Mức Phạt Lỗi Vượt đèn đỏ, Vượt đèn Vàng Bao Nhiêu Tiền? – Thành Vô Lăng
Có bác tài nào chưa từng bị dừng xe vì lỗi vượt đèn đỏ trong suốt cuộc đời lái xe không nhỉ?
Chắc là ít có ai, vì đây là một trong các lỗi vi phạm giao thông phổ biến nhất. Do chủ quan hay khách quan, vô tình hay cố ý, chúng ta vẫn bị các chú Cảnh sát giao thông hỏi thăm về lỗi vi phạm rất cơ bản này.
Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ với các bác một ít kinh nghiệm về lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông.
Trước hết, mời các bác lượt qua một chút về…
Các tín hiệu đèn giao thông cần biết
Tín hiệu đèn giao thông được quy định bởi 3 màu cơ bản mà có lẽ trẻ con mẫu giáo cũng biết phải không các bác?
-
Đèn xanh:
các phương tiện giao thông được phép di chuyển -
Đèn đỏ:
dừng lại và không di chuyển qua vạch kẻ đường -
Đèn vàng:
dừng lại trước vạch kẻ đường. Trong trường hợp bánh xe trước đã lăn qua vạch thì được phép đi tiếp. Còn các bác mà thấy đèn vàng nhấp nháylà được phép đi thoải mái nhưng chú ý giảm tốc độ và quan sát.
Thế nào là lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng?
- Khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang đèn đỏ mà các bác tài không cho xe dừng trước vạch dừng, và xe vẫn tiếp tục bon bon thì là vượt đèn đỏ nhé.
- Tương tự cho trường hợp vượt đèn vàng, khi mà tín hiệu chuyển sang đèn vàng mà hai bánh trước của xe ô tô vẫn ở phía trước của vạch dừng mà vẫn bon bon tiến lên thì xin lỗi – các bác đã vi phạm. Nhưng trong trường hợp hai bánh xe phía trước đi qua vạch dừng thì các bác được phép chạy tiếp mà không vi phạm luật giao thông gì cả.
- Với hệ thống đèn giao thông như hiện nay thì ngay ở các tỉnh thành phố lớn vẫn có rất nhiều đoạn giao cắt không có đèn tín hiệu đếm ngược. Điều đó có tác hại:
- Sẽ mang đến rủi ro do rất cao cho người tham gia giao thông vi phạm lỗi vượt đèn vàng này (béo cho các chú CSGT thích làm bậy mà thôi).
- Sẽ làm tăng tâm lý lo lắng phấp phỏng cho các bác tài khi đi qua đoạn đường trên. Phóng nhanh không được mà đi tà tà cũng không xong, vì khi đến gần cột đèn giao thông thì xuất hiện điểm mù cộng với nhiều phương tiện khác có thể che khuất chẳng biết đèn tín hiệu màu gì.Nếu không khắc phục được những bất cập này, thì vô hình chung luật đã mang lại thêm rắc rối cho người dân. Mong các nhà làm luật thấu hiểu được những điều này, và mạnh dạn chỉnh sửa quy định cho hợp lý cho người dân có thể tuân thủ dễ dàng.
Lỗi vượt đèn đỏ phạt bao nhiêu tiền?
Lỗi vượt đèn đỏ 2022: Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) thì vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với từng loại phương tiện được quy định như sau:
1. Lỗi vượt đèn đỏ xe máy phạt bao nhiêu 2022?
Theo điểm e, khoản 4, điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm g Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Trước đây, mức phạt lỗi đèn đỏ của xe mô tô, xe gắn máy… theo quy định tại Nghị định 100 là 600.000 đồng đến 1 triệu đồng. Như vậy lỗi vượt đèn đỏ xe máy 2022 tối thiểu từ ngày 1/1/2022 đã tăng so với trước 200.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền thì các phương tiện này cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm b Khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019 như sau:
“10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”
Do đó các phương tiện này ngoài bị phạt tiền thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Tuy mức phạt áp dụng đối với các phương tiện này còn nhẹ hơn đối với xe ô tô, nhưng người dân vẫn cần lưu ý để tránh bị xử phạt, mất tiền mất cả thời gian.
2. Lỗi vượt đèn đỏ ô tô phạt bao nhiêu?
Theo điểm a Khoản 5, điểm b, c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm đ Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; Đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Như vậy, mức phạt tiền của lỗi vượt đèn đỏ theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP mới này đối với xe ô tô sẽ là từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng, tăng cao hơn so với quy định cũ tại Nghị định 100 là chỉ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Không chỉ thế, ngoài việc bị phạt tiền thì người điều khiển phương tiện bị lỗi phạt vượt đèn đỏ ô tô còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung theo quy định tại điểm b Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
“11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm h, điểm i khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”
Kết luận: Lỗi vượt đèn đỏ xe ô tô sẽ bị xử phạt tiền và còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng dến 03 tháng. Do đó, các tài xế cần lưu ý để tránh bị xử phạt.
3. Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Theo điểm đ Khoản 5, điểm a, b Khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm d Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 4 tháng nếu gây tai nạn.
Lưu ý: Lỗi vượt đèn vàng được hiểu là lỗi không tuân thủ quy định “khi thấy tín hiệu đèn vàng (trừ tiến hiệu vàng nhấp nháy) phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”.
Ngoài ra, các bác sẽ bị giữ bằng lái trong vòng 30 ngày nữa. Cái này mới nặng đòn!
Có thể bác muốn biết: Mức phạt lỗi chạy quá tốc độ đối với ô tô, xe máy – 10/2022
Một số câu hỏi liên quan đến
lỗi vượt đèn đỏ
2022
Lỗi vượt đèn đỏ rẽ phải có bị phạt không?
Theo điểm b khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tín hiệu đỏ là cấm đi. Theo đó, người tham gia giao thông phải dừng lại khi thấy đèn tín hiệu chuyển sang màu đỏ.
Tuy nhiên có một số trường hợp sau người tham gia giao thông được phép di chuyển khi đèn đỏ:
- Khi có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông – tức là được phép rẽ phải khi có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông;
- Khi có đèn xanh báo hiệu ưu tiên cho phép lưu thông được lắp đặt kèm theo;
- Khi có biển báo hiệu cho phép các xe lưu thông được lắp đặt kèm theo;
- Vạch kẻ đường: Trường hợp không có biển cũng như đèn giao thông thì chúng ta sẽ tuân thủ theo vạch kẻ đường là vạch mắt võng. Khi đi trên vạch mắt võng này bắt buộc phải rẽ, không được dừng đỗ hay đi thẳng.
- Vì vậy, đối với những đoạn đường rẽ mà có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông cho phép di chuyển hoặc những điểm đèn xanh đèn đỏ có biển cho phép rẽ phải thì các bạn sẽ được rẽ phải khi đèn đỏ và không bị phạt.
Lỗi vượt đèn đỏ có cần hình ảnh không?
Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT đã quy định rõ, chỉ một số lỗi vi phạm giao thông bắt buộc phải ghi lại hình ảnh người điều khiển phương tiện vi phạm giao thông mới có thể lập biên bản, ra quyết định xử phạt được.
Ví dụ các lỗi như: Chạy quá tốc độ, một số lỗi xử lý nguội qua hình ảnh camera… Còn đối với trường hợp nêu trên, người điều khiển vi phạm “Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông”, cán bộ, chiến sỹ CSGT là người làm nhiệm vụ bằng mắt thường phát hiện vi phạm và tiến hành dừng xe thông báo vi phạm, tiến hành lập biên bản xử lý và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản đó.
Theo đó, lỗi vi phạm “Không chấp hành đèn tín hiệu giao thông” không cần phải chứng minh bằng hình ảnh. Cụ thể, với lỗi “Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông” mà ta thường gọi là vượt đèn đỏ, người điều khiển xe máy vi phạm sẽ bị xử lý phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng, ngoài ra còn áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước GPLX từ 1 – 3 tháng theo Nghị định số 46 của Chính phủ.
Câu chuyện thực tế của bản thân với lỗi vượt đèn đỏ
Chiều chủ nhật tuần vừa rồi, tôi đang đi trên đoạn đường Lê Thánh Tông hướng về cầu Lạc Long và qua giao cắt tại ngã 3 với đường Nguyễn Trãi tại Hải Phòng. Tại đây có hệ thống đèn xanh đèn đỏ cho ngã 3.
Trước khi qua chỗ giao cắt kiểu này tôi hay quan sát cẩn thận tín hiệu đèn (sợ mất tiền ngu thôi!). Lúc sắp tới vạch dừng thì thấy đèn vẫn xanh, nhưng rồi đèn nó nhảy nhanh như ăn cướp 1 phát sang đỏ luôn. Ôi thôi! Sang đến phía đường bên kia, một chú CSGT ra tuýt còi chỉ xe vào lề đường và thông báo:
– “Anh đã lái xe vượt đèn đỏ”. (Lại lỗi vi phạm vượt đèn đỏ!)
Tính của tôi thì luôn tôn trọng luật giao thông. Ngay cả vào ban đêm không có ai, mỗi một mình mình dừng đèn đỏ thì tôi cũng vẫn dừng lại, vì nếu vượt qua thì tôi thấy xấu hổ với chính bản thân mình (lòng tự trọng không cho phép mình làm vậy).
Vì thế khi nghe thấy chú CSGT nói phạm lỗi vượt đèn đỏ là tôi không tin cho lắm. Mở của xe chào chú CSGT giao thông cái đã:
– “Chào anh. Anh cho tôi biết tại sao mà tôi vượt đèn đỏ được nhỉ, vì khi tôi đi đến gần đèn là tôi đã quan sát và thấy đèn vẫn xanh mà.”
– “Anh ra chỗ gốc cây kia có camera ghi lại hình ảnh” – đồng chí CSGT trả lời.
Tính tôi phải cái tò mò, thế là phải ra xem bằng được. Một cậu thanh niên trông mặt như “du côn” đưa cho xem cái camera, quay chậm và nói
– “Anh nhìn kỹ nhé, xe anh đang tiến vào ngã ba, đang đèn xanh đây nhé, rồi anh nhìn thấy đèn đỏ chưa. Xe anh vượt chưa nào? Vậy là lỗi vượt đèn đỏ rồi anh ạ.”
– “Ấy ấy từ từ, chú phóng to cho anh xem cái bánh xe phía trước của anh nào, xem đã qua vạch chưa đã” – Tôi nói với cái cậu mặc quần áo thường phục đó.
Quả nhiên bánh xe tôi chưa qua vạch thật. “Chết bỏ mẹ, sao mình không chú ý thế nhỉ” Tôi thầm nghĩ vậy, và mắt hướng ra phía cái đèn đỏ từ phía đường đối diện gần Showroom Mazda về phía đường Lê Lai, thì thấy ô kìa: cái đèn này sao lại nhảy từ xanh qua vàng rồi mới đến đỏ nhỉ? Mà tôi nhớ đèn phía bên kia không có nhảy qua đèn vàng mà nhảy thẳng từ xanh sang đỏ luôn.
Tôi bình tĩnh và đi lại phía đèn đầu kia và đứng bật em Samsung S6 lên quay. Úi zời, đúng là nó nhảy 1 phát từ xanh sang đỏ thật.
Thế là tôi bình tĩnh mang S6 lại cho 1 chú CSGT xem.
– “Các anh xem lại, hai hệ thống đèn tín hiệu giao thông không đồng nhất. Nếu mà đèn nhảy như ăn cướp thế này thì chẳng có ai phanh kịp được đâu bác ạ. Đèn gì mà chuyển xanh sang đỏ chưa đến 1giây. Còn phía này anh nhìn thấy không? Có đến 4 giây chuyển qua đèn vàng, vậy thì mới kịp dừng được chứ. Đèn như này hóa ra như bẫy à?”
Chú CSGT này hơi lúng túng, ra nói to nhỏ gì với 1 chú nữa và bảo tôi:
– “Anh này, anh biết luật là khi anh vượt đèn vàng thì cũng bị phạt chứ không phải đèn đỏ đâu nhé”
Tôi bộp lại ngay:
– “Nếu có đèn vàng thì em cũng đủ thời gian để phanh cái xe lại chứ không dại gì mà vượt qua anh ạ”
Lại trao đổi riêng thêm vài câu gì đó với nhau, rồi sau đó bảo tôi:
– “Thôi đèn giao thông nó trục trặc, anh đi chú ý nhìn vào nhé. Đi đứng cẩn thận vào đấy! Giấy tờ xe anh đây, anh đi đi.” Chú CSGT nói với vẻ mặt nghiêm trọng (lần nào mà trả giấy tờ không được mẩu xẩu nào cũng thế).
May quá không bị phạt mà cũng chẳng mất “xèng”. Qua đây, các bác nhà mình có đi quan đoạn đường này hay gặp các trường hợp tương tự thì hãy bình tĩnh giải quyết nhé. Mình không sai thì cũng chẳng ngại gì.
Đến đây cho tôi kết luận lại một cái. Các bác chú ý lỗi vượt đèn đỏ là lỗi phạt nặng và mang tính rủi ro giao thông rất cao. Ngoài ra các bác cũng nhớ thêm: lỗi vượt đèn vàng chỉ được tính khi đèn nhảy vàng mà 2 bánh xe phía trước chưa vượt qua vạch dừng và xe vẫn chạy tiếp thì mới bị dính phạt nhé.
Chúc các bác lái xe an toàn, và không dính phạt!