Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là để định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững và lâu dài. Theo đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ một cách hoàn toàn công bằng, không phân biệt đối xử.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội của đất nước. Vì vậy, để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, thời gian qua các cơ quan chức năng của tỉnh đã xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng chuyên mục hỗ trợ đăng tải công khai các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của đơn vị mình. Cập nhật, đăng tải các quy định, văn bản liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên website nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu, tìm hiểu các thông tin liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thông tin kịp thời giúp doanh nghiệp tiếp cận các thông tin pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh được dễ dàng, thuận lợi và minh bạch và thực hiện việc cung cấp trên môi trường điện tử các thủ tục hành chính có nhu cầu lớn, liên quan nhiều đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các doanh nghiệp, sau rà soát kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản không phù hợp với quy định pháp luật cấp trên và tình hình thực tế địa phương, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong kinh doanh. Việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp cũng được các cơ quan chức năng thực hiện bằng nhiều hình thức như giải đáp bằng văn bản, giải đáp qua thư điện tử, giải đáp trực tiếp qua điện thoại hoặc tại các buổi tọa đàm, hội nghị, cuộc họp. Đối với những tình huống pháp lý đơn giản, các sở, ngành có liên quan tổ chức giải đáp trực tiếp khi có yêu cầu. Đối với những tình huống phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực do nhiều cơ quan quản lý thì các sở, ngành tiếp nhận đã tổ chức mời họp hoặc gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn để có văn bản giải đáp cho doanh nghiệp. Phải khẳng định rằng, công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp được thể hiện đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ. Các doanh nghiệp đã được tiếp cận các thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, các chế độ, chính sách, pháp luật được giới thiệu, tập huấn kịp thời đến các doanh nghiệp, từ đó nâng cao trình độ pháp luật cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong triển khai dự án cũng như giải quyết tốt các thủ tục hành chính có liên quan. Các khó khăn, vướng mắc được giải đáp kịp thời nhằm góp phần hỗ trợ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, hạn chế rủi ro trong kinh doanh cho doanh nghiệp.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo yêu cầu của Nghị quyết số 27, ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới gắn với việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp, người dân và nâng cao chất lượng, hiệu quả của tổ chức pháp chế của bộ, ngành, địa phương, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần phải tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp. Rà soát các quy định của pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường khảo sát, kịp thời đối thoại với doanh nghiệp nhằm xác định đúng và trúng các khó khăn, vướng mắc pháp lý để đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời nghiên cứu về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế phối hợp trong triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Đồng thời nhân rộng một số mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực…