Mua Sách HỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM Giảm Giá | MuaSachHay.Vn

HỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA VIỆT NAM

Giá trị văn hoá (Cultural Value) do con người trong mỗi xã hội sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, nhưng một khi hệ giá trị văn hoá đã hình thành thì nó lại có vai trò định hướng cho các mục tiêu, phương thức và hành động của con người trong các xã hội ấy. Nó chính là một thứ vốn xã hội (Social Capital)) [1]. Như thế, khi nói bản chất của giá trị hay nói tới vai trò định hướng, chi phối, điều tiết của hệ giá trị thì về thực chất chúng ta đang nói tới mối quan hệ đa chiều của con người. Cũng như văn hoá, giá trị được sản sinh từ các mối quan hệ con người với tự nhiên, với xã hội.

– Giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc gia…) bao giờ cũng tạo nên một hệ thống, với ý nghĩa là các giá trị ấy nảy sinh, tồn tại trong sự liên hệ, tác động hữu cơ với nhau. Chúng ta nói hệ giá trị (Value System) hay bảng giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng thì thường hàm hai ý nghĩa : 1) Các giá trị riêng lẻ liên kết nhau tạo nên một hệ thống các giá trị, 2) Có sự sắp đặt trước sau, độ nhấn về tầm quan trọng của từng nhân tố giá trị trong một bảng giá trị. Thí dụ, với người Việt Nam thì chủ nghĩa yêu nước là nhân tố hàng đầu trong bảng (hệ) giá trị dân tộc, nhưng với người Nhật Bản hay một số dân tộc khác thì có thể chủ nghĩa yêu nước lại được xếp ở các vị trí khác…Thường thì nhiều dân tộc đều có chung những giá trị, như yêu nước, cần cù, tính cộng đồng…, tuy nhiên, trong từng hệ giá trị của mỗi dân tộc thì việc xếp đặt thứ tự ưu tiên, độ nhấn của từng yếu tố giá trị ấy trong bảng giá trị thì có thể khác nhau.

he-gia-tri-van-hoa-viet-nam-mua-sach-hay

– Giống như văn hoá, hệ giá trị cũng mang tính tương đối. Do vậy để đánh giá tính giá trị hay phi giá trị, giá trị cao hay thấp thì phải đặt nó trong toạ độ về mặt không gian, thời gian và chủ thể của văn hoá [2]. Nếu thoát ly cái đó, chúng ta rất khó đo đếm, đánh giá được tính giá trị hay phản giá trị của văn hoá của tộc người nào đó. Bởi vì suy cho cùng, giá trị hay chân lý đều phải mang tính cụ thể. Thí dụ, “trung với vua” là một giá trị của văn hoá Việt Nam thời quân chủ phong kiến, nhưng nó không phải là giá trị trong xã hội Việt Nam hiện đại. “Nước, phân, cần, giống” là hệ giá trị của những người canh tác lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng có thể không phải như vậy với người nông dân Nam Bộ. Người Việt Nam coi việc ăn thịt chó là ngon, là bổ, nhưng với nhiều dân tộc khác thì không hẳn là như vậy…

– Đối với mỗi dân tộc trong những hoàn cảnh lịch sử và xã hội cụ thể đều tồn tại hệ giá trị tổng quát và những hệ giá trị bộ phận. Hệ giá trị tổng quát bao gồm những giá trị chung nhất, mang tính phổ quát, có vai trò định hướng đối với tư duy và hành động của cả cộng đồng. Thí dụ, GS. Trần Văn Giầu đã nêu 7 giá trị mang tính tổng quát nhất của dân tộc Việt Nam, đó là : yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa [3]. Nghị quyết TW 5 nêu những đức tính nổi bật của bản sắc Việt Nam, cũng có thể hiểu đó là các giá trị của con người Việt Nam : “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – tổ quốc, lòng khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống” [4]. Những thập niên vừa qua người ta còn nêu hệ giá trị chung của Châu Á : Hiếu học, cộng đồng, cần cù, huyết thống [5]. Bên cạnh những giá trị tổng quát như vậy, trong từng lĩnh vực của đời sống, hoạt động của con người thì người ta lại đúc rút nên các giá trị, có vai trò định hướng trong từng lĩnh vực riêng lẻ ấy. Thí dụ, “Nước, phân, cần, giống” là hệ giá trị trong canh tác nông nghiệp truyền thống của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ hay hệ canh tác “Luân canh, hưu canh, xen canh, gối canh” của cư dân canh tác nương rẫy ở miền núi. “Lấy nhu thắng cương, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy chí nhân thắng cường bạo” là hệ giá trị của sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc ta…

– Văn hoá truyền thống hay giá trị văn hoá truyền thống được hiểu như là văn hoá và giá trị gắn với xã hội tiền công nghiệp, phân biệt với văn hoá, giá trị văn hoá thời đại công nghiệp hoá. Tất nhiên, khái niệm truyền thống (Tradition) để chỉ những cái gì đã hình thành từ lâu đời, mang tính bền vững và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì không chỉ xã hội tiền công nghiệp mới có mà với cả xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì truyền thống vẫn hình thành và định hình. Hơn thế nữa, còn có sự kết nối giữa truyền thống tiền công nghiệp với truyền thống công nghiệp hoá thể hiện trong từng hiện tượng hay giá trị văn hoá.
mua-sach-hay

MUA SÁCH HAY TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU!