NGĂN NGỪA SỰ SUY THOÁI VĂN HÓA TRONG ĐẢNG

Văn hóa Đảng ở đây được hiểu là văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách một đảng cầm quyền đang đảm nhận trọng trách lãnh đạo giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam thực hiện lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Văn hóa Đảng là đời sống chính trị của Đảng, là những giá trị, chuẩn mực, nguyên tắc, phép ứng xử văn hóa được thể hiện trong các tổ chức đảng. Đó là khoa học – cách mạng – dân chủ và nhân văn ở trong Đảng… Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định văn hóa Đảng không có gì khác là “đạo đức” là “văn minh”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định: để xây dựng và phát triển văn hóa trong xã hội, trước hết cần xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các tổ chức Nhà nước. Mới đây nhất, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) cũng nói rất rõ về xây dựng văn hóa trong Đảng và Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII nêu quan điểm cũng như nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng văn hóa trong Đảng có nhiều nội dung, nhiệm vụ, trước hết cần chú trọng vai trò tiên phong, gưỡng mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên…

Xây dựng Văn hóa trong Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng như Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị là xây dựng đạo đức cán bộ, đảng viên, nhất là việc nêu cao gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Trong đó tập trung tăng cường và thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, tính tiền phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm, tính trung thực của cán bộ, đảng viên. Thực hiện chủ trương của Đảng là hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đây thực chất là yếu tố cơ bản nhất để Đảng không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu.

Xây dựng văn hóa trong Đảng là một việc làm thường xuyên, lâu dài, không chỉ là quyết tâm và trách nhiệm của toàn Đảng mà còn phải thu hút sự tham gia của toàn dân. Xây dựng văn hóa trong Đảng phải hết sức bền bỉ, công phu, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Phải làm cho toàn Đảng, từng tổ chức Đảng, từng cán bộ đảng viên có nhận thức đúng về văn hóa Đảng, làm cho văn hóa Đảng trở thành những giá trị đặc trưng cho một đảng cách mạng chân chính và hiện đại, thành nhu cầu trong Đảng và của đảng viên. Phải làm cho Đảng tăng sức đề kháng để bảo vệ mình vì suy đến cùng sức mạnh của Đảng là sức mạnh về văn hóa.

Xây dựng và thực hành văn hóa Đảng là dùng sức mạnh văn hóa chống lại những phản văn hóa một cách chủ động, tích cực. Với ý nghĩa đó, văn hóa Đảng là một giải pháp chiến lược, là tổng hợp và kết tinh mọi giải pháp xây dựng Đảng. Có thể khẳng định việc xây dựng và thực hành văn hóa Đảng vào lúc này là hết sức cần thiết, là vô cùng cấp bách làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, để ngăn ngừa sự suy thoái văn hóa trong Đảng chúng ta cần chú trọng một số nhiệm vụ sau:

Một là, chú trọng giáo dục trong Đảng và trong xã hội về lý tưởng và mục tiêu, sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Nhà nước ta theo đuổi, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, niềm tự hào dân tộc và truyền thống dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, tâm hồn dân tộc Việt Nam.

Hai là, thực hành đạo đức cách mạng là thực hành văn hóa. Đạo đức là cốt lõi của văn hóa, bởi đạo đức là gốc của con người. Từ thực trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên mà Đảng đã nghiêm khắc chỉ ra, chúng ta càng thấy phải xây dựng và thực hành văn hóa Đảng, làm cho các giá trị, chuẩn mực văn hóa thấm sâu vào đời sống của Đảng, trong sinh hoạt Đảng, trong mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức đảng, giữa Đảng với nhân dân. Thực hành đạo đức cách mạng, lời nói đi đôi với việc làm, rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống, phê và tự phê với tinh thần vì Đảng chứ không vì mình. Đó là chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội. Biết hy sinh, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Cái gì có lợi cho nhân dân thì phải kiên quyết làm cho bằng được. Cái gì có hại đến nhân dân phải kiên quyết tránh.

Ba là, thực hành đoàn kết, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”, theo lời Bác căn dặn trong Di chúc. Sự đoàn kết thống nhất trước hết phải được xây dựng trong Đảng, được thể hiện trong Đảng. Bởi Đảng có đoàn kết trên dưới đồng lòng mới lo được cho dân vì nhân dân phục vụ.

Bốn là, việc xây dựng văn hoá Đảng phải gắn với việc xây dựng văn hoá dân tộc. Chỉ trên cơ sở phát huy những tinh hoa văn hoá dân tộc thì mới có điều kiện xây dựng văn hoá Đảng một cách vững chắc. Đó là phát huy chủ nghĩa yêu nước truyền thống, tính cộng đồng dân tộc, khát vọng độc lập tự do của dân tộc, những giá trị tư tưởng và đạo đức truyền thống của dân tộc.

Năm là, xây dựng văn hóa trong Đảng là xây dựng văn hóa trong mỗi đảng viên, xây dựng mối quan hệ đồng chí trong cùng tổ chức đảng. Mỗi đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải là một tấm gương thực hành văn hóa, luôn nêu cao tính tiền phong trong rèn luyện lối sống lành mạnh, thực hành tiết kiệm, chủ động, sáng tạo trong công tác, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Thực hiện tốt việc xây dựng Đảng về văn hóa sẽ là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công trong vai trò lãnh đạo của Đảng.

Thu Dung