Mua sách qua mạng xã hội, tay chơi cũng bị lừa
Giống nhiều mặt hàng khác, sách cũng phải gồng mình để chống chọi với nạn hàng giả. Những đầu sách best-seller mang lại nguồn thu lớn cho các đơn vị phát hành như: Hạt giống tâm hồn, Đắc nhân tâm, Muôn kiếp nhân sinh, Harry Potter, Nhật ký Đặng Thùy Trâm… bị làm giả và buôn bán tràn lan trên mạng xã hội.
Sách giả khiến các đơn vị phát hành sách gặp khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa. Sau các đơn vị phát hành sách, độc giả chính là nạn nhân thứ hai của sách giả, sách lậu. Nhiều người mua phải sách giả mà không biết, tưởng mình mua được sách thật với giá hời.
Mục lục bài viết
Thật giả khó lường
Đã qua rồi cái thời sách giả được in ấn một cách cẩu thả, kém chất lượng, bìa nhạt màu, keo dán lem nhem, thậm chí bị mất trang, được bày bán tràn lan trên vỉa hè của những tuyến đường sầm uất như Chùa Láng hay Phạm Văn Đồng. Giờ đây, sách giả được in ấn khá công phu, chất lượng giấy không thua gì sách thật. Phần bìa sách cũng được in khá sắc nét, nếu chỉ nhìn qua, bạn đọc khó phân biệt được thật giả.
Chỉ khi để ý tới các chi tiết như: tem chống hàng giả, mã vạch hay phần chữ ép nhũ của nhan đề của cuốn sách… độc giả mới thấy sự khác biệt. Đối với những cuốn sách có phần bìa được minh họa công phu như Harry Potter, nếu đặt sách thật và sách giả ở cạnh nhau, chúng ta có thể nhận thấy: phần bìa của những cuốn sách giả nhạt màu hơn, không sống động và bắt mắt như sách thật.
Mạo danh nhà xuất bản, đăng hình sách thật là cách mà những trang sách giả đánh lừa người mua. Ảnh: Quỳnh Trang.
Nhờ sự phối hợp của các cơ quan chức năng, hiện tượng mua bán sách giả, sách lậu trên các sàn thương mại điện tử đã giảm đáng kể. Đứng trước tình thế đó, các đơn vị lưu hành sách lậu, sách giả nghĩ ra nhiều phương án để đối phó.
Hiện nay, hoạt động mua bán, trao đổi sách trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, hay Instagram diễn ra khá sôi động, không kém gì các trang thương mại điện tử. Nhiều độc giả mừng thầm vì mình đã mua được những bộ truyện hay, với mức chiết khấu lên đến 70-80%, rẻ hơn nhiều so với giá bán trên các trang thương mại điện tử, hay hệ thống các nhà sách lớn.
Mức giá này khá hấp dẫn với độc giả, nhiều người hào hứng đặt mua cuốn sách yêu thích mà không biết rằng mình đã mua phải sách giả. Việc các đơn vị chuyên kinh doanh sách giả hoạt động tràn lan trên Facebook không còn là chuyện hiếm.
Thậm chí, các trang này còn ngang nhiên chạy quảng cáo để thu hút khách hàng. Do trên các nền tảng mạng xã hội không có sự kiểm tra, truy xuất về nguồn gốc hàng hóa nên chúng đã trở thành mảnh đất màu mỡ để buôn bán sách giả.
Khi người mua để lại bình luận dưới bài đăng để hỏi về giá bán và phương thức thanh toán thì phía người bán yêu cầu khách nhắn tin riêng, chứ không công khai những thông tin này dưới phần bình luận. Nếu khách hàng hỏi mua sách với số lượng lớn và yêu cầu xuất hóa đơn, phía người bán có thể chặn liên lạc với người mua ngay lập tức.
Tay chơi sách cũng bị lừa
Nếu muốn mua một cuốn sách mới phát hành, độc giả có rất nhiều lựa chọn: Tới hiệu sách uy tín, mua trên các trang thương mại điện tử, website đơn vị xuất bản. Với những người có sở thích sưu tầm và tìm đọc sách cũ, mạng xã hội trở thành một địa chỉ quen thuộc.
Nhờ mạng xã hội, người sưu tầm sách từ khắp nơi có thể dễ dàng kết nối với nhau để mua cuốn sách mình cần. Trong không gian ảo này, nhiều pha lừa đảo tinh vi đã diễn ra, khiến cho những tay chơi sách lão luyện cũng dễ dàng sập bẫy.
Thủ đoạn của những người lừa bán sách cũ qua mạng xã hội được anh Hữu Nam – chủ một hiệu sách cũ ở Thanh Trì – chỉ ra. Theo đó, người bán sẽ gửi ảnh chụp những cuốn sách cũ đó cho người mua và giục khách hàng chuyển khoản trước, hoặc thanh toán một phần giá trị đơn hàng, rồi mới đồng ý gửi hàng đi. Khi đã nhận được tiền, những đối tượng này liền “lặn mất tăm” bằng cách chặn tài khoản, chặn cuộc gọi của khách hàng.
Nhiều người có sở thích tìm mua và sưu tầm sách cũ, nhưng các bạn nên cẩn thận khi mua sách trên mạng xã hội. Ảnh: NVCC.
Anh Đình Ba, một người thích sưu tầm sách cũ ở TP.HCM chia sẻ có lần, anh tìm mua được một cuốn sách lịch sử thuộc “hàng hiếm” trên mạng xã hội. Chưa kịp vui mừng thì ngã ngửa vì khi nhận hàng lại là một cuốn sách được scan lại, không phải là sách gốc như bản chụp rao bán trên mạng. Trước đó, anh đã chuyển tiền cho người bán và không liên lạc được với họ.
Theo đánh giá của anh Nguyễn Bình Phương, một người chơi sách cũ ở Hà Nội, thị trường mua bán sách cũ trong các hội nhóm trên mạng xã hội khá nhỏ, người bán và người mua phần lớn quen biết lẫn nhau.
Nhưng thỉnh thoảng trên các hội nhóm vẫn có những “người mới” đăng bài bán hàng với nội dung “dọn nhà cần thanh lý sách cũ” để tìm kiếm “con mồi”. Chiêu bài quen thuộc vẫn là lấy cớ chỉ có một ấn bản duy nhất trong khi có nhiều người muốn hỏi mua, nên yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước. Sau khi nhận được tiền, người bán tìm cách chặn mọi liên lạc của khách hàng.
Đôi khi, người bán còn dùng những từ ngữ dễ gây hiểu nhầm, để bán cho người mua những bản sách remake (sách được làm lại) chứ không phải là sách gốc. Tinh vi hơn, một số đối tượng còn dùng các chất liệu tương tự giấy dó để làm giả sách cổ. Nếu chỉ nhìn trên ảnh, người mua khó phát hiện được hàng thật hay hàng giả.
Khi chuyển tiền, nhận hàng thì đã muộn, người bán không đồng ý nhận lại hàng và tìm cách cắt đứt liên lạc. Những khách hàng kém may mắn này đành ngậm ngùi, coi như vừa mất một khoản “học phí” bất đắc dĩ.
Theo Zing News