NHỮNG ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN LÀM VÀO NGÀY TẾT
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là quan niệm lâu đời của người Việt Nam, đặc biệt là vào những ngày đầu năm mới. Vì nó có thể ảnh hưởng đến cả một năm của bạn. Dưới đây là những điều nên và không nên làm vào những ngày đầu năm để cả năm được suôn sẻ, an khang.
I – NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM VÀO NGÀY TẾT
1. Đi lễ Chùa
Đây là điều nên làm trong ngày Tết duy trì từ ngày xa xưa. Người Việt có truyền thống đi lễ chùa đầu năm mới cầu mong may mắn, hạnh phúc, sức khỏe đến với gia đình.
2. Xông đất đầu năm
Theo tục lệ, giờ “xông đất” được tính từ sau giờ giao thừa trở đi. Người xông đất được tính là người khách đầu tiên bước vào cửa nhà từ thời khắc giao thừa cho đến sáng ngày mồng 1Tết.
Người xông đất được cho là người mang đến sự may mắn, hạnh phúc, công danh và tài lộc cho gia đình trong năm mới. Vì vậy từ trước Tết, gia chủ đã chọn người hợp tuổi với chủ nhà, là người hạnh phúc viên mãn trong cuộc sống để mang đến may mắn cho gia đình.
3. Mua muối
Ông cha ta có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Tức là cuối năm mua vôi về quét lại nhà cửa, hy vọng tránh những điều xui xẻo.
Người Việt có thói quen đi mua muối đầu năm vì đây là biểu tượng cho tình cảm thắm thiết, mặn nồng. Tục mua muối còn mang ý nghĩa cầu mong sự đậm đà trong tình cảm gia đình, vợ chồng, con cái.
4. Mặc quần áo mới
Không chỉ mỗi trẻ con, người lớn cũng háo hức muốn xuất hiện với vẻ ngoài thật chỉn chu trong dịp Tết đến Xuân về. Quần áo mới với ý nghĩa mang đến những điều mới mẻ, vui vẻ trong suốt cả năm. Lưu ý nên mặc những trang phục màu sắc tươi sáng như đỏ cam, xanh. Bạn nên nghiên cứu thêm phong thủy để chọn màu sắc phù hợp với bản thân.
5. Chúc Tết đầu năm
“ Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy” là câu nói thể hiện rõ phong tục đi chúc Tết của người Việt Nam. Trao nhau những nụ cười, những lời chúc sức khỏe, may mắn đến với mọi người. Những lời mừng thọ để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
6. Mừng tuổi trẻ nhỏ, người già
Gắn liền với việc chúc Tết là phong tục mừng tuổi, hay dân gian thường gọi là lì xì. Người Việt có quan niệm sống rộng rãi sẽ nhận được phúc lộc, ăn nên làm ra, buôn bán thuận lợi. Cho hay nhận bao lì xì kèm theo lời chúc thể hiện sự may mắn, an lành, thịnh vượng trong năm mới.
7. Ăn chay
Theo nhà Phật, ngày Mùng 1 Tết đầu năm là ngày rằm nên tránh sát sanh, gây nghiệp. Hơn nữa, tính thanh đạm của thức ăn chay giúp cơ thể tránh bị những căn bệnh về nhiệt cơ thể và tiêu hóa.
8. Tảo mộ
Tết cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, những người đã khuất. Vì vậy tảo mộ đã trở thành tập tục không thể thiếu của người dân Việt Nam bao đời nay.
II – NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỴ VÀO NGÀY TẾT
1. Vay mượn hoặc trả nợ đầu năm
Người Việt Nam rất kiêng kỵ việc vay mượn hay cho vay mượn đầu năm mới. Theo quan niệm của người xưa, viêc cho vay hay trả nợ đầu năm thì cả năm sẽ rơi vào cảnh túng thiếu. Ngày xuân mở cửa đón tài lộc vào nhà, cho vay mượn hoặc trả giống như “dâng” tài lộc cho người khác.
2. Cho lửa, nước đầu năm
Lửa có màu vàng, màu đỏ, tượng trưng cho sự may mắn. Vì vậy, nếu cho lửa đầu năm tức là cho đi sự may mắn, khiến gia đình có nguy cơ gặp xui xẻo, tai vạ trong năm đó.
Nước tượng trưng cho sự sinh sôi và được ví là nguồn tài lộc của gia đình. Vì vậy, khi bước qua năm mới, nhà nào cũng trữ nước đầy bể, đủ sinh hoạt cho những ngày Tết.
3. Đóng cửa nhà
Theo quan niệm dân gian, đóng cửa nhà ngày Tết không đón được tài lộc vào nhà, gia đình nghèo đói túng thiếu. Đặc biệt là sáng mùng 1 Tết, trừ khi đi chúc Tết.
4. Quét nhà, đổ rác vào mùng 1 Tết
Như cho vay hay trả nợ, quét nhà đổ rác cũng được quan niệm là hành động đuổi Thần Tài ra khỏi nhà. Hoặc nếu có quét nhà, rác cũng để ở một góc nhà và không được hốt rác đổ đi.
5. Kiêng làm đổ vỡ
Vỡ, bể là những từ mang đến sự xui xẻo, chia ly. Nên ngày Tết tránh làm rơi vỡ đồ đạc như gương, bát, đĩa, ly…
6. Ăn cháo vào mùng 1 Tết
Theo quan niệm xưa, chỉ những gia đình nghèo khổ, túng thiếu mới ăn cháo, do đó mùng 1 nên nấu cơm để ăn. Hơn nữa, sáng ngày đầu năm, muôn thần tề tựu, việc ăn cơm nóng thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và các vị thần.
7. Tranh cãi, bất hòa
Trong những ngày đầu năm mọi người thường cố giữ hòa khí dù sự việc có khó chịu như thế nào. Đặc biệt mùng 1 tránh cãi nhau, khóc lóc để một năm mới luôn vui vẻ, hạnh phúc.
8. Người có tang đi chúc Tết
Tết Nguyên Đán là ngày vui của mọi nhà, vì vậy những gia đình có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng 3 ngày. Trong ngày mùng 1 đầu năm, họ cũng kiêng đi chúc Tết, xông đất nhà khác bởi có thể mang xui xẻo đến gia đình đó cả năm.
9. Sử dụng kim chỉ
Người xưa quan niệm việc may vá trong ngày đầu năm mới sẽ khiến gia chủ khổ sở, vất vả, thiếu trước hụt sau cả năm.
10. Ăn dở, bỏ thừa cả năm mất mùa, đói khát
Dù món ăn có thế nào cũng tránh ăn nhè, bỏ phí, lãng phí thức ăn, nếu không cả năm sẽ bị mất mùa, đói khát. Tránh chống đũa vào bát gây sự chậm trễ trong công việc, thua lỗ trong buôn bán.
>>>> Xem thêm:
11. Kiêng trượt chân, vấp ngã
Việc trượt chân, vấp ngã báo hiệu sự bất ổn, trục trặc trong công việc và cuộc sống. Vậy nên trong những ngày đầu năm mới bạn nên đi đứng cẩn thận để tránh những điều không may mắn.
12. Kiêng xuất hành ngày mùng Năm
Ngày mùng Năm là ngày nguyệt kị, người Việt thường không xuất hành vào những ngày này. Dân gian có câu “ Mùng năm, mười bốn, hăm ba; đi chơi còn lỗ huống là đi buôn” nên mùng Năm không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.