Nâng cao hiệu quả văn hóa ứng xử trong trường học

GD&TĐ – Xác định ý nghĩa quan trọng của “văn hóa ứng xử trong trường học”, các trường học đã nỗ lực triển khai giải pháp không chỉ nhằm xây dựng an toàn, thân thiện, mà còn tạo nền tảng nâng cao chất lượng GD bền vững.

Tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học Minh Tân (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), vào lúc 5 giờ 30 phút sáng, khi tiếng trống báo thức vang lên, tất cả phòng ngủ bán trú của học sinh bật sáng đèn, học sinh nhanh chóng dậy gấp chăn màn, chải đầu tóc gọn gàng. Gần 300 học sinh bán trú nhưng không chen lấn, xô đẩy mà từ tốn, nhường nhịn, xếp hàng chờ nhau làm vệ sinh cá nhân, nhận đồ ăn sáng.

Theo ông Nguyễn Thế Bình – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, sau 3 năm triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025” trên địa bàn tỉnh đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ, tiền đề quan trọng về xây dựng nếp sống đẹp, văn minh trong nhà trường; góp phần hoàn thiện, phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Các nhà trường hầu hết có bộ ứng xử riêng, đặc thù, không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử thông qua các môn học, hoạt động giáo dục tập thể, câu lạc bộ, hội thi, diễn đàn theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Các thầy cô lựa chọn nội dung giáo dục văn hóa ứng xử phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý, tình cảm của học sinh.

Còn tại Trường THCS Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), học sinh xưng hô lễ phép với thầy cô trong các giờ học trực tuyến, chăm chú nghe giảng, đóng góp ý kiến xây dựng bài. Bên cạnh đó trong các bài giảng, thầy cô luôn nhắc nhở học sinh thực hiện quy tắc ứng xử trong mùa dịch theo thông điệp 5K.

Cô Lê Thị Lâm – Hiệu trưởng Trường THCS Vân Hồ chia sẻ: Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc dạy, học vất vả hơn, song lại gắn kết chặt chẽ hơn mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình. Khi việc tuân thủ quy định phòng dịch đã trở thành thói quen của học sinh, thì chính các em sẽ là những tuyên truyền viên, làm lan tỏa tới gia đình, cộng đồng.

Nhà trường đã xây dựng và hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong từng năm, quy định cụ thể về những nội dung lồng ghép trong tiết học. Trong buổi sinh hoạt dưới cờ, thầy cô khéo léo lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống, quy tắc ứng xử cho học sinh. Những tấm gương sáng, việc làm hay được tuyên truyền, giới thiệu trên trang web,  Facebook của nhà trường.

Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Một trong những dấu ấn mà ngành GD-ĐT Hà Nội đạt được là triển khai thành công việc giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống văn minh cho học sinh. Qua các tiết học, học sinh thích thú, với bài giảng và có chuyển biến rõ nét trong cách giao tiếp, ứng xử. Ngoài ra, ngành cũng xây dựng kế hoạch đưa trò chơi dân gian, sân khấu học đường vào trường học, giúp học sinh rèn luyện thêm kỹ năng trong cuộc sống.