NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG HIỆN ĐẠI PHÙ HỢP VỚI THỰC TẾ VIỆT NAM HIỆN NAY – Đào Tạo MOF

 ThS. Nguyễn Văn Thuyết,

Phó trưởng phòng, Vụ Tài chính ngân hàng – Bộ Tài chính

 Nếu hệ thống ngân hàng được ví là huyết mạch thì Ngân hàng Trung ương (NHTW) chính là trái tim của nền kinh tế. Một nền kinh tế chỉ có thể phát triển lành mạnh khi có một NHTW thực hiện tốt chức năng điều tiết hệ thống tiền tệ. Ngược lại, những trục trặc trong hoạt động của NHTW cũng có thể gây ra những cú “đột quỵ” đối với cả nền kinh tế. Vì vậy, ở bất kỳ quốc gia nào, NHTW cũng đều đóng vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội.

Tại hầu hết các quốc gia, Ngân hàng Trung ương (NHTW) là cơ quan quản lý, xây dựng và điều hành CSTT quốc gia. Nhiệm vụ của NHTW là thông qua các công cụ điều hành nhằm đạt được mục tiêu ổn định giá cả, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy tăng trường kinh tế. Do vậy, các vấn đề liên quan về thể chế, cơ cấu tổ chức, điều hành của NHTW có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả đạt được trong việc ổn định giá cả và khu vực tiền tệ nói riêng, khu vực tài chính nói chung.

Thực tế cho thấy, không có một “mô hình chuẩn” nào đối với NHTW, nói cách khác, không có một mô hình NHTW duy nhất nào có thể áp dụng cho tất cả các nền kinh tế. Mỗi quốc gia tùy thuộc vào đặc điểm, trình độ phát triển kinh tế và thể chế chính trị của mình mà lựa chọn mô hình NHTW phù hợp. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, nó phải đảm bảo cho NHTW có thể thực hiện được vai trò của mình đối với nền kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Ở Việt Nam, trước khi hai Pháp lệnh ngân hàng ra đời (5/1990), hệ thống Ngân hàng hoạt động theo mô hình một cấp, tức là NHNN vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng. Sau khi hai Pháp lệnh ngân hàng ra đời, hệ thống Ngân hàng chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình hai cấp; theo đó, lần đầu tiên đối tượng, nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của mỗi cấp được luật pháp phân biệt rạch ròi:

– NHNN thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và ngân hàng; thực thi nhiệm vụ của một NHTW và là ngân hàng của các ngân hàng. NHNN là cơ quan tổ chức việc điều hành CSTT, lấy nhiệm vụ giữ ổn định giá trị đồng tiền làm mục tiêu chủ yếu và chi phối căn bản các chính sách điều hành cụ thể đối với hệ thống các ngân hàng cấp 2. NHTW là ngân hàng duy nhất được phát hành tiền.

– Các hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu thông tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và dịch vụ ngân hàng trong toàn nền kinh tế quốc dân do các định chế tài chính, ngân hàng và phi ngân hàng thực hiện.

Tháng 6/2010, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra đời và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011. Theo đó NHNN là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Kể từ khi Luật NHNN 2010 ra đời đến nay, NHNN Việt Nam đã đạt được một số kết quả khả quan và có những bước tiến khá vững chắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động khó lường, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay những hạn chế của NHNN là điều khó tránh khỏi và cần có sự cải cách triệt để cũng như cần tìm ra một mô hình NHTW hiện đại phù hợp với điều kiện Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của NHTW hơn nữa

21.1. Ngân hàng Trung ương hiện đại và mô hình áp dụng của của một số nước trên Thế giới

Mục lục

21.1.1. Tổng quan cơ chế hoạt động của Ngân hàng trung ương hiện đại

21.1.1.1. Khái niệm, chức năng, nhiệm vụ và những mục tiêu chung của NHTW hiện đại

a. Khái niệm Ngân hàng trung ương

Ngân hàng trung ương (NHTW) là một định chế công cộng có thể độc lập hoặc trực thuộc Chính Phủ, thực hiện chức năng độc quyền phát hành tiền, là ngân hàng của các ngân hàng, ngân hàng của Chính Phủ và chịu trách nhiệm trong việc quản lý Nhà nước về các hoạt động về tiền tệ tín dụng cho mục tiêu phát triển và ổn định của cộng đồng.

b. Chức năng của Ngân hàng trung ương

– Ngân hàng trung ương là ngân hàng phát hành tiền: Tiền phát hành vào lưu thông bao gồm các loại: Giấy bạc ngân hàng, tiền kim loại và tiền chuyển khoản; NHTW giữ độc quyền phát hành giấy bạc ngân hàng và tiền kim loại; NHTW tham gia và kiểm soát việc tạo tiền chuyển khoản của các NHTM và TCTD.

Tiền chuyển khoản được tạo ra thông qua nghiệp vụ tín dụng và thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng. Cơ chế tạo tiền chuyển khoản không thể thiếu sự tham gia và kiểm soát chặt chẽ của NHTW. Việc kiểm soát này được thể hiện bằng việc định ra tỷ lệ dự trữ bắt buộc, lãi suất tái chiết khấu, cơ cấu hợp lý giữa tiền mặt và tiền chuyển khoản…

– NHTW là ngân hàng của các ngân hàng: NHTW thực hiện chức năng là ngân hàng của các ngân hàng bởi NHTW cũng cung cấp các dịch vụ cho các NHTM và TCTD như các NHTM và TCTD cung cấp cho khách hàng như: Mở tài khoản tiền gửi và bảo quản dự trữ tiền tệ, làm trung tâm thanh toán; và cấp tín dụng cho các ngân hàng trung gian. Tuy nhiên, việc cung ứng các dịch vụ của NHTW không vì mục đích lợi nhuận mà hướng tới việc NHTW thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng với trọng tâm là kiểm soát quá trình cung ứng tiền tệ trong nền kinh tế.

– NHTW là NHNN: NHTW thể hiện trên phương diện quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng như: Quản lý Nhà nước về các hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàng đối nội và đối ngoại, NHTW xây dựng và thực thi CSTT quốc gia, nhận tiền gửi của kho bạc Nhà nước, cho NSNN vay, thay mặt chính phủ ký kết các hiệp định về tiền tệ, tín dụng, thanh toán với nước ngoài và tổ chức tài chính – tín dụng quốc tế.

– NHTW là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng: Đây là chức năng quyết định bản chất NHTW của một ngân hàng phát hành. Việc thực hiện chức năng này không thể tách rời các nghiệp vụ ngân hàng của NHTW.

c. Trách nhiệm và nghĩa vụ của NHTW

NHTW được trao quyền tự chủ và những công cụ cần thiết để thực thi một trong những chính sách quan trọng của Nhà nước có ảnh hưởng lớn tới toàn bộ nền kinh tế và an sinh xã hội. Do vậy, đi cùng với quyền hạn và chức năng thì trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức đặc biệt này cũng phải được quy định cụ thể và chặt chẽ trong luật.

– Chịu trách nhiệm giải trình: Về mặt nguyên lý, trách nhiệm giải trình của NHTW phải tương xứng với mức độ độc lập, đặc biệt là độc lập về chính sách và nhân sự của nó. Trách nhiệm và nghĩa vụ giải trình của NHTW gắn liền với mục tiêu và nhiệm vụ/chức năng của tổ chức này, cụ thể là về việc thực thi CSTT và ổn định hệ thống tài chính.

– Công khai và minh bạch: Tính minh bạch của một NHTW được đo lường bằng khả năng của nó trong việc truyền đạt ý định của mình, và nhờ đó giảm độ bất định của mục tiêu chính sách trong nhận thức của công chúng (xem Blinder, Goodhart, Hildebrand, Lipton, và Wyplosz, 2001). Vì NHTW tác động đến lãi suất trong cả ngắn hạn và dài hạn (thông qua việc phát tín hiệu về chính sách trong tương lai và do vậy tác động đến kỳ vọng lạm phát) nên sự minh bạch và giao tiếp hiệu quả giữa NHTW với thị trường sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hiệu lực của CSTT.

d. Những mục tiêu chung của Ngân hàng trung ương hiện đại

Ngân hàng trung ương có thể theo đuổi một số mục tiêu. Các NHTW khác nhau lại có thể có những mục tiêu với thứ tự ưu tiên khác nhau. Tuy nhiên, tựu trung lại, mục tiêu cuối cùng của các NHTW thường rơi vào năm nhóm sau: (i) ổn định giá cả, (ii) ổn định tỷ giá, (iii) tăng trưởng, (iv) việc làm, và (v) ổn định hệ thống tài chính; trong đó bốn nhóm đầu tiên liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, và nhóm cuối cùng liên quan đến giảm rủi ro hệ thống của khu vực tài chính. Trên thực tế, mục tiêu cuối cùng quan trọng nhất của hầu hết các NHTW là ổn định giá cả và đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.

21.1.1.2. Tính độc lập của NHTW hiện đại

Trong một nền kinh tế thị trường phát triển, để NHTW có thể hoàn thành những vai trò và nhiệm vụ như đã trình bày ở trên, quan hệ giữa tổ chức này với cơ quan lập pháp (Quốc hội) và cơ quan hành pháp (Chính phủ) phải được phân định rõ ràng trong luật về NHTW. Đạo luật này phải nêu rõ địa vị pháp lý của NHTW, phân định quyền hạn của NHTW (trong mối quan hệ với Quốc hội và Chính phủ) trong việc hình thành và thực thi CSTT. Xu hướng chung của các NHTW hiện đại (sẽ thảo luận ở Phần II) là cơ quan này ngày càng trở nên độc lập với Quốc hội và Chính phủ. Tính độc lập của NHTW thể hiện ở ba khía cạnh: (i) độc lập về nhân sự, (ii) độc lập về chính sách và (iii) độc lập về tài chính.

a. Độc lập về nhân sự:

Mức độ độc lập về mặt nhân sự được thể hiện qua quyền hạn của Thống đốc NHTW, trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến nhân sự bên trong tổ chức của mình như bổ nhiệm và miễn nhiệm nhân sự, phân công nhiệm vụ và quyền hạn, chế độ lương bổng và trợ cấp v.v. Tuy nhiên Quốc hội và Chính phủ thường có tiếng nói quyết định trong việc chỉ định các nhân sự chủ chốt của NHTW. Hầu hết các NHTW hiện đại đều có một hội đồng CSTT (sẽ bàn thêm ở dưới) mà các thành viên của hội đồng này phải được Quốc hội và/hoặc Chính phủ bổ nhiệm hoặc phê duyệt.

Để tăng cường tính độc lập của NHTW, nhiệm kỳ của thống đốc và các nhân sự chủ chốt thường lệch pha với nhiệm kỳ của Quốc hội và Chính phủ, nghĩa là thống đốc sẽ được một Quốc hội/Chính phủ này bổ nhiệm nhưng sẽ làm việc với Quốc hội/Chính phủ nhiệm kỳ sau. Một số nước qui định nhiệm kỳ của thống đốc dài hơn nhiệm kỳ của Quốc hội/Chính phủ cũng nhằm mục đích giúp các thống đốc ít bị lệ thuộc hơn. Các thành viên khác của hội đồng tiền tệ thường có chu kỳ bầu/bổ nhiệm khác nhau, ví dụ mỗi năm sẽ có một tỷ lệ nhất định thành viên mới. Cách làm này vừa giúp hội đồng tiền tệ có tính kế thừa, vừa đảm bảo trong hội đồng này luôn có các thành viên được chỉ định bởi các nhiệm kỳ Quốc hội/Chính phủ khác nhau.

Mặc dù không phải là thành viên của Chính phủ và thường không phải giải trình trước Quốc hội như các bộ trưởng trong Chính phủ, thống đốc NHTW và các thành viên hội đồng tiền tệ có trách nhiệm báo cáo các hoạt động của mình cho một ủy ban đặc trách của Quốc hội và Chính phủ. Ủy ban này thường tổ chức các cuộc chất vấn thống đốc định kỳ và đột xuất. Quốc hội cũng có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm để phế truất thống đốc do không hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu Chính phủ (thủ tướng hoặc tổng thống) tuy không có quyền phế truất trục tiếp thống đốc NHTW nhưng có thể đề nghị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm.

b. Độc lập về chính sách:

Sự độc lập về chính sách lại có hai khía cạnh, đó là độc lập về mục tiêu trung gian và công cụ chính sách của NHTW. Đa số các nước đưa mục tiêu cuối cùng (ví dụ ổn định giá cả, ổn định việc làm, ổn định hệ thống tài chính) vào luật NHTW. Bất kỳ thay đổi hoặc bổ sung nào về mục tiêu cuối cùng đều phải được Quốc hội phê chuẩn.

Ở một số quốc gia (như Úc hay Anh chẳng hạn), mục tiêu trung gian của CSTT (thường là tỷ lệ lạm phát) do Bộ Tài chính cùng với NHTW quyết định. Ở một số quốc gia khác (như Mỹ hay EU), mục tiêu trung gian này hoàn toàn do NHTW quyết định. Khi cả Bộ Tài chính và NHTW cùng tham gia vào việc xác lập mục tiêu trung gian của CSTT thì về nguyên tắc, hai cơ quan này cùng phải chịu trách nhiệm giải trình trước quốc hội. Nói cách khác, cơ quan nào ra quyết định thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm giải trình về chính sách và kết quả chính sách.

Sau khi đã có mục tiêu trung gian, NHTW cần phải có mục tiêu công cụ để thực hiện CSTT. Mục tiêu công cụ thường là lãi suất định hướng (lãi suất cơ bản) trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá trung tâm hay biên độ dao động của tỷ giá. Những chỉ số này thường được một hội đồng CSTT quốc gia quyết định. Mặc dù hội đồng này trong nhiều trường hợp là một bộ phận của NHTW, các thành viên tham gia có thể bao gồm đại diện Quốc hội, Chính phủ, giới doanh nghiệp bên ngoài, và giới chuyên gia kinh tế (giảng viên hay nhà nghiên cứu kinh tế). Mục đích của sự đa dạng này là để CSTT phản ánh được quan điểm của nhiều thành phần của nền kinh tế, coi như đây là một cách cân bằng lại tính độc lập ra quyết định của NHTW. Tuy nhiên, các thành viên của hội đồng này, dù không phải là người của NHTW, cũng phải ra quyết định dựa vào các phân tích và đánh giá về tình hình kinh tế của các chuyên gia NHTW Sau khi Hội đồng CSTT quốc gia đưa ra các mục tiêu công cụ trong các cuộc họp định kỳ (thường là hàng tháng), NHTW có toàn quyền sử dụng các công cụ của mình để đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, vì đặc thù của hệ thống tiền tệ, NHTW thường được giao thêm một số quyền tự chủ khác để bổ sung và củng cố CSTT cũng như hoàn thành các mục tiêu khác ngoài mục tiêu tiền tệ. Ví dụ NHTW được quyền quyết định việc kiểm soát dòng vốn nước ngoài chảy vào và chảy ra khỏi biên giới quốc gia. Hay NHTW có quyền thực thi các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng tài chính xảy ra. Ví dụ NHTW có quyền quốc hữu hóa một/vài NHTM, có quyền đóng băng các khoản nợ của một vài NHTM, có quyền buộc hoán đổi nợ thành cổ phần (equity), có quyền cho vay vượt giới hạn của công cụ cho vay bổ sung thanh khoản (discount window), có quyền mua bán các loại tài sản tài chính ngoài các tài sản thông thường.

c. Độc lập về tài chính:

Mức độ độc lập về tài chính được thể hiện qua ba khía cạnh. Thứ nhất, NHTW có quyền tự chủ trong việc quyết định phạm vi và mức độ tài trợ cho chi tiêu của chính phủ một cách trực tiếp hay gián tiếp bằng tín dụng của NHTW. Ở một số quốc gia NHTW độc lập hoàn toàn về mặt tài chính. Cơ sở của sự độc lập này nằm ở một logic đơn giản: Để ổn định giá cả thì cơ quan in tiền không nên phụ thuộc vào cơ quan tiêu tiền.

Thứ hai, NHTW có nguồn tài chính đủ lớn để không phải phụ thuộc vào sự cấp phát tài chính của chính phủ, mà cụ thể là Bộ Tài chính. Cũng cần nói thêm rằng sự độc lập về mặt tài chính không có nghĩa là NHTW có thể chi tiêu một cách tùy tiện, nhất là khi đa số các NHTW đều có thặng dư từ hoạt động của mình. Về mặt nguyên tắc cũng như trên thực tế, khoản thặng dư này thường phải chuyển vào ngân khố quốc gia (do Bộ Tài chính quản lý) và/hoặc được chuyển thành dự trữ (do NHTW quản lý).

Thứ ba, người đứng đầu của NHTW (thống đốc) có quyền quyết định hầu hết các khoản chi tiêu của tổ chức này trong khuôn khổ dự toán ngân sách đã được phê duyệt. Cơ quan có chức năng phê duyệt dự toán ngân sách của NHTW, tương đương với hội đồng quản trị của tổ chức này, có thể là Quốc hội hoặc một ủy ban gồm đại diện của Quốc hội và đại diện Chính phủ. NHTW cũng có tránh nhiệm báo cáo tài chính hàng năm, sau khi đã được kiểm toán độc lập, cho cơ quan này.

21.1.1.3. Hệ thống thanh toán của NHTW hiện đại

Với vai trò mấu chốt của các hệ thống thanh toán, thì không khó nhận thấy sự rối loạn trong hoạt động của nó có thể gây tác động dây chuyền lên các thị trường tài chính mà nó phục vụ. Ví dụ, hậu quả của sự đổ bể trong hệ tống thanh toán, các nghĩa vụ phát sinh ở những thị trường cá biệt không thể được đáp ứng được kịp thời; hậu quả là, không chỉ lòng tin về sự lành mạnh tài chính của các nhà giao dịch cá biệt trên thị trường đó mà còn lòng tin về tính thanh khoản và sự ổn định của toàn thể thị trường có thể bị tổn hại.

Ngược lại, khả năng phát triển bất lợi của thị trường tài chính hoặc định chế gây ra ảnh hưởng làm rối loạn hoạt động của hệ thống thanh toán. Như vậy, nếu một vấn đề phát sinh gây tác động trực tiếp lên một hoặc hơn một ngân hàng đang hoạt động trong hệ thống thanh toán, khi đó các ngân hàng thành viên khác của hệ thống có thể gặp nguy cơ khó khăn trong quyết toán liên ngân hàng và vì vậy trì hoãn gửi các chỉ định chuyển tiền đến các ngân hàng bị ảnh hưởng. Nếu vấn đề lan rộng đến phạm vi nào đó hoặc tác động khá nghiêm trọng đến ngân hàng trong hệ thống thanh toán, khi đó tình trạng “gridlock” có thể xảy ra, với các khoản thanh toán bị ngẽn lại ở cả hệ thống.

Vì vậy, có hai cách tác động để giữ tính ổn định trong các thị trường tài chính và ngân hàng và tính ổn định trong hệ thống thanh toán. Các ngân hàng và các thanh tra thị trường tài chính cần liên lạc chặt chẽ với các nhà giám sát hệ thống thanh toán và vì vậy đảm bảo rằng, chừng nào có thể, những vấn đề được xắp xếp theo mô tả dưới đây có thể được dự đoán và giải quyết từ giai đoạn sớm.

Các hệ thống thanh toán và thực thi chính sách tiền tệ

Hệ thống thanh toán giá trị lớn của một nền kinh tế thị trường phát triển đóng vai trò chủ yếu trong việc thực hiện thành công các trách nhiệm chủ chốt của mỗi NHTW – nghĩa là đạt được và duy trì sự ổn định CSTT.

Trong một nền kinh thế thị trường hiện đại, công cụ chính của CSTT là lãi suất ngắn hạn – tỷ lệ lãi mà theo đó các ngân hàng thương mại có thể vay hoặc cho vay lẫn nhau trên thị trường tiền tệ. Các ngân hàng trung ương kiểm soát lãi suất thông qua năng lực của họ – như tác động đến sự cân bằng giữa cung và cầu về tiền trên các thị trường tiền tệ. Tại nhiều nước, những thay đổi về mức dự trữ bắt buộc mà các ngân hàng thương mại phải duy trì tại ngân hàng trung ương được sử dụng để tác động đến sự cân bằng giữa cung và cầu và như vậy làm phát sinh những luồng nhu cầu lên lãi suất ngắn hạn, và như vậy tác động lên cả chuỗi lãi suất trong nền kinh tế. Tại những nước khác, chẳng hạn như Anh, hoạt động thị trường mở của ngân hàng trung ương được thiết kế để đảm bảo rằng mỗi ngày toàn bộ thị trường tiền tệ đối mặt với sự thiếu hụt tạm thời, mà ngân hàng trung ương sau đó dựa trên lãi suất mà nó mong muốn để theo dõi thiết lập và duy trì trên thị trường.

Cả các phương pháp thể hiện xu hướng theo thị trường trong việc thực thi CSTT, hoặc tương tự như vậy buộc phải:

– Các thị trường tiền tệ liên ngân hàng được sử dụng một cách năng động bởi người đi vay và cho vay (như vốn khả dụng) và như vậy là chỉ số tin cậy về những điều kiện tiền tệ trong tổng thể nền kinh tế;

– Ngân hàng trung ương có thể dự đoán một cách tin cậy những tác động hàng ngày chủ yếu lên thanh khoản thị trường tiền tệ – đặc biệt là các luồng tiền tệ chủ yếu giữa chính phủ và các khu vực tư nhân (ví dụ, một bên là các khoản thuế nhận được, và bên kia chi tiêu của chính phủ).

Hệ thống thanh toán giá trị lớn tin cậy với sự quyết toán trong cùng ngày là yêu cầu rất cần thiết để đáp ứng cả hai điều kiện này.

Các hệ thống thanh toán và hiệu quả của nền kinh tế

Nếu một hệ thống thanh toán là không hiệu quả và không đáng tin cậy, có thể phải mất hàng tuần chứ không phải chỉ vài ngày cho một chỉ định thanh toán chuyển từ ngân hàng người trả tiền đến ngân hàng người nhận tiền và để tài khoản của người nhận cuối cùng được ghi có. Ngoài ra, tính kịp thời của những món thanh toán như vậy là không chắc chắn: nó có thể chỉ mất một vài ngày trong tình huống này, nhưng cá thể là hai tuần trong tình huống khác. Sự mất hiệu quả như vậy trong hệ thống thanh toán không chỉ là bất tiện đối với người sử dụng, mà còn có thể ảnh hướng tiêu cực lên hoạt động của nền kinh tế. Nếu tiền bị “giữ lại” tại hệ thống thanh toán, thì nó không có để dành cho mục đích khác, hữu ích. Tương tự, nếu các tổ chức kinh tế không thể dự đoán chính xác thời điểm đến của tiền, khi đó sẽ khó khăn hơn nhiều để họ có thể lập kế hoạch chi tiêu của mình theo cách thức hiệu quả và tiết kiệm.

Nội dung và tính tất yếu của sự tham gia của ngân hàng trung ương trong các hệ thống thanh toán.

Hoạt động của các hệ thống thanh toán vì vậy liên quan chặt chẽ đến hai mục tiêu mấu chốt của ngân hàng trung ương là ổn định tiền tệ và ổn định tài chính và sẽ kèm theo mục tiêu rộng hơn vì lợi ích của nền kinh tế. Vì vậy, vai trò nào mà ngân hàng trung ương có trong mối quan hệ với các hệ thống thanh toán quốc gia, thì đó sẽ là cách thức đảm bảo họ phát triển cho những mục tiêu xa hơn của mình? Để trả lời câu hỏi này, điều trước hết cần cân nhắc là những vai trò có thể của ngân hàng trung ương trong hoạt động của các hệ thống thanh toán. Điều này có thể phân định những nội dung theo bốn chức năng tách biệt:

– Như người sử dụng hệ thống thanh toán. Một ngân hàng trung ương có các giao dịch của chính mình phải thực hiện, buộc phải chuyển vốn. Hầu hết các khoản rõ ràng này bao gồm việc quyết toán các hoạt động thị trường mở thông qua hệ thống thanh toán, như vậy để thực thi CSTT; quyết toán các khoản thanh toán cho các giao dịch chính thức về chứng khoán chính phủ (bao gồm cả việc phát hành mới và hoàn trả cũ), cho dù ngắn hạn trên thị trường tiền tệ hoặc dài hạn hơn trên các thị trường trái phiếu chính phủ; và quyết toán tiền mặt nội tệ cho những giao dịch ngoại hối chính thức. Và, như bất kỳ một doanh nghiệp khác, ngân hàng trung ương cũng có các khoản hoá đơn, lương, thưởng… để trả, tất cả yêu cầu phải sử dụng hệ thống thanh toán.

Như một thành viên của các hệ thống thanh toán. Với vai trò một thành viên, ngân hàng trung ương có thể chuyển và nhận các khoản thanh toán trên danh nghĩa của khách hàng của chính mình, ví dụ các cơ quan của chính phủ và các ngân hàng trung ương khác.

Như một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán. Các dịch vụ thanh toán có thể bao gồm các điều khoản về phương tiện quyết toán tài khoản cho các ngân hàng thương mại đang hoạt động trong hệ thống thanh toán; và cung cấp – dù cho chính bản thân mình hoặc liên doanh với các ngân hàng thương mại hoặc những chủ thể thương mại khác- phần cứng, phần mềm, thủ tục vận hành của hệ thống, hoặc mạng thông tin liên lạc dành cho các hệ thống thanh toán.

Như người bảo vệ lợi ích công cộng. Vai trò này rộng hơn nhiều và có thể kèm theo bất kỳ một điều nào dưới dây: vai trò của người quản lý hệ thống thanh toán; vai trò thanh tra các thành viên của hệ thống (thanh tra ngân hàng); quản trị và lập kế hoạch cho hệ thống thanh toán; giải quyết tình huống có khiếu nại và thực thi những thủ tục bồi hoàn. Ngân hàng trung ương cũng có thể liên quan tới những vấn đề rộng hơn như thúc đẩy tính cạnh tranh, hoặc khuyến khích sự phát triển và chấp thuận những tiêu chuẩn kỹ thuật.

Chức năng thứ năm đối với ngân hàng trung ương cần phải, nếu như có thể hoàn toàn phải, tránh vai trò là người bảo đảm cho việc quyết toán hàng ngày – sử dụng quỹ công để xoá bỏ những nghĩa vụ của các ngân hàng thương mại phát sinh từ hoạt động của hệ thống thanh toán. Chủ đề này sẽ được kiểm nghiệm chi tiết hơn ở phần sau.

Một cuộc khảo sát của các nền kinh tế thị trường phát triển cho thấy sự khác nhau rất lớn ở phạm vi tham gia của ngân hàng trung ương vào các hệ thống thanh toán. Những khác nhau về phạm vi rất lớn này phản ánh sự khác nhau về kinh tế, xã hội, luật pháp và chính trị của các nước liên quan. Vì vậy, một số ngân hàng trung ương có quan hệ rất chặt chẽ về quy đinh và vận hành các hệ thống thanh toán (chẳng hạn như Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha); một số có những quyền lực lập quy to lớn, có thể liên quan đến những trách nhiệm pháp lý đặc biệt (Đức, Italia, Thuỵ Điển); và một số liên quan tích cực trong kinh doanh để tiến hành các khoản thanh toán cho khách hàng. Tại Anh, dẫu sao, ngân hàng trung ương không đặc biệt tích cực ở bất cứ mặt nào trong đó. Thay vì việc chú trọng được nhấn mạnh vào những điều khoản thương mại của dịch vụ thanh toán, với cơ sở pháp lý dựa rất nhiều trên luật hợp đồng, bản thân Ngân hàng Anh lưu tâm đến sự lành mạnh tổng thể của tất cả các hệ thống.

Khi những xu hướng là khác nhau liên quan đến sự tham gia của ngân hàng trung ương trong các hệ thống thanh toán, mục tiêu cuối cùng là như nhau – để đảm bảo tính sẵn sàng liên tục của các hệ thống ở mức cao nhất đáp ứng những nhu cầu của người sử dụng, và hoạt động với một mức rủi ro tối thiểu và với chi phí hợp lý.

21.1.2. Các mô hình ngân hàng trung ương hiện đại phổ biến trên thế giới

21.1.2.1. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)

Cục dự trữ liên bang (Fed) là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, bắt đầu hoạt động năm 1915 theo “Đạo luật Dự trữ Liên bang” của Quốc hội Hoa Kỳ thông qua cuối năm 1913.

Tổ chức

Cục dự trữ liên bang bao gồm Hội đồng thống đốc đóng tại thủ đô Washington được chỉ định bởi Tổng thống Hoa Kỳ, Ủy ban thị trường, 12 Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực (New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas, San Francisco) và các ngân hàng thành viên có sở hữu một phần ở các ngân hàng dự trữ liên bang khu vực.

Mỗi ngân hàng Fed khu vực và ngân hàng thành viên của Cục dự trữ liên bang tuân thủ sự giám sát của Hội đồng thống đốc. Bảy thành viên của Hội đồng thống đốc được chỉ định bởi Tổng thống Hoa Kỳ và phê chuẩn bởi Quốc hội. Các thành viên được lựa chọn cho nhiệm kỳ 14 năm (trừ khi bị phế truất bởi Tổng thống) và không phục vụ quá một nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một thành viên nếu được chỉ định để phục vụ nốt phần chưa hoàn tất của thành viên khác có thể phục vụ tiếp một nhiệm kỳ 14 năm nữa (ví dụ cựu chủ tịch Hội đồng Alan Greenspan đã phục vụ 19 năm từ 1987 đến 2006).

Ủy ban thị trường gồm 7 thành viên của Hội đồng thống đốc và 5 đại diện từ các Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực. Luôn có một đại diện của ngân hàng Fed tại Quận 2, thành phố New York (hiện tại là Timonthy Geithner) là thành viên trong Ủy ban này. Thành viên từ các ngân hàng khác được luân phiên theo thời gian 2 hoặc 3 năm.

Vị trí pháp lý

Các bộ phận của Cục dự trữ liên bang có tư cách pháp lý khác nhau.

Hội đồng Thống đốc của Fed là cơ quan độc lập của chính phủ liên bang. Hội đồng không nhận tài trợ của Quốc hội và bảy thành viên của Hội đồng hoạt động theo cơ chế dân chủ. Thành viên của Hội đồng là độc lập và không phải chấp hành yêu cầu của hệ thống lập pháp cũng như hành pháp. Tuy nhiên, Hội đồng phải gửi báo cáo tới Quốc hội theo định kỳ. Theo luật, thành viên của Hội đồng này chỉ rời chức vụ khi mãn hạn. Hội đồng Thống đốc chịu trách nhiệm việc hình thành và cụ thể hóa CSTT. Nó cũng giám sát và quy định hoạt động của 12 Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực và hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ nói chung.

Các Ngân hàng dự trữ liên bang (Federal Reserve Banks) về danh nghĩa sở hữu bởi các ngân hàng thành viên (mỗi ngân hàng thành viên giữ cổ phần không có khả năng chuyển nhượng). Theo Tòa án tối cao Mỹ, các Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực không phụ thuộc vào Chính phủ liên bang, chúng là các ngân hàng độc lập, sở hữu tư nhân và hoạt động theo luật pháp ở địa phương.

Các ngân hàng sở hữu Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực là các ngân hàng tư nhân và rất nhiều trong số đó là các ngân hàng lớn.

Tiền do Fed phát hành là nguồn cung tiền tệ và được đưa vào lưu thông qua các Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực.

Vai trò và nhiệm vụ

Theo Hội đồng thống đốc, Fed có các nhiệm vụ sau:

– Thực thi CSTT quốc gia bằng cách công cụ tiền tệ và tín dụng với mục đích tối đa hoá việc làm, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất trong dài hạn.

– Giám sát và đưa ra các quy định về ngân hàng để đảm bảo hệ thống tài chính, ngân hàng an toàn và bảo đảm quyền lợi của người dân.

– Duy trì sự ổn định của nền kinh tế và hạn chế các rủi ro hệ thống có thể phát sinh trên thị trường tài chính.

– Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức tín dụng trong nước, ngoài nước và Chính phủ Hoa Kỳ.

– Đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống thanh toán quốc gia.

21.1.2.2. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ)

Ngân hàng trung ương Nhật Bản được gọi là Bank of Japan (BOJ) được thành lập năm 1882 theo mô hình của Ngân hàng quốc gia Bỉ là một công ty cổ phần mà vốn điều lệ ban đầu chỉ là 100 triệu Yên, trong đó nhà nước góp 55 triệu Yên. BOJ có trụ sở chính tại Tokyo, ngoài ra còn có 31 chi nhánh ở khắp các địa phương và những trụ sở đại diện ở NewYork, Paris, London, FrankFurt, Hongkong.

Ví trí pháp lý

Theo Luật Ngân hàng Trung ương Nhật Bản số 89/1997, có hiệu lực toàn bộ năm 1998 và qua 7 lần sửa đổi, bổ sung (lần sửa đổi bổ sung gần nhất là năm 2005) thì BOJ trực thuộc Bộ Tài chính Nhật Bản, chi phí hoạt động của BOJ được trình Bộ trưởng Bộ Tài chính thông qua. Mặc dù không có quyền hạn hoàn toàn độc lập trong việc quyết định CSTT song BOJ vẫn là ngân hàng trung ương có mức độ độc lập tương đối trong hoạt động đối với chính quyền.

Cơ cấu tổ chức

Cấu trúc tổ chức của BOJ gồm: Ủy ban chính sách; Ban quản trị điều hành; Ban cố vấn.

 – Ủy ban chính sách gồm 9 thành viên, bao gồm thống đốc, hai phó thống đốc và sáu thành viên khác (không nhất thiết là người của ngân hàng trung ương và điểm quan trọng nhất ở đây là không cho phép đại diện của Chính phủ trong Ủy ban này). Các thành viên trong Ủy ban sẽ bầu ra một người làm Chủ tịch. Ủy ban chính sách họp khi được Chủ tịch triệu tập và ra quyết định theo phương thức bỏ phiếu. Chủ tịch có trách nhiệm thông qua quyết định này để triển khai thực hiện. Ủy ban Chính sách quyết định việc điều hành CSTT của BOJ.

– Ban quản trị điều hành gồm 6 thành viên, bao gồm thống đốc, hai phó thống đốc và bốn thành viên khác. Thống đốc là đại diện theo pháp luật của BOJ và thực hiện việc quản lý chung các hoạt động của Ngân hàng phù hợp với các quyết định của Ủy ban chính sách. Các Phó thống đốc điều hành hoạt động của Ngân hàng giúp Thống đốc, thực hiện vai trò của Thống đốc khi Thống đốc bị cấm thực hiện nhiệm vụ của mình và thực hiện nhiệm vụ của Thống đốc khi chức vụ này bị khuyết. Ban quản trị điều hành quản lý các hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trợ giúp cho Thống đốc và các Phó Thống đốc, thực hiện vai trò của Thống đốc khi Thống đốc và các Phó Thống đốc bị cấm thực hiện nhiệm vụ của mình và thực hiện nhiệm vụ của Thống đốc khi chức vụ này bị khuyết.

– Ban cố vấn sẽ được thảo luận ý kiến với Hội đồng về các vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, và nếu thấy cần thiết, Ban cố vấn có thể trình bày các quan điểm của mình với Hội đồng.

Chức năng, nhiệm vụ của NHTW Nhật:

– Duy trì ổn định giá và ổn định của hệ thống tài chính, đặt nền móng cho phát triển kinh tế, điều hành CSTT, quản lý hệ thống thanh toán ngân hàng và đảm bảo sự hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng, là ngân hàng của Chính phủ, thực hiện các hoạt động liên quan đến chứng khoán chính phủ, can thiệp thị trường ngoại tệ và các hoạt động thanh toán quốc tế, hợp tác quốc tế, thu thập số liệu thông tin và tiến hành các hoạt động nghiên cứu phân tích kinh tế khác.

 – Kiểm soát và kiểm tra tình hình quản lý tài chính của các tổ chức tài chính đảm bảo ổn đinh hệ thống tài chính. Ngân hàng trung ương Nhật bản kiểm soát chặt chẽ xu hướng tín dụng và huy động vốn của các tổ chính tài chính. Cán bộ của Ngân hàng Nhà nước thường xuyên đến kiểm tra tại các tổ chức tài chính để xem xét tình hình quản lý và tài chính.

– NHTW Nhật bản có nhiệm vụ ước tính ảnh hưởng tác động của thay đổi chính sách đến các hành vi của các tổ chức tài chính và các thay đổi chính sách tác động đến nền kinh tế như thế nào.

– NHTW Nhật bản nhận các báo cáo tài chính từ các tổ chức tài chính có tài khoản tại Ngân hàng, có ý kiến về tình hình quản lý và tài chính của Tổ chức, phát hiện sớm và có biện pháp đối với từng tổ chức tài chính nhằm đảm bảo duy trì ổn định tài chính chung của hệ thống tài chính. Các cuộc kiểm tra các tổ chức tài chính có thể được coi như các cuộc kiểm tra “sức khoẻ”. Đặc biệt các cuộc kiểm tra liên quan đến kiểm tra chất lượng các khoản nợ và các tài sản, quản lý rủi ro tín dụng, biến động của lãi suất, tỷ giá hối đoái, giá cổ phiếu và mức độ tin cậy, chính xác của các hoạt động. NHTW cần sớm nhận thấy các vấn đề tiềm ẩn và có định hướng điều chỉnh nếu cần thiết.

21.1.2.3. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc

Ví trí pháp lý

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) được thành lập vào ngày 01/12/1948 trên cơ sở hợp nhất của Ngân hàng Hoa Bắc, Ngân hàng Bắc Hải và Ngân hàng Nông dân Tây Bắc. Tháng 9/1983, Hội đồng Nhà nước quyết định PBC có chức năng như một ngân hàng trung ương. Luật của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc về Ngân hàng nhân dân Trung Quốc được Quốc hội thông qua ngày 18/3/1995 cũng xác nhận về mặt pháp lý PBC là ngân hàng trung ương của Trung Quốc.

Ngày 27/12/2003, tại Hội nghị 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ X thông qua việc sửa đổi Luật Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, trong đó tăng cường vai trò của PBC trong việc xây dựng và thực hiện CSTT, trong việc bảo vệ sự ổn định tài chính nói chung và trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính. Luật sửa đổi Luật Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, được Quốc hội nước này thông qua ngày 27/12/2003.

Toàn bộ vốn của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc được Nhà nước cấp và thuộc sở hữu của Nhà nước (Điều 8 Luật Ngân hàng nhân dân Trung Quốc).

Về tổ chức và trách nhiệm báo cáo

Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Nhà nước, PBC thực hiện CSTT, thi hành các chức năng của mình và thực hiện các hoạt động kinh doanh độc lập theo quy định của pháp luật và không chịu sự can thiệp của bất kỳ chính quyền địa phương, cơ quan Chính phủ các cấp, các tổ chức hoặc cá nhân nào.

PBC phải báo cáo Hội đồng Nhà nước về các quyết định của mình liên quan đến lượng cung tiền hàng năm, lãi suất, tỷ giá hối đoái và các vấn đề quan trọng khác theo quy định và phải được Hội đồng Nhà nước chấp thuận trước khi chúng có hiệu lực. PBC cũng có nghĩa vụ phải nộp báo cáo về việc điều hành CSTT và hoạt động của hệ thống tài chính với Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Tất cả vốn của PBC đều được Nhà nước đầu tư và thuộc sở hữu của Nhà nước.

Bộ máy điều hành tối cao của PBC gồm Thống đốc và một số Phó Thống đốc. Vị trí thống đốc được bổ nhiệm hay bãi nhiệm bởi Chủ tịch nước. Ứng viên vào vị trí thống đốc được đề xuất bởi Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bởi Quốc hội. Các phó thống đốc do Thủ tướng bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm.

Cơ cấu tổ chức của PBC gồm 18 Vụ, phòng và cơ quan chức năng gồm: 1) Văn phòng; 2) Vụ Pháp chế; 3) Vụ Chính sách tiền tệ; 4) Vụ Thị trường tài chính; 5) Cục ổn định tài chính; 6) Cục Khảo sát và thống kê tài chính; 7) Vụ Kế toán và ngân quỹ; 8) Vụ Hệ thống thanh toán; 9) Cục Công nghệ; 10) Cục Tiền tệ và ngân kim; 11) Cục Kho bạc nhà nước; 12) Vụ Hợp tác quốc tế; 13) Vụ Kiểm toán nội bộ; 14) Vụ Tổ chức cán bộ; 15) Cục nghiên cứu; 16) Cục hệ thống thông tin tín dụng; 17) Cục chống rửa tiền; 18) Cục Đào tạo

PBC cũng có những đơn vị trực thuộc sau: 1) Trung tâm phân tích và theo dõi chống rửa tiền Trung Quốc; 2) Trường cán bộ ngân hàng trung ương Trung Quốc; 3) Nhà xuất bản tài chính Trung Quốc; 4) Thời báo tài chính Trung Quốc; 5) Trung tâm thanh toán quốc gia Trung Quốc; 6) Cơ quan in ấn tiền và ấn chỉ ngân hàng Trung Quốc; 7) Cơ quan quản lý tiền vàng Trung Quốc; 8) Cơ quan tin học hóa tài chính Trung Quốc; 9) Hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc

PBC có 9 chi nhánh khu vực ở Thiên Tân, Thẩm Dương, Thượng Hải, Nam Kinh, Tế Nam, Vũ Hán, Quảng Châu, Thành Đô và Tây An, 2 trụ sở điều hành ở Bắc Kinh và Trùng Khánh, 303 chi nhánh cấp thành phố và 1809 chi nhánh cấp huyện, khu.

PBC có 6 văn phòng đại diện ở nước ngoài gồm Châu Mỹ, Châu Âu (tại London và Frankfurt), Tokyo, Châu Phi và văn phòng ở Ngân hàng phát triển vùng Caribê.

Chức năng, nhiệm vụ của PBC

– Ngân hàng nhân dânTrung Quốc là ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa Nhân dânTrung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Nhà nước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc xây dựng và thực hiện CSTT; ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro tài chính và duy trì sự ổn định tài chính. Mục tiêu của CSTT nhằm duy trì sự ổn định của giá trị đồng tiền và qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

– Ngân hàng nhân dânTrung Quốc có các chức năng chính sau:

(1) Ban hành Nghị định, các quy tắc và các quy định có liên quan đến việc thực hiện chức năng của PBC;

(2) Xây dựng và thực hiện CSTT theo quy định của pháp luật;

(3) Phát hành đồng Nhân dân tệ và quản lý lưu thông tiền tệ;

(4) Điều tiết và giám sát thị trường cho vay liên ngân hàng và thị trường trái phiếu liên ngân hàng;

(5) Thực hiện quản lý ngoại hối, điều tiết và giám sát thị trường ngoại hối liên ngân hàng;

(6) Điều tiết và giám sát thị trường vàng;

(7) Nắm giữ và quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và dự trữ vàng;

(8) Quản lý Kho bạc Nhà nước;

(9) Đảm bảo hoạt động bình thường trong chi trả và hệ thống thanh toán;

(10) Hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực tài chính và giám sát việc rửa tiền liên quan đến dịch chuyển vốn đáng ngờ của các Quỹ;

(11) Hướng dẫn về thống kê, khảo sát điều tra, phân tích và dự báo của ngành tài chính;

(12) Tham gia vào các hoạt động tài chính quốc tế theo khả năng của ngân hàng nhân dân Trung Quốc;

(13) Thực hiện các chức năng khác theo phân công của Hội đồng Nhà nước.

– Ngân hàng nhân dân Trung Quốc phải báo cáo Hội đồng Nhà nước các quyết định của mình liên quan đến lượng cung tiền hàng năm, lãi suất, tỷ giá hối đoái và các vấn đề quan trọng khác theo quy định và phải được Hội đồng Nhà nước chấp thuận trước khi các quyết định này được thi hành.

Trong thẩm quyền của mình, Ngân hàng Nhân dânTrung Quốc có thể đưa ra các quyết định có hiệu lực thi hành ngay lập tức về các vấn đề CSTT khác ngoài quy định tại khoản trên, miễn là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc báo cáo cho Hội đồng Nhà nước cho hồ sơ.

– Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Nhà nước, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc độc lập trong việc thực hiện CSTT, thực hiện các chức năng của mình và thực hiện các hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật và không chịu sự can thiệp của bất kỳ chính quyền địa phương, cơ quan Chính phủ các cấp, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân.

21.1.2.4. Bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

Từ nghiên cứu mô hình NHTW của những quốc gia khác trên thế giới, tập thể tác giả đã rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

a. Về mặt tài chính:

Từ mô hình tổ chức NHTW của Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc có thể thấy rằng NHTW của các quốc gia này đều có nguồn vốn lớn mạnh và không phụ thuộc vào Chính Phủ. Trong khi ở Việt Nam, bản thân tên gọi Ngân hàng Nhà nước đã ngụ ý rằng NHNN Việt Nam trực thuộc chính phủ. Điều này cũng có nghĩa là nhà nước có khả năng, và trên thực tế đã sử dụng NHNN để tài trợ cho các khoản tài trợ và chi tiêu của mình. Đồng thời, việc NHNN trực thuộc chính phủ cũng có nghĩa là CSTT sẽ không những không độc lập, mà ngược lại, còn phải chạy theo chính sách tài khóa của chính phủ.

b. Về mặt nhân sự:

Thống đốc NHTW của các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu đều có nhiệm kì dài hơn so với nhiệm kì của tổng thống đương thời và không được tái bổ nhiệm cũng như không do Chính Phủ bổ nhiệm, do đó không có sự liên quan nào đến Chính Phủ. Hiện nay, ở Việt Nam nhiệm kỳ của Thống đốc là 5 năm, trùng với nhiệm kỳ của chính phủ, do vậy khó có thể nói tới tính độc lập về nhân sự của NHNN. Hơn thế, việc tuyển dụng, điều chuyển, và sa thải nhân viên chịu sự tác động của nhiều mối quan hệ phức tạp (cả về mặt tổ chức và cá nhân), và trong một chừng mực đáng kể, nằm ngoài khả năng kiểm soát của bộ máy quản lý của NHNN. Vì vậy, cần thiết lập nhiệm kì của Thống đốc lệch pha so với Chính Phủ đương thời để có thể tăng cường tính độc lập cho NHNN.

c. Về mặt chính sách:

Ở Mỹ và Châu Âu, Hội đồng thống đốc là cơ quan quyết định các CSTT và hội đồng này được chọn ra từ các thống đốc của các ngân hàng thành viên mà không phải do Chính phủ hay Quốc hội bầu, do đó, có thể thấy các CSTT ở các quốc gia này không bị ảnh hưởng bởi chính sách tài khóa và không phục vụ cho Chính Phủ. Còn ở Việt Nam, theo quy định của Luật NHNN thì NHNN có trách nhiệm xây dựng CSTT quốc gia để chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định. Sau đó NHNN chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách đã được phê duyệt này. Như vậy, NHNN không phải là người có thể có ý kiến quyết định cuối cùng về CSTT. Không những thế, trên thực tế, CSTT còn chịu sự ảnh hưởng rất mạnh mẽ từ ý kiến của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, mặc dù theo thiết kế, Hội đồng này chỉ có trách nhiệm cho ý kiến tư vấn về chính sách chứ không phải là một cơ chế ra quyết định. CSTT do NHNN đề nghị cũng có thể bị chính phủ điều chỉnh, độc lập với ý chí của NHNN, và có thể bị quốc hội phủ quyết. Tất cả những điều này có nghĩa là tính độc lập của NHNN về mặt chính sách là rất hạn chế. Chính vì lý do đó, để tách biệt trong việc quyết định và thực thi các chính sách một cách hiệu quả, NHNN Việt Nam nên có toàn quyền quyết định các chính sách của mình dưới sự chấp thuận của Quốc Hội và không phụ thuộc vào các chính sách tài khóa của Chính phủ.

d. Về hệ thống thanh toán:

Mặc dù không thể khẳng định chắc chắn rằng một hệ thống thanh toán hiệu quả, an toàn và phù hợp là điều kiện cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế với thị trường tiền tệ và thị trường vốn hiệu quả bởi vì việc kế thừa hệ thống cũ cho phép các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng tự động nhận được các khoản tín dụng theo yêu cầu. Hệ thống thanh toán hiệu quả là một công cụ chính trong cơ chế truyền dẫn sự can thiệp CSTT theo định hướng thị trường do sự tồn tại của lượng tiền trôi nổi đã làm ảnh hưởng nhiều đến việc dự báo vốn khả dụng.

21.2. Thực trạng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong vai trò của Ngân hàng Trung ương

21.2.1. Thực trạng Ngân hàng nhà nước Việt Nam từ 1990 đến 2010

a. Về chức năng:

Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để theo Nghị quyết Đại hội Đảng VI và các Nghị quyết Đại hội Đảng sau đó, công cuộc đổi mới đất nước được triển khai mạnh mẽ, nền kinh tế chuyển dần từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước và từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.

Hệ thống Ngân hàng cũng từng bước đổi mới và phát triển, hoàn thiện về mô hình tổ chức, thể chế pháp lý, công nghệ và dịch vụ ngân hàng. Mô hình ngân hàng một cấp chuyển thành mô hình ngân hàng hai cấp, tách bạch dần chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước với chức năng kinh doanh tiền tệ tín dụng của các TCTD.

b. Về nhiệm vụ, quyền hạn:

– Soạn thảo các chính sách và văn bản pháp quy về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trình các cấp có thẩm quyền quyết định; tổ chức và kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó.

– Ban hành các quy định về tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối, vàng, kim khí quý, đá quý.

– Tổ chức việc in tiền, đúc tiền, bảo quản tiền dự trữ phát hành; phát hành tiền và quản lý lưu thông tiền tệ theo quy định của Nhà nước.

– Nhận và trả tiền gửi của kho bạc Nhà nước, các Ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan nước ngoài và tổ chức quốc tế. Cho vay đối với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng và kho bạc Nhà nước.

– Tổ chức và chỉ đạo thực hiện việc thanh toán bằng tiền mặt và không bằng tiền mặt giữa các Ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nền kinh tế quốc dân.

– Quản lý ngoại hối và các nghiệp vụ hối đoái; lập cán cân thanh toán quốc tế; bảo quản dự trữ Nhà nước về ngoại hối, vàng, kim khí quý, đá quý; kinh doanh ngoại hối trên thị trường quốc tế.

– Đại diện Chính phủ Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ, tín dụng và ngân hàng quốc tế. Trực tiếp ký kết hoặc theo uỷ nhiệm của Chính phủ ký kết các hiệp định về tiền tệ, tín dụng, thanh toán với nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

– Trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc thành lập hoặc giải thể các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư và phát triển, tổ chức tín dụng, Công ty tài chính quốc doanh; phê duyệt điều lệ, cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của các Ngân hàng và các Công ty trên đây; trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định việc cho phép, cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đặt tại Việt Nam hoặc Ngân hàng nước ngoài liên doanh với Ngân hàng Việt Nam; cấp hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của các tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh.

– Quy định mức vốn điều lệ, giới hạn mức vốn hoạt động, cơ cấu cho vay, tỷ lệ dự trữ tối thiểu bắt buộc và các quỹ dự trữ cho hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, Công ty tài chính.

– Công bố lãi suất các loại tiền gửi và cho vay; hối xuất chính thức giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ, sau khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn.

– Được sử dụng quyền của một pháp nhân, được có vốn pháp định để trực tiếp tiến hành các hoạt động về tiền tệ, tín dụng thanh toán, ngoại hối, bảo quản dự trữ Nhà nước về ngoại hối và vàng thực hiện kinh doanh ngoại tệ trên thị trường quốc tế theo nguyên tắc hạch toán kinh tế và có tổng kết tài sản theo luật định.

– Thanh tra các Ngân hàng, tổ chức tín dụng, Công ty tài chính, các tổ chức kinh tế và cá nhân trong việc chấp hành các văn bản pháp quy về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và trong việc chấp hành các giấy phép được cấp.

– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoạt động giao dịch với các ngân hàng chuyên doanh, các tổ chức tín dụng trong nước, với Ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tiền tệ quốc tế, không trực tiếp giao dịch tiền tệ, tín dụng với các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.

– Tổ chức đào tạo nghiệp vụ, kỹ thuật Ngân hàng.

c. Vị trí pháp lý

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan của Hội đồng Bộ trưởng, có chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, nhằm mục tiêu cơ bản là góp phần ổn định tiền tệ, bảo vệ giá trị của đồng tiền quốc gia.

21.2.2. Thực trạng Ngân hàng nhà nước Việt Nam từ 2010 đến nay

a. Về chức năng:

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.

b. Về nhiệm vụ, quyền hạn:

Nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN được quy định tại Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

– Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền; bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự an toàn, hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

– Tham gia xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

– Xây dựng chiến lược phát triển ngành ngân hàng trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

– Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng; tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.

– Xây dựng chỉ tiêu lạm phát hằng năm để Chính phủ trình Quốc hội quyết định và tổ chức thực hiện.

– Tổ chức, điều hành và phát triển thị trường tiền tệ.

– Tổ chức hệ thống thống kê, dự báo về tiền tệ và ngân hàng; công khai thông tin về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

– Tổ chức in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền giấy, tiền kim loại; thực hiện nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu huỷ tiền giấy, tiền kim loại.

– Cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức; chấp thuận việc mua, bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và giải thể tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật; được sử dụng vốn pháp định để góp vốn thành lập doanh nghiệp đặc thù nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

– Kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng; xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

– Quyết định áp dụng biện pháp xử lý đặc biệt đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng, gồm mua cổ phần của tổ chức tín dụng; đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng; quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tín dụng; đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật về phá sản đối với tổ chức tín dụng.

– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng, chống rửa tiền.

– Thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

– Chủ trì lập, theo dõi, dự báo và phân tích kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế.

– Tổ chức, quản lý, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia, cung ứng dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng; tham gia tổ chức và giám sát sự vận hành của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế.

– Quản lý nhà nước vềngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng.

– Quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước.

– Quản lý việc vay, trả nợ, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài theo quy định của pháp luật.

– Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan chuẩn bị nội dung, tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế với tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế mà Ngân hàng Nhà nước là đại diện và là đại diện chính thức của người vay quy định tại điều ước quốc tế theo phân công, uỷ quyền của Chủ tịch nước hoặc Chính phủ.

– Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về tiền tệ và ngân hàng.

– Đại diện cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ và ngân hàng quốc tế.

– Tổ chức hệ thống thông tin tín dụng và cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức hoạt động thông tin tín dụng.

– Làm đại lý và thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước.

– Tham gia với Bộ Tài chính về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.

– Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về tiền tệ và ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ngân hàng.

– Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.”

c. Vị trí pháp lý, mô hình tổ chức:

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: NHNN Việt Nam là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là Ngân hàng trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

NHNN được tổ chức thành hệ thống tập trung, thống nhất, gồm bộ máy điều hành và các đơn vị hoạt động nghiệp vụ tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc khác.

Cơ cấu tổ chức của NHNN do Chính phủ quy định. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc NHNN do Thống đốc NHNN quy định. Thống đốc NHNN quyết định thành lập, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, các ban, hội đồng tư vấn về các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước; quyết định thành lập, chấm dứt hoạt động theo thẩm quyền các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng, nghiên cứu, thông tin, lý luận khoa học ngân hàng, cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động kho quỹ, dịch vụ công nghệ tin học ngân hàng và thanh toán, dịch vụ thông tin tín dụng.

21.2.3. Cơ cấu tổ chức của NHNN Việt Nam hiện nay

Ngân Nhà nước Việt Nam là cơ quan của Chính phủ và là NHTW của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của các TCTD và ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Nhiệm vụ và quyền hạn của NHNN được quy định cụ thể tại Nghị định số 156/2013/NĐ – CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể:

Nhiệm vụ quản lý Nhà nước hoạt động tiền tệ, ngân hàng:

NHNN tham gia xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước; xây dựng dự án CSTT quốc gia và chiến lược phát triển hệ thống các TCTD Việt Nam; xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo thẩm quyền.

NHNN là cơ quan thực hiện việc cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các TCTD và hoạt động ngân hàng của các TCTD khác.

NHNN có nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra hoạt động ngân hàng, xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo thẩm quyền.

NHNN là cơ quan chủ trì và theo dõi kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế; quản lý hoạt động ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng; ký kết, tham gia điều ước quốc tế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo quy định của phát luật.

Ngoài ra, NHNN còn là đại diện cho nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ và ngân hàng quốc tế trong những trường hợp được Chủ tịch nước, Chính phủ ủy quyền; Và là cơ quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ ngân hàng.

Nhiệm vụ ngân hàng của NHTW

NHNN là cơ quan duy nhất thực hiện in, đúc, bảo quản, vận chuyển tiền; thực hiện nghiệp vụ phát hành, thu hồi, thay thế và tiêu hủy tiền, thực hiện tái cấp vốn nhằm cung ứng tín dụng ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho nền kinh tế; điều hành thị trường tiền tệ; thực hiện nghiệp vụ thị trường mở.

NHNN thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dự trữ quốc tế; quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước; tổ chức hệ thống thanh toán qua ngân hàng, làm dịch vụ thanh toán, quản lý việc cung ứng các phương tiện thanh toán; làm đại lý và thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước; tổ chức hệ thống thông tin và làm các dịch vụ thông tin ngân hàng.

Ngoài những nhiệm vụ được quy định cụ thể, NHNN còn thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định hiện hành của pháp luật. Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, hiện nay NHNN được tổ chức theo mô hình với Ban lãnh đạo bao gồn đứng đầu là Thống đốc và 6 Phó Thống đốc; 18 Vụ, cụ chức năng tại hội sở chính; 1 Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh; 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và 9 đơn vị sự nghiệp trực thuộc

Về tổ chức bộ máy

NHNN được tổ chức thành hệ thống tập trung, thống nhất gồm bộ máy điều hành và hoạt động nghiệp vụ tại trụ sở chính, các chi nhánh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các văn phòng đại diễn ở trong nước, ở nước ngoài và các đơn vị trực thuộc.

Lãnh đạo và điều hành NHNN.

Thống đốc NHNN: là thành viên chính phủ, chịu trách nhiệm lãnh đạo và điều hành NHNN.

Thống đốc có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

Chỉ đạo, tổ chức thục hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của nhà nước quy định tại luật NHNN và các quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.

Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội và lĩnh vực mình phụ trách.

Đại diện pháp nhân NHNN.

21.3. Lựa chọn mô hình Ngân hàng Trung ương hiện đại phù hợp với điều kiện Việt Nam

21.3.1.Quan điểm, định hướng về mô hình hoạt động của NHNN Việt Nam thời gian tới

21.3.1.1. Quan điểm

Hiện nay, NHNN là một cơ quan nhà nước trực thuộc Chính phủ, do vậy NHNN thiếu tính độc lập trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, tăng cường tính độc lập cho NHNN là mục tiêu cần hướng tới nhằm đạt được hiệu quả trong thực thi CSTT và ổn định thị trường tài chính tiền tệ. Vấn đề đặt ra là NHNN cần độc lập như thế nào, mức độ ra sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn về thể chế chính trị, kinh tế – xã hội của Việt Nam. Từ bài học của mô hình tổ chức NHTW của các nước như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc, có thể thấy rõ rằng:

– Thứ nhất, sự độc lập này không thể đến từ một quyết định thuần tuý, từ văn bản giấy tờ mà phải đến từ việc thiết kế hệ thống, thể chế, nội dung của NHNN, cấu trúc lại bộ máy của NHNN.

– Thứ hai, sự độc lập này chỉ có tính chất tương đối. Nói “tương đối” là bởi vì trong hệ thống quản lý kinh tế của chúng ta, có những chỉ tiêu kinh tế đan xen nhau. Do đó, những chỉ tiêu kinh tế của NHNN còn phải phụ thuộc vào cả nền kinh tế. Thế nên điều quan trọng là tạo điều kiện cho NHNN độc lập để nó điều hành tốt, thực hiện đúng chức năng của nó.

– Thứ ba, có nên đặt vấn đề cho việc NHNN lựa chọn mô hình NHTW nào hay lựa chọn cấp độ độc lập tự chủ nào cho phù hợp với NHNN trong bối cảnh hiện nay.

– Thứ tư, những kinh nghiệm học được từ mô hình NHTW ở các quốc gia trên thế giới chưa hẳn là thích hợp để áp dụng cho thực trạng Việt Nam hiện nay.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành nghị định 156/2013/NĐ-CP về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nới lỏng hơn trong kiểm soát của chính phủ về việc sử dụng các công cụ điều hành CSTT quốc gia của NHNN (Điều 2 – khoản 4: Xây dựng chỉ tiêu lạm phát hàng năm để trình Chính phủ; sử dụng các công cụ thực hiện CSTT quốc gia, bao gồm: Tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác để thực hiện CSTT quốc gia).

21.3.1.2 Định hướng trong điều hành CSTT

NHNN tiếp tục điều hành CSTT thận trọng nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát được lạm phát, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, củng cố vững chắc hệ thống ngân hàng.

Thứ nhất, việc ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát được coi là mục tiêu quan trong hàng đầu của CSTT, vì nó là cơ sở cho tất cả các mục tiêu khác. Kiểm soát được lạm phát sẽ tạo ra sự ổn định cao cho tăng trưởng kinh tế, giảm bớt những lãng phí cho xã hội và tạo nên sự ổn định về tâm lý cho các chủ thể đầu tư, tiêu dùng. Kiểm soát lạm phát không có nghĩa là giữ cho mức lạm phát ở mức 0% mà nên duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức chấp nhận được. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, đảm bảo một tỷ lệ lạm phát đưới 5% là hợp lý. Bởi lẽ một liều nhỏ lạm phát như vậy có tác dụng như là một chất “bôi trơn” để kích thích các hoạt động đầu tư tiêu dùng.

Ngoài việc kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị tiền tệ còn phải đảm bảo bình ổn tỷ giá theo hướng có lợi cho nền kinh tế đất nước. Nếu tỷ giá liên tục leo thang sẽ kéo theo những dòng chảy từ nội tệ sang ngoại tệ và mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam chỉ thanh toán và tiết kiệm bằng đồng Việt Nam sẽ không đạt được. Do vậy, duy trì một cơ chế tỷ giá vừa linh hoạt trong ngắn hạn vừa ổn định trong dài hạn, khuyến khích xuất khẩu là mục tiêu được xác định trong điều kiện hiện nay.

Thứ hai, chính sách tiền tệ phải hướng vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Sự phát triển kinh tế sẽ tạo ra tiền đề cho sự ổn định và phát triển của xã hội. Nền kinh tế phát triển trước hết được đánh giá bằng mức tăng trưởng kinh tế bền vững hàng năm và sau đó là sự ổn định lâu dài của các biến số kinh tế. Tăng trưởng kinh tế chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở tăng trưởng có hiệu quả của đầu tư. Vấn đề này có quan hệ chặt chẽ với cơ chế điều hành lãi suất nội tệ và ngoại tệ, cơ chế tỷ giá, sự ổn định của thị trường tiền tệ và thị trường vốn, môi trường và sự hấp dẫn của các hoạt động đầu tư… NHNN thông qua việc điều hành CSTT sẽ tác động rất mạnh đến các hoạt động đầu tư qua đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Thứ ba, củng cố vững chắc hệ thống ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều mới hòa nhập vào cơ chế thị trường, vốn ít, cộng nghệ lạc hậu, trình độ và kinh nghiệm hạn chế; Mặt khác, kinh tế Việt Nam với đặc điệm chung là vốn đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào vốn huy động của các ngân hàng. Nếu ngân hàng không đủ mạnh thì sẽ không đáp ứng được các nhu cầu vốn đầu tư và tiêu dùng của xã hội. Trước tình hình này, NHNN không còn sự lựa chọn nào khác là phải quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống ngân hàng, xây dựng hệ thống ngân hàng hiện đại, lành mạnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế.

21.3.2. Nguyên nhân lựa chọn mô hình

– Xét về bản chất của NHTW: NHTW vừa thực hiện chức năng độc quyền phát hành giấy bạc Ngân hàng vào lưu thông, vừa thực hiện quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ – tính dụng – ngân hàng. Tức mục đích hoạt động của ngân hàng trung ương là cung ứng tiền tệ cho nền kinh tế, điều hòa lưu thông tiền tệ và quản lý hệ thống ngân hàng, nhàm đảm bảo cho lưu thông tiền tệ ổn định, tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm và kiểm soát lạm phát.

– Dựa vào chức năng của NHTW ta thấy ở bất cứ mô hình nào NHTW cũng có chức năng độc quyền phát hành tiền giấy, nên tiêu thức phát hành độc quyền giấy bạc Ngân hàng bị loại trừ…

– Việc lựa chọn mô hình nào, NHTW độc lập như thế thào không những chỉ dựa vào những tiêu thức trên mà còn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế xã hội và thể chế chính trị của từng nước. Nước ta có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Kinh tế thị trường” mang tính khách quan, “định hướng xã hội chủ nghĩa” mang tính chủ quan, để đưa một sự việc khách quan thành chủ quan cần có sự tác động của một chủ thể bên ngoài và đó không ai khác chính là chính phủ, điều này càng xác định rõ hơn việc lựa chọn mô hình NHTW của nước ta. Để đạt được mục tiêu chiến lược của quốc gia thì việc NHTW trực thuộc chính phủ là … hợp lý! Tuy nhiên không vì lựa chọn mô hình này ma ta làm lơ với sự độc lập của NHTW, nếu không chúng ta sẽ phải chịu hậu quả nặng nề trước sự biến động không ngừng của thị trường tài chính nói riêng hay cả nền kinh tế toàn cầu nói chung. Để tồn tại trước những chấn động không ngừng này bắt buộc NHTW phải có phản ứng nhanh nhạy trước những biến động đó, mà sự nhanh nhạy, linh hoạt này lại gắn liền với sự độc lập của NHTW. Do đó dù lựa chọn mô hình NHTW trực thuộc chính phủ thì cũng rất cần thiết nâng cao tối đa tính độc lập của NHTW, bởi có thế NHTW mới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn kiềm chế lạm phát hiện nay.

– Chính phủ có thể dễ dàng phối hợp CSTT của NHTW đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm đảm bảo mức độ và liều lượng tác động hiệu quả của tổng thể các chính sách đối với các mục tiêu vĩ mô trong từng thời kỳ. Mô hình này được xem là phù hợp với yêu cầu cần tập trung quyền lực để khai thác tiềm năng xây dựng kinh tế trong thời kỳ tiền phát triển. (như Việt Nam hiện nay)

– Nếu độc lập với chính phủ thì NHTW phải độc lập trong mục tiêu hoạt động do vậy nó đòi hỏi NHTW phải có uy tín cao và năng lực thực thi rất tốt thì mới có thể biến mục tiêu hành hiện thực, nhất là trong giai đoạn thực thi CSTT thắt chặt, mà NHTW Việt Nam thì vẫn rất hạn chế về mặt này.

– Bên cạnh đó, cấp độ độc lập tự chủ này cũng đòi hỏi NHTW có khả năng dự báo chuẩn xác trên cơ sở các thống kê kinh tế – tài chính, vì chỉ có như vậy thì NHTW mới có thể thực hiện được mục tiêu đề ra. Ngoài các lý do về trình độ phát triển kinh tế, tính đặc thù về thể chế chính trị và hệ thống pháp luật, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống tài chính nói riêng đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, việc dự báo dựa trên các biến số kinh tế – tài chính là rất khó khăn.

– Năng lực thống kê và dự báo của chúng ta hiện vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, mức độ tự chủ này là không phù hợp với NHNN ít nhất là trong thời gian trung hạn.

– Nếu NHTW độc lập tự chủ trong thiết lập chỉ tiêu hoạt động thì kèm theo đó sẽ phải nâng cao cấp độ độc lập tự chủ cao hơn nữa của NHTW, việc thay đổi mục tiêu duy nhất đòi hỏi phải sửa đổi Luật NHTW. Vả lại, cấp độ độc lập tự chủ này cũng tỏ ra không phù hợp với NHNN trong giai đoạn trước mắt. Tuy nhiên, trong tương lai, cấp độ độc lập này có thể được cân nhắc, xem xét khi điều kiện cho phép (các biến số kinh tế – tài chính …).

21.3.2.1. Lợi ích từ việc sử dụng mô hình NHTW trực thuộc Chính phủ:

– Tạo được sự đồng bộ trong mục tiêu phát triển kinh tế với Chính phủ.

– Tương lai để tăng cường hiệu quả hoạt động của NHNN với tư cách là một NHTW trong nền kinh tế thị trường, việc nâng cao tính độc lập của NHNN là hết sức cần thiết do đó việc sử dụng mô hình này chính là nền tảng cho những thay đổi mang tính độc lập hơn của NHTW sau này.

– Giúp chính phủ thuận lợi trong việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, giảm thâm hụt ngân sách cho chính phủ.

– Tạo niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

21.3.2.2. Hạn chế từ việc sử dụng mô hình:

– Điểm hạn chế chủ yếu của mô hình là NHTW sẽ mất đi sự chủ động trong việc thực hiện CSTT. Sự phụ thuộc vào chính phủ có thể làm cho NHTW xa rời mục tiêu dài hạn của mình là ổn định giá trị tiền tệ, góp phần tăng trưởng kinh tế. thẩm quyền của NHNN trong xây dựng và điều hành CSTT còn hạn chế, NHNN có mức độ độc lập thấp và chịu sự can thiệp hành chính toàn diện của Chính phủ.

– Về lí thuyết khi áp dụng mô hình NHTW trực thuộc chính phủ thì tỷ lệ lạm pháp khó duy trì ở tỷ lệ thấp hơn là mô hình độc lập với chính phủ vì chính phủ có thể lợi dụng NHTW để bù đắp thâm hụt ngân sách.

– Chính phủ là nơi quyết định chính sách (cả về mục tiêu lẫn chỉ tiêu hoạt động) cũng như can thiệp vào quá trình triển khai thực thi CSTT. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả hoạt động của NHTW, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền. Đây chính là trường hợp của NHNN Việt Nam hiện nay và trên thực tế thì mức độ độc lập tự chủ này đã bắt đầu bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập. Làm giảm tính linh hoạt trong việc điều hành thực hiện CSTT quốc gia, thậm chí đôi khi gây ra sự chậm trễ trong chính sách phản ứng trước các diễn biến khó lường trên thị trường tài chính tiền tệ ảnh hưởng đến sự ổn định của đồng tiền.

– Vì là cơ quan của Chính phủ nên có khi NHNN phải thực hiện những nhiệm vụ không phù hợp với mục tiêu của CSTT, chẳng hạn như tái cấp vốn để khoanh, xoá nợ các khoản vay của NHTM Nhà nước… như vậy NHNN Việt Nam chỉ được coi là cơ quan quản lý hành chính nhà nươc, giống như các bộ khác chứ không phải là thiết chế đặc biệt dù tổ chức, hoạt động của NHNN ảnh hưởng rất lớn đến tính an toàn của hệ thống ngân hàng, sự ổn định của giá trị đồng tiền, an ninh tiền tệ của 1 quốc gia.

21.3.3. Đề xuất giải pháp thực hiện mô hình NHTW hiện đại phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay

21.3.3.1. Tại sao hầu hết các nước trên trên thế giới lại chọn mô hình trực thuộc Chính phủ thay vì chọn mô hình độc lập với Chính phủ:

Trước hết phải nói rằng không có mô hình nào là ưu điểm vượt trội và không có điểm hạn chế do vậy lựa chọn mô hình nào là tùy thuộc vào vị trí, khả năng, cũng như chế độ chính trị, nền kinh tế xã hội của mỗi nước. Không thể áp dụng một cách nhất quán được.Tuy nhiên ngoài những ưu nhược điểm của mỗi mô hình đã nêu ở phần trên, nhiều nước vẫn chọn mô hình trực thuộc Chính phủ là vì một số nguyên nhân sau: (i) Sẽ rất là mạo hiểm khi để một cơ quan tổ chức có ảnh hưởng lớn đến an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như an ninh tiền tệ quốc gia như NHTW được tổ chức một cách độc lập, không chịu sự chi phối đáng kể nào từ nhà nước; (ii) Dù nói hay không nói thì thực tế các nước vẫn lo sợ rằng nếu ngân hàng đứng ra một cách độc lập thì tạo cơ hội cho các nhà tài phiệt cũng như các ông trùm tài chính.. trên thế giới dễ dàng kiểm soát hoặc chi phối từ đó ảnh hưởng lớn đến đất nước do đó các nước phần lớn là xây dựng NHTW theo hướng độc lập rùi dần dần đi lên tương đối độc lập (có kiểm soát của Chính phủ) chứ hiếm quốc gia nào lại để NHTW của mình độc lập; (iii) Có sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền từ đó tạo tính ổn định về kinh tế xã hội; (iv) Với phần lớn các quốc gia là các nước đang phát triển thì nền kinh tế chưa đạt đến mức toàn dụng do đó mô hình này được coi là mô hình phù hợp để sử dụng quyền lực trong việc khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; (v) Vì mục tiêu của mỗi quốc gia đặt ra là ổn định, phát triển của nền kinh tế quốc gia nên hầu hết các quốc gia chọn mô hình này. Và câu hỏi đặt ra với mỗi quốc gia là: quản lí như thế nào? làm sao đạt mục tiêu đề ra? Chứ không phải đề cao vai trò hay làm sao để quản lí tiền tệ…; (vi) Qua việc sử dụng chi tiêu công thì các nước sẽ tạo được sự công bằng xã hội hơn, hàng hóa công được cung cấp nhiều hơn cho người dân (nguồn vốn). Đây là điểm tương đối khó làm đối với mô hình độc lập với Chính phủ.

21.3.3.2. Đề xuất về mô hình

– NHNN phải được quyền quyết định các định hướng, giải pháp trong xây dựng và điều hành CSTT quốc gia cũng như trong việc thực hiện các chức năng khác của NHTW. Tất nhiên, song song với các thẩm quyền được trao, NHNN phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về kết quả điều hành CSTT và thực hiện các chức năng của NHTW.

– Cần tránh khuynh hướng cho rằng, nâng cao vai trò độc lập của NHTW nghĩa là NHTW thoát ly hoàn toàn khỏi Chính phủ. Mục tiêu cuối cùng của CSTT và cũng là mục tiêu hoạt động của NHTW là ổn định giá cả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, cần thiết lập các quy định pháp lý về mối quan hệ giữa NHTW với Chính phủ nhằm bảo đảm hoạt động của NHTW hỗ trợ tốt cho các chương trình kinh tế của Chính phủ:

– NHTW tham gia vào việc soạn thảo các chương trình, chính sách kinh tế của Chính phủ và đề đạt ý kiến của mình về các quyết định của Chính phủ; tư vấn cho Chính phủ về những vấn đề quan trọng liên quan đến nhiệm vụ và thẩm quyền của NHTW.

– NHTW và các Bộ, Ngành thuộc Chính phủ duy trì cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin để theo dõi, nắm bắt kịp thời các diễn biến vĩ mô của nền kinh tế.

– Tiến tới thực hiện Chính sách lạm phát mục tiêu. Lạm phát mục tiêu là một trong những khuôn khổ CSTT mà theo đó, NHTW hoặc Chính phủ thông báo một số mục tiêu trung dài hạn về lạm phát và NHTW cam kết đạt được những mục tiêu này. Để làm được điều này, NHNN phải có quyền đặc biệt để theo đuổi mục tiêu lạm phát và tự mình đặt ra các công cụ của CSTT. Bên cạnh đó, dân chúng cũng phải được thông báo về khuôn khổ CSTT và việc thực hiện CSTT.

– Tăng cường tính độc lập về mặt tổ chức nhân sự của NHNN. Theo đó, nhiệm kỳ của Ban lãnh đạo NHTW có thể dài hơn nhiệm kỳ của Chính phủ và Quốc hội, hoặc xen kẽ giữa các nhiệm kỳ của Chính phủ. Như vậy, quá trình ra quyết định của NHTW sẽ không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ thành lập Chính phủ, chu kỳ lập kế hoạch kinh tế. Thống đốc sẽ bị ảnh hưởng một khi Chính phủ thay đổi nhân sự do hết nhiệm kỳ.

– Để đảm bảo tính độc lập về hoạt động, cần có qui định cụ thể về chức năng “Là ngân hàng của Chính phủ” theo hướng NHNN sẽ không cho ngân sách vay trực tiếp. NHNN chỉ cấp tín dụng gián tiếp cho Chính phủ thông qua việc cho ngân sách vay trên thị trường thứ cấp có hạn mức và lấy trái phiếu Chính phủ làm tài sản đảm bảo khi cho các ngân hàng thương mại vay.

21.3.3.3 Một số kiến nghị

a. Đối với Quốc hội và Chính phủ

 Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô nhằm kiên trì thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

 Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư và có các giải pháp kích thích đầu tư, tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô.

Luật NHNN đã được ban hành 2010 nhưng những quy định cơ bản về vị thế của NHNN hầu như vẫn được giữ nguyên theo Luật cũ. Với những quy định như vậy, NHNN chưa đủ tính chủ động để điều hành CSTT quốc gia. Việc điều hành CSTT của NHNN vẫn còn lệ thuộc nhiều vào Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ như Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư … Do vậy, Quốc hội cần phải có lộ trình tiếp tục sửa đổi hoặc thay thế các Luật NHNN hiện hành để NHNN giải quyết những bất cập hiện nay.

Trong bối cảnh hiện nay và sắp tới, khi vị thế của NHNN chưa thể thay đổi mạnh mẽ thì việc Chính phủ cho phép NHNN có quyền chủ động hơn trong quyền hạn, cơ chế, chính sách và nghiệp vụ của NHNN thông qua việc tăng cương chức năng NHTW cho NHNN, giảm vai trò quản lý Nhà Nước đối với những hoạt động không phải là ngân hàng. Toàn bộ chính sách của NHNN nên căn cứ vào điều kiện thị trường để độc lập xây dựng, Quốc hội là người quyết định những chỉ tiêu cần thiết và Chính phủ phê duyệt các chính sách cơ bản. Đồng thời, giảm các khoản vay mượn của Chính phủ từ NHNN; tách hẳn các hoạt động can thiệp của Chính phủ vào các khoản tín dụng chỉ định; và tách các hoạt động phục vụ ngân sách trong hoạt động của NHNN.

b. Đối với các Bộ, ngành

NHNN là người chủ trì xây dựng dự án CSTT để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định. Đồng thời là người tổ chức thực hiện khi dự án CSTT đã được phê chuẩn. Dự án CSTT sẽ kém tính khả thi và quá trình điều hành CSTT sẽ không đạt tối đa hiệu quả nếu không có sự phối hợp của các Bộ, ngành khác.

Bộ Tài chính: cung cấp các thông tin về thu chi NSNN, nguồn bù đắp thiếu hụt ngân sách; kế hoạch cho vay, trả nợ của Chính phủ; tình hình cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch. Các thông tin này là rất cần thiết để NHNN dự báo các diễn biến tiền tệ và nguồn vốn khả dụng của các TCTD. Ngoài ra Bộ Tài chính cần phải thực hiện nghiêm túc các cam kết với NHNN về các khoản tạm ứng từ NHNN, về việc xác định lãi suất phát hành tín phiếu kho bạc bán lẻ để không ảnh hưởng đến quá trình điều hành CSTT của NHNN.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: cung cấp các thông tin về kế hoạch đầu tư trung dài hạn hàng năm, chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của cả nước và các cân đối chủ yếu của nền kinh tế. Các thông tin này giúp cho NHNN có cơ sở để dự báo nhu cầu tín dụng, nhu cầu tiền tệ của nền kinh tế.

Bộ Công thương: cung cấp cho NHNN các thông tin về chính sách thương mại, tình hình xuất nhập khẩu… để phân tích cán cân thanh toán quốc tế qua đó mà dự báo sự biến động tài sản có ngoại tệ.

Căn cứ vào mục tiêu chiến lược phát triển ngành NH đến năm 2020, mục tiêu CSTT đến năm 2020, định hướng hoàn thiện các công cụ CSTT, đề tài đã đưa ra một số giải phát cụ thể nhằm hoàn thiện CSTT của NHTW. Bên cạnh đó tác giả cũng đề xuất một số giải pháp bổ trợ nhằm tạo điều kiện phát huy hiệu quả của CSTT.

21.4. Kết luận

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, nền kinh tế không chỉ chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên trong mà còn chịu tác động mạnh mẽ bởi những yếu tố bên ngoài. Do vậy, một NHTW hiện đại điều hành huyết mạch của nền kinh tế càng được chú trọng hơn. Tuy nhiên, phải nói rằng không có mô hình nào là ưu điểm vượt trội và không có điểm hạn chế do vậy lựa chọn mô hình nào là tùy thuộc vào vị trí, khả năng, cũng như chế độ chính trị, nền kinh tế xã hội của mỗi nước. Không thể áp dụng một cách nhất quán được. Ngoài những ưu nhược điểm của mỗi mô hình đã nêu ở phần trên, đa số các nước vẫn chọn mô hình NHTW trực thuộc Chính phủ./.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Tài liệu nước ngoài:

  1. Alesina, Alberto, and Larry H. Summers, 1993, “Central Bank Independence and Macroeconomic Performance: Some Comparative Evidence,” Journal of Money, Credit, and Banking, 25(2), pp. 151–162.
  2. Amtenbrink, Fabian, 2005, “The Three Pillars of Central Bank Governance – Towards a Model Central Bank Law or a Code of Good Governance?” International Monetary Fund, Vol. 4, pp. 101-132.
  3. Arnone, Marco, Bernard J. Laurens, Jean-François Segalotto, and Martin Sommer, 2007, “Central Bank Autonomy: Lessons from Global Trends,” IMF Working Paper 07/88 (Washington: International Monetary Fund).
  4. Banaian, K., R.C.K. Burdekin, and T.D. Willett, 1995, “On the Political Economy of Central Bank Independence” in K.D. Hoover and S.M. Sheffrin (eds.), Monetarism and the Methodology of Economics: Essays in Honor of Thomas Mayer (Edward Elgar Publishing).
  5. Berger, Helge, Jakob de Haan, and Sylvester C. W. Eijffinger (2000): “Central Bank Independence: An Update of Theory and Evidence,” Journal of Economic Surveys, 15(1): 3-40.
  6. Bernanke, B., 2007, “Central Banking and Bank Supervision in the United States,” remarks at the Allied Social Science Association Annual Meeting, Chicago, January 5, 2007.
  7. Blinder, A., C. Goodhart, P. Hildebrand, D. Lipton, and C. Wyplosz, 2001, “How Do Central Banks Talk?” Geneva Reports on the World Economy 3, CEPR, London, September.
  8. Borrero, Alberto M., 2001, “On the Long and Short of Central Bank Independence, Policy Coordination, and Economic Performance,” IMF Working Paper No. 01/19.

II. Tài liệu trong nước:

  1. Lê Minh Hưng (2006), NHTW hiện đại – Mô hình kiềng ba chân, Tạp chí Ngân hàng 2006.
  2. ThS. Trương Văn Phước (2006), Các mục tiêu của NHTW trong nền kinh tế thị trường.
  3. TS Lê Xuân Nghĩa (2006). Tính độc lập của Ngân hàng Trung ương – một nền tảng quan trọng cho hoạt động Ngân hàng Trung ương hiện đại. Tạp chí Ngân hàng, số Chuyên đề năm 2006.
  4. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Viện NIAS, 2004. Từ ngân hàng một cấp đến ngân hàng thương mại: Cải cách khu vực tài chính ở Việt Nam, 1988-2003. Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Hà Nội.
  5. PGS.,TS Nguyễn Duệ (2005). Giáo trình Ngân hàn trung ương. Nhà xuất bản Thống kê 2005.
  6. Tạp chí Ngân hàng các số năm 2013, 2014.
  7. Các báo cáo thường niên của NHNN từ năm 2009 đến 2013.
  8. Các báo cáo Hội nghị tổng kết hàng năm của NHNN.