Na Hang: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Na Hang: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Thứ Tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023 – 07:45

Đã xem: 452

  • A+
  • A-

Đến với mảnh đất Na Hang, du khách có thể lựa chọn nhiều địa điểm để ghé thăm và trải nghiệm. Nổi bật có thể kể tới như núi Pác Tạ, những thung lũng hoa lê, hoa mận nở trắng xóa núi rừng ngày xuân hay những thuở ruộng bậc thang óng chín lúa vàng ngày thu hanh hao… Ngoài ra, phong cảnh hùng vĩ, nên thơ, Na Hang còn là vùng đất sinh sống của 12 dân tộc như: Tày, Nùng, H’mông, Dao… Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch là vô cùng cần thiết.

Non nước Na Hang

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ đắc lực cho phát triển “ngành công nghiệp không khói”, các cuộc điền giã tiến hành nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống được triển khai đồng bộ.

Các lễ hội văn hóa truyền thống được phục dựng như: Lễ hội Lồng tông, lễ hội giã cốm (tăm khảu mảu) của người Tày, Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lễ cấp sắc của đồng bào Dao; các làn điệu dân ca, dân vũ được gìn giữ và quảng bá thông qua việc thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ; các câu lạc bộ hát Then, hát Cọi, hát Páo dung, Soọng cô, múa khèn… Đặc biệt, từ cuối tháng 01/2020, Na Hang khai trương và tổ chức chợ đêm họp vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Ngoài mục tiêu giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương, chợ đêm Na Hang đưa thêm các tiết mục dân ca, dân vũ đặc sắc của các xã, thị trấn vào biểu diễn và nhận được sự hưởng ứng từ khách du lịch.

Các lễ hội truyền thống của các dân tộc trong huyện cần được gìn giữ, phát huy

Cấp ủy, chính quyền luôn chú trọng, quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Mới đây, Ủy ban nhân dân huyện Na Hang phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Các giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc Tày, Dao, Mông đối với phát triển kinh tế – xã hội huyện Na Hang”. Tọa đàm tập trung làm rõ việc phát triển du lịch triển gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, những biện pháp giữ gìn cảnh quan và lưu giữ các sản vật đặc sắc của từng địa phương; thảo luận về thành công, hạn chế của các chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của ba dân tộc Tày, Dao, Mông đối với phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Thời gian tới, huyện Na Hang sẽ triển khai thêm các làng văn hóa truyền thống theo hướng du lịch cộng đồng tại 3 xã Năng Khả, Hồng Thái, Đà Vị, tạo thành các điểm nhấn hấp dẫn du khách đến với địa phương.

Các làng văn hóa truyền thống theo hướng du lịch cộng đồng sẽ được triển khai thời gian tới

Các hoạt động như: Tuần văn hóa du lịch vùng cao Na Hang, Lễ hội mùa vàng Hồng Thái, Lễ hội hương sắc hoa lê…thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần quảng bá về một Na Hang đa sắc màu văn hóa, giàu bản sắc dân tộc nhưng cũng rất năng động.

Lưu giữ truyền thống thêu khăn của người Dao đỏ

Năm 2022, 2023, Trại sáng tác văn học nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh được tổ chức tại Na Hang.  Bên cạnh việc tổ chức cho các tác giả tham gia trại sáng tác thăm quan một số địa điểm, danh lam thắng cảnh của Na Hang, các văn nghệ sĩ đã cùng nhau thâm nhập thực tế tại các bản làng đồng bào Dao, Tày, Mông…, Qua những chuyến trải nghiệm, gặp gỡ, trao đổi, các văn nghệ sĩ đã hòa nhập, thân thuộc với đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào các dân tộc nơi rẻo đất non cao, hùng vĩ này. Những chất liệu sinh động của cuộc sống, những ý tưởng sáng tạo như ngọn lửa thổi bùng lên trong trái tim của những người làm nghệ thuật, và các tác phẩm nghệ thuật chất lượng ra đời, góp phần quảng bá một Na Hang nhiều tiềm năng, thế mạnh và giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc.  

Ngoài ra, huyện Na Hang đã mở các lớp tập huấn về kỹ năng đón tiếp, hướng dẫn khách du lịch cho các đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng để xây dựng các Homestay, chỉnh trang khuôn viên nhà ở; khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, xây dựng mỗi xã một sản phẩm du lịch. 

Chăn thổ cẩm của người Tày Na Hang

Tăng cường quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch, liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Một số xã đã tổ chức các lớp  truyền dạy hát then, đàn tính và nhạc cụ dân tộc cho các nghệ nhân nhằm giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân; tạo điều kiện để các hạt nhân văn nghệ và quần chúng nhân dân được sáng tạo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ; từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp trên địa bàn.

Những làn điệu Then tô điểm cho bức tranh làng bản thanh bình, tôn tạo bản sắc văn hoá và những nét đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc Na Hang

Những nỗ lực, cố gắng của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn huyện đã góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Năm 2022, Na Hang thu hút 129.000 lượt khách du lịch, đạt 144% kế hoạch, tăng 154,8% so với cùng kỳ; doanh thu xã hội từ du lịch đạt 202,2/144 tỷ đồng, đạt 135,7 kế hoạch, tăng 181,1% so với cùng kỳ.

Thời gian tới, để hoạt động liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, cần tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất, khuyến khích phối hợp đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tiếp tục đẩy nhanh đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa – xã hội cho các xã trên địa bàn huyện… đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.

Thứ hai, phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh du lịch của huyện; xây dựng các chương trình (tour) du lịch điển hình; kết nối các sự kiện, lễ hội riêng của huyện với các địa phương của các tỉnh bạn như Ba Bể (Bắc Kạn), Bắc Mê (Hà Giang)… để tạo ra chuỗi sự kiện du lịch thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm liên kết hiện có, như tham quan danh thắng, nghỉ dưỡng, tắm suối, hồ, câu cá,… Nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới, như du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao… Phục hồi và phát triển các đặc sản gắn với nghề truyền thống của các địa phương trong vùng: Chế tác sản phẩm thủ công, dệt thổ cẩm, trồng rừng,..

Du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm…cần được chú trọng đầu tư

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…), với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông, hàng không, doanh nghiệp lữ hành lớn để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của huyện đến khách du lịch trong nước và ngoài nước.

Thứ tư, phối hợp để đa dạng và nâng cao chất lượng công tác xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch. Liên kết trang web của các tỉnh, thành phố để cung cấp thông tin và quảng bá du lịch,…

Thứ năm, tiếp tục tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, có năng lực, am hiểu về các điểm du lịch của huyện để hướng dẫn khách du lịch, giúp cho họ hiểu về thiên nhiên và văn hóa độc đáo, đặc sắc của địa phương. Chú trọng đến trao truyền cho thế hệ con cháu kế thừa bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của dân tộc mình.

Cảnh sắc và con người Na Hang

Với nhiều hoạt động quan tâm, đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch cùng với đó việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Na Hang phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón hơn 350.000 lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 430 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng hơn 5.600 lao động. Các sản phẩm du lịch mới, đa dạng được lưu giữ, phát huy, quảng bá đang góp phần đưa hình ảnh của Na Hang nói riêng cũng như Tuyên Quang nói chung đến gần hơn với người dân cả nước./.

Mộc Miên

Xổ số miền Bắc