Nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN
Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công chức, giảng viên và đặc biệt là sinh viên về ASEAN nói chung và ASCC nói riêng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà hoan nghênh những nỗ lực trong công tác truyền thông, cụ thể là việc thực hiện tốt Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá ASEAN cũng như việc thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025” (gọi tắt là đề án 161). Trong đó, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch hành động với nhiệm vụ nâng cao nhận thức, tuyên truyền về ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN nói riêng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, nỗ lực này đã góp phần tạo nên những kết quả tích cực được ghi nhận trong Khảo sát về Nhận thức ASEAN do ASEAN tổ chức năm 2018. Trong đó, Việt Nam đạt tỷ lệ 44% người dân có hiểu biết về ASEAN so với tỷ lệ 23% của toàn ASEAN. 87% người dân Việt Nam có suy nghĩ lạc quan về tương lai của ASEAN, trong khi tỷ lệ này đối với các nước ASEAN nói chung là 78%.
Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC) là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN với 15 cơ quan chuyên ngành, phụ trách nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân. ASCC mang một ý nghĩa quan trọng khi đặt người dân là trung tâm, phục vụ cho người dân và nhanh chóng chứng tỏ được vị trí đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển của từng quốc gia cũng như khu vực. ASCC hội cũng đã chủ động và tích cực hợp tác với hai trụ cột Chính trị-An ninh và Kinh tế để giải quyết những thách thức đối với phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực ASEAN.
Theo GS,TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN có vai trò vô cùng đặc biệt. ASCC được thiết lập một cách tự nhiên, khách quan trên nền tảng phát triển các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời với sự đóng góp của rất nhiều thế hệ người dân ASEAN qua dặm dài lịch sử. Sự học hỏi lẫn nhau, sự giao thoa với các giá trị văn hóa-xã hội của các cộng đồng khác đã giúp ASCC từng bước trở thành một trong số những cộng đồng gắn kết, phát triển đồng đều, hòa hợp, với các “xã hội quan tâm và chia sẻ” có ảnh hưởng và tạo ra những dấu ấn khác biệt trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, sáng kiến chung về ASCC là một sự kết nối có tính lịch sử, tính nhân văn vô cùng sâu sắc.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã được nghe chia sẻ cập nhật về hội nhập ASEAN trên ba trụ cột: Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội.
Hội nghị cũng tập trung vào nội dung trao đổi về phát triển nguồn nhân lực và đào tạo kỹ năng trong ASEAN, kiểm định chất lượng đại học và các chương trình trao đổi giao lưu sinh viên trong ASEAN.
* Một số nét chính của Đề án 161:
– Mục tiêu chung: Thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN đến năm 2025 nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.
– Một số mục tiêu cụ thể
Nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN.
Huy động nguồn lực để bảo đảm thực hiện một cách hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và mang lại lợi ích, hòa nhập, bền vững, tự lực tự cường và năng động.
* Triển khai các hoạt động xây dựng
– cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân
– cộng đồng hòa nhập
– cộng đồng bền vững
– cộng đồng tự lực tự cường
– cộng đồng năng động
Chủ đề: 55 năm Ngày thành lập ASEAN Bạn bè quốc tế đánh giá cao sự đóng góp và vai trò quan trọng của Việt Nam Nâng cao nhận thức về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN Sôi nổi Ngày Gia đình ASEAN năm 2022 tại Hà Nội