NHỮNG TIÊU CHÍ QUAN TRỌNG CẦN CÓ TRONG BẢNG ĐÁNH GIÁ NHÂN VIÊN

Đánh giá nhân viên là một trong những hoạt động quản trị nhân sự quan trọng của mỗi doanh nghiệp. Một bảng đánh giá nhân viên chi tiết sẽ là thước đo chuẩn mực để nhà quản lý thực hiện quy trình xét duyệt khen thưởng, kỷ luật hay đưa ra các quyết định điều chỉnh thích hợp.

Để thực hiện việc đánh giá nhân viên một cách chuẩn xác nhất, các nhà quản lý doanh nghiệp cần phải nắm vững những tiêu chí quan trọng cần phải thể hiện trong bảng tiêu chí đánh giá nhân viên. Những tiêu chí đó là gì? Cùng Acabiz tham khảo bài viết dưới đây.

Những trường hợp cần thực hiện đánh giá nhân viên

1. Trường hợp sau khi kết thúc thời gian thử việc: Thực hiện đánh giá kết quả thử việc của nhân viên để quyết định có tiếp tục ký hợp đồng làm việc chính thức hay không.

2. Đánh giá nhân viên theo kỳ: sau mỗi tháng/năm/quý thì nhà quản lý phải thực hiện đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên để làm căn cứ cho các quyết định khen thưởng hoặc kỷ luật.

3. Đánh giá xét duyệt tăng lương theo kỳ hạn: đánh giá nhân viên có nỗ lực làm việc và đạt kết quả công việc tốt.

4. Đánh giá nhân viên sau khi hết hạn hợp đồng: thực hiện đánh giá để đưa ra quyết định có tiếp tục ký hợp đồng với nhân viên không.

6 tiêu chí đánh giá nhân viên quan trọng

Tùy vào các lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động và các vị trí công việc khác nhau của nhân viên mà các công ty se có hệ thống bảng đánh giá với các tiêu chí riêng. Tuy nhiên trong bảng đánh giá nhân viên tổng hợp vẫn không thể thiếu 6 tiêu chí quan trọng để đánh giá tổng quát năng lực của nhân viên:

Tiêu chí 1: Tuân thủ nội quy công ty

Đánh giá nhân viên dựa trên việc nhân viên có tuân thủ nội quy lao động, các quy chế – quy định làm việc của bộ phận phụ trách hay không là một tiêu chí đánh giá không thể thiếu. Tiêu chí này đánh giá tính chuyên nghiệp, trách nhiệm và sự tôn trọng của mỗi cá nhân đối với cả một tập thể.

Tiêu chí 2: Đánh giá tác phong làm việc

Tiêu chí đánh giá tác phong làm việc dựa trên các yếu tố: nhân viên có ăn mặc gọn gàng, lịch sự, mặc đồng phục theo đúng quy định hay không? Các quy định về giữ gìn vệ sinh nơi làm việc có tuân thủ nghiêm túc không? Ngoài ra tác phong làm việc linh hoạt, nhanh nhẹn phản ánh chân thực nhất việc nhân viên có thực sự yêu thích và sẵn sàng cống hiến cho công việc, đạt mục tiêu làm việc hiệu quả tốt nhất.

Tiêu chí 3: Mối quan hệ trong công việc

Mỗi nhân viên đều cần phải xây dựng các mối quan hệ tốt trong thời gian làm việc để công việc đạt hiệu quả cao. Không chỉ xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và vững chắc với đồng nghiệp, cấp trên để các bộ phận có thể hỗ trợ lẫn nhau trong công việc mà một số các vị trí công việc như nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng,… phải xây dựng nền tảng với các mối quan hệ khách hàng. Bằng cách tạo dựng lòng tin tuyệt đối, cố gắng giải quyết kịp thời nhu cầu của khách hàng, chăm sóc với thái độ chu đáo, nhiệt tình, nhân viên sẽ được khách hàng và cấp trên đánh giá cao năng lực làm việc của mình.

Tiêu chí 4: Thực thi công việc

Tiêu chí này có thể nói cách khác đó chính là đánh giá dựa trên năng lực làm việc của nhân viên. Các yếu tố đánh giá có thể dựa trên hiệu suất làm việc, số lượng công việc nhân viên đảm nhận và thời gian hoàn thành công việc của họ. Việc đánh giá hiệu suất thông qua chỉ số KPI cụ thể hiện nay đã và đang được nhiều nhà quản lý áp dụng giúp đánh giá hiệu quả, chuẩn xác với từng vị trí công việc khác nhau.

Bên cạnh đó, tiêu chí đánh giá nhân viên này còn dựa vào yếu tố kết quả hoàn thành công việc của nhân viên. Thông qua tieu chí này, nhà quản lý có thể nhìn thấy năng lực thực sự của nhân viên và từ đó sẽ có những kế hoạch điều chỉnh công việc cũng như kế hoạch đào tạo phù hợp giúp nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên.

 

>> Bạn có nắm được những thói quen giúp xử lý công việc hiệu quả?

>> Làm sao để đánh giá hiệu quả đào tạo nhân viên?

Tiêu chí 5: Đánh giá kỹ năng

Có thể thực hiện đánh giá kỹ năng của nhân viên thông qua: kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm; thực hiện các kỹ năng mềm như đàm phán, thuyết phục. Hơn thế nữa một số các kỹ năng phục vụ công việc như kỹ năng giải quyết tính huống phát sinh, vân đề, quản lý thời gian, cách lập kế hoạch, quản lý công việc hiệu quả, chịu được áp lực công việc,…cũng thể hiện năng lực của nhân viên, giúp các nhà quản lý hiểu rõ hơn về nhân sự của họ và đưa ra các đánh giá phù hợp.

Tiêu chí 6: Sử dụng trang thiết bị

Tiêu chí đánh giá cuối cùng được đề cập tới trong bảng đánh giá nhân viên đó chính là khả năng sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất của nhân viên. Nhân viên có sử dụng thành thạo và hiệu quả đối với thiết bị phục vụ công việc hay không? Nhân viên có sử dụng thiết bị đúng mục đích làm việc và có trách nhiệm trong việc tiết kiệm, bảo quản trang thiết bị, tài sản của công ty hay không? Tất cả đều cần phải làm rõ để đánh giá chính xác thái độ và tinh thần làm việc của nhân sự.

Sau cùng, với mỗi tiêu chí, nhà quản lý có thể thực hiện xếp hạng theo các thang điểm tương ứng, ví dụ: xuất sắc – khá – trung bình – kém với các mức số điểm cụ thể. Khi cộng tổng điểm của các tiêu chí này lại sẽ cho ra kết quả đánh giá tổng thể của nhân viên ở nhiều mặt khác nhau. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp đưa ra được những đánh giá khách quan nhất từ tác phong – thái độ – năng lực làm việc của từng vị trí công việc đảm nhận.