Mùng 4 nhớ Tết trâu, cúng “ông chuồng – bà chuồng“
Ngày xưa, đối với người dân quê phải mướn ruộng của chủ điền để canh tác hàng năm thì con trâu, con bò giúp cho họ biết bao công sức. Nhiều nhà nghèo không có trâu, bò phải đi mướn, cơ cực trăm phần. Nhà khá giả một chút coi con trâu là đầu cơ nghiệp. Vì vậy, người nghèo hay người giàu cũng nhờ nó, nhớ công của nó.
Tết đến, người người nhà nhà vui chơi, thì ai cũng nhớ tục Tết trâu. Tết trâu bắt đầu từ sáng mùng bốn bằng nhang đèn và mâm trái cây, thúng gạo, giấy tiền vàng bạc rượu, trà (có chỗ cúng bằng bánh tét với đường) để cúng ông Chuồng bà Chuồng. Sau đó, chủ nhà lại chuồng trâu đổ rượu vào miệng mũi trâu đực, đổ nước trà vào miệng mũi trâu cái, rồi lấy hai lá vàng bạc giấy dán hai sừng. Có người cúng xong còn đem bánh tét đúc cho trâu ăn. Chuồng trâu cũng được dán giấy cho … ăn tết.
Mâm cúng tết ông chuồng, bà chuồng (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Thực hiện nghi thức này thể hiện sự trân trọng và bày tỏ lòng biết ơn của người nông dân dành cho con vật hiền lành đã góp công lớn cho đời sống của họ. Âm hưởng từ bài ca dao:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta (…)
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Nghi thức tết trâu (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet).
Nó như một lời minh chứng cho sự thủy chung son sắt đó. Chủ trâu cũng không quên những bao lì xì hoặc cho những thúng gạo, đòn bánh cho những đứa trẻ chăn trâu mướn cho họ, coi như quà thưởng, đền công khó nhọc cả một năm trời cho những đối tượng giúp họ có lúa đầy bồ, gạo đầy cối. Xong nghi thức, trâu được thả ra đám cỏ non người ta đã dành sẵn cho nó.
Trong công cuộc sông nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay, máy móc đã thay trâu cày, và cũng từ đó phong tục tốt đẹp ngày xưa của ông bà để lại đã gần như vắng bóng.
Tết nhứt cũng là dịp để trả ơn và ghi ơn. Tiền nhân đã gửi gắm nhiều giá trị nhân văn sâu sắc qua những tập tục hình thành nên tự ngày xa xưa ấy!
Trâu ơi ta bảo trâu này