Mua bán Bitcoin ở Việt Nam có hợp pháp không?

Ngày nay trên thị trường các sàn giao dịch Việt Nam có xuất hiện một đối tượng giao dịch có tên gọi là Bitcoin. Bitcoin khá phổ biến trong thời gian gần đây. Vậy pháp luật Việt Nam có quy định nào cho đối tượng này hay không? Việc giao dịch mua bán Bitcoin có hợp pháp không?

 

1. Tìm hiểu đôi nét về Bitcoin

1.1. Bitcoin là gì?

Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (Digital money) hay còn hiểu ngắn gọn hơn là tiền ảo (Virtual currency), được tạo ra và nắm giữ dưới dạng điện tử, không giống với các loại tiền tệ vật chất truyền thống như tiền đô la, tiền euro, hay tiền Việt Nam đồng, Bitcoin không được in ra mà được sản xuất bởi những người sử dụng máy tính trên khắp thế giới và sử dụng phần mềm để giải quyết các vấn đề toán học. Bitcoin được sử sụng, được chấp nhận giữa các thành viên trong một cộng đồng ảo cụ thể, không được kiểm soát và phát hành bởi chỉnh phủ, mà chỉ được quản lý bởi các nhà phát triển nó. 

Hiện nay pháp luật chưa có một quy định cụ thể nào về vấn đề tiền ảo. Tuy nhiên có thể khái quát một cách ngắn gọn, súc tích về tiền ảo như sau: 

– Hệ thống tiền ảo được chia làm ba loại: 

+ Hệ thống tiền ảo dùng trong game online: rất phổ biến

+ Hệ thống tiền ảo có thể mua được những sản phẩm, dịch vụ ảo mà không dùng để mua những sản phẩm thật hay dịch vụ thật

+ Hệ thống tiền ảo có thể mua được những sản phẩm, dịch vụ thật và ảo

Bitcoin là một trong số các loại tiền ảo được trao đổi trực tiếp bằng thiết bị kết nối internet mà không cần thông qua một tổ chức tài chính trung gian nào, không một ngân hàng trung ương nào quản lý nó. Pháp luật Việt Nam hiện hành đều chưa có quy định nào về giao dịch tiền ảo nói chung hay đồng Bitcoin nói riêng, vì vậy khi giao dịch Bitcoin trên hệ thống mạng internet có xảy ra tranh chấp thì giao dịch này bị coi là vô hiệu. 

 

1.2. Các hình thức đầu tư Bitcoin

Từ đầu năm 2017 cho đến nay thì vấn đề Bitcoin hay đầu tư cho Bitcoin vẫn luôn là một chủ đề hot, gây nhức nhối dư luận. Vậy pháp luật Việt Nam có chấp nhận việc đầu tư Bitcoin là một loại hình thức đầu tư hợp pháp không? Như đã phân tích ở trên, hiện nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào quy định về tính chất pháp lý của tiền ảo hay Bitcoin nói riêng. Tuy nhiên thì Bitcoin vẫn được pháp luật Việt Nam coi là một loại tài sản ảo như vàng hay các loại tài sản có giá trị khác. Cụ thể tại Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai”. Cũng theo Bộ luật dân sự năm 2015, thì vật là đối tượng của thế giới vật chất đáp ứng được nhu cầu của con người, có đặc trung giá trị và trở thành đối tượng giao dịch dân sự. Chính vì vậy mà tiền ảo hay Bitcoin là những thứ có giá trị kinh tế, được giao dịch và được công nhận là tài sản theo Điều 105 Bộ Luật dân sự 2015 hiện hành. 

Như vậy, nếu không dùng Bitcoin vào việc thanh toán (sẽ được phân tích ở phần sau) thì người dân vẫn hoàn toàn có thể tích trữ Bitcoin, sử dụng Bitcoin như một hình thức đầu tư, đầu cơ tích trữ hoặc lướt sóng, tương tự như đầu tư bất động sản hay vàng. Và các hình thức để đầu tư Bitcoin có thể kể đến như là:

+ Đầu tư lâu dài: tức là mua bitcoin và tàng trữ trong một khoảng thời gian lâu dài từ vài tháng đến vài năm. Đợi thời cơ “chín muồi” khi nào giá tăng thì đem bán kiếm lợi nhuận (khá giống với việc đầu tư vàng)

+ Đầu tư ngắn hạn: Mua bitcoin khi giá rẻ và bán ngay khi giá cao trong một thời gian ngắn (giống đầu tư chứng khoán và vàng)

+ Đào Bitcoin: tức là sử dụng các phần cứng máy tính để giải các thuật toán phức tạp để nhận thưởng về chính là các bitcoin. Có thể hiểu đơn giản, thay vì bạn dùng tiền Việt để mua Bitcoin dự trữ thì bạn có thể chơi trò chơi (ở đây là dùng thuật toán) để nhận được phần thưởng là các Bitcoin.

Tuy nhiên thì chúng tôi khuyên các bạn vẫn không nên đầu tư, kinh doanh loại tiền ảo này bởi pháp luật chưa có một quy định cụ thể, rõ ràng nào cho vấn đề Bitcoin. Do vậy mà rủi ro khi tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này cũng rất là cao và hiện nay đầu tư Bitcoin đang là một yếu tố cho các kẻ gian lợi dụng kêu gọi, huy động vốn hoặc thành lập công ty cung cấp dịch vụ trao đổi tiền và rồi thực hiện hành vi chiếm đoạt. Bên cạnh đó nếu như xảy ra việc lừa đảo thì người đầu tư sẽ thiệt hại nặng nề do mất chính tiền thật của mình nhưng lại chưa được pháp luật can thiệp triệt để. 

 

2. Thực hiện giao dịch Bitcoin tại Việt Nam có hợp pháp không?

Trước khi tìm hiểu kỹ về vấn đề này, chúng tôi sẽ đề cập đến nội dung trọng tâm Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn phòng chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo rằng, Tiền ảo nói chung hay đồng Bitcoin nói tiêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng Bitcoin làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Bên cạnh đó Ngân hàng nhà nước cũng nhiều lần cảnh báo về việc đầu tư vào Bitcoin hay tiền ảo đều tiềm ẩn nhiều rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư

Mặt khác, tại khoản 6 và khoản 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định về việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã khẳng định Bitcoin không phải là một phương tiện dùng để thanh toán khác nếu không dùng tiền mặt. Những phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được coi là hợp pháp hiện nay chỉ bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Nếu ngoài các phương tiện nêu trên thì mọi phương thức thanh toán đấy đều là bất hợp pháp

Từ những điều trên có thể kết luận rằng, việc sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán thay tiền mặt là bất hợp pháp. Tuy nhiên ở đây độc giả cần hết sức lưu ý rằng, phải phân biệt rõ được hai vấn đề là việc pháp luật cấm sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán và pháp luật chưa có quy định nào về việc coi tiền ảo hay Bitcoin là một loại hàng hóa, đối tượng để trao đổi mua bán. Theo đó:

+ Việc dùng Bitcoin nhằm mục đích thanh toán (như dùng tiền mặt, như dùng các phương thức hợp pháp kể trên) là bất hợp pháp theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP. Lúc này nếu muốn thanh toán bằng Bitcoin thì bạn phải đổi Bitcoin sang tiền mặt, bạn chỉ được phép trao đổi số Bitcoin đó với một người khác để lấy tiền mặt, rồi dùng tiền mặt đó để thanh toán thì là một hành vi hoàn toàn hợp pháp

+ Việc dùng Bitcoin như một loại hàng hóa, đối tượng để mua bán hiện nay vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể. Tức là chẳng hạn như với hình thức đầu tư bitcoin là một ví dụ. Nếu bạn dùng tiền mặt để mua bitcoin từ một người khác hoặc giải thuật toán để có bitcoin thì đều là hành vi được phép làm. Bởi pháp luật chưa có một quy định nào cấm về vấn đề này. Tuy nhiên chính vì thế nên có rất nhiều rủi ro, nguy cơ tiềm ẩn cho những người thực hiện giao dịch mua bán Bitcoin vì pháp luật chưa can thiệp được vào vấn đề này, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định riêng về giao dịch Bitcoin như một loại hàng hóa, đối tượng để mua bán.

Nói tóm lại, nếu bạn sử dụng Bitcoin nhằm mục đích như một phương thức để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ thì là hành vi bất hợp pháp, sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ được phân tích tại phần sau của bài viết. Còn nếu bạn trao đổi mua bán bitcoin bằng phương thức thanh toán hợp pháp như dùng tiền mặt, dùng Séc… thì vẫn là một việc làm hợp lệ, không bị cấm, tuy nhiên chỉ tiềm ẩn nhiều rủi ro nên bạn cần cân nhắc ký khi tiến hành mua bitcoin. 

 

3. Mức xử phạt đối với hành vi dùng Bitcoin để thanh toán thay tiền mặt? 

Việc sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm tại Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015 hiện hành. Cụ thể:

– Mức xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng bitcoin hay tiền ảo khác như một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt hoặc phát hành, cung ứng dịch vụ thanh toán bằng đồng Bitcoin sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng

– Chủ thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng tại Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán bằng đồng Bitcoin gây thiệt thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng

Như vậy độc giả cần hết sức lưu ý phân biệt hai hành vi đối với việc sử dụng Bitcoin để tránh bị vi phạm pháp luật sẽ bị sử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc phân biệt này căn cứ hoàn toàn vào mục đích sử dụng Bitcoin của bạn. Sử dụng nhằm mục đích thanh toán thì là bất hợp pháp. Sử dụng như một loại hàng hóa mua bán thì lại là hợp pháp. 

Trên đây là toàn bộ thông tin về “Mua bán Bitcoin ở Việt Nam có hợp pháp không?” do Công ty Luật Minh Khuê gửi đến quý khách mang tính tham khảo. Nếu vấn đề trên còn gây nhầm lẫn, hoặc chưa thể giúp quý khách hiểu rõ vấn đề, quý khách hãy vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến theo số điện thoại: 19006162 để được Luật sư tư vấn pháp luật trực tiếp qua tổng đài kịp thời hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc của quý khách. 

>> Xem thêm: Altcoin là gì? Các đồng altcoin tiềm năng cần biết?