Mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế vẫn gặp khó

Mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế vẫn gặp khó - Ảnh 1.

Người dân đến thăm khám tại một cơ sở y tế – Ảnh: VGP/HM

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một bệnh viện (BV) hạng đặc biệt của cả nước, máy chụp X-quang đang bị hỏng bóng. Nếu muốn thay bóng hỏng này, BV phải tham khảo 3 báo giá, trong khi theo nguyên tắc sản xuất của các hãng lớn, thiết bị của hãng nào sẽ đi theo máy của hãng đấy, không thể dùng thiết bị của hãng khác thay thế. Chính vì vậy, với máy X-quang nói trên, chỉ có thể mua bóng của hãng máy đó để thay thế và cũng chỉ có 1 báo giá.

“Do quy định này, BV đã không thể mua bóng thay thế. Nếu cố tình mua thì sẽ rơi vào tình trạng chỉ định thầu. Điều này vô cùng khó khăn. Trước đó, từ tháng 7/2022, bóng bị hỏng, chúng tôi đã chủ động sửa chữa nhằm phục vụ người bệnh”, lãnh đạo BV cho biết.

Hiện nay, mỗi ngày BV tiếp nhận 6.000-7.000 bệnh nhân đến khám và điều trị, ngày ít cũng khoảng 5.000 bệnh nhân. Trong đó, số người có chỉ định chụp chiếu X-quang chiếm khoảng 40%, do đó BV đã phải hẹn bệnh nhân chờ từ 5-7 ngày để thực hiện kỹ thuật này.

Đặc biệt, tại Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu của BV cũng đang thiếu máy móc trầm trọng trong điều trị bệnh nhân.

Tại buổi làm việc mới đây với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, trong mua sắm trang thiết bị y tế phải có quyết định mua sắm, dự toán mua sắm, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung, phương pháp xây dựng quyết định mua sắm và dự toán mua sắm nên các đơn vị đang lúng túng trong việc thực hiện.

Bên cạnh đó, Thông tư 68/2022/TT-BTC quy định tham khảo ít nhất 3 báo giá trong điều kiện chỉ có 1 nhà cung cấp và đối với quy định mua sắm thường xuyên không quy định để chủ đầu tư quyết định dự toán mua sắm trong trường hợp không thể tham khảo giá, dẫn tới khó khăn trong thực tế triển khai.

Văn bản hướng dẫn Luật Quản lý và sử dụng tài sản công chưa quy định rõ vật tư y tế (bông, băng, cồn, gạc,…) có phải là tài sản công không; trường hợp là tài sản công thì để mua sắm phải có định mức, nhưng thực tế không thể ban hành định mức do tính chất đặc thù vật tư sử dụng một lần cho người bệnh.

“Đến nay vẫn còn tâm lý e ngại trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu ở các đơn vị, nhất là về xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu (tham khảo giá), lựa chọn hình thức chỉ định thầu; vướng mắc trong kê khai giá trang thiết bị y tế”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng khẳng định, các cơ sở y tế đang vướng về cơ chế mua sắm, đấu thầu, tự chủ, cơ chế tài chính… Bộ trưởng đã nhận định những vấn đề này và đã, đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ dần từng vấn đề.

“Chúng tôi đã xác định thể chế là một vấn đề trọng tâm để tạo ra hành lang pháp lý lâu dài cho sự ổn định, phát triển bền vững của ngành y tế”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Kiến nghị tháo gỡ từ các văn bản

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, để tiếp tục khắc phục những khó khăn, bất cập trên, Bộ Y tế đang kiến nghị bỏ quy định về thời điểm mua sắm (quy định tại khoản 4 Điều 44 và khoản 3 Điều 52 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP) và chuyển hình thức quản lý chỉ một số mặt hàng thuộc danh mục quản lý phải kê khai giá thay bằng tất cả các mặt hàng như hiện nay và bổ sung quy định tất các các mặt hàng trang thiết bị y tế phải kê khai giá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để công khai, minh bạch thông tin.

Về đăng ký lưu hành trang thiết bị, để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã dự thảo quy định gia hạn thêm 1 năm hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2023.

Bộ Y tế cũng kiến nghị sửa đổi, quy định rõ thêm trường hợp xử lý trang thiết bị y tế tại đơn vị sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đang lưu hành trên thị trường, hoặc đã được cơ sở y tế mua sắm sau khi bị thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục sửa đổi Thông tư 58/2016/TT-BTC, trong đó hướng dẫn cụ thể một số khái niệm, như: Dự toán mua sắm với dự toán thu chi để tránh gây nhầm lẫn, không thống nhất; bổ sung thêm trường hợp các chủ đầu tư đã sử dụng các hình thức tham khảo được quy định tại Thông tư số 68/2022/TT-BTC để xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhưng không thực hiện được thì giao cho chủ đầu tư tự quyết định dự toán mua sắm để thực hiện (có thể chỉ cần tham khảo 1 báo giá).

Cần quản lý giá trang thiết bị y tế theo khung giá?

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề làm sao để xây dựng mức giá có thể mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế mà không sai quy định thay vì căn cứ vào giá kế hoạch còn đang rất vướng hiện nay, lãnh đạo một BV lớn cho biết, rất cần có mức giá trần đối với máy móc, trang thiết bị y tế để mua theo loại cấu hình. Tức là các máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế phải được Nhà nước quản lý giá theo khung, có biên độ giao động, để tạo tính pháp lý trong mua bán trang thiết bị y tế mà không mua phải máy có “bẫy thổi giá”.

“Ngành y tế là ngành cung cấp dịch vụ có điều kiện, việc mua bán máy móc, trang thiết bị cần phải có khung giá quản lý thì mới đảm bảo về an sinh xã hội. Các BV rất mong đợi điều này để tạo hành lang cho chúng tôi mua sắm”, vị lãnh đạo này cho biết.

Hiện nay, trang thiết bị y tế đang là mặt hàng phải quản lý giá, tức là phải kê khai và công khai giá. Tuy nhiên, trên cơ sở giá đã kê khai và đã công bố, bên thực hiện mua sắm sẽ phải căn cứ vào đó để thực hiện mua sắm theo quy định của Luật Đấu thầu.

Từ trước tháng 4/2022, các trang thiết bị y tế không phải là mặt hàng quản lý giá mà vận hành theo thị trường. Chính vì vận hành theo thị trường nên giá của các trang thiết bị y tế được các doanh nghiệp tự xác định do nhu cầu, do khả năng cung ứng, do tình hình bệnh tật tại từng thời điểm. Giá này được niêm yết giá trên Cổng công khai giá của Bộ Y tế. 

HM