NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM: Trình diễn Áo dài cổ phục Việt | Du lịch
>> Bảo tồn văn hóa Việt trên tà áo dài
Sáng 23/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Trung tâm UNESCO Hỗ trợ Bảo tồn & Phát triển Nghệ thuật Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động đặc sắc kỷ niệm: NGÀY HỘI DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM LẦN THỨ 4.
Di sản văn hóa luôn là nguồn tài nguyên quý báu, góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Chuỗi hoạt động đặc sắc bao gồm: Lễ dâng hương 52 vị Vua Việt Nam tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội; Khai mạc Triển lãm ảnh; Trình diễn áo dài dân tộc truyền thống; Diễn đàn Doanh nhân, Doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa.
Tới tham dự có sự tham gia của: Ông Trần Văn Mạnh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay; Ông Bùi Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch VCCI; Nhà báo Phạm Ngọc Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch; Ông Hồ Hữu Thới – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Quang – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội; GS Sử học Lê Văn Lan; Nhà Thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam – Chủ tịch CLB áo dài Việt Nam; Bà Bùi Thanh hương – Chủ tịch netword; Ông Trịnh Hoà Bình – chuyên gia văn hoá; Bà Cao Ngọc Dung – Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Tp HCM; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ); Bà Cao Thị Minh Hạnh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Hà Nội; Bà Tô Thị Phương Thảo – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Hà Nội; Doanh nhân Phạm Hà – Chủ tịch HĐQT; Nghệ nhân văn hoá Cao Văn Anh – GĐ Công Ty TNHH Linh Quang Điện Tử Vi Việt Nam; Doanh nhân Nguyễn Thị Duyên – Giám đốc Công ty Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum; Doanh Nhân Phan Thị Quảng – Giám đốc Công Ty Cổ phân xây dựng Quảng Hồng – Bãi biển Quảng Hồng – Quảng Ninh…
Phát biểu tại chương trình trình diễn áo dài cổ phục Việt, ông Phan Đức Bình – Đồng sáng lập câu lạc bộ Đại Việt Phong hoa cho biết, một thành phần không thể thiếu của văn hóa là trang phục. Tà áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam từ trước đến nay đã trải qua rất nhiều thời kì phát triển, ở mỗi thời kì đều có một nét đặc trưng riêng biệt. Ngày nay chúng ta đã quen với tà áo dài, được dùng làm trang phục của học sinh hay của các công chức viên chức.
Ông Bình thông tin, có một số nghiên cứu cho rằng áo dài đã xuất hiện từ thời kỳ Đông Sơn. Qua những hình ảnh trên mặt chiếc trống đồng Đông Sơn (700 TCN – 100) cho thấy hình người Việt cổ thời đó đã mặc trang phục với hai tà áo xẻ đôi.
Tuy nhiên, trong 1000 năm bị đô hộ bởi phương Bắc, trang phục của người Việt đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Bộ trang phục lúc này có tới 3-5 lớp, có lẽ do khí hậu lạnh của phương Bắc mà những chi tiết như chiếc khăn choàng cũng được tận dụng triệt để.
Sự xuất hiện của áo dài gần giống với hiện đại nhất bắt nguồn từ áo giao lĩnh (năm 1744) – là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo giao lĩnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân. Đây được xem là cuộc cải cách trang phục của chúa Võ – Nguyễn Phúc Khoát.
Trên cơ sở áo tứ thân, đến thời vua Gia Long áo ngũ thân xuất hiện. Loại áo này thường được may thêm một tà nhỏ để tượng trưng cho địa vị của người mặc trong xã hội.
Đến năm 1939, áo dài được họa sĩ Cát Tường cải biến – Áo dài Lemur là tên được đặt theo tên tiếng Pháp của bà. Kiểu áo này thịnh hành đến 1943 thì bị lãng quên. Áo dài Lê Phổ được ra đời sau đó với sự kết hợp mới từ áo tứ thân, biến thể của áo dài Lemur của họa sĩ Lê Phổ nên được gọi là áo dài Lê Phổ.
Bà đã thu gọn kích thước áo dài để ôm khít thân hình người phụ nữ Việt Nam, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ. Nói cách khác, bà khiến nó trở nên gợi cảm, tinh tế và thu hút hơn.
Sau bốn năm phổ biến, “áo dài le mur” được hoạ sĩ Lê Phổ đã bỏ hết những ảnh hưởng phương Tây và thay thế bằng những chi tiết từ áo tứ thân. Từ thời điểm này đến những năm 1950, phong cách áo dài Việt Nam đã trở nên vô cùng nổi tiếng trong truyền thống nước nhà. Mẫu áo dài Lê Phổ cổ cao được xem là mẫu nguyên gốc của thiết kế áo dài Việt hiện nay.
Cùng với xu hướng năng động, thay đổi của lối sống hiện đại, tà áo dài truyền thống được các nhà thiết kế cách điệu với tà ngắn hơn, thay đổi ở cổ áo, tay áo hoặc thậm chí là tà áo hoặc quần mặc chung với áo dài đem đến cho người phụ nữ Việt nhiều sự chọn lựa.
Cũng chính vì sự cách điệu này mà áo dài ngày càng được phụ nữ Việt diện nhiều hơn trong đời sống hàng ngày. Dù là áo dài ở thời kỳ nào thì cấu tạo của một bộ áo dài đều gồm các phần: cổ áo, thân áo, tà áo, tay áo, quần.
Ông Phan Đức Bình cho biết, với lịch sử phát triển qua thời gian dài như vậy, chiếc áo dài Việt Nam đã hoàn thiện hơn bao giờ hết. Áo dài trở thành biểu tượng của nền văn hóa, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Có thể nói, áo dài không chỉ là một bộ trang phục đại diện cho cả một nền văn hóa, mà còn là cảm hứng sáng tác không dứt của nghệ thuật Việt Nam.
Một số hình ảnh tại Lễ khai mạc Ngày hội di sản văn hoá Việt Nam:
Đánh giá của bạn:
Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.