“Nằm lòng” kinh nghiệm hoàn thiện nhà xây thô

02/02/2021 10:53

Kinh nghiệm hoàn thiện nhà xây thô có lẽ là vấn đề mà mọi gia chủ đều quan tâm, tìm hiểu khi công trình của mình đã hoàn tất phần thô, đang chuẩn bị bước vào khâu hoàn thiện nhà. Giai đoạn này rất dễ phát sinh chi phí ngoài dự kiến, thậm chí có thể khiến chủ nhà rơi vào trạng thái “rối bời”, không biết gỡ nút thắt từ đâu.

Do đó, dù có thuê thi công trọn gói với một đơn vị thầu, xây dựng thì bạn vẫn nên giám sát đội thợ, theo dõi công trình. Muốn vậy, bạn cần có hiểu biết nhất định về hoàn thiện nhà xây thô. Vậy hoàn thiện nhà là gì? gồm các hạng mục nào? quy trình ra sao? cần lưu ý những gì? Nội dung bài viết dưới đây của Dothi.net sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn tổng quan về vấn đề này. 

1. Nhà xây thô là gì? Hoàn thiện nhà là gì?

Có thể nói, đây là những thuật ngữ không còn xa lại với mọi người, tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiểu đúng và đầy đủ về các khái niệm này nếu chưa có kinh nghiệm xây dựng nhà trên thực tế.

Thế nào là nhà xây thô?

hình ảnh cận cảnh ngôi nhà đã hoàn tất phần xây thô, bắt đầu vào giai đoạn hoàn thiện.

Ngôi nhà đã hoàn tất phần xây thô, bắt đầu vào giai đoạn hoàn thiện.

Nhà xây thô là công trình nhà ở đã được xây dựng phần móng, bể ngầm (nếu có), hệ thống kết cấu chịu lực gồm khung, cột, dầm, sàn bê tông, mái bê tông, cầu thang, tường bao, tường phân chia phòng,… Phần xây thô hình thành bộ khung cho ngôi nhà theo hồ sơ, bản vẽ thiết kế đã duyệt trước đó.

Phần xây thô được đánh giá là tiền đề rất quan trọng đối với mọi quy trình cũng như hạng mục thi công sau này. Do đó, gia chủ, kiến trúc sư và đội thợ thi công cần tính toán phần xây thô một cách kỹ lưỡng, chi tiết nhất có thể. Nếu phần thô tốt thì phần thi công hoàn thiện sẽ thuận lợi hơn, hạn chế tối đa sai sót, phát sinh, giúp chủ nhà tiết kiệm đáng kể thời gian, tiền bạc.

Hoàn thiện nhà xây thô là gì?

Đây là công đoạn được thực hiện sau khi ngôi nhà đã hoàn thành phần xây thô; là công đoạn cuối cùng để đưa công trình vào sử dụng. Khâu hoàn thiện nhà đóng vai trò quyết định tính thẩm mỹ và công năng sử dụng của ngôi nhà. Công đoạn này có thể không tốn kém quá nhiều kinh phí trong quá trình xây dựng  nhưng gia chủ cần quan tâm chú trọng, sát sao để có được những quyết định chính xác nhất, hoàn mỹ nhất.

Lưu ý, phần hoàn thiện nhà rất dễ phát sinh chi phí lẫn thời gian thi công. Gia chủ vì thế cần có kế hoạch tài chính chi tiết, chính xác cho những hạng mục thi công ở khâu hoàn thiện công trình. Tốt nhất, nên có một khoản ngân sách dự trù cho những phát sinh có thể xảy ra.

2. Các hạng mục hoàn thiện nhà xây thô và những lưu ý quan trọng

Thông thường, quá trình hoàn thiện nhà xây thô gồm các bước và hạng mục như sau: Trát tường, láng sàn, ốp lát gạch, sơn bả tường, lắp đặt hệ thống điện, nước, đồ nội thất…

Bước 1: Trát tường

Thợ thi công trát tường hoàn thiện nhà xây thô.

Thợ thi công trát tường hoàn thiện nhà xây thô.

– Nên dành đủ thời gian cho bề mặt tường mới xây khô hoàn toàn, còn nếu tường quá khô thì dùng nước sạch để làm ẩm.

– Tạo độ phẳng cho bề mặt tường với đá mài, loại bỏ tạp chất sẽ ảnh hưởng tới độ bám dính của sơn bả.

– Ráp lại bề mặt tường bằng giấy nhám, sử dụng khăn sạch hoặc máy nén khí làm sạch bụi bẩn bám trên tường.

– Kiểm tra chất lượng vữa đã đảm bảo chưa trước khi trát. Khi trát phải láng mịn, không để xuất hiện những vết nứt nhỏ.

Bước 2: Láng sàn

– Khi nền láng chưa khô hẳn (vừa se) thì nên láng sàn ngay.

– Trường hợp nền láng là bê tông quá khô thì nên băm mặt bê tông, sau đó chải và rửa sạch trước khi láng.

– Mặt láng phải bằng phẳng, láng mịn.

Bước 3: Lắp đặt hệ thống điện, cấp thoát nước, kỹ thuật

– Để đảm bảo an toàn và tính thẩm mỹ, cần thực hiện lắp đặt đúng theo chỉ dẫn trong bản vẽ kỹ thuật cũng như hướng dẫn từ nhà sản xuất.

– Hệ thống điện, cấp thoát nước nên được thiết kế âm tường, kiểm tra kỹ các mối nối trước khi lắp đặt.

– Cần chú trọng độ an toàn và bền vững của hệ thống.

– Chọn các sản phẩm chất lượng, thương hiệu uy tín.

– Không nên bố trí quá nhiều ổ cắm điện vì sẽ ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của căn phòng.
 
– Gia chủ nên thuê nhà thầu chuyên nghiệp trong lĩnh vực thi công điện, nước thực hiện.

Một trong những kinh nghiệm hoàn thiện nhà xây thô là bố trí hệ thống điện, nước âm tường theo đúng bản vẽ kỹ thuật, kiểm tra kỹ các mối nối trước khi lắp đặt.

Một trong những kinh nghiệm hoàn thiện nhà xây thô là bố trí hệ thống điện, nước âm tường theo đúng bản vẽ kỹ thuật, kiểm tra kỹ các mối nối trước khi lắp đặt.

Bước 4: Ốp, lát gạch

– Độ dốc của mặt ốp lát đạt yêu cầu, bề mặt ốp lát phải phẳng mịn.

– Mạch lát khít, đầy vữa, không nổi cộm hay có gờ, không bị ố bề mặt.

– Chọn gạch phù hợp với từng khu vực chức năng, ví dụ với gạch lát phòng tắm, nhà bếp, cầu thang, bạn nên dùng loại gạch có khả năng chống trơn trượt tốt.

Bước 5: Sơn bả tường

– Nên chọn sơn gốc nước an toàn cho sức khỏe,  thoát ẩm tốt, hạn chế tình trạng phồng rộp.

– Nên có lớp sơn lót màu trắng (2 lớp) trước khi sơn màu.

– Màu sắc bề mặt sơn phải đồng đều, không loang lổ hay có vết ố.

– Mặt lớp sơn không có vết nứt, không bị vón cục, phải có độ bóng nhất định.

Bước 6: Lắp đặt nội thất

Đây là bước cuối cùng và rất quan trọng trong quá trình hoàn thiện nhà xây thô. Để lựa chọn được những món đồ phù hợp, bài trí khoa học, đảm bảo cả về công năng lẫn tính thẩm mỹ, gia chủ nên xác định chính xác phong cách mình muốn. Muốn lắp đặt nội thất nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm chi phí, bạn nên có sơ đồ thiết kế nội thất hoàn chỉnh, tránh bài trí theo ngẫu hứng.

Nếu tự thiết kế nội thất, bạn cũng nên tham vấn kiến trúc sư, những người có chuyên môn kinh nghiệm trong lĩnh vực này để tránh mắc phải những sai lầm không đáng có, gây lãng phí thời gian và tiền bạc, thậm chí phải làm lại từ đầu – rất tốn kém.

Bước 7: Bàn giao

Sau khi nhà thầu hoàn thiện toàn bộ các hạng mục, họ sẽ dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ và bàn giao cho gia chủ sửa soạn vào ở.

Phối cảnh 3D mẫu nhà phố hiện đại đã được hoàn thiện chỉn chu.

Phối cảnh 3D mẫu nhà phố hiện đại đã được hoàn thiện chỉn chu.

3. Kinh nghiệm hoàn thiện nhà xây thô mà gia chủ nên biết

Để sở hữu một ngôi nhà ưng ý, hài hòa giữa công năng sử dụng và tính thẩm mỹ, gia chủ cần lưu ý một số vấn đề sau đây khi thi công hoàn thiện nhà. 

Chọn thuê đơn vị thi công uy tín, chất lượng

Thực tế cho thấy, khi hoàn thiện nhà xây thô, gia chủ thường có hai lựa chọn: Thuê đơn vị thi công chuyên nghiệp hoặc thuê các nhóm, đội thợ hồ riêng lẻ. Mỗi phương án lựa chọn đều có những ưu, nhược điểm nhất định mà bạn có thể cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Thuê các nhóm, đội thợ hồ riêng lẻ

– Ưu điểm:

  • Tiết kiệm chi phí hoàn thiện nhà.
  • Chủ nhà chủ động hơn trong việc sắp xếp công việc, thời gian cho từng nhóm, đội thợ hồ thi công hoàn thiện nhà.

  • Có thể tiếp xúc trực tiếp với đội thợ, giám sát tỉ mỉ hơn.

  • Có thể tự mình đi mua vật liệu hoàn thiện nhà xây thô

– Nhược điểm:

  • Vì có nhiều đội, nhóm thợ nên k có ai quản lý tổng thể, không ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố. Thường thì chủ nhà phải trực tiếp giải quyết.

  • Dễ xảy ra tình trạng các đội thợ hồ riêng lẻ không hiểu ý nhau trong quá trình thi công hoàn thiện, ảnh hưởng tới tiến độ cũng như chất lượng công trình.

Thuê đơn vị thi công nghiệp nghiệp hoàn thiện nhà

– Ưu điểm:

  • Có người quản lý, chịu trách nhiệm và kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố tại công trình.

  • Đảm bảo tiến độ thi công và nhân công làm việc.

  • Đảm bảo chất lượng công trình, vật tư, vật liệu xây dựng.

  • Thời gian bảo dưỡng, bảo hành lâu dài.

– Nhược điểm:

Việc thuê đơn vị chuyên nghiệp thi công hoàn thiện nhà thường tốn kém chi phí hơn so với thuê đội thợ riêng lẻ. Tuy nhiên, kết quả mà gia chủ nhận được hoàn toàn xứng đáng với kinh phí bỏ ra. Việc tìm kiếm được đơn vị thi công uy tín, chất lượng cũng không đơn giản, cần khảo sát thị trường, xem xét các công trình thực tế để lựa chọn.

Lưu ý khi ký kết hợp đồng hoàn thiện nhà

hình ảnh minh họa cho việc ký kết hợp đồng hoàn thiện nhà thô

Trước khi ký hợp đồng hoàn thiện nhà thô, gia chủ cần tìm hiểu kỹ lưỡng các điều khoản.

Gia chủ cần hết sức lưu ý khi ký kết hợp đồng hoàn thiện nhà với nhà thầu, đội thợ. Bởi lẽ, nếu không đọc kỹ và có những ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ thì về sau khó giải quyết khi phát sinh sự cố ngoài ý muốn.

Trước hết, các điều khoản trong hợp đồng thi công hoàn thiện nhà cần cụ thể, rõ ràng. Kế đến, cần lưu ý những điều khoản bảo hành bên nhà thầu đưa ra. Đặc biệt, trước khi ký kết cần trao đổi, thống nhất cách giải quyết những vấn đề nhạy cảm như xảy ra sự cố, phát sinh chi phí.

Giám sát công trình, tích cực trao đổi với nhà thầu

Dù khoán trọn cho đội ngũ thiết kế, nhà thầu chuyên nghiệp nhưng gia chủ vẫn nên sát sao theo dõi quá trình thi công hoàn thiện nhà mình. Ví dụ, đối với chủng loại vật tư và giá cả tương ứng, trước khi thi công bạn cần kiểm tra lại từng mẫu gạch, thiết bị cụ thể, xem có đảm bảo trùng khớp với hợp đồng đã ký kết hay không. Nếu không phù hợp, không đúng loại đã yêu cầu thì còn kịp đổi mẫu trước khi thi công.

Mặt khác, gia chủ nên tích cực trao đổi với với nhà thầu, đội thợ trong quá trình thi công để kịp thời phát hiện, xử lý các lỗi phát sinh. Bạn và kiến trúc sư, nhà thầu có thể có nhiều ý kiến khác nhau về một chi tiết thiết kế, xây dựng nào đó. Tuy nhiên, tốt hơn hết, bạn nên lắng nghe lời khuyên của những người có kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế.

Nắm rõ tiến độ, trình tự thi công

Như chúng ta đã biết, khâu hoàn thiện nhà sẽ quyết định sự tiện nghi và tính thẩm mỹ của công trình. Do đó, bạn cần lên kế hoạch hoàn thiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ để đảm bảo rằng không có bất cứ vấn đề gì cản trở quá trình này.

Lưu ý thêm, nên làm hoàn thiện nhà từ tầng trên cùng đối với những công trình nhà ở có từ 2 tầng trở lên. Lý do là, với những khu vực đã hoàn thiện rồi thì không nên qua lại quá nhiều hay thực hiện các công việc khác để không làm ảnh hưởng tới chất lượng hạng mục công trình đã hoàn thiện.

Lưu ý về đơn giá hoàn thiện nhà thô

Tùy vào từng thời điểm, đơn giá hoàn thiện nhà thô hay chi phí hoàn thiện nhà xây thô sẽ có sự thay đổi và chênh lệch nhất định. Điều này phụ thuộc vào giá vật tư, nguyên vật liệu cũng như đơn vị thi công bạn chọn. Do đó, trong hợp đồng ký kết, bạn nên bổ sung những thay đổi này một cách linh hoạt, có lợi cho đôi bên, tránh phát sinh không mong muốn.

4. Những sai lầm cần tránh khi hoàn thiện nhà xây thô

Thống kê cho thấy, nếu chưa có kinh nghiệm hoàn thiện nhà xây thô và bản thân không nắm rõ kiến thức về xây dựng, thiết kế nội thất, nhiều gia chủ thường mắc phải một số sai lầm, ảnh hưởng tới tiến độ thi công, chi phí cuối cùng.

hình ảnh mô hình ngôi nhà đang quá trình hoàn thiện, đội thợ thi công, bản vẽ thiết kế

Nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn đơn vị báo giá thi công hoàn thiện nhà quá rẻ.

Chọn đơn vị thi công báo giá quá rẻ

Do ngân sách hạn hẹp hoặc muốn tiết kiệm chi phí, không ít gia chủ lựa chọn đơn vị thi công hoàn thiện nhà thô, hoàn thiện nội thất báo giá quá rẻ so với mặt chung trên thị trường. Rất có thể, đó là những nhà thầu thiếu chuyên nghiệp, không uy tín. Và dĩ nhiên, với dịch vụ giá rẻ, họ khó có thể sử dụng vật liệu, thiết bị cao cấp, đảm bảo chất lượng.

Ngôi nhà vì thế sẽ nhanh chóng xuống cấp sau một thời gian sử dụng, không đảm bảo an toàn cũng như tính thẩm mỹ, tốn kém kinh phí cải tạo, sữa chữa hoặc thay mới.

Sai lầm trong việc chọn vật liệu hoàn thiện nhà 

Vật liệu hoàn thiện nhà là một trong những yếu tố quyết định chất lượng công trình, độ bền và tính thẩm mỹ. Vì vậy, khi chọn vật liệu, gia chủ cần tránh phạm phải những sai lầm sau:

Chọn theo số đông

Nhiều gia đình, nhà thầu thi công hoàn thiện nhà thường chọn vật liệu theo số đông và an toàn hơn là chọn các thương hiệu nổi tiếng. Thế nhưng, thị trường vật liệu xây dựng, thiết bị vật tư hiện nay có nhiều tên tuổi mới với chất lượng sản phẩm tốt, giá thành phải chăng hơn.

Bạn nên căn cứ vào nhu cầu, khả năng tài chính của mình để chọn vật liệu cho phù hợp. Mặt khác, cần tìm hiểu về vật liệu, thương hiệu sản xuất, nhà phân phối thông qua các kênh chính thống, diễn đàn uy tín và tham vấn các chuyên gia, người có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, khi chọn vật liệu hoàn thiện nhà, các thành viên gia đình có thể có nhiều ý kiến khác nhau khiến bạn lưỡng lự chọn hàng nội hay ngoại chẳng hạn. Để đưa ra lựa chọn đúng đắn, bạn không chỉ lắng nghe ý kiến người thân, mà còn phải dựa vào kiến thức của bản thân và sự tư vấn từ chuyên gia.

Không coi trọng đặc tính vật lý của vật liệu

Tính năng vật lý của vật liệu hoàn thiện nhà thô rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít gia chủ chỉ quan tâm tới kiểu dáng, màu sắc thiết bị mà bỏ qua đặc tính vật lý của nó. Ví dụ, khi chọn gạch ốp lát những khu vực chức năng thường xuyên tiếp xúc với nước, ẩm ướt như phòng tắm, nhà bếp, chủ nhà cần quan tâm tới khả năng chống trơn trượt của gạch. Việc chọn sơn tường cũng vậy, có loại sơn chống thấm tốt, nhiều loại có khả năng tự làm sạch dưới ánh sáng mặt trời.

Nếu muốn tìm hiểu tính năng vật lý nói trên, bạn nên tham khảo ý kiến của nhà thiết kế, kiến trúc sư bởi họ là những người nhanh nhạy với các thông tin mới nhất về vật liệu và không phải chịu áp lực giá thầu khi chọn vật liệu.

Theo các chuyên gia, bạn nên lựa chọn vật liệu tối giản theo nguyên tắc “less is more” (ít hơn là nhiều hơn) để tránh tình trạng mỗi phòng là một kiểu gạch, một màu sơn, thiếu tính kết nối, không đảm tổng thề hài hòa, đẹp mắt. Thiết kế và hoàn thiện nhà theo phong cách tối giản mà tinh tế đã và đang được nhiều người yêu thích, lựa chọn.

hình ảnh phòng khách với sơn tường và trần mà trắng, sofa ghi xám, bàn trà tròn, thảm trải, đèn chùm, tranh treo tường, kệ  mở gắn tường

Vật liệu hoàn thiện nhà cần phù hợp với thiết kế tổng thể và từng khu vực chức năng cụ thể.

Sai lầm trong chọn nội thất hoàn thiện nhà thô

Không chỉ đảm bảo công năng sử dụng, sự tiện nghi, thoải mái cho người dùng, đồ nội thất còn quyết định giá trị thẩm mỹ của ngôi nhà. Thế nên, khi lựa chọn nội thất hoàn thiện nhà, bạn cần phải chú trọng, tránh phạm phải những sai lầm như sau:

Bỏ qua những lời khuyên hữu ích

Việc chọn nội thất hoàn thiện nhà không chỉ dựa vào sở thích của bản thân mà còn phụ thuộc các yếu tố như kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, phong thủy… Ngoài chức năng đơn thuần, đồ nội thất còn có tác dụng trang trí, làm đẹp nhà. Vì thế, để sở hữu không gian nội thất tiện nghi và đẹp mắt, gia chủ không nên quá tự tin vào gu thẩm mỹ của mình mà bỏ qua những lời khuyên hữu ích từ chuyên gia, kiến trúc sư, người có kinh nghiệm dày dặn.

“Mù quáng” chạy theo xu hướng

Nhiều người cho rằng những gì mới nhất là hiện đại nhất và đẹp nhất. Thế nhưng, nếu không phù hợp với thiết kế nội thất tổng thể, không tiện ích thì món đồ đó cũng trở nên vô dụng. Hơn nữa, các xu hướng nội thất thay đổi liên tục theo năm, theo mùa, thậm chí theo ngày nên sẽ rất tốn kém nếu bạn luôn muốn bắt kịp “trend”. Chưa kể, ngôi nhà có thể trở thành “chú tắc kè hoa” sặc sỡ, sến sẩm, rối mắt.

Tham khảo xu hướng thiết kế nội thất là điều cần thiết nhưng có vận dụng theo hay không thì bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng. Ví dụ, theo kinh nghiệm hoàn thiện nhà chung cư xây thô, một căn hộ nhỏ hẹp nên chọn đồ nội thất tối giản, thanh lịch hơn là phong cách cổ điển cầu kỳ. Nội thất cổ điển phù hợp hơn với căn hộ có diện tích rộng rãi, đủ để bài trí nhiều phụ kiện sang trọng.

Như vậy, với những kinh nghiệm hoàn thiện nhà xây thô mà Dothi.net chia sẻ trên đây, hẳn bạn đọc đã có được cái nhìn tổng quan về quy trình các bước hoàn thiện nhà thô, những lưu ý quan trọng, những sai lầm cần tránh để sở hữu không gian sống tiện nghi, thoải mái và giàu tính thẩm mỹ.

Lam Giang

 

>> 8 câu hỏi phỏng vấn giúp bạn chọn được nhà thầu tiềm năng

>> Xây nhà lệch tầng – nên hay không?

>> Tìm hiểu về xu hướng xây nhà theo giai đoạn – Growing House