Mua ôtô cũ không sang tên – những rủi ro khách Việt thường xem nhẹ

Khi không sang tên xe cũ, người mua nguy cơ vướng tranh chấp pháp lý, người bán có thể liên đới trách nhiệm khi xe gây tai nạn hoặc bị phạt nguội.

Ôtô là một khoản chi phí lớn đối với phần đông người Việt, nhất là với những người không có sẵn nhiều tiền nên tìm tới xe cũ. Chủ nhiều showroom xe cũ tại Hà Nội cho biết, có tới 30-40%, thậm chí một nửa số khách hàng mua xe cũ của họ không có nhu cầu sang tên, đổi chủ.

Sang tên, đổi chủ là thủ tục để cơ quan công an xác nhận chiếc xe đã chuyển quyền sở hữu. Với thủ tục này, người mua xe cũ sẽ phải nộp lệ phí trước bạ 2% giá trị còn lại của ôtô. Ví dụ xe được định giá 400 triệu khi giao dịch, chủ mới sẽ tốn 8 triệu tiền lệ phí trước bạ.

Vì khoản tiền này, nhiều khách hàng thường không sang tên để tiết kiệm chi phí. Còn vài nguyên nhân khác khiến nhiều người không sang tên như muốn giữ lại biển số cũ cho xe, mua của người thân, quen.

Việc không sang tên, đổi chủ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người mua và người bán như sau, theo tư vấn của những người bán xe nhiều kinh nghiệm cũng như các chuyên gia tài chính, ngân hàng và pháp lý.

Tranh chấp pháp lý

Xe cũ bầy trong một showroom tại Hà Nội. Ảnh: Ánh Dương

Xe cũ bầy trong một showroom tại Hà Nội. Ảnh: Ánh Dương

Đây là loại rủi ro dễ thấy nhất, bởi khi mua bán không sang tên, người mua thường không biết xe có thể đã bị cầm cố ngân hàng, và chỉ phát hiện khi đi đăng ký. Theo anh Quốc Tuấn, một người bán xe cũ lâu năm, một số chủ xe chủ định lừa người dùng bằng cách báo mất đăng ký rồi làm đăng ký mới. Sau đó sử dụng một đăng ký để đi cầm cố ngân hàng hoặc vay thế chấp.

Trường hợp khác của tranh chấp pháp lý là vợ hoặc chồng không đồng ý bán nhưng người còn lại cố tình bán và sử dụng chữ ký giả. Như vậy, khi không đi đăng ký xe, người dùng cũng không phát hiện được nếu chỉ căn cứ trên hợp đồng mua bán.

Rủi ro của người bán

Khi đã bán xe cho người khác sử dụng dưới tên của mình, chủ cũ đang phải chịu những rủi ro mà không thể kiểm soát. Ví dụ, xe gặp tai nạn, chủ mới bỏ trốn, cơ quan công an sẽ dựa theo giấy tờ để tìm chủ xe. Ngoài ra, nếu xe bị phạt nguội, giấy báo phạt sẽ gửi về địa chỉ của chủ cũ. Tuy nhiên, chủ cũ cũng có thể không đóng tiền phạt, do không còn là chủ sở hữu xe. Phí phạt nguội sẽ bị truy thu khi đi đăng kiểm.

Khi xảy ra tai nạn, nếu người dùng chưa đủ tuổi tham gia giao thông, điều khiển xe có nồng độ cồng hoặc chưa có bằng lái, chủ cũ nếu không chứng minh được đã bán xe, có thể bị liên đới về việc giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông, dẫn tới tai nạn.

Rủi ro của chủ mới

Đối với việc sử dụng xe không chính chủ, người mua cũng gặp những rắc rối khi sau này muốn bán xe hoặc sang tên. Một số trường hợp sử dụng xe của người bán không may qua đời, thủ tục sang tên sẽ phức tạp hơn khá nhiều so với thông thường. Bởi khi đó, cần tìm người thừa kế hợp pháp ký giấy tờ chuyển nhượng hoặc mua bán chiếc xe đó.

Ngoài ra, việc không sang tên đổi chủ ngay khi mua, bán cũng trở thành công cụ để cho một số đối tượng xấu sử dụng xe vào mục đích phi pháp.

Ánh Dương