NGHI LỄ TẠ MỘ CUỐI NĂM CẦN LƯU Ý ĐIỀU GÌ?
Ý nghĩa lễ tạ mộ cuối năm
Nghi lễ tạ mộ cuối năm là điều rất quan trọng, nó thể hiện tinh thần hiếu thảo của người Việt.
Nhiều gia đình thường kết hợp lễ tạ mộ cuối năm cùng lễ mời ông bà tổ tiên về ăn Tết, phù hộ độ trì cho con cháu một năm mới an lành, mạnh khỏe.
Phần mộ được coi là “nhà” của người đã khuất nên thường được con cháu sửa sang sạch, đẹp để đón Tết Nguyên đán bằng lễ tạ mộ – có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu thảo và mời gia tiên “về” đón Tết. Lễ tạ mộ trước Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hoá của người Việt, là cách để con cháu “giao lưu” với tổ tiên, để gia tiền phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc – như niềm tin của người dân ta. Vì thế gia đình nào bận mấy cũng thu xếp thời gian làm lễ tạ mộ cuối năm.
Theo thầy Tam Nguyên, việc tạ mộ cuối năm rất quan trọng, là cách để con cháu cảm ơn thần linh, thổ địa khu vực có mộ phần. Tương tự như cuối năm con cháu làm lễ tạ thần linh, thổ địa gia tiên, tiền chủ nơi nhà họ đang sống.
Tạ mộ không chỉ tạ “các cụ” nhà mình, mà nên hiểu đủ là tạ ơn phật thánh, quan thần linh bản địa, chư vị tôn thần… đã cho các cụ nương nhờ mảnh đất đó. Nhờ vậy các cụ mới dễ dàng “đi về” mà phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc.
Tạ mộ là thể hiện lòng hiếu, là một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo, tri ân các bậc tiền nhân chứ không phải là để trưng diện khoe mẽ với trần thế.
Tùy gia đình mà có thể cúng “hàn long mạch” phần mộ bằng nước ngũ vị, hàn the tưới quanh các ngôi mộ.
>>> Xem thêm bài viết: Lễ Tạ Mộ Cuối Năm
Lễ tạ mộ cuối năm là nét đẹp trong văn hóa Việt
Thời gian làm lễ Tạ Mộ
Lễ tạ mộ có thể làm độc lập vào tất cả các ngày tốt trong tháng Chạp hoặc nhiều gia đình cũng thường kết hợp với lễ mời gia tiên về ăn Tết sau ngày 23 tháng Chạp.
Thông thường, tùy vào điều kiện mỗi gia đình và phong tục từng miền, mỗi nơi mỗi nhà có cách sắm lễ tạ mộ phần khác nhau.
Bài viết này viết về cách sắm lễ và văn khấn tạ mộ phần mang tính chất chung nhất cho những ai quan tâm để mọi người có thể thực hiện lễ tạ mộ vào dịp cuối năm được đầy đủ lễ nghi nhất.
Sắm lễ tạ mộ
Một lễ tạ mộ phần, phần hương hoa đồ mặn đầy đủ cần có:
- 10 bông hoa hồng đỏ tươi
- 3 lá trầu, 3 quả cau có cành dài và đẹp
- 1 đĩa trái cây
- 1 đĩa lớn xôi trắng có gà trống thiến luộc nguyên con đặt lên trên
- Rượu
- Chè
- Thuốc lá
- 2 nến cốc màu đỏ
Phần đồ mã cần có:
- 1 cây hoa vàng hoa đỏ
- 5 con ngựa (mỗi con 1 màu)
- 5 bộ (mũ, áo, hia) loại to có kèm ngựa, cờ lệnh, kiếm và roi
* Lưu ý:
Mỗi con ngựa trên lưng đều có 10 lễ tiền vàng (mỗi lễ bao gồm: tiền xu, tiền vàng lá, tiền âm phủ). Tất cả có 4 đĩa để tiền vàng riêng. Trong đó lưu ý vong nam, phụ, lão, ấu mà dâng áo quần sao cho phù hợp.
Tất cả đồ lễ phải bày biện đàng hoàng. Nếu phần mộ nhỏ thì cần có bàn kê, mâm đỡ.
Ngoài ra, tùy điều kiện gia chủ có thể thêm bớt lễ vật, quan trọng nhất là lòng thành tâm nhớ tới ông bà, tổ tiên.
Chuẩn bị cho lễ tạ mộ
Bài văn khấn lễ tạ mộ phần
(Theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam, NXB Văn Hóa – Thông Tin)
“Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
– Con kính lạy ngài Địa tạng vương bồ tát.
– Con kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế Chí đức Tôn thần, Kim niên hành binh, Công tào Phán quan.
– Con kính lạy ngày Bản cảnh Thành Hoàng Chư vị Đại Vương quản cai nơi nghĩa trang.
– Con kính lạy Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa Tôn thần.
– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ Long Mạch Tôn thần, các ngài Tiền Chu tước, Hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ cùng liệt vị Tôn Thần cai quản trong nơi nghĩa trang này.
– Con kính lạy hương linh cụ:…………………..
Hôm nay là ngày…….. tháng Chạp, năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Tín chủ (chúng) con là:…………..
Ngụ tại:…………..
Chúng con sắm sanh phẩm vật, hương hoa trà quả,kim ngân tài mã, dâng hiến trình cáo Tôn thần.
Kính rước vong linh bản gia tiên tổ chúng con là:……………
Kỵ nhật là…
Có phần mộ táng tại…………
Được về với gia đình đón mừng năm mới, để cho cháu con được phụng sự trong tiết xuân thiên, báo đáp ân thâm, tỏ lòng hiếu kính. Cúi xin Tôn thần, Phủ thùy doãn hứa.
Âm dương cách trở
Bát nước nén hương.
Thành tâm kính lễ
Cúi xin chứng giám
Phù hộ độ trì
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!”
Những lưu ý về lễ tạ mộ
– Tạ mộ vào giờ nào tùy vào điều kiện, thời tiết thuận lợi, và sức khỏe cho phép. Nhưng tốt nhất nên chọn ngày tạnh ráo, ấm áp.
– Dịp này cha mẹ hay cho trẻ đi theo tạ mộ, trước là để biết dần vị trí phần mộ, sau là tập cho trẻ kính trọng, hiếu đễ tổ tiên. Vì vậy cần:
– Tránh đi tạ mộ quá sớm bởi lúc đó sương đêm chưa tan. Cũng không nên đi quá muộn bởi chiều tối và đêm âm khí nặng nề, không tốt cho sức khỏe.
– Khi thời tiết mưa gió, sấm chớp thì không nên đi tạ mộ.
– Nghi lễ tạ mộ không nên làm linh đình, tốn kém để khoe mẽ. Cũng không nặng về hình thức, đốt vàng mã lớn kiểu mê tín.
– Không nên ăn đồ cúng ở nghĩa trang, vì dễ bị lạnh bụng, ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa (chưa kể đến vấn đề tần số tâm linh).
– Không nô đùa, ngồi lên những ngôi mộ vì bị coi là bất kính.
– Không tranh thủ ngồi thiền, tập dưỡng sinh, thể dục ở đó vì uế khí dễ xâm nhập vào cơ thể.
– Đi tạ mộ về, nên hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các chược khí, âm khí bám vào người và quần áo…
>>>> Xem thêm: Cần Chuẩn Bị Gì Cho Lễ Tạ Táo Cuối Năm