, Lân là một linh vật trong tứ linh, gồm Long – Lân – Quy – Phụng, là biểu tượng cho điềm lành.
Vì vậy, tục múa Lân ngày Tết nhằm gửi gắm ước nguyện của gia chủ và cộng đồng về một mùa xuân mới bình an, may mắn, phát tài, phát lộc, nguyện cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Biểu diễn múa Lân trong lễ hội Kỳ Yên tại đình Phong Phú ở quận 8 (Thành phố Hồ Chí Minh), cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Tục múa Lân xuất phát từ truyện cổ dân gian “Sự tích con Lân và Ông Địa”. Chuyện kể rằng, xưa có con quái thú từ dưới biển lên quấy nhiễu dân lành, tục gọi là Lân. Ông Địa đã chế ngự quái thú, biến Lân thành con thú ăn chay, hiền lành, biết tu tâm dưỡng tánh. Từ đó, mỗi năm, Ông Địa lại dẫn Lân xuống núi chúc Tết. Tục múa Lân ngày Tết ra đời từ đó.
Biểu diễn “Lân lên mai hoa thung” một tiết mục độc đáo của nghệ thuật múa Lân truyền thống, thường được biểu diễn trong dịp Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu…
Có nhiều đoàn Lân sư rồng chuyên nghiệp được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên ở các tỉnh, thành Nam Bộ với những tuyệt kỹ của loại hình nghệ thuật độc đáo này, tham gia công diễn vào các dịp lễ, Tết, biểu diễn tại các sự kiện khai trương, khánh thành, tất niên, mừng thọ… với các tiết mục tiêu biểu như: Lân lên mai hoa thung, Lân lên cây hái lộc, Tứ quý hưng long, Thiên long giáng trần, Song sư hí cầu…
Tập tục cho Lân ăn cầu may mắn, sức khỏe tới trẻ em nhân dịp đầu năm mới.
Bên cạnh đó, còn có nhiều đội Lân sư rồng bán chuyên nghiệp, nghiệp dư hoạt động thời vụ trong dịp lễ hội đầu xuân như Tết Nguyên đán, Nguyên Tiêu… Thậm chí, trong những ngày Tết nguyên đán, các em nhỏ ở thôn quê còn trang bị trống, tự chế đầu Lân, trang phục Ông Địa, tụ tập theo nhóm, cùng chơi trò múa Lân rộn ràng, tạo nên một không khí Tết rất riêng ở làng quê Nam Bộ.
Xuân đang về trong tiếng trống Lân rộn rã, nhộn nhịp. Hình ảnh con Lân nhảy múa rộn ràng với Ông Địa mang đến người xem sự kỳ vọng, niềm hứng khởi về một năm mới đoàn viên, an lành và hạnh phúc./.
Bài: Trần Kiều – Ảnh: Kiều Anh Dũng