NHO GIÁO VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM – Di tích lịch sử – văn hoá Hà Nội
- Sự hình thành của Nho giáo
1.1. Trong xã hội Trung Hoa cổ đại, “nho” là một danh hiệu chỉ những người có học thức, biết lễ nghi. NHO GIÁO là hệ thống giáo lí của các nhà nho nhằm tổ chức xã hội có hiệu quả. Những cơ sở của nó được hình thành từ đời Tây Chu, đặc biệt là với sự đóng góp của Chu Công Đán. Đến lượt mình, KHỔNG TỬ phát triển tư tưởng của Chu Công, hệ thống hóa lại và tích cực truyền bá, vì vậy, ông thường được xem là người sáng lập Nho giáo.
Khổng Tử tên là Khâu, sinh năm 551 trCN tại nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông). Năm lên ba, Khâu mồ côi cha; lớn lên, phải làm lụng để giúp mẹ, nhưng rất ham học. Từ năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học. Học trò gọi ông là Khổng Phu Tử, Khổng Tử (= thầy Khổng). Từ năm 34 tuổi, trong suốt gần 20 năm, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá tư tưởng và tìm người biết dùng mình. Nhiều nơi thầy trò bị bỏ đói, bị vây, bị dọa giết, và đạo của ông thì chẳng ai dùng. Cuối đời, ông tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Ông mất năm 479 trCN, thọ 73 tuổi.
1.2. Sách kinh điển của Nho giáo gồm 2 bộ.
Bộ thứ nhất là Ngũ kinh, phần lớn có từ trước, Khổng Tử đã gia công san định, hiệu đính và giải thích. Năm cuốn đó là:
1) Kinh Thi là sưu tập thơ ca dân gian, trong đó chủ đề tình yêu nam nữ khá nhiều. Khổng Tử dùng nó để giáo dục một tình cảm lành mạnh và cách thức diễn đạt tư tưởng khúc chiết rõ ràng.
2) Kinh Thư ghi lại những truyền thuyết và biến cố về các đời vua cổ – anh minh như Nghiêu, Thuần, tàn bạo như Kiệt, Trụ; Khổng Tử gia công san định lại những mong đem họ làm gương cho đời sau.
3) Kinh Lễ ghi chép những lễ nghi thời trước; Không Tử hiệu đính lại mong dùng nó làm phương tiện duy trì và ổn định trật tự xã hội.
4) Kinh Dịch khởi thủy vốn ghi chép về âm dương, Bát quái… ở dạng kí hiệu với sự đóng góp của Chu Văn Vương và Chu Công Đán. Từ bộ “Chu dịch” đó, Không Tử đã giảng giải sâu rộng thêm và trình bày thứ tự rõ ràng cho dễ hiểu, dễ dùng hơn.
5) Kinh Xuân Thu nguyên là sử kí của nước Lỗ quê hương Khổng Tử, được ông dụng công chọn lọc sự kiện, kèm theo những lời bình, thậm chí sáng tác thêm những lời thoại để giáo dục các vua chúa.
Đúng ra, bộ sách còn một cuốn thứ sáu là Kinh Nhạc, nhưng về sau bị thất lạc, chỉ còn lại một ít làm thành một thiên ghép chung vào Kinh Lễ gọi là Nhạc kí. Vì vậy, “Lục kinh” thành ra chỉ còn Ngũ kinh.
Sau khi Khổng Tử mất, học trò tập hợp những lời dạy của thầy lại soạn ra cuốn Luận ngữ (các lời bàn luận). Học trò xuất sắc của Không Tử là Tăng Sâm (thường gọi là Tăng Tử) dựa vào lời thầy mà soạn sách Đại học dạy phép làm người quân tử. Rồi một học trò Tăng Tử là Khổng Cấp, thường gọi là Tử Tư (ông cũng chính là cháu nội Khổng Tử), viết ra Trung dung nhằm phát triển tư tưởng của ông nội mình về cách sống dung hòa, không thiên lệch. Đến thời Chiến quốc, các học phái nổi lên như nấm, có Mạnh Tử (khoảng 390-305 trCN), thường gọi là Mạnh Tử, là người bảo vệ xuất sắc tư tưởng của Khổng Tử; những lời của ông được học trò về sau biên soạn lại thành sách Mạnh Tử. “Đại học”, “Trung dung”, “Luận ngữ”, “Mạnh Tử” về sau hợp lại gọi là Tứ thư. Tứ thư và Ngũ kinh trở thành hai bộ sách gối đầu giường của Nho gia.
Mạnh Tử đã khép lại một giai đoạn quan trọng – giai đoạn hình thành Nho giáo. Đó là Nho giáo nguyên thủy, Nho giáo tiên Tần (trước thời Tần) hay còn được gọi là tư tưởng Khổng – Mạnh.
- Nội dung cơ bản và sự phát triển của Nho giáo
2.1. Để tổ chức xã hội, điều cốt lõi là đào tạo cho được những người cai trị kiểu mẫu – người QUÂN TỬ (quân = cai trị; quân tử = người cai trị). Để trở thành người quân tử, trước hết là phải TU THÂN. Có ba tiêu chuẩn chính.
1) Đạt “đạo”. Đạo là con đường, là những mối quan hệ mà con người phải biết cách ứng xử trong cuộc sống. Có 5 đạo: vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn (quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu). Năm đạo đó gọi là ngũ luân (luân = thứ bậc, cư xử) Trong xã hội, cách ứng xử hợp lí hơn cả là trung dung (dung hòa ở giữa).
2) Đạt “đức”. Người quân tử, theo Khổng Tử, nếu có ba điều nhân-trí-dũng thì gọi là đạt đức. Về sau, Mạnh Tử bỏ “dũng” mà thay bằng “lễ, nghĩa” thành 4 đức: nhân, lễ nghĩa, trí. Đến đời Hán thêm tín thành 5 đức gọi là ngũ thường.
3) Ngoài các tiêu chuẩn về “đạo” và “đức”, người quân tử còn phải biết thi-thư-lễ-nhạc. Khổng Tử nói rằng con người “hưng khởi trong lòng là nhờ học Thi, lập thân được là nhờ biết Lễ, thành công được là nhờ có Nhạc” (Luận ngữ). Nói cách khác, ông đòi hỏi người cai trị không thể là dân võ biền, mà phải có một vốn văn hóa toàn diện.
Tu thân rồi, bổn phận của người quân tử là HÀNH ĐỘNG, phải tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Kim chỉ nam cho mọi hành động trong công việc cai trị là hai phương châm:
1) Phương châm thứ nhất là nhân trị. Nhân là tình người; nhân trị là cai trị bằng tình người, coi người như bản thân mình. Sách Luận ngữ kể rằng khi học trò hỏi về Nhân, Không Tử đáp: “Yêu người”; còn khi hỏi thế nào là Nhân, ông trả lời: “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”, “Mình muốn lập thân thì phải giúp người khác lập thân, mình muốn thành đạt thì phải giúp người khác thành đạt”.
2) Phương châm thứ hai là chính danh. Chính danh tức là sự vật phải ứng với tên gọi, mỗi người phải làm đúng với chức phận của mình. Chính danh trong cai trị là phải làm sao để “vua ra vừa, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con” (Luận ngữ). “Nếu danh không chính thì lời nói không thuận. Lời nói không thuận tất việc chẳng thành” (Luận ngữ).
Đó chính là những nét chủ yếu nhất trình bày trong các kinh sách của học thuyết Nho giáo. Gọn hơn nữa, nó đã được những người sáng lập tóm gọn trong 9 chữ tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Và 9 chữ ấy cũng chỉ nằm trong 2 chữ cai trị mà thôi.
2.2. Xét về ngọn nguồn, có thể thấy Nho giáo chính là sự tổng hợp của hai truyền thống – văn hóa gốc du mục phương Bắc và văn hóa nông nghiệp phương Nam.
I – Tinh hoa của truyền thống DU MỤC phương Bắc mà Nho giáo nguyên thủy đã tiếp thu thể hiện nổi bật ở các điểm sau:
1) Thứ nhất là tham vọng “bình thiên hạ”; coi nhẹ quốc gia. Bản thân Khổng Tử đã trên một lần rời nước Lỗ quê hương đến các nước khác đế tìm minh chủ. Nó dẫn đến tư tưởng bá quyền, cho rằng chỉ có mình là trung tâm, còn “tứ di” xung quanh là “bỉ lậu” cả.
2) Gốc của tham vọng này là truyền thống trọng sức mạnh của văn hóa gốc du mục thể hiện trong chữ “dũng” như một trong ba đức của Nho giáo mà Khổng Tử đã đề ra.
3) Quan niệm về một xã hội trật tự ngăn nắp, có tôn ti rõ ràng, thể hiện qua thuyết “chính danh” cũng là một sản phẩm của truyền thống văn hóa gốc du mục phương Bắc với nếp sống chặt chẽ kỉ cương được đăm bào bằng sức mạnh.
II – Còn tinh hoa của truyền thống NÔNG NGHIỆP phương Nam mà Nho giáo nguyên thủy đã tiếp thu thể hiện nổi bật ở các điểm sau:
1) Việc đề cao chữ “Nhân” và nguyên lí “Nhân trị” có nguồn gốc từ lối sống trọng tình của người nông nghiệp phương Nam. Có lấn Tử Lộ hỏi về cái mạnh, Khổng Tử đã trả lời rất rõ: “Hỏi về cái mạnh của phương Nam ư? Hay là cái mạnh của phương Bắc ư?… Khoan hoà mềm mại để dạy người, không báo thù kẻ vô đạo – ấy là cái mạnh của phương Nam, người quân tử ở vào phía ấy. Xông pha gươm giáo, dầu chết không nản, ấy là cái mạnh của phương Bắc – kẻ mạnh ở vào phía ấy” (Trung dung). Chính do chọn lối sống trọng tinh cho nên khi nghe kể chuyện một người ngay thẳng tới mức tố cáo cha vô tội ăn trộm cừu thì Khổng Tử nói ngay: “Cánh chúng tôi thì không thế. Cha giấu tội cho con, con dấu tội cho cha, ngay thẳng là ở trong đó” (Luận ngữ)
2) Việc coi trọng dân có nguồn gốc từ tinh thần “dân chủ” của văn hóa nông nghiệp phương Nam. Khổng Tử nói: “Dân là chủ của thần, vì thế thánh nhân xưa lo xong việc dân mới lo đến việc thần” (Xuân Thu). Mạnh Tử còn nói rõ hơn; “Dân là quý, thứ đến đất nước, người cai trị thì xem nhẹ”. Các quan hệ trong “ngũ luân” luôn được Nho giáo nguyên thủy lí giải trong tinh thần của một thứ quan hệ hai chiều bình đẳng, tôn trọng con người: Quân minh thần trung (vua sáng suốt, tôi trung thành); Phụ từ tử hiếu (cha hiền từ, con hiếu thảo); Phu nghĩa phụ kính (chồng có nghĩa, vợ kính trọng); Huynh lương đệ đễ (anh tốt, em kính nhường); Bằng hữu hữu tín (bạn bè tin cậy nhau).
3) Nho giáo nguyên thủy rất coi trọng văn hóa, đặc biệt là văn hóa tinh thần (thi, thư, lễ, nhạc…). Tình yêu nam nữ được nói đến trong Kinh Thi chính là cái gốc của chữ nhân, cũng là cái gốc của mọi sự. “Đạo quân tử khai mào từ chuyện vợ chồng, tới lúc cùng tột thì bàn đến chuyện trời đất” (Trung dung). Về nhạc, Khổng Tử nói: “Khi người ta hiểu thấu được nhạc… thì những đức nhã nhặn, thành thực sẽ phát triển dễ dàng… Cách hay nhất để cải thiện phong tục là… xét cho kĩ những bản nhạc trong nước”. Việc trọng văn hơn võ cũng có nguồn gốc từ phương Nam nông nghiệp (khác với truyền thống du mục trọng võ hơn văn, gốc từ phương Bắc).
Cố gắng tổng hợp tinh hoa của hai truyền thống văn hóa trái ngược nhau trong một hoàn cảnh xã hội đầy biến động đã khiến cho học thuyết của Khổng Tử không tránh khỏi mâu thuẫn. Trong khi trên tư tưởng lý thuyết ông đề cao tinh thần dân chủ bình đẳng thì khi bàn về những vấn đề cụ thể, ông lại tỏ ra miệt thị dân (“Dân chúng có thể khiến họ theo, chứ không thể giảng cho họ hiểu được” – Luận ngữ), coi thường các nước chư hầu, miệt thị phụ nữ (“Chỉ hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán” – Luận ngữ). Trên lý thuyết thì “Nhân” là “yêu người”, là “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác” một cách chung chung, còn trong ứng xử thực tế thì “Nhân” lai là trước hết phải quan tâm đến người thân của mình, bao che cho họ, nói dối vì họ.
2.3. Sự phức tạp về nguồn gốc đã gây nên tấn BI KỊCH của Nho giáo: Cái Nho giáo mà Khổng Tử tốn bao công lao gây dựng vừa có thể nói là rất thành công lại vừa có thể nói là đã thất bại.
Thất bại, bởi trong khỉ các bậc đế vương vốn quen cầm quyền cứ theo lối chuyên chế bằng vũ lực và pháp trị thì Khổng Tử lại khuyên họ nên cầm quyền theo lối nhân trị. Chính vì đi ngược lai xu thế chung như vậy cho nên sinh thời, Khổng Tử hầu như chẳng được ai dùng. Về già, ông đã trên một lần tiên đoán về sự suy tàn của đạo mình: “Ta đã suy lắm rồi, từ lâu không còn mộng thấy Chu Công!” (Luận ngữ); “Thiên hạ không có đạo đã lâu rồi, không ai biết theo ta”. Khi sắp mất, nghe đồn có người bắt được con kì lân bị què chân trái, Không Tử nước mắt giàn giụa mà nói: “Đạo của ta đến lúc tàn rồi”.
Năm 246 trCN, Tần Thủy Hoàng dùng vũ lực thống nhất thiên hạ, áp dụng một chính sách cai trị bằng pháp luật độc đoán vào bậc nhất; nó đối lập hoàn toàn với chủ trương cai trị bằng tình người dân chủ của Nho gia. Mâu thuẫn đó là nguyên nhân tất yếu dẫn đến việc nhà Tần tiêu diệt Nho giáo với hành động tàn bạo đốt sách, chôn Nho nổi tiếng.
Chính vì quá chuyên chế mà chỉ 5 năm sau khi Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã sụp đổ; nhà Hán lên thay (năm 202 trCN). Hán Cao tổ Lưu Bang lúc đầu cũng ỷ vào vũ lực, coi thường trí thức, văn hóa. Có lần ông nói với Lục Giả: “Ta ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ, cần gì phải học Thi, Thư”. Nhưng rồi Hán Cao tổ đã biết rút kinh nghiệm của triều Tần, nghe lời khuyên của Lục Giả, thủ tiêu các hình phạt hà khắc, giảm nhẹ sưu thuế và trưng dụng trí thức để bảo vệ ngai vàng.
Theo lời khuyên của Đổng Trọng Thư, Hán Vũ đế (140-25 trCN) là ông vua lần đầu tiên đưa Nho giáo lên địa vị quốc giáo. Từ đây, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống và công cụ tinh thần bảo vệ chế độ phong kiến Trung Hoa suốt hai nghìn năm lịch sử. Không những thế, nó còn được truyền bá khắp các nước Đông Á; Khổng Tử được tôn lên bậc thánh; trên thế giới, tên tuổi ông không ai là không biết. Nhìn vào những sự kiện hiển nhiên này, ai lại chẳng nói rằng Nho giáo đã rất thành công! W. Durant viết: “Rốt cuộc đạo Khổng thắng… Kinh đã mạnh hơn kiếm”.
Thực ra đây là một sự kiện mang tính hai mặt. Xét về hình thể thì đúng là Nho giáo thắng, nhưng trên thực tế thì chính Đạo Khổng thua. Nguyên nhân của cả việc thắng lẫn thua đều là ở chất tình cảm và dân chủ phương Nam mà Nho giáo nguyên thủy đã tiếp thu!
Tại sao nhà Hán đã không chọn các phái khác trong số “trăm nhà”, mà lại chọn đúng Nho giáo? Chính là vì Nho giáo có cái mà các học phái khác kế thừa truyền thống phương Bắc đều thiếu: đó là đường lối nhân trị (cai trị bằng tình và coi trọng dân chủ). Chọn Nho giáo, nhà Hán sẽ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân – những người bấy nay rên xiết bởi chiến tranh và chế độ pháp trị bạo tàn.
Nhưng lối sống theo tình cảm và dân chủ chỉ phù hợp với những phạm vi nhỏ hẹp của các làng xã nông nghiệp, khi mọi người đều quen biết nhau, nó làm sao mà áp dụng được cho một đất nước Trung Hoa rộng lớn? Để giải quyết mâu thuẫn này, nhà Hán đã sử dụng hai biện pháp:
Một mặt nhà Hán đề cao Nho giáo một cách hình thức, còn trên thực tế, họ vẫn cai trị theo lối pháp gia. Họ chủ trương dương đức, âm pháp hay như sau này có người gọi là ngoại Nho, nội Phát. Đây là một chính sách hai mặt với mục đích mị dân, lấy “Nho” và “nhân trị” mềm mỏng làm cái bình phong để che đậy cho lối cai trị bằng pháp luật cứng rắn.
Mặt khác, ngay cả cái Nho giáo hình thức ấy nhà Hán cũng không giữ nguyên. Hán Vũ Đế đã giao cho Lưu Hâm (cùng Tăng Hoàng Dương, Công Tôn Hoàng) cải tạo, biến đổi Nho giáo một cách cơ bản, loại bớt mâu thuẫn. biến nó thành một công cụ cai trị thực tiễn và hữu hiệu phục vụ cho vương triều. Để làm được điều đó, nhóm Lưu Hâm thực chất chủ yếu là tập trung vào loại trừ bớt chất “nông nghiệp phương Nam” trong Nho giáo:
1) Trước hết, những người sửa đổi đã hạn chế nhắc đến “nhân tri; thay vào đó, ho nói nhiều đến “lễ trị” và đặc biết đề cao Trời (thiên mệnh): Mọi việc trên thế gian đều do Trời quyết định, cho nên mỗi khi trái ý, Trời trừng phạt bằng cách giáng thiên tai, dịch bệnh… Đề cao Trời để rồi đồng nhất quyền vua (vương quyền) với quyền Trời (thần quyền). Vua cai trị theo mệnh Trời, do Trời giao phó – đó thật là một sách lược khôn ngoan, tác dụng của nó còn hơn cả lễ trị và pháp trị!
2) Việc tiếp theo là loại bỏ cái hạt nhân dân chủ. Thay cho Ngũ luân với các quan hệ hai chiều bình đẳng là “Tam cương” (vua tôi, cha con, vợ chồng) với quan hệ một chiều duy nhất (trung – hiếu – tiết nghĩa) chỉ đòi hỏi trách nhiệm của kẻ dưới đối với người trên. Nó là cơ sở cho những công thức hết sức phi nhân bản; Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu. Truyền thống xem thường phụ nữ của văn hóa gốc du mục nay được thể chế hóa bằng trách nhiệm của vợ đối với chồng là Phu xướng phụ tùy, và mở rộng ra thành trách nhiệm của phụ nữ đối với đàn ông nói chung là Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.
3) Từ đời Hán về sau, vai trò của văn hóa cũng bị thu hẹp, nó chủ yếu chỉ giới hạn trong khuôn khổ những gì có lợi cho vương quyền. Kinh Thi được giải thích theo lối cao quý, tao nhã; nam nữ bị ngăn cách (nam nữ thụ thụ bất thân); con hát bị khinh rẻ là “xướng ca vô loại”.
Như vậy, Nho giáo theo quan niệm của Khổng – Mạnh đúng là đã không còn nữa, thay vào đó đã là một thứ Nho giáo khác. Để phục vụ việc cai trị trong phạm vi quốc gia, bên cạnh cái “nhân” để lấy lòng dân, cần phải tăng liều lượng chất pháp luật của văn minh du mục. Nhiệm vụ này Hán Nho đã thực hiện một cách xuất sắc. Do vậy mà Nho giáo mới này được nhà Hán và các triều đại về sau ra sức đề cao.
- Quá trình thâm nhập, phát triển và những đặc điểm của Nho giáo Việt Nam
3.1. Hán Nho đã được các quan lại Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diên, Sỹ Nhiếp ra sức truyền bá từ đầu Công nguyên. Tuy nhiên, vì đây là thứ văn hóa do kẻ xâm lược áp đặt cho nên, suốt cả giai đoạn chống Bắc thuộc, Nho giáo chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam. Đến năm 1070, với sự kiện Lí Thánh Tông cho lập Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử, mới có thể xem là Nho giáo được tiếp nhận thính thức. Chính vì vậy mà Nho giáo ở Việt Nam chủ yếu là Tống Nho chứ không phải Hán Nho, Đường Nho hay Minh Nho, Thanh Nho.
Đời Trần có Chu Văn An đào tạo được khá đông học trò. Các nhà nho những lớp đầu tiên này ra sức bài xích Phật giáo để khẳng định chỗ đứng của mình. Tuy nhiên, cho đến gần cuối đời Trần, Nho giáo vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi.
Lê Quát, học trò Chu Văn An, thấy toàn dân theo Phật mà thờ ơ với Nho nên đã bất bình viết trên một tấm bia: “Ta từ lúc nhỏ đã đọc sách, chăm vào việc cổ kim cũng rõ được ít nhiều đạo lí thánh hiền để khai hóa cho dân, vậy mà chưa được người trong một làng nào tin ta. Ta thường đi du lãm sơn xuyên, cùng nam cực bắc, tìm những chỗ gọi là học cung, gọi là Văn Miếu, thì rất ít thấy, vì vậy ta lấy làm hổ thẹn với bọn Phật đồ lắm vậ”y. Không cứ gì nơi thôn dã, ngay ở triều đình, các tập tục của Nho giáo cũng rất xa lạ với ta. Đời Trần, từng có người đề nghị cải tổ triều đình theo mẫu phương Bắc liền đã bị vua Trần cự tuyệt. Tuy nhiên, nho sĩ càng đông thì xu hướng dập khuôn giáo điều càng nặng. Trần Nghệ Tông (1321-1394, ở ngôi 1370 -1372) đã phải than: “Triều trước dựng nước có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống là vì Nam Bắc nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau. Khoảng năm Đại Tự (đời Dụ Tông), bọn học trò mặt trắng được dùng, không hiểu ý nghĩa sâu xa của việc lập pháp, đem phép cũ của tổ tông thay đổi theo tục phương Bắc cả. như về y phục, nhạc chương… thật không kể xiết”.
Trong cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh (1418- 1408), các nhà nho Việt Nam tập hợp dưới cờ Lê Lợi đã có những đóng góp to lớn. Sự lớn mạnh của Nho giáo Việt Nam (điều kiện chủ quan) cùng với nhu cầu cải cách quản lí đất nước (yêu cầu khách quan) đã dẫn đến việc triều Lê đưa Nho giáo thành quốc giáo: sự phát triển của Nho giáo chuyển sang giai đoạn mới – giai đoạn Nho giáo độc tôn. Từ đó, Nho giáo thịnh suy theo bước thăng trầm của triều đình: Thời Lê sơ thì Nho giáo thịnh, chí sĩ đua nhau đi thi để ra làm việc nước. Thời Lê mạt thì Nho giáo suy, nhiều nhà nhà xuất sắc (như Nguyễn Bình Khiêm) lui về ở ẩn. Nhà Nguyễn lên cầm quyền, địa vị Nho giáo một lần nữa được khẳng định để rồi mất hẳn khi phải đối mặt với sự tấn công của văn hóa phương Tây.
Nét độc đáo của văn hóa Việt Nam là khi tiếp thu cái ngoại lai, nó tiếp nhận từng yếu tố riêng lẻ và Việt Nam hóa để rồi cấu tạo lại theo cách của mình. Nho giáo Việt Nam là một hệ thống như thế.
3.2. Nhà nước phong kiến Việt Nam chủ động tiếp nhận Nho giáo chính là để khai thác những yếu tố là thế mạnh của Nho giáo, thích hợp cho việc TỔ CHỨC và QUẢN LÍ đất nước.
Trước hết, nhà nước quân chủ Việt Nam, đặc biệt là các triều Lê và Nguyễn, đã học tập rất nhiều ở cách tổ chức triều đình và hệ thông pháp luật của người Trung Hoa.
Thứ hai, hệ thống thi cử để tuyển chọn người tài bổ dụng vào bộ máy cai trị đã được triều đình phong kiến Việt Nam vận dụng ngay từ đầu triều Lí (III-§2.2.4), hoàn thiện dần vào thời trần và hoàn chỉnh vào thời Lê. Từ kì thi đầu tiên (năm 1075) đến kì thi cuối cùng của lịch sử khoa cử phong kiến (năm 1919), trong vòng 844 năm có tất cả là 185 khoa thi, với 2.875 người đỗ, trong đó có 56 trạng nguyên (nhà Nguyễn không lấy đỗ trạng nguyên).
Thứ ba, khi mà chữ cổ (nếu đúng là nó có, xem I-§3.1.3) đã mai một và mất hẳn, thì người Việt đã sử dụng chữ Hán (thường gọi là chữ Nho – “chữ của Nho gia”) làm văn tự chính thức trong giao dịch hành chính. Trên cơ sở chữ Hán, từ cuối thời Bắc thuộc, người Việt đã tạo ra chữ Nôm (chữ của người Nam) dùng trong sáng tác văn chương. Thời Tây Sơn, vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã mở rộng ra, sử dụng chữ Nôm cả trong lĩnh vực hành chính và giáo dục (La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã được giao nhiệm vụ tổ chức dịch Tứ thư, Ngũ kinh và các sách giáo khoa từ chữ Hán ra chữ Nôm).
3.3. Có nhiều yếu tố của Nho giáo khi vào Việt Nam đã bị BIẾN ĐỔI cho phù hợp với truyền thống của văn hóa dân tộc. Chữ nghĩa có thể vẫn thế, nhưng cách hiểu đã khác nhiều.
Xã hội các quốc gia cổ đại vùng Trung Nguyên, với gốc gác du mục của mình, luôn đầy biến động. Bởi vậy, Nho giáo muốn tạo nên một xã hội ổn định. Tuy nhiên, ở Trung Hoa, các triều đại phong kiến chỉ dùng Nho giáo để giữ yên ngai vàng (giữ ổn định trong đối nội), còn với bên ngoài thì luôn chủ trương bành trướng, xâm lăng (phát triển trong đối ngoại). Đối với Việt Nam nông nghiệp, ước mong về một cuộc sống ổn định, không xáo trộn là một truyền thống lâu đời. Ở Việt Nam, nhu cầu duy trì sự ổn định không chỉ có ở dân mà ở cả triều đình, không chỉ trong đối nội mà cả trong đối ngoại. Các cuộc chiến tranh mà người Việt Nam từng phải thực hiện đều mang tính tự vệ, với phong kiến Trung Hoa cũng thế mà với người Chiêm Thành cũng thế.
Để duy trì sự ổn định, làng xã Việt Nam đã tạo nên sự lệ thuộc của cá nhân vào tập thể cộng đồng bằng cách phân biệt dân chính cư – dân ngụ cư (III-§1.5), cộng đồng hóa lĩnh vực hôn nhân (IV-§2.1.2), sử dụng hữu hiệu bộ máy dư luận (IV-§3.2.3). Tương tự muốn duy trì sự ổn định của quốc gia, nhà nước Nho giáo đã tạo ra sư phụ thuộc của bộ máy quan lại vào nhà cầm quyền bằng hai biện pháp:
- a) Biện pháp kinh tế là “nhẹ lương nặng bổng”: Quan lại xưa sống không bằng lương mà chủ yếu bằng bổng do dưới nộp lên và lộc do trên ban xuống – cuộc sống được bao cấp theo lối ban ơn.
- b) Biện pháp tinh thần là “trọng đức khinh tài”: Khai thác truyền thống trọng đức của văn hóa nông nghiệp (mà “đức” là khái niệm rất chủ quan, mập mờ), nhà nước Nho giáo buộc quan lại không thể hành động mà không tính đến dư luận.
Yếu tố quan trọng thứ hai là việc trọng tình người. Vì trọng tình vốn là truyền thống lâu đời của văn hóa phương Nam, cho nên khi tiếp nhận Nho giáo, người Việt Nam đã tâm đắc với chữ “Nhân” hơn cả. Nhân là lòng thương người: Bán mình là hiếu, cứu người là nhân (Truyện Kiều). “Nhân” gắn liền với “Nghĩa”: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân (Nguyễn Trãi). Đối với người bình dân, “nhân” đồng nghĩa với “tình”. Các từ nhân tình, nhân ngãi (biến âm của nhân nghĩa), nhân duyên trong tiếng Việt đã trở lại nói về tình yêu trai gái. Khả năng đồng hóa Nho giáo một cách mãnh liệt thể hiện qua bài ca dao dí dỏm: Mình về ta chẳng cho về, Ta nắm vạt áo ta đề bài thơ. Bài thơ ba chữ rành rành: Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình là ba. Chữ trung thì để phần cha, Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình!
Trong Nho giáo Việt Nam, việc trọng tình được bổ sung bằng truyền thống dân chủ của văn hóa nông nghiệp (vốn có trong Nho giáo nguyên thủy, nhưng đến Hán Nho thì đã bị loại trừ). Chính nhờ tính dân chủ truyền thống ấy mà khi Nho giáo Trung Hoa thâm nhập vào Việt Nam, nó đã được “làm mềm” đi, không đến mức quá ư hà khắc (xem vấn đề quyền lợi của phụ nữ trong luật Hồng Đức, luật Gia Long). Nhờ truyền thống dân chủ ấy mà Nho giáo Việt Nam, dù có giữ địa vị độc tôn cũng không dám loại trừ Phật giáo và huy bỏ cái gốc của Việt Nam là đạo Mẫu. Tiếp thu chữ “hiếu” của Nho giáo, người Việt Nam đặt nó trong mối quan hệ bình đẳng với cả cha và mẹ: Công CHA như núi Thái Sơn, Nghĩa MẸ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ MẸ kính CHA Cho tròn chữ hiếu là đạo con.
Thứ ba là tư tưởng “trung quân”. Nho giáo Trung Hoa rất coi trọng tư tưởng “trung quân”, còn tư tưởng yêu nước thì không được đề cập đến (đó là đặc điểm của truyền thống văn hóa gốc du mục: đề cao vai trò cá nhân của thủ lĩnh và coi nhẹ quốc gia): quan lại Trung Hoa và võ sĩ Nhật Bản đều coi việc trung thành với “minh quân”, “minh chúa”. “Thiên Hoàng” làm trọng, sẵn sàng xả thân vì họ. Trong khi đó thì ở Việt Nam, tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc lại là một truyền thống rất mạnh (bởi coi trọng hai đơn vị làng và nước). Người Việt Namtiếp thu tư tưởng trung quân Nho giáo trên cơ sở tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc sẵn có, khiến cho cái trung quân đó đã bị biến đổi và gắn liền với ái quốc. Khi xuất hiện mâu thuẫn giữa vua với đất nước, dân tộc thì đất nước, dân tộc là cái quyết định.
Lê Hoàn thay nhà Đinh; Lí Công Uẩn thay nhà (Tiền) Lê; Trần Cảnh thay nhà Lí… vào lúc triều đại cũ không còn đủ năng lực lãnh đạo đất nước nên đều được thần dân ủng hộ. Nguyễn Trãi theo Lê Lợi mà không theo con cháu nhà Trần; Ngô Thì Nhậm theo Tây Sơn mà không theo nhà Lê. Khi Tự Đức cắt ba tỉnh Nam Kì cho Pháp, nhiều nhà nho đã phản ứng dữ dội, Phan Văn Trị thậm chí tuyên bố: “Chém đầu Tự Đức, moi gan Tự Đức, uống máu Tự Đức”. Chính vì đặt nước lên trên mà một người dòng dõi Nho gia như Hồ Chí Minh dám di ngược lại giáo huấn của Nho giáo: Dám bỏ lại cha già để đi tìm đường cứu nước tại trời Tây xa xôi (theo Nho giáo thì phụ mẫu tại bất viễn du – “cha mẹ còn, con không được đi xa”); dám không lập gia đình (theo Nho giáo thì bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại – “tội bất hiếu có ba, không có con nối dõi là nặng nhất”).
Thứ tư là xu hướng trọng văn. Chính vì chịu ảnh hưởng của văn hóa nông nghiệp phương Nam nên Nho giáo nguyên thủy rất coi trọng văn, trọng kẻ sĩ. Tuy nhiên, Trung Hoa có trọng thì quan văn cũng chỉ ngang hàng quan võ. Ở các nước Đông á, chữ “DŨNG” vẫn được coi trọng ở những mức độ khác nhau: Trong quân đội Tưởng Giới Thạch, 5 đức tính được đề cao là Trí-Tín-Nhân-Dũng-Trực; trong quân đội Triều Tiên thời Silla thì đề cao Trung-Hiếu-Tín-Nhân-Dũng; côn trong quân đội Nhật thì ca ngợi Trung-Lễ-Dũng-Tín-Kiêm. Thứ bậc “sĩ, nông, công, thương” có ở cả Việt Nam và Nhật Bản, nhưng trong khi “sĩ” ở Việt Nam là văn sĩ thì ở Nhật Bản lại là võ sĩ. Ở Việt Nam, văn được coi trọng hơn hẳn võ: Tuy luôn phải đối phó với chiến tranh, nhưng người Việt ít quan tâm đến các kì thi võ mà chỉ ham học chữ, thi văn: Một nho vàng không bằng một nang chữ. Người Việt Nam nhìn thấy ở Nho giáo một công cụ văn hóa, một con đường làm nên nghiệp lớn: Chẳng tham ruộng cả ao liền, Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ; Anh về lo học chữ Nhu, Chín trăng em đợi mười thu em chờ.
Thứ năm là thái độ đối với nghề buôn. Nho giáo Trung Hoa khuyến khích làm giàu nếu nó không trái với lễ: “Phú quý mà có thể cầu được thì dù làm kẻ cầm roi đánh xe hầu người, ta cũng làm” (Luận ngữ). Làm giàu không chỉ nên, mà còn là trách nhiệm của người cai trị: Mạnh Tử từng bàn đến các vấn đề trao đổi hàng hóa, giá cả, chính sách thu thuế chợ, thuế đường…; ông nói: “người ta có hằng sản mới có hằng tâm”. Chính vì vậy mà ở Trung Hoa, Nho giáo không hề cản trở nghề buôn phát triển.
Chính bởi vậy mà Trung Hoa đã sản sinh ra một tầng lớp thương nhân giỏi buôn bán tới mức cả thế giới đều biết tiếng. Ngay từ thời Khổng Tử, tiền tệ đã xuất hiện cùng với tầng lớp đại thương nhân: học trò Khổng Tử là Tử Cống nhờ đi buôn mà làm giàu. Thời Chiến Quốc, có những thương nhân lớn như Là Bất Vi nước Tần tung của cải ra để thao túng chính quyền, Mạnh Thường Quân nước Tề làm nghề cho vay nặng lãi đã dựa vào tiền của để củng cố quyền lực chính trị của mình: Từ thời Chiến Quốc, chính quyền vua chúa của các nước trong vùng đã lấy thương nhân làm chỗ dựa.
Trong khi đó thì ở Việt Nam với văn hóa nông nghiệp đậm nét, với tính cộng đồng và tính tư trị, lại có truyền thống khinh rẻ nghề buôn. Nó đã bám rễ vào suy nghĩ và tình cảm mỗi người, khiến cho nghề buôn trong lịch sử Việt Nam không thể phát triển được; nó còn được khái quát hóa thành quan niệm mang tính chất chính thống: dĩ nông vi bản, dĩ thương vi mạt và đường lối trọng nông ức thương. “Truyền thống” này khiến cho Việt Nam nông nghiệp vốn đã âm tính lại càng duy trì được sự ổn định lâu dài, tránh mọi nguy cơ đồng hóa.
3.4. Sở dĩ Nho giáo đã được Việt Nam dỡ ra, cải biến cho phù hợp với hoàn cảnh và truyền thống của mình, rồi cấu trúc lại một cách tài tình như thế là vì giữa Nho giáo Trung Hoa và văn hóa Việt Nam vốn có những nét tương đồng.
Những nét tương đồng đó không phải là ngẫu nhiên. Đó không phải cái gì khác mà chính là những tinh hoa của văn hóa nông nghiệp phương Nam mà Nho giáo nguyên thủy đã tiếp thu. Thành ra, khi vào Việt Nam, Nho giáo luôn phảng phất cái nét “vừa quen vừa lạ” rất đặc biệt. H. Maspero trong cuốn La Chine antique (1955) nói rất đúng rằng “khi người dân miền Nam thời mới thâu nhận văn hóa Trung Hoa thì chỉ như là đặt lại mình vào một cái gì cố cựu quen thuộc từ xưa mà nay vừa đổi mới lại. Đó là một tình trạng tiền sử, khi mà các dân tộc hiện cư ngụ trên đế quốc Trung Hoa còn tham dự vào một nền văn minh chung”.
Hits: 27325